"Vật thể lạ" rơi xuống Tuyên Quang đang thu hút sự chú ý của dư luận.
NASA nói hiện có nửa triệu mảnh vệ tinh, rác vũ trụ bay quanh quỹ đạo Trái Đất
Những 'vật thể lạ' rơi xuống từ không trung không còn là chuyện lạ trên thế giới, thậm chí xảy ra khá thường xuyên, từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Brazil.
Trong tiếng Anh gọi là 'space debris' hay 'space junk', chúng chỉ đơn giản là 'rác vũ trụ' tức các mảnh, bộ phận rơi ra của của ngành công nghệ không gian, vệ tinh hoặc ống phóng hỏa tiễn.
Khi chúng có hình tròn, báo chí tiếng Anh gọi là 'orb' (khối cầu) nhưng cũng không thiếu các vật thể hình ống.
Đa số là các khối có vỏ titan chứa nhiên liệu (titanium fuel tank) cho nhiều bộ phận của tàu vũ trụ, vệ tinh.
Khi rơi vào bầu khí quyển, do bay với tốc độ nhanh và cọ sát với không khí, chúng thường gây bốc cháy và có thể bị mất các vỏ bọc hợp chất hoặc dây dẫn nhưng phần kim loại bên trong thường không bị sao.
Mới nhất đây, giới chức Thái Lan ghi nhận 'vật thể bay' chiếu sáng bầu trời nước họ đến từ vụ phóng vệ tinh ở Kazakhstan hôm 11/12/2015.
Một bản đồ theo dõi các mảnh vỡ của tên lửa Nga sản xuất cho biết các mảnh vỡ bay vào Trái Đất hôm 2/1/2016, theo báo Anh, tờ Telegraph.
Các báo châu Âu cũng mới trong tháng 11/2015 mô tả trong cùng một ngày, cả làng Calasparra ở Murcia, Tây Ban Nha và thị trấn Sakarya Karasu, Thổ Nhĩ Kỳ đều ghi nhận hiện tượng có khối kim loại tròn rơi từ trên trời xuống.
Rồi dân ở một làng nữa là Villavieja, không xa Calasparra, Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm một vật thể tròn rơi xuống.
Với trọng lượng khác nhau, từ 8 đến 20 kg, các vật thể này là những bộ phận của vệ tinh hoặc các cấu trúc của máy móc, phương tiện vận tải hàng không vũ trụ.
Nhưng còn hàng chục nghìn các mảnh, khối, viên nhỏ hơn, có khi chỉ bằng quả bóng, hiện đang bay trên khoảng không.
Cơ quan Hàng không Không gian Hoa Kỳ, NASA được báo Anh trích lời nói hiện có tới 500 nghìn mảnh 'rác vũ trụ' đang bay vòng quanh Trái Đất như hình minh họa trên của BBC Mundo bằng tiếng Tây Ban Nha trong một bài về hiện tượng này.
Đây không chỉ là một vấn đề gây nguy hiểm cho các vệ tinh và các chuyến bay vào không gian mà còn có thể gây tai nạn trên mặt đất khi chúng rơi xuống.
Vì thế, NASA có chương trình theo dõi, giám sát các khối rác lớn để đảm bảo an toàn cho vận tải không gian.
Giữa năm 2015, Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) lên một chương trình mang tên e.Deorbit để dọn rác không gian của Trái Đất.
Một trong số các giải pháp là dùng lưới rộng thu về các vệ tinh đã quá hạn sử dụng trước khi chúng bị va đập hoặc tự tan vỡ thành các mảnh nhỏ, khó thu lượm hơn.
Một cách nữa là đẩy các 'nghĩa địa vệ tinh' sang vùng trên biển Thái Bình Dương vốn ít người ở phía dưới, làm giảm đi nguy cơ gây tai nạn.
Tuy nhiên, ngân khoản chừng 150 triệu euro cho chương trình này sẽ chỉ được thông qua cuối 2016.
Theo trang space.com, Nga cũng có thể đã tái khởi động một chương trình 'diệt vệ tinh' mang tên Object 2014-28E mà Phương Tây nghi là có cả mục tiêu quân sự.
Hồi trước, Liên Xô từng có dự án mang tên 'Istrebitel Sputnikov' nhưng Moscow nói đã ngưng trong thập niên 1990.
Ngoài lo ngại an toàn, các quốc gia cũng nêu ra lo ngại an ninh trên không gian một khi va chạm vô tình hoặc có điều khiển xảy ra.
Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188