Home » Tin tức » Nhân vật - Sự kiện

SÁCH TRẮNG QUỐC PHÒNG TRUNG QUỐC NĂM 2013

THUrsday - 23/01/2014 03:28
SÁCH TRẮNG QUỐC PHÒNG TRUNG QUỐC NĂM 2013

SÁCH TRẮNG QUỐC PHÒNG TRUNG QUỐC NĂM 2013

Sách Trắng Quốc phòng TQ năm 2013, chứa đựng các nội dung cô đọng các quan điểm của TQ về những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia với những định dạng cụ thể. Sách Trắng QPTQ năm 2013, lần đầu tiên tiết lộ cấu trúc của các lực lượng đóng quân; đề cập đến các đơn vị liên binh chủng, các lữ đoàn độc lập thực hiện các nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ TQ; xác định đối thủ tiềm năng là Mỹ và Nhật Bản. Sách Trắng Quốc phòng TQ năm 2013 được công bố bởi Văn phòng Báo chí Quốc Vụ Viện TQ, ngày 16/4/2013, với 15 929 từ, bao gồm lời nói đầu, phần kết luận, nội dung chính gồm 5 phần : 1. Cục diện mới, Thách thức mới, Sứ mạng mới; 2. Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang; 3. Bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ; 4.Bảo đảm phát triển kinh tế xã hội; 5.Duy trì ổn định hòa bình khu vực và thế giới.


Phần 1 : Cục diện mới, thách thức mới, Sứ mạng mới.
Từ khi bước sang thế kỉ mới đến nay, cục diện thế giới đã phát sinh những biến đổi phức tạp và sâu sắc, hòa bình và phát triển vẫn là xu thế  chính của thời đại. Toàn cầu hóa kinh tế, thế giới đi sâu vào phát triển đa cực hóa, văn hóa đa dạng hóa, tin học hóa xã hội tiếp tục phát triển, cán cân so sánh lực lượng quốc tế phát triển theo xu hướng có lợi cho hòa bình thế giới, cục diện thế giới về tổng thể  cơ bản là ổn định. Tuy nhiên , thế giới vẫn rất không bình yên, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa can thiệp và nạn cường quyền chính trị vẫn đang tăng lên, các điểm nóng bất ổn cục bộ thường xảy ra, sự thách thức  giữa an ninh  truyền thống và an ninh phi truyền thống tương tác đan xen, cạnh tranh quốc tế trở nên khốc liệt hơn trong lĩnh vực quân sự. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành sân chơi  của các cường quốc chiến lược, Mỹ đã điều chỉnh chiến lược an ninh trọng tâm chuyển về khu vực châu Á- Thái Bình Dương, làm cho cục thế các nước trong khu vực có sự điều chuyển sâu sắc. Trung Quốc đã nắm chắc thời cơ chiến lược, tiềm lực tổng hợp của đất nước được nâng cao, đời sống của nhân dân được cải thiện, đại cục xã hội ổn định, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình, sức cạnh tranh và ảnh hưởng của TQ trên trường quốc tế ngày càng tăng. Nhưng TQ vẫn đối mặt với những thách thức và uy hiếp đa nguyên phức tạp, vấn đề an ninh sinh tồn và  an ninh phát triển, uy hiếp an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đan xen; việc gìn giữ thống nhất quốc gia, gìn giữ toàn vẹn  lãnh thổ , nhiệm vụ gìn giữ phát triển lợi ích càng trở nên nặng nề. Có quốc gia tăng cường mở rộng đồng minh quân sự ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, gây ra căng thẳng ở khu vực. Cá biệt, có nước láng giềng có động thái làm phức tạp hóa vấn đề lợi ích biển và chủ quyền lãnh thổ TQ.Nhật Bản tạo ra rối loạn về vấn đề đảo Điếu Ngư. Ba thế lực, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa li khai và chủ nghĩa cực đoan uy hiếp gia tăng. Các hoạt động của các thế lực li khai đòi Đài Loan độc lập, là uy hiếp lớn nhất cho an ninh và hòa bình trên eo biển Đài Loan.Các nhân tố tai họa do thiên tai, các sự cố an  toàn về vệ sinh môi trường làm ảnh hưởng đến ổn định xã hội ngày càng trở nên lo ngại, nguy cơ lợi ích quốc gia ở nước ngoài gia tăng. Các nước lớn đầy nhanh quá trình phát triển kĩ thuật quân sự  công nghệ cao, tăng tốc chiến lược thông tin, tranh giành quyền kiểm soát không gian và không gian mạng.  Đối mặt với môi trường an ninh phức tạp đầy biến động, quân đội TQ kiên quyết thực hiện sứ mạng lịch sử trong giai đoạn mới, triển khai chiến lược an ninh quốc gia và tầm nhìn chiến lược quân sự, ứng phó có hiệu quả với các loại uy hiếp an ninh. Lực lượng vũ trang TQ kiên trì các nguyên tắc cơ bản sau:
-         Gìn giữ an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo cho đất nước phát triển hòa bình, đó là nhiệm vụ thiêng liêng mà hiến pháp và pháp luật giao phó cho lực lượng vũ trang. Kiên định chiến lược quân sự phòng ngự tích cực,  để phòng và chống xâm lược, răn đe các thế lực li khai, bảo vệ an ninh biên phòng-hải phòng-không phòng (hiểu theo nghĩa thông thường thì Biên phòng-tức là phòng vệ biên giới, hải phòng tức là phòng vệ biển, không phòng tức là phòng vệ bầu trời- tác giả), gìn giữ lợi ích an ninh không gian mạng, an ninh bầu trời và lợi ích biển quốc gia, sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền  và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia ;
-         Kiên quyết đánh thắng mọi cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện tin học hóa , nâng cao năng lực tác chiến trong hệ thống tin học hóa. Phát triển và hoàn chỉnh lí luận mới về chiến thuật, chiến lược chiến tranh nhân dân , nâng cao chất lượng lực lượng hậu bị và động viên quốc phòng, tăng cường diễn tập quân sự ;
-         Xây dựng và hoàn thiện khái niệm “ an ninh tổng hợp”, tích cực tham gia và hỗ trợ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn thảm họa thiên tai. Theo qui định của pháp luật, thực hiện chức năng bảo vệ và ổn định an ninh quốc gia, kiên quyết đánh thắng mọi âm mưu hoạt động lật đổ của các thế lực thù địch, chống lại các hoạt động bạo lực và khủng bố, tăng cường cứu trợ khẩn cấp và hộ tống hàng hải, xây dựng năng lực hành động ở nước ngoài cũng như năng lực sơ tán công dân TQ ở nước ngoài, cung cấp một đảm bảo an ninh tin cậy để bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài.
-         Tăng cường hợp tác an ninh, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế. Lực lượng vũ trang TQ là người đề xướng, người đẩy mạnh và là người tham gia thực hiện hợp tác an ninh quốc tế. Kiên trì 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, thực hiện giao lưu quân sự, tăng cường hợp tác quân sự với các nước theo 3 phương châm : không liên minh, không đối kháng, không nhằm vào nước thứ ba; đẩy mạnh cơ chế tin cậy quân sự  lẫn nhau và cơ chế an ninh tập thể công bằng, hiệu quả, tăng cường xây dựng lòng tin cậy lẫn nhau  và hợp tác quân sự với các nước láng giềng, đẩy mạnh hợp tác và đối thoại an ninh biển, tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình  của Liên Hợp Quốc, thực hiện hợp tác chống khủng bố, tham gia cứu hộ cứu nạn hàng hải quốc tế, tham gia diển tập quân sự quốc tế, làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ  quốc tế, phát huy vai trò và tác dụng  của TQ trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định trên thế giới.
-         Lực lượng vũ trang TQ tuân thủ hiến pháp và pháp luật, tôn trọng các nguyên tắc và tôn chỉ của Liên Hợp Quốc.
Phần 2 : Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang.
Lực lượng vũ trang TQ bao gồm : Quân Giải phóng Nhân dân TQ, Bộ đội Cảnh sát Vũ trang Nhân dân TQ (gọi tắt là Vũ Cảnh- tức Cảnh sát Vũ trang- tác giả) và Dân binh, có vai trò trách nhiệm thiêng liêng và sứ mạng lịch sử quang vinh trong toàn bộ sự nghiệp chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, gìn giữ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
  Lục quân : chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ tác chiến trên bộ, bao gồm : Bộ đội tác chiến cơ động, Bộ đội Biên phòng- Hải phòng, Bộ đội Cảnh vệ, Cảnh bị.Theo yêu cầu chiến lược của tác chiến cơ động, Lục quân tiếp tục đẩy mạnh tác chiến kiểu phòng vệ khu vực chuyển thành phòng vệ xuyên khu vực;
Gia tăng phát triển Bộ đội Phòng không lục quân, Bộ đội Tác chiến đặc chủng và Bộ đội Cơ giới hóa hạng nhẹ, tăng cường xây dựng Bộ đội Số hóa, từng bước thực hiện đa dạng hóa, nhất thể hóa bầu trời – mặt đất, tăng cường khả năng cơ động xa, đột kích nhanh và năng lực tác chiến đặc chủng. Lực lượng tác chiến cơ động lục quân, bao gồm  18 Tập đoàn quân và các sư tác chiến độc lập, hiện có 85 vạn binh sĩ. Tập đoàn quân bao gồm các sư đoàn và lữ đoàn thuộc 7 Quân khu. Quân khu Thẩm Dương có Tập đoàn quân 16, 39, 40;  Quân khu Bắc Kinh có các Tập đoàn quân 27, 38, 65; Quân khu Lan Châu có các Tập đoàn quân 41, 42; Quân khu Thành Đô có các Tập đoàn quân 13, 14; Quân khu Tế Nam có các Tập đoàn quân 20,  26,  54;  Quân khu Nam Kinh có các Tập đoàn quân 1, 12, 31; Quân khu Quảng Châu có các Tập đoàn quân 41, 42.
  Hải Quân: là lực lượng chủ thể tác chiến trên biển, đảm nhiệm nhiệm vụ bảo đảm an ninh biển, bảo vệ chủ quyền lãnh hải và duy trì lợi ích biển, tạo thành bởi các binh chủng: Bộ đội Tàu ngầm, Bộ đội Tàu mặt nước, Bộ đội Hàng không, Lính thủy đánh bộ, Bộ đội Bảo vệ bờ biển. Theo yêu cầu của chiến lược phòng ngự biển gần, hải quân chú trọng nâng cao trình độ, hiện đại hóa trình độ tác chiến tổng hợp biển gần, phát triển tàu ngầm tiên tiến, khu trục hạm, tàu hộ tống, hoàn thiện hệ thống trang bị tin học điện tử tổng hợp, nâng cao năng lực tác chiến cơ động hợp tác biển xa và năng lực uy hiếp an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, nâng cao năng lực răn đe và năng lực phản kích chiến lược. Hải quân hiện có 23, 5 vạn binh sỹ với 3 hạm đội: Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Hạm đội gồm bộ đội hàng không hạm đội, căn cứ, chi đội vùng thủy cảnh, sư bộ binh hàng không và lữ đoàn lục chiến. Tháng 9/2012, tàu chở máy bay đầu tiên của TQ- “Liêu Ninh” đã chính thức gia nhập  đơn vị chiến đấu. Trung Quốc phát triển lực lượng tàu chở máy bay, có ý nghĩa sâu xa trong việc xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh để bảo vệ an ninh trên biển.
  Không quân: là lực lượng chủ thể tác chiến trên không, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng trời, duy trì ổn định không phòng toàn quốc, gồm các binh chủng: Bộ đội Hàng không, Bộ đội Phòng không mặt đất, Bộ đội Ra đa, Bộ đội Dù, Bộ đội tác chiến Điện tử. Theo yêu cầu của chiến lược không phòng quốc gia, không quân tăng cường xây dựng lực lượng tác chiến mà trọng điểm là trinh sát dự báo, tiến công trên không, chống tên lửa, phát triển trang bị vũ khí hiện đại, máy bay tác chiến thế hệ mới, tên lửa đất đối không và ra đa kiểu mới, hoàn thiện hệ thống chỉ huy thông tin, nâng cao năng lực dự báo chiến lược, nâng cao khả năng uy hiếp và đánh chặn từ xa. Không quân hiện có 39, 8 vạn binh sỹ, gồm 7 quân khu không quân và 1 quân đoàn lính dù. Quân khu Không quân gồm: căn cứ, sư bộ binh hàng không, sư tên lửa đất đối không, lữ ra đa.
Lực lượng Pháo binh thứ 2 : là lực lượng chủ yếu răn đe chiến lược của Trung Quốc, có nhiệm vụ ngăn chặn nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân chống Trung Quốc, thực hiện đòn phản kích hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông thường. Lực lượng Pháo binh thứ 2 bao gồm: Bộ đội tên lửa hạt nhân chiến lược, bộ đội tên lửa thông thường, bộ đội đảm bảo tác chiến. Lực lượng Pháo binh thứ 2, đẩy nhanh quá trình tin học hóa dựa trên những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, để nâng cao tính an toàn, tính đáng tin cậy, tính hiệu quả cao của vũ khí hạt nhân. Trước mắt Lực lượng Pháo binh thứ 2 sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo Đông Phong và tên lửa đạn đạo chống hạm Trường Kiếm.
Bộ đội Vũ Cảnh, thời bình có nhiệm vụ xử lý các sự kiện đột xuất phát sinh, chống khủng bố, giải thoát con tin, tham gia và chi viện cho công cuộc xây dựng phát triển kinh tế; thời chiến có nhiệm vụ phối hợp với Quân giải phóng  tiến hành tác chiến phòng vệ . Vũ Cảnh dựa vào cơ sở hạ tầng nhà nước, tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc tổng hợp 3 cấp từ Tổng bộ Vũ Cảnh cho đến đơn vị cơ sở . Bộ đội Vũ Cảnh bao gồm: bộ đội Nội vệ và bộ đội |Cảnh chủng. Bộ đội Nội vệ bao gồm: Tổng đội Nội vệ của các tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương), các Sư đoàn Cảnh sát cơ động; Bộ đội Cảnh chủng bao gồm: Bộ đội Hoàng Kim(khai thác vàng- tác giả), bộ đội Sâm Lâm (nguyên nghĩa là Rừng rậm- tác giả), bộ đội Thủy điện, bộ đội Giao thông, Công an Biên phòng ( tức Bộ đội Biên phòng Công an-TQ còn thường gọi là Cảnh sát Biên phòng-tác giả), bộ đội Phòng cháy chữa cháy và bộ đội Cảnh vệ .
Dân binh là tổ chức quần chúng không thoát ly sản xuất, là lực lượng hậu bị và trợ thủ đắc lực của Quân giải phóng. Dân binh tham gia công cuộc xây dựng hiện đại hóa đất nước, là lực lượng dự bị chiến lược tham gia phòng vệ tác chiến, có nhiệm vụ phối hợp duy trì trật tự trị an xã hội và tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Phần III: Bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.
Nhiệm vụ cơ bản của lực lượng vũ trang Trung Quốc là củng cố quốc phòng, chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc; lực lượng vũ trang Trung Quốc kiên trì lấy yêu cầu an ninh quốc gia làm chủ đạo, có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh  và đánh thắng chiến tranh, bảo vệ an ninh biên phòng – hải phòng – không phòng; tăng cường công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và diễn tập quân sự, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kì thời gian nào cũng kiên quyết đẩy lùi mọi hành vi khiêu khích nguy hại đến an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia
Bảo vệ an ninh biên phòng – hải phòng:
Trung Quốc có 2,2 vạn km đường biên giới đất liền; 1,8 vạn km bờ biển lục địa, là một trong những nước có đường biên giới dài nhất, tiếp giáp nhiều nước nhất trên thế giới. Trung Quốc có 6500 đảo có diện tích trên 500 m2 với đường bờ đảo tổng cộng 1,4 vạn km. Lực lượng vũ trang Trung Quốc có nhiệm vụ nặng nề bảo vệ an ninh biên phòng- hải phòng, thực thi phòng vệ và kiểm soát biên giới đất liền và vùng duyên hải.
  +  Bộ đội Biên phòng lục quân,  đóng ở biên giới, vùng duyên hải và hải đảo, có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biên giới, hải đảo, bờ biển, chống kẻ địch xâm nhập, chống lấn chiếm,chống khiêu khích; phối hợp tấn công các lực lượng khủng bố, phá hoại, vượt biên, buôn lậu qua biên giới, kịp thời ngăn chặn và chống lại các hành vi chống đối chính sách về biên phòng, thay đổi hiện trạng đường biên giới quốc gia, kịp thời giải quyết và ứng cứu đột xuất, bảo vệ an ninh, ổn định khu vực biên giới và vùng duyên hải. Trung Quốc đã kí kết các hiệp nghị về hợp tác biên phòng với 7 nước láng giềng, xây dựng cơ chế hội đàm biên phòng với 12 nước. Bộ đội biên phòng lục quân Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chung biên phòng với các nước: Nga, Mông Cổ, Việt Nam, Kazakhstan. Cùng với Nga, Kazakhstan, Kurgyzstan, Tajikistan và các nước khác tổ chức hoạt động kiểm tra thực sát chung, giám sát và kiểm tra việc thực hiện các hiệp nghị biên phòng, xây dựng lòng tin cậy lẫn nhau trong khu vực.
  + Hải quân,  tăng cường việc kiểm soát và quản lý vùng biển, xây dựng và hoàn thiện cơ chế tuần tra, nắm vững tình hình vùng biển các nước xung quanh, có nhiệm vụ phòng chống các hoạt động phá hoại, xâm nhập, lôi kéo, kịp thời xử lý các sự kiện đột xuất trên biển và trên không, đẩy mạnh hợp tác an ninh biển, bảo vệ an toàn và tự do hàng hải. Trong khuôn khổ cơ chế hiệp thương  an ninh quân sự trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc, định kỳ triển khai giao lưu tin tức trên biển, tránh xẩy ra những sự kiện ngoài ý muốn. Theo nghị định tuần tra liên hợp vịnh Bắc Bộ đã ký với Việt Nam, Hải quân 2 nước từ năm 2006, mỗi năm tổ chức tuần tra chung 2 lần.
   + Bộ đội Biên phòng Công an  ,là lực lượng chấp pháp vũ trang  của nhà nước, bố trí trên biên giới, vùng duyên hải và các cửa khẩu, có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ gìn giữ an ninh và trật tự xã hội trên biển, vùng duyên hải và vùng biên giới, duy trì trật tự và thực thi thủ tục xuât nhập cảnh ở các cửa khẩu. Bộ đội Biên phòng Công an có nhiệm vụ duy trì trật tự và ổn định khu vực biên giới, đánh bắt tội phạm, cứu nạn, phòng chống thiên tai, chống lấn chiếm, buôn lậu, vượt biên, vượt biển trái phép. Bộ đội Biên phòng Công an phải hoạch định khu vực quản lý biên phòng, khu công tác biên phòng trên tuyến biên giới đất liền và vùng duyên hải. Trên vùng phân giới lục địa kề Hồng Kông, Ma Cao và vùng duyên hải kề Hồng Kông, Ma Cao, có độ sâu 20-50 m, hoạch định khu cảnh giới biên phòng; trên các cửa khẩu quốc tế, lập các Trạm kiểm tra Biên phòng; trên vùng biển bố trí lực lượng Cảnh sát Biển.
Từ năm 2011 đến nay, bộ đội Biên phòng Công an đã phá tổng cộng 47,445 vụ án trên biển & trên biên giới, thu 12,357 kg ma túy các loại, tịch thu súng phi pháp 125,115 khẩu, bắt giữ 5607 lượt người vượt biên vượt biển trái phép.
Bảo vệ an ninh không phòng:
Không quân là lưc lượng chủ thể bảo vệ an ninh Không phòng quốc gia; Lục quân, Hải quân và bộ đội Vũ cảnh, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, thực hiện nhiệm vụ không phòng bộ phận. Thời bình, không phòng quốc gia thực hiện thế chế chỉ huy: không quân – không quân quân khu – bộ đội phòng không. Không quân căn cứ vào mệnh lệnh của quân ủy trung ương, thực hiện thống nhất chỉ huy các lực lượng phòng không, tổ chức lực lượng trực ban chiến đấu phòng không hàng ngày, tiến hành tuần tra cảnh báo bầu trời trên biển, trên biên giới và trên đất liền; tổ chức hệ thống giám sát hàng không, kiểm soát hoạt động bay, gìn giữ trật tự trên không, bảo đảm an toàn bay.Thể chế không phòng của Trung Quốc tạo bởi 6 hệ thống: trinh sát kiểm soát, kiểm soát chỉ huy, phòng ngự bầu trời, phòng không mặt đất, bảo đảm tổng hợp và phòng không nhân dân. Hoạt động phòng không cơ bản hàng ngày của không quân chủ yếu là tổ chức thực hiện trinh sát dự báo sớm, kiểm soát bầu trời quốc gia và tường tận động thái vùng trời các nước xung quanh; lúc nào cũng phải nắm vững các loại uy hiếp an ninh bầu trời, tổ chức cơ cấu chỉ huy các cấp. Trung Quốc đã hoàn thiện thể chế lực lượng không phòng thống nhất, bao gồm: trinh sát dự báo sớm, kháng kích, phản kích và phòng hộ; lấy máy bay cảnh báo sớm và ra đa thám sát trên không làm chủ thể, lấy trinh sát kĩ thuật, trinh sát điện tử đối kháng làm biện pháp bổ sung ; lấy máy bay tiêm kích, tiêm kích ném bom, tên lửa đất đối không, pháo cao xạ làm chủ thể, lấy  phòng không lục quân , phòng không dân binh, phòng không nhân dân làm lực lượng đánh trả bổ sung.
Nguyễn Ngọc Điệp
 
Nguồn: 
 news.xinhuanet.com/politics/2013-04/16/c_115403491.htm
ngày 16/4/2013- Tân Hoa Xã
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh