Những dòng chữ hừng hực khí thế đấu tranh và lời yêu thương của đại tá Trần Ngọc Giao dành cho vợ được người Mỹ xem như báu vật. Mãi hơn 22 năm sau, lời yêu thương đó mới đến với vợ ông qua bài báo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng với tựa đề: “Xin đưa hồn anh về Tổ quốc”.
Từ cậu bé ở mướn…
Căn nhà nhỏ của vợ chồng đại tá Trần Ngọc Giao ở thôn Tập An Nam, xã Phổ Văn (Đức Phổ, Quảng Ngãi) nằm cạnh dòng sông Trà Câu hiền hòa và thơ mộng. Ở tuổi 91, ông khá minh mẫn kể lại những buồn vui trong cuộc đời.
Tuổi thơ ông cơ cực, cha mẹ phải đi làm thuê cho địa chủ. Đến lớp 3, ông theo chân người dượng vào tận Cần Thơ ở mướn cho gia đình phú hộ. Sau đó, ông rời nhà chủ, lội bộ hàng chục cây số mỗi ngày mang thùng đi bán kem lạnh trên những con phố Sài Gòn.
Sau những năm tha hương, ông trở về quê. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông gia nhập thanh niên cứu quốc, dạy bình dân học vụ rồi kết hôn với cô thôn nữ cùng làng. Rồi ông tạm biệt cha mẹ già và người vợ trẻ để nhập ngũ vào tháng 7.1948.
Ông Giao được điều động về nhà in cứu quốc thuộc Phòng Chính trị Liên khu 5 rồi tham dự lớp chính trị viên đại đội do Tướng Nguyễn Chánh mở. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, ông cùng đồng đội lên tàu tập kết ra Bắc với hy vọng sau hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà.
Ông được điều động về Sư đoàn 324 rồi vào học tại Trường Sỹ quan lục quân đóng tại sân bay Bạch Mai (Hà Nội). Hạnh phúc vô bờ khi lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ kính yêu. Người đến dự lễ khai giảng khóa học và ân cần dặn dò cán bộ, học viên nhà trường với những lời quá đỗi thương yêu.
Hai năm sau, ông ra trường và được điều động về Sư đoàn 335 ở Mộc Châu (Sơn La). Ngày nọ, ông cùng đồng đội đang luyện tập thì nghe cấp trên thông báo 3 giờ chiều tập trung tại sân vận động để đón khách đến thăm.
Đội ngũ chỉnh tề đứng đón trước cổng thì Bác chợt xuất hiện, sau khi đã kiểm tra nơi ăn chốn ở của bộ đội.
“Hôm ấy, Bác căn dặn chúng tôi phải ráng sức học tập và rèn luyện giỏi. Nếu không hòa bình theo hiệp định thì sẽ trở về với cờ quyết chiến, quyết thắng…” – ông nói.
Ông Giao được gặp Bác lần thứ ba vào ngày 2.9.1960 tại lễ kỷ niệm 15 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Ông cùng với 20 người chuẩn bị về Nam được xếp đứng hàng đầu để nhìn thấy rõ vị Cha già dân tộc.
“Khi nghe tin cấp trên cho trở về Nam chiến đấu, tôi vui như mở cờ trong bụng. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, chiêu đãi bữa cơm rồi dặn dò, chúng tôi nôn nao trong lòng. Rồi khi nghe Bác phát biểu trên lễ đài, chúng tôi xúc động không thể diễn tả thành lời…”, ông nhớ lại.
Ba ngày sau, ông cùng đồng đội ngồi xe quân sự phủ kín bạt rời Hà Nội trước khi trời sáng. Xe gần đến giới tuyến thì rẽ về hướng thượng nguồn sông Bến Hải. Ông cùng đồng đội theo bước chân giao liên vượt qua khúc sông cạn dưới ánh trăng mờ ảo khiến khung cảnh núi rừng thêm hoang vắng.
Khi đặt chân lên bờ nam, mọi người đều ngoái đầu nhìn lại dòng sông chia cắt đôi miền và bồi hồi đứng trên mảnh đất thân yêu bị chia cắt bởi quân thù. Sau những ngày gian nan, ông về đến căn cứ Cục Chính trị quân khu 5 nằm dưới tán rừng Trà My (Quảng Nam).
Ông cùng đồng đội xông pha lửa đạn làm nên những chiến thắng oanh liệt góp phần thống nhất đất nước. Gần 34 năm quân ngũ, ông về hưu với quân hàm đại tá, Chính ủy Lữ đoàn công binh 270, quân khu 5, sau khi cùng đồng đội giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ. Bức thư gửi vợ lưu lạc sang Mỹ
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người bạn thân thiết của ông Giao. Hai ông quen nhau qua bài báo mà “nhân vật chính” là bức thư ông Giao viết gửi cho vợ Huỳnh Thị Cúc ngày 6.4.1967 dưới tán rừng Trà My.
Năm 1989, tác giả “Chiếc lược ngà” cùng hai nhà văn Nguyễn Khải và Lê Lựu sang Mỹ theo lời mời của Trung tâm nghiên cứu chiến tranh Việt Nam và hậu quả của chiến tranh. Sau những cuộc hội thảo với các nhà văn cựu chiến binh Mỹ, ba nhà văn Việt Nam được mời tham quan nhiều nơi.
Khi đến Trường Đại học Massachusetts, nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngạc nhiên khi thấy bản sao lá thư ông Giao gửi vợ cùng nhiều bài thơ đăng bích báo và bút tích của bộ đội Việt Nam được trang trọng trưng trên tấm bảng trong thư viện.
Tác giả “Đất lửa” rớm lệ với những dòng chữ đầy yêu thương: “Cúc, má của Triệu mến yêu. Từ hôm ấy đến nay, anh và con đã đi khỏi nhà khoảng một tháng rồi đó.
Anh biết rằng, thời gian gần một tháng đó Cúc nóng lòng hơn lúc nào hết, vì những lần trước chỉ có mình anh, còn bây giờ, lúc này cả anh và con cùng đi xa, là một người vợ tốt, một người mẹ hiền thì ai cũng nóng lòng, chắc chắn là đúng vậy phải không Cúc?...
Cúc yên tâm để con nó đi với anh. Bây giờ con nó làm việc gì phục vụ cho cách mạng thì nó làm, sau này thắng Mỹ xong rồi thì sẽ hay.
Con nó đi với anh thì chắc chắn là nó sẽ có tiến bộ mới, còn bom đạn thì ở đâu cũng có…, nhưng không phải ai cũng chết, mà trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước vĩ đại này nếu anh và con hoặc Cúc có phải hy sinh cũng là điều vinh dự, không có gì xấu hổ với bà con xóm làng bởi vì việc làm của mình là đúng, là cần thiết…”.
Bức thư ông Giao viết cho vợ.
Với suy đoán có lẽ ông Giao đã hy sinh nên khi trở về nước, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết bài báo mang tựa đề: “Xin đưa hồn anh về Tổ quốc” với hy vọng “người phụ nữ tên Cúc nào đó trong hơn 70 triệu người Việt Nam sẽ đọc được những dòng cuối cùng của chồng mình…”.
Chiều 13.10.1989, khi đang điều trị tại Bệnh viện C (Đà Nẵng), vị đại tá già ngỡ ngàng khi người đồng đội cũ cầm trên tay tờ báo Công an TPHCM chạy xộc vào “mời liệt sĩ dậy xem lá thư cũ”.
Ông rưng rưng nước mắt khi đọc bài báo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và hiểu ra đầu đuôi câu chuyện. Vậy là những dòng thư ông gửi cho người vợ yêu dấu hơn 22 năm trước đã lưu lạc sang tận nước Mỹ.
Trên giường bệnh, ông gắng gượng viết thư cảm ơn nhà văn và báo tin: “Sau những năm dài chiến đấu, hiện nay tôi vẫn còn đây. Huỳnh Thị Cúc, người vợ tình sâu nghĩa nặng của tôi còn đây và Triệu, đứa con duy nhất của vợ chồng tôi cũng còn đây…”.
Gần 1 năm sau, cha con ông Giao lặn lội vào tận TP Hồ Chí Minh thăm nhà văn, người đã mang bức thư của ông trở về đất Việt. Trong câu chuyện của hai người lính già, họ nghĩ đến khả năng người chiến sỹ quân bưu đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Và lá thư đã được một người lính Mỹ lấy từ trong ba lô của người quân bưu.
Năm 2002, nhà văn Nguyễn Quang Sáng vượt cả nghìn cây số ra Quảng Ngãi thăm gia đình ông Giao. “Là nhà văn nổi tiếng nhưng ổng sống dân dã lắm. Hai ông hết sức thân thiết, ổng còn tặng chồng tôi cuốn sách của ổng viết nữa…” - bà Cúc, vợ ông Giao, hồi tưởng.
Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188