Hàng loạt các tổ chức xã hội mang tên “các bà mẹ và vợ” ở Ukraine đang tìm mọi cách để chồng con của họ không phải ra trận. Họ ví giấy gọi đi lính như “giấy gọi ra nghĩa địa”.
Dịch vụ “chạy” tổng động viên
Chiến tranh kéo dài tại miền Đông buộc chính quyền Ukraine dốc sức người và của để bám trụ. Ngày 20.1 vừa qua chính quyền đã chính thức bắt đầu chiến dịch tổng động viên một phần vào lực lượng quân đội. Tuy vậy, việc này được dự báo có nguy cơ thất bại, kéo theo làn sóng phản đối của dân chúng.
Lệnh của quân đội nêu rõ: Đợt 1 sẽ bắt đầu từ ngày 20.1, kéo dài 3 tháng và sẽ triệu tập khoảng 50-60 ngàn người, đợt 2 từ tháng 4 trong vòng 2 tháng, đợt 3 từ tháng 6 cũng kéo dài 2 tháng. Bộ Quốc phòng cho biết trong trường hợp cần thiết sẽ động viên khoảng 104.000 người, Viện Kiểm soát Tối cao thông báo sẽ gọi vào quân đội khoảng 200.000 người. Những ai trốn tránh lệnh động viên sẽ chịu trách nhiệm hình sự và sẽ bị phạt tù từ 2-5 năm.
Theo các điều tra xã hội, dân chúng Ukraine không muốn phục vụ trong quân đội trong hoàn cảnh hiện nay. Không ai muốn chết một cách vô nghĩa, hơn nữa khi các người lính bị đẩy ra trận thiếu huấn luyện, không được trang bị đầy đủ vũ khí, tư trang, lương thực. Mọi người đều nhớ đến “lò lửa Ilovaysk” và các “cối xay thịt” khác, khi sự chỉ huy yếu kém dẫn đến việc hàng ngàn binh lính bị bao vây, tiêu diệt hay bị bắt làm tù binh mà không nhận được sự yểm trợ.
Trên thực tế, nhiều người Ukraine đang tìm cách để “né” lệnh tổng động viên bằng việc tránh đi vùng khác hoặc ra nước ngoài… Thậm chí trên mạng xuất hiện nhiều thông báo về dịch vụ “chạy” tổng động viên với số tiền nhất định, có người còn lập cả công ty luật chuyên tư vấn làm cách nào để tránh một cách hợp pháp.
Tội “phản quốc”
Trên mạng xã hội, hàng loạt các tổ chức “các bà mẹ và vợ” cũng đang tìm mọi cách không cho chồng con của họ phải ra trận. Họ ví giấy gọi đi lính như “giấy gọi ra nghĩa địa”. Tại một làng ở vùng Ternopol- trong đợt động viên lần trước- chỉ trong một đêm toàn bộ đàn ông trong độ tuổi đã rời khỏi làng để trốn khỏi bị gọi vào quân đội. Tuy nhiên, Ủy ban Quân sự (UBQS) cũng có nhiều cách để tìm những người trong danh sách. Họ đến thẳng nơi làm việc, ra nhà ga, chợ để tìm, dò thông tin về nơi trú ngụ qua hàng xóm, những người bán hàng, quét dọn hay đơn giản là các bà già hay ngồi trước nhà. Nhiều người đã phải bỏ việc hoặc đi “công tác xa’’.
UBQS cho biết họ sẽ có các tổ y tế của mình để xem xét tính hợp pháp của các giấy chứng nhận sức khỏe, nếu không đúng thực tế họ sẽ chuyển sang Viện Kiểm soát để khởi tố về giả mạo giấy tờ. Tỉnh trưởng tỉnh Lugansk (địa phận do chính quyền Ukraine kiểm soát) đã ban hành lệnh cấm đàn ông trong độ tuổi động viên rời khỏi tỉnh mà không có giấy phép của UBQS.
Một ví dụ điển hình về việc chống tổng động viên là nhà báo Ukraine Ruslan Kotsaba. Ông ta đã đưa lên mạng video gửi Tổng thống, trong đó tuyên bố: “Tôi từ chối chấp hành lệnh tổng động viên và kêu gọi tất cả những người cũng làm như vậy bởi vì cần chặn sự khủng khiếp địa ngục này. Thà tôi ngồi tù 2-5 năm còn hơn là tham gia cuộc nội chiến để giết những đồng bào của mình ở miền Đông...”.
Lời kêu gọi của Ruslan Kotsaba trong vài ngày đã trở thành một chiến dịch trực tuyến lớn trên mạng nhận được nhiều phản hồi, nhiều người ủng hộ nhưng cũng có người lên án. Cơ quan
An ninh đã khởi tố và đang xem xét tội “phản quốc” của nhà báo này.
Trong đợt tổng động viên năm ngoái một số con em người Việt Nam có quốc tịch Ukraine cũng đã nhận được giấy gọi đến UBQS. Trong đợt tổng động viên lần này, vì tình hình kinh doanh ngày càng bi đát nên đa số các gia đình chọn phương án cho về Việt Nam, một số ít có điều kiện tài chính thì cho con em đi nước ngoài học.
Theo Lê Thái Kỳ (từ Ukraine) (Danviet.vn)