Home » Tin tức » Tin văn hóa văn nghệ

GIỚI THIỆU TẬP SAN VĂN NGHỆ XỨ ĐOÀI SƠN TÂY- SỐ 4/2013

SATurday - 25/01/2014 10:31
Bìa sách VNXD 4-2013

Bìa sách VNXD 4-2013

Tập VĂN NGHỆ XỨ ĐOÀI kỳ này do NXB Thời Đại cấp giấy phép, in khổ 16x24, dày 200 trang, với 20 trang màu, giới thiệu các sáng tác của 41 tác giả; trong đó có 13 tác giả văn xuôi, với 13 tác phẩm gồm các thể loại như ghi chép, truyện ngắn, bút ký phóng sự, nghiên cứu giới thiệu và tiểu luận phê bình, cùng với 30 tác giả thơ với 85 bài mới sáng tác.
 
 Về âm nhạc, hội họa và nhiếp ảnh: Giới thiệu 4 bức tranh sơn dầu  và màu nước, 4 kí hoạ chân dung hội viên, 4 ca khúc, 1 khúc hát dân ca, có 6 tác giả ảnh với 25 ảnh màu và một số ảnh đen trắng . Về hình thức sách được trình bày với bổ cục hài hoà, đẹp mắt, hơn nữa lại được in với số lượng nhiều hơn các lần ra sách trước.
Về nội dung: các sáng tác, tất cả đều mang tình cảm trong sáng và lành mạnh, nhằm phản ánh trung thực cuộc sống của con người và mảnh đất Sơn Tây. Đặc biệt ở số này, được mùa văn xuôi. Nói được mùa vì mảng này trước đây của ta còn yếu, giờ tập họp đông vui, đánh thức được một năng lực còn tiềm ẩn.
Bài “Lễ hội đả ngư trên mảnh đất hai Vua” của Trần Quốc Nam, giới thiệu sự tích đánh cá dập sào. Bài viết ngắn gọn bằng lối văn kể dung dị nhưng đầy hấp dẫn nói lên Sơn Tây là một mảnh đất thiêng với nhiều khám phá thú vị, bài "Những điều cần hiểu lại về thành cổ Sơn Tây" của Phạm Duy Trưởng, bài "Vài nét về Sơn Tây Xứ  Đoài" của Nhà giáo, nhà văn Đỗ Tiến Bảng là những bài viết chọn lọc công phu, cẩn thận về chữ nghĩa, bảo đảm tính trung thực và chính xác về lịch sử và địa lý giúp  người đọc hiểu thêm về mảnh đất mình đang sống mà nhiều khi còn lơ mơ. Các bài: Chợ cổ bên chùa cổ,  Ổi lộn kiếp,  Bao người như anh trồng xuống quê mình, Về thăm quê hương Tản Đà,  bài về Hội sinh vật cảnh là những bút ký phóng sự, nói về những  địa danh, những  suy nghĩ sáng tạo làm thay đổi cuộc sống của người SơnTây. Bằng thể loại xung kích của văn học các bài viết đã góp phần cho TSVN của  ta phong phú thêm.
- Truyên ngắn của Kiều Vũ Minh và Chử Quốc Đông, viết về đề tài kháng chiến, nơi mà trước mũi kiếm sắc nhọn của chiến tranh, phận  người ta rất mỏng. Tác giả Kiều Vũ Minh đã lảy ra một chi tiết khá thú vị. Đó là anh chiến sỹ lặn lội trên chiến trường, kiếm được một con ve tháo ra từ một quả bom bi để mang về cho thằng bé con chị Tý. Đấy cái thứ trò chơi mà trẻ con thời chiến ở khu 4 rất thích. Mãi cho đến khi lấy được con ve đem về cho thằng bé thì  nó đã chết trong lần bom dội. Chi tiết nhỏ nhưng gây sốc bất ngờ. Cái được ở truyện ngắn này chính là nhờ ở hình ảnh ấy. Ở phần cuối sách, TSVN có in bài tiểu luận phê bình “Thơ thế nào là hay” của cố nhà giáo, nhà thơ Thế Mạc. Ông nguyên là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, là người đứng ra thành lập và là Chủ nhiệm đầu tiên của CLB văn nghệ Sông Tích - Tiền thân của CLB VNS Xứ  Đoài Sơn Tây của chúng ta ngày nay. Sinh thời các sáng tác của ông về thơ, về kịch thơ, về trường ca, truyện thiếu nhi và các bài tiểu luận phê bình, với kiến thức uyên bác, sâu sắc và tình cảm chân thành, yêu bạn và thơ.
Việc in bài của ông, là việc làm tình nghĩa, giữa người sống và người chết chúng ta chẳng quên ai, mặt khác qua bài viết của ông giúp người đọc thẩm thấu thêm những vấn đề thuộc lý luận văn học, để từ đó mà nâng cao chất lượng sáng.
- Về thơ, có 85 bài, đấy thực sự là một bài ca với những giai điệu đẹp, nhằm phản ánh hiện thực của cuộc sống muôn màu.
Thơ được sáng tác ở nhiều thể loại, và nhiều đề tài, nhất là mảng  đề tài quê hương khá phong phú, khơi dậy niềm tự hào với miền đất Sơn Tây có Ba Vì mây trắng, có mảnh đất hai Vua, có rêu phong thành cổ, cùng nền văn hoá vật thể và phi vật thể đã khu biệt riêng một vùng đất huyền thoại  Xứ Đoài.
Hẳn vì được sống trên cái nền trầm tích văn hoá lâu đời ấy, mà người hậu thế dù đang sống với một đời sống hiện đại vẫn thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở, vì thế trong thơ luôn phảng phất với nỗi niềm hoài cổ bâng khuâng:   
“Em Đứng bên cầu thành cổ/ Mỏng mềm như khói như sương/ dáng              cầu cong cong cổ kính/Nâng em một đoá vô thường”(Thơ của Quốc  Hưng)
Hoặc như Hà thế Lương gợi tả:
"Đền Và thấp thoáng trong bóng lim/ Lung linh rung động triệu con tim”
Như thế, quê hương SơnTây dù ngày càng đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng không hề mất đi bản sắc văn hoá của vùng miền. 
Vì thế, Sơn Tây trở thành vùng du lịch văn hoá, tâm linh, du lịch  sinh thái đang lên tiếng mời gọi:
“Bạn về Sơn Tây với tôi không/ Sớm mai phố lộng gió sông Hồng/ Đừng lo tóc rối phiền gương lược/ Đừng ngại nhăn áo lụa Hà Đông” (Thơ của Trần Sương Mai)
Còn có chút băn khoăn nào đó như trong thơ Nhất Dương khi ông  chợt nghe tiếng con chim cuốc:
“Vẳng nghe quắc quắc phía sau nhà/ Đầm ao xây phố, ơi! Con cuốc/ Khua động đêm dài gần xa”.
         Đề tài về tình yêu, như chất men say gợi lên bao kỷ niệm. Đấy là tình yêu tuổi học trò, là những bước hải hồ thương nhớ, là niềm vui xum họp, là nỗi buồn chia ly... ở trạng thái nào thì người thơ cũng nhể lòng ra viết. Dù đấy chỉ là một ánh trên đường nhìn ta bất chợt, một  lần gặp nhau trong đêm hội mùa xuân ...  Nói như nhà thơ Phùng Khắc Bắc :
                           “một lần thấy khói / Cả đời vơ rơm”.
Thế nên mới có sự khắc khoải khiến nhà thơ Nguyễn Đăng Thành lang thang đi tìm bóng hồng trong mơ:
         “ Hỏi đá, đá cứ lặng thinh/ Hỏi cây, cây chỉ cựa mình đung đưa”...
            Nhà thơ Đặng Đặng cũng hoàn cảnh tương tự thế nhưng lòng ông vẫn nương tựa một niềm tin: 
“Tôi yêu hoài cánh hoa Bằng lăng/ Nên không nghĩ có ngày hoa  chẳng tím
            Những cuộc tình ấy đến rồi đi, hoài cảm tưởng vu vơ mà có thật, bởi tình yêu vẫn luôn toả sáng sau phía sương mù, đấy thực sự  là ngôi sao sáng trong đêm tối nội tâm.
            Sẽ hạnh phúc xiết bao ở những cuộc tình trọn vẹn. Ở đấy có sự chăm sóc vỗ về, như thơ của Nguyễn Việt Hùng: “ Mưa xuân làm ướt áo em / Để anh gọi nắng vào thềm hong khô”
           Hay ở giọng thơ nữ  ngọt ngào và đằm thắm của Kim Sinh:
“Không em rồi, mỗi sáng mùa đông /Ai quàng khăn cho anh và đi tìm bí tất / Ai gỡ kính cho anh ngủ quên lúc nằm đọc sách / Ai đắp chăn mền lúc trở dậy  nửa đêm”. 
Đấy là chuyện Không có em, thế còn không có anh thì sao, ta hãy nghe nhà giáo, nhà thơ nữ Kim Dung trải lòng mình: 
     “Anh đi rồi,lòng em trống vắng/ Một mình em trước khoảng trốngvô bờ”. 
         Thơ, về cơ bản là những biểu hiện, những nhu cầu bộc lộ của đời sống bên trong con người, là sức chứa và sắc thái của nội tâm, buồn, vui, yêu ghét. Thơ kỵ nhất là sự giả dối. Hay dở đến đâu chẳng biết, chỉ biết lấy cảm xúc thật để thay cái hư nguỵ là thứ vỏ bọc ngôn ngữ . Đương nhiên, cái thật ấy phải nói theo cách nói của thơ. Các nhà thơ Khuất Quang Thái, Vũ Đình Tuệ, Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Mạnh Hùng và ở số các tác giả khác đã vững vàng đi trên lộ trình ấy, nên thơ vừa ảo vừa thật, tạo được những rung cảm thẩm mỹ. 
          Đề tài Mẹ có nhiều bài cảm động. Kiều Huấn ví mình như vị thuốc chữa lành bệnh mẹ, trả ơn nghĩa mẹ cả đời tần tảo nuôi con:“Cái thời tuổi mẹ còn son / Bàn chân của mẹ dẫm mòn khắp nơi”.
Nói về sự gian lao đời mẹ, Nguyễn Văn Lung có những câu thật nhói lòng: “ Tháng năm, Sông Tích đục trong/ Nông tang khó nhọc làm  còng mẹ tôi”
Những ngày đất nước có chiến tranh, trong hành trang của người lính ra trận, có nhiều câu thơ viết về mẹ rất cảm động. Nhà thơ Hà Ngọc Lân tranh thủ từng ngày ký thác lòng mình vào những trang nhật ký: “Mấy lần mẹ khóc tiễn con đi / Đứng lặng con không biết nói gì / Mẹ ơi, mẹ hiểu cho con nhé/ Hết giặc ngày mai con sẽ về. 
Đấy là những người con may mắn có ngày về. Còn bao nhiều kẻ nẵm trong những nấm mồ viễn xứ? Tôi bắt gặp câu thơ từ nền văn chương bàn phím:" Thế sự bao phen lầy trận mạc / Cổ nhân chinh chiến kỷ nhân hồi/ Đạn trúng ngực rồi, người về đất / Vọng mãi lên trời tiếng Mẹ ơ!”.
           Hình ảnh thật xúc động và thiêng liêng. 
           Có sự chuyển mạch trong thi pháp thơ của Đinh Cự Châu khi ông viết về cha Mẹ: "Mẹ cha cho con mùa xuân chảy hội / Gió lật nón ngiêng bay / Lúa vươn đồng ngậm sữa/ Môi con hồng, ngày xưa...”
            Sau ba dấu chấm lửng ấy, thơ xoay sang chiều thấp thỏm, tạo ra khoảng trống cho sự chuyển dịch vô thường.  Thơ tan vào đời như nắng tan vào đất làm bật lên sự sống. Sự huyền diệu của đường thơ  là nơi để các nhà thơ tự do sáng tạo cùng sự đa dạng về giọng điệu. Do đó thơ càng hấp dẫn thêm.
         Mảng đề tài xã hội có bài "Đêm thành cổ nghe khúc dạ cổ hoài lang" của Chử Quốc Đông. Tác giả đã khéo mượn tiếng cầm ca để khoả lấp nỗi buồn nhân thế. Tôi thích tứ thơ ví sương máu của bao người đổ xuống mặt đất này, nó như  những dòng sữa rỏ đầy trong lồng ngực mẹ đất, cỏ cây mùa vụ nhờ đó mà thoả sức bú no.
Tứ thơ hay vì sự mới mẻ, như bức thông điệp gửi  những ai đem lòng vô cảm, ăn quả quên người trồng cây, bài thơ lại như một chiếc gương soi cho kẻ bạc lòng thấy mình sống sao cho phải.
           Có một thực tế trong đời sống xã hội hiện nay là nhiều người đi lễ chùa đề cầu tài, cầu lộc, cầu phúc cầu duyên. Nhà thơ Nhất Dương đem sự an nhiên tĩnh tại để nói lời giản dị nhưng lại  như một luận đề triết học: "Phật tai to/ Nghe tiếng thì thầm thẳm xa/ Phật có  đôi mắt khép hờ/ Cái gì cũng thấy”.
           có cả niềm niềm ưu tư  trắc ẩn trong thơ Quốc Hưng: “ Đầu năm giải hạn chùa thiêng/ Tiếng kinh tiếng mõ uốn mềm thế nhân/ Chúng sinh sao  chiếu xoay vần/ Mệnh sao phật giải, muôn dân nhẹ lòng”.
           Câu thơ gợi về nhân quả, bằng thủ pháp nghệ thuật, lấy cái xa nói cái gần. Chất lãng mạn trữ tình trong thơ vì thế đã không hề hưu hắt và mờ nhạt trước những vấn đề lớn lao của đất nước, của nhân dân.
Khải Hưng
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh