Home » Tin tức » Nhân vật - Sự kiện

TẤM BIA BÁC HỒ ĐỌC Ở CÔN SƠN

WEDnesday - 08/01/2014 02:55
Ngày 15 tháng 2 năm 1965 Bác Hồ đã về thăm Côn Sơn, dãy núi năm đỉnh giữa vùng núi đồi trập trùng phía đông bắc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng. Côn Sơn vốn là phần đất của Chi Ngại, quê hương lâu đời của Nguyễn Trãi, với suối đàn, bóng trúc, lũng thông, chùa cổ và không gian tỉnh lặng đã gắn bó với đời sống và hồn thơ của Ức Trai Nguyễn Trãi
TẤM BIA BÁC HỒ ĐỌC Ở CÔN SƠN


Bác Hồ đang đọc tấm bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" tại chùa Côn Sơn tỉnh Hải Dương, ngày 15-02-1965

Ngày 15 tháng 2 năm 1965 Bác Hồ đã về thăm Côn Sơn, dãy núi năm đỉnh giữa vùng núi đồi trập trùng phía đông bắc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng. Côn Sơn vốn là phần đất của Chi Ngại, quê hương lâu đời của Nguyễn Trãi, với suối đàn, bóng trúc, lũng thông, chùa cổ và không gian tỉnh lặng đã gắn bó với đời sống và hồn thơ của Ức Trai Nguyễn Trãi(1).
Giữa Côn Sơn, Bác Hồ thăm cảnh chùa, xem tượng, đọc bia, nghỉ chân ở phiến đá bên bờ suối… Tấm ảnh Bác đọc bia là hình ảnh đẹp của chuyến Bác về thăm Côn Sơn, tưởng nhớ Nguyễn Trãi đồng thời cũng biểu hiện tấm lòng của Người đối với di sản Hán Nôm.
Tấm bia Bác Hồ đọc là Côn Sơn Tư Phúc tự bi (Bia chùa Côn Sơn). Đây là một trong số hơn chục bia còn lại ở chùa Côn Sơn). Đây là một trong số hơn chục bia còn lại ở chùa Côn Sơn; hiện để ở nhà bia phía vườn trước chùa, khối bia có sáu mặt, cao 1m20, rộng 0,35, mỗi mặt có 68 dòng, mỗi dòng có 15 đến 30 chữ; trán bia chạm hình rồng mây, sáu chữ tiêu đề bia được chạm to dưới trán. Diềm bia chạm hình dây leo cách điệu, có chóp rời chụp lên, và được chốt trên đá tảng hình lục lăng, sát chân bia có chạm hình cánh sen cách điệu.
Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng năm Hoằng Định thứ tám (1607) đời Lê Kính Tông, do Chiêm Đường Nguyễn Đức Minh soạn; Tạ Tuân tự Đạo Cao viết chữ, Lê Liễu người xã Kính Chủ khắc bia.
Bản rập tấm bia này tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang các ký hiệu liên tiếp từ số 18776 đến 18781. Các bản rập có một số chữ mờ, thiếu nét, nhưng bia tại chùa chữ còn rõ. Kết hợp các thác bản và bia hiện vật, chúng tôi giới thiệu tóm tắt nội dung các mặt bia như sau:
Mặt thứ nhất (số 18776) cho biết chùa Tư Phúc ở Côn Sơn có quy mô từ thời Trần. Là nơi trụ trì của Huyền Quang, Ma Hán tôn giả vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần Sư trụ trì chùa đương thời là Mai Như Bản (tức Mai Trí Bản theo chữ ở các mặt 4 và 6. Hai chữNhư và Tri khắc nét chữ xiên có thể đọc lầm), tự Huệ Pháp, hiệu Pháp Nhẫn đứng ra lo liệu việc trùng tu; lại có các đệ tử đi khuyến giáo các quan viên, chức sắc, cung tần, thể nữ, cùng thiện nam, tín nữ các nơi góp đủ tiền mua được một số ruộng hưng công xây dựng nhà thiên hương, tiền đường, hậu đường, hai bên hành lang, cửa tam quan… tu sửa lại thượng điện, tô lại tượng Phật, san khắc sách kinh v.v.
Một số bia khác ở Chùa Côn Sơn cũng nhắc đến Mai Trí Bản và việc tu tạo mở mang chùa Côn Sơn lần này, hiện còn tượng thờ thiền sư ở góc phải nhà tổ. Tương truyền ông còn dùng lá rễ cây rừng chế ra thuốc trừ sâu giúp dân bảo vệ mùa màng.
Mặt thứ hai (số 18777 ) ghi tên các hội chủ và tín thí quê ở huyện thuộc phủ Khoái Châu.
Mặt thứ ba (số 18778) ghi riêng các tín thí ở làng Chi Ngại.
Mặt thứ tư (số 18779) ghi tên 4 nhà sư có tiếng khác đã giúp sức vào việc sửa chữ Côn Sơn là: Thiên sư Đạo Phái; Hòa thượng Trần Đạo An, tự Định Hương người xã Từ Quán, huyện Gia Thủy, phủ Thiên Trường trụ trì ở chùa Tịnh Quang, Từ Sơn; Hòa thượng Nguyễn Quỳnh Cư tự Huệ Quang trụ trì ở chùa Hoa Yên núi Yên Tử; Hòa thượng Vũ Văn Thông tự Huệ Hải hiệu Linh Không trụ trì ở chùa Vĩnh Nghiên, từng giữ chức Tăng chính trong Tăng hội; tên một số tăng người và tín thí khác… Cuối bia ghi vị trí 80 mẫu ruộng của nhà chùa….
Mặt thứ sáu (số 18781) ghi riêng họ tên của sư Mai Trí Bản quê ở xã Mai Đồ, huyện Quế Dương (tức Quế Võ, thuộc Hà Bắc ngày nay) cùng môn đệ như Tì khưu người Mai Ngọc Liên v.v. tất cả hơn 30 người đã tham gia công việc trùng tu chùa Côn Sơn.
Mặt thứ năm (số 18780), đúng ra là mặt cuối cùng, khắc bài minh gồm 32 câu, mỗi câu 4 chữ. Xin trích giới thiệu sau đây đoạn đầu của bài minh ca ngợi cảnh đẹp ở Côn Sơn.
Phiên âm:
Thiên khai Nam quốc,
Địa lịch Bắc Kinh.
Tráng tai huyện Phượng,
Hảo ta động Thanh!
Vi tam thiên giới,
Khoa đệ nhất hình.
An cao Đông trụ,
Bình nhiễu Tây thành.
Đinh sơn hậu trấn,
Hà thủy tiền nghênh.
Cảnh quang long cứ,
Nhật noãn hạc minh.
Châu đình bí vũ,
Diệu tướng Kim tinh.
Lâu dài nguyệt sắc,
Chung cổ phong thanh
 …

Tạm dịch:
Trời mở nước Nam,
Đất xây Kinh Bắc(2).
Lớn thay huyện Phương(3),
Đẹp thay động Thanh(4).
Ba nghìn thế giới,
Khoe bậc nhất hình.
Yên Tử dựng trụ,
Bình Than ôm thành.
Núi sau trấn giữ,
Sông trước đón nghênh.
Hạc ca trời ấm,
Rồng cuộn đất lành.
Sân chùa châu ngọc,
Tượng Phật minh vàng.
Lâu đài trăng sáng,
Chuông trống gió vang…

Như vậy tấm bia Bác Hồ đọc là Côn Sơn Tư Phúc tự bi, một tư liệu quý về văn học, sử học, nhất là đối với việc nghiên cứu di tích Côn Sơn. Trước đây chưa rõ nội dung tấm bia này nên khi giới thiệu tấm ảnh Bác Hồ đọc bia, các sách báo ghi chú còn khác nhau đến nay chúng ta có thể thống nhất lời ghi cho tấm ảnh lịch sử này là: Bác Hồ đọc bia chùa Tư Phúc ở Côn Sơn tỉnh Hải Hưng.
Nguyễn Tuấn Thịnh


CHÚ THÍCH
(1) Xem: Nguyễn Tuấn Thịnh: Nguyễn Trãi Côn Sơn. Hội Văn hóa - Nghệ thuật và Ty Văn hóa - Thông Tin Hải Hưng xuất bản, 1980.
(2) Côn Sơn xưa thuộc huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc.
(3) Côn Sơn xưa thuộc huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc.
(4) Động Thanh Hư là công trình kiến trúc kết hợp với cảnh thiên nhiên do Trần Nguyên Đán, ông ngoại Nguyễn Trãi xây dựng năm 1384 giữa khe núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc (dãy núi phía Đông Bắc Côn Sơn). Năm 1385 Trần Nguyên Đán về hưu ở tại đây.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh