Home » Tin tức » Tin Mới

Ukraine dính hồi mã thương, Nga đi như chỗ không người

THUrsday - 28/08/2014 12:18
Báo chí phương Tây cho rằng Nga đang trực tiếp tham chiến tại miền Đông Ukraine, trong khi Mỹ và EU vẫn chỉ tiếp tục điệp khúc cáo buộc.
Xe tăng của quân ly khai tại Krosnodo, miền Đông Ukraine hôm 15/8

Xe tăng của quân ly khai tại Krosnodo, miền Đông Ukraine hôm 15/8

Phe ly khai trên đà thắng
Sau khi kết thúc cuộc gặp mặt tại Minsk (Belarus), chưa có một giải pháp hay thỏa thuận cụ thể nào được ba bên EU, Nga, Ukraine thông qua. Điều này cho thấy chiến trường cần có thêm những chiến thắng để tạo sức nặng cho những yêu cầu trên bàn đàm phán.
Đó là lý do vì sao chiến sự ở miền Đông Ukraine không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù khi ra khỏi bàn đàm phán, lãnh đạo nào cũng hồ hởi với ngôn ngữ ngoại giao rằng chúng tôi đã đàm phán khó khăn, những gì đạt được rất mang tính xây dựng...
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 27/8 đưa thông tin từ Bộ chỉ huy quân ly khai cho biết các xe tăng đầu tiên của lực lượng này đã tiến vào thành phố Novoazovsk - Nam Donetsk.
Cùng ngày, các cuộc giao tranh diễn ra tại Donetsk với thế thắng thuộc về quân ly khai. Theo lực lượng đòi liên bang hóa, trong các cuộc giao tranh tại Starobeshevo ít nhất 129 binh sỹ quân đội và lực lượng cận vệ quốc gia Ukraine đã đầu hàng, 19 binh sỹ thiệt mạng, hơn 40 binh sỹ bị thương, nhiều vũ khí bị thu giữ hoặc phá hủy.
Tại Avdeevka và Yasinovataya 25 binh sỹ lực lượng quân sự Ukraine bị thương vong, nhiều vũ khí bị phá hủy.
Tại làng Kuteinikovo, 94 binh sỹ Ukraine đầu hàng. Binh sỹ Ukraine trong khu vực bị bao vây tại Amvrosievka đang thiếu đạn dược và lương thực. Lực lượng đòi liên bang hóa cho biết cũng đã bắt 65 lính biên phòng Ukraine tại khu vực làng Ulyanovsk thuộc tỉnh Donetsk, 24 quân nhân gần điểm dân cư Petrovskoe.
Những tin tức trên chiến trường nhiều ngày qua cho thấy cuộc phản công của quân ly khai tập trung vào các điểm biên giới với Nga và nay đã mở rộng ra miền Nam, rất gần với bản đảo Crimea (hiện thuộc Nga). Có thể thấy rằng, phe ly khai đang quyết tâm sở hữu một vùng kiểm soát rộng lớn từ Donetsk đến Crimea, bao trùm toàn bộ phần biên giới Ukraine – Nga.
Ukraine đang chiến đấu với… quân Nga?
Tuy nhiên, phía Ukraine đang băn khoăn vì sao lực lượng ly khai lại mạnh lên nhanh chóng như vậy. Bởi mới chỉ trước đó, cụ thể trước ngày 23/8/2014 (ngày Quốc khánh Ukraine), quân đội nước này còn đang làm chủ chiến trường. Nhưng sau khi đoàn xe cứu trợ của Nga đến lãnh thổ Ukraine và rời đi, quân ly khai tổ chức phản công ồ ạt và chớp nhoáng.
Đặc biệt, lực lượng này còn được hỗ trợ bởi những vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe thiết giáp, pháo tự hành, lựu pháo, và đặc biệt là các vũ khí cá nhân có khả năng sát thương cao như súng cối, súng chống tăng...
Ngoài ra, sau khi 10 lính Nga bị bắt tại lãnh thổ Ukraine cách biên giới với Nga gần 50km, ngày càng xuất hiện nhiều thông tin Nga đang trực tiếp chỉ huy chiến dịch phản công của người ly khai. Đồng thời, Kiev tố cáo quân Nga đang vượt qua biên giới và trực tiếp tham chiến.

Quân ly khai Donetsk bắt tù binh thuộc quân chính phủ diễu hành trong lễ Độc lập của Ukraine ngày 24/8

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki cho biết: "Quân Nga đã sang lãnh thổ của Ukraine, họ đã trực tiếp tham chiến với hàng chục xe tăng, xe bọc thép, hỗ trợ quân ly khai bằng UAV trinh sát. Washington thực sự quan ngại sâu sắc về việc này."
Còn Bộ Ngoại giao Kiev đã phải thốt lên: "Đó là những gì thực sự đang diễn ra, họ (quân đội Nga) đã vượt qua biên giới, bắn phá, đánh chiếm các cứ điểm. Chúng tôi đang bị ngoại xâm, đang phải chiến đấu với quân đội Nga, chứ không phải là một chiến dịch chống khủng bố thông thường."
Tuy nhiên, phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov vẫn kiên quyết quan điểm: nước Nga không hỗ trợ quân ly khai, dù chỉ là một viên đạn. Đó là lập trường của Nga, còn Mỹ, EU, Ukraine cứ việc thắc mắc vì sao quân ly khai mạnh lên, ngoài ra họ chẳng có bằng chứng nào để khẳng định nước Nga đang trực tiếp tham chiến.
Để minh chứng cho sự trong sạch của Moscow, Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Alexander Zakharchenko đã đưa ra thông tin chỉ có khoảng 4.000 người Nga đang tình nguyện chiến đấu tại miền Đông Ukraine.
Vì sao Nga gia tăng sức ép?
Thực tế cho thấy, sau phiên họp tại Minsk giữa ba bên Ukraine, Nga, EU, Tổng thống Putin đã đạt được một số thắng lợi, khiến các bên đối lập buộc phải nhượng bộ như thỏa thuận về một hiệp định ngừng bắn trong thời gian gần nhất, hoặc Ukraine phải công nhận phe ly khai như một bên trong đàm phán, có tiếng nói và cần được bảo toàn quyền lợi.
Ngoài ra, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định NATO không có kế hoạch đưa Ukraine trở thành thành viên của liên minh này. Đây cũng là mục đích mà Nga theo đuổi từ đầu cục khủng hoảng cho đến nay. Vậy Nga còn chưa thỏa mãn điều gì ở Ukraine và phải tiếp tục tăng lực cho phe ly khai?


Những hình ảnh binh sỹ Nga tiến vào Ukraine

Thực tế, những gì đạt được ở Minsk chỉ là thỏa thuận ban đầu như một biện pháp câu giờ để EU và Ukraine có thể trông đợi một sự thay đổi nào đó trên chiến trường. Mọi thắng lợi trên bàn đàm phán sẽ chỉ được định đoạt bằng kết quả của cuộc nội chiến. Vì thế, muốn mình thực sự ở thế thượng phong, Nga buộc phải dốc sức cho lực lượng ly khai chạy nước rút.
Quân đội Ukraine đang trở tay không kịp với sức mạnh mới mà người ly khai có được. Điều này đồng nghĩa với việc quân ly khai đang có thời cơ chiến lược, để chớp được thời cơ này, yêu cầu cao nhất là họ phải có đầy đủ sức mạnh từ vũ khí cho đến quân sĩ tham chiến nhằm khiến Ukraine không kịp trở tay, không có quãng nghỉ.
Yêu cầu này buộc Nga phải tham gia vào tích cực hơn. Đã qua rồi cái thời kỳ chỉ cần không mặc quân phục của Nga tham chiến, và với lý do lính tình nguyện như Donetsk giải thích, Nga hoàn toàn có thể trực tiếp vào cuộc mà phương Tây sẽ không thể làm gì ngoài việc quan ngại, chỉ trích hay cáo buộc.

NATO sẽ không đưa Ukraine vào hàng ngũ thành viên

Một yếu tố khác, Đức và Ukraine vừa bắt tay với nhau trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh liên minh châu Âu. Động thái này cho thấy Đức – đầu tàu kinh tế của EU đang quyết tâm dìu dắt Ukraine vào trở thành một trong những thành viên của quốc gia này. Tổng thống Nga đã tuyên bố tại Minsk: “Nước Nga tôn trọng mọi quyết định của một quốc gia, nhưng quyết định đó không được ảnh hưởng đến quyền lợi của quốc gia khác.”
Ukraine có thể tham gia vào EU, đó là lập trường của họ. Nhưng tham gia vào EU sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của Nga, điều này khiến Moscow không hài lòng. Đó là lý do vì sao Nga không muốn Ukraine hòa bình một cách vô điều kiện.
Trong khi Nga ngày càng tự chủ trong cục diện Ukraine, thậm chí đã có nghị sỹ Mỹ chỉ trích rằng nước Nga đang quá lộng hành. Nhưng thực tế những gì mà Mỹ, EU có thể giúp đỡ Ukraine lúc này chỉ là lời quan ngại, cáo buộc…
Đỗ Minh Tú

Source: baodatviet.vn

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh