Home » Tin tức » Văn hóa Xứ Đoài

CÒN ĐÂY VĂN HÓA XỨ ĐOÀI

WEDnesday - 27/11/2013 00:17
Cầu Ngo xưa

Cầu Ngo xưa

5 năm mở rộng - chặng đường quá ngắn ngủi để mong muốn một hình ảnh Thủ đô lung linh toàn diện. Ai đó từng lo, khi nhập vào Hà Nội thì tinh thần văn hóa xứ Đoài sẽ mất, còn văn hóa thị dân của người Kẻ Chợ cũng phôi phai… Nhưng 5 năm rồi, xứ Đoài vẫn đẹp một màu mây trắng bay. Dẫu vậy, cho dù tự hào thành phố ngàn năm tuổi với trùng trùng di sản cả vật thể lẫn phi vật thể, thì cũng vẫn còn đó những cuộc giằng co giữa phát triển và bảo tồn, cùng những khát vọng gìn giữ trọn vẹn không gian văn hóa ở vùng đất ngàn năm văn hiến.

Cầu Ngo ngày nay

Ngày này cách đây 5 năm (1-8-2008 - 1-8-2013) Hà Nội được mở rộng. Mỗi lần tôi đến ngã ba thị xã Sơn Tây đều dừng chân để nhận ra ngả đường mình định đi. Giờ đây cái ngã ba xứ Đoài đã trở thành ngã sáu, ngã bảy nhưng trong lòng tôi, nhớ nhung vẫn như ngày nào.
 
Nhận diện những con đường
 
5 năm qua, ngã ba xứ Đoài đã đón nhận những con đường thênh thang nối về mọi ngả. Đầu tiên là đại lộ Thăng Long chạy suốt từ Trung tâm Thủ đô lên thẳng Khu du lịch Văn hóa các dân tộc (thuộc địa phận Đồng Mô) rồi lên thẳng Hòa Bình. Con đường thứ hai, chính là con đường 32 cũ, mới được mở rộng gấp năm, sáu lần, trải nhựa hun hút, từ Cầu Giấy lên đúng ngã ba vào thị xã Sơn Tây. Ấy là còn chưa kể chiếc cầu Phùng mới, cao rộng được hoàn thành hơn một năm vừa qua. Chiếc cầu lớn xứng tầm với con đường trung tâm chuyển vận những sắc mầu văn hóa xứ Đoài đến với kinh kỳ Thăng Long một thuở. Rồi sau đó là con đường lớn chạy ven thị xã, tạo nên một vòng cung huyền ảo bên sông Hồng, hướng lên Trung Hà. Và rồi, ai có ngờ đâu giờ đây con đường Cu Ba xưa đi qua Viện 5, chạy ven khu du lịch Đồng Mô, giờ lại là điểm xuất phát cho con đường Hồ Chí Minh, nối qua Xuân Mai, chạy về hướng con đường Trường Sơn rộng mở... Còn nữa, đó còn là cây cầu Vĩnh Thịnh mới, sắp hoàn thành. Nó vượt sông Hồng từ Sơn Tây sang Vĩnh Phúc, nối tắt tới thành phố Việt Trì... 
 
Vậy đó, 5 năm ai cũng nhận ra sự đổi thay, mà những con đường mới, tạo nên huyết mạch giao thông hiện đại, chính là sự phát triển. Đó là tiền đề cho sự thăng hoa của một vùng đất rộng lớn xứ Đoài sau khi sáp nhập về Hà Nội. Tính cho đến nay, Sơn Tây đã có tới 1020 doanh nghiệp và hàng ngàn hộ sản xuất đang hoạt động. Và từ những con đường này, Sơn Tây phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ khác như du lịch, thương mại, ngân hàng, viễn thông và vận tải đi về muôn nơi. Đặc biệt, Sơn Tây đã thu hút được 1,4 triệu khách du lịch mỗi năm... 
 
Nỗi niềm đôi mắt xứ Đoài
 
Thực ra sự nhập tách tỉnh, hay thành phố xưa nay đều do nhu cầu phát triển, trong từng giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Ngoảnh lại thời gian, ta mới hay vùng đất đá ong này cũng đã không ít lần nhập tách từ năm 1965 đến nay. Có lẽ đã tới 5 lần thay đổi, nhưng đâu có chuyện mầu sắc văn hóa xứ Đoài bị "nuốt chửng” hay "đồng hóa”. 
 
Hơn nữa, lâu nay giữa hai vùng đất Tràng An và xứ Đoài có nhiều nét sinh hoạt văn hóa gần gũi. Trước hết đó là sự hòa nhập của cộng đồng từ xa xưa cho tới ngày nay, từ hai đời vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, quê ở Đường Lâm. Hay như có nhiều nhà lãnh đạo các cấp ngày nay đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Đoài mây trắng. Họ cũng đem về Tràng An những nét sinh hoạt, ứng xử tinh tế và lạc quan trong mối tương giao, bổ sung cho sự thanh lịch, hào hoa của người dân đất kinh kỳ ngàn năm.
 
Cùng với đó, dễ tới trăm năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ các thế hệ, quê ở xứ Đoài thường thành danh ở mảnh đất Đông Đô, cũng đem lại luồng gió mới trong các loại hình nghệ thuật, tạo dựng nét đặc sắc cho văn hóa Tràng An. Vẫn còn đó sừng sững những cái tên ngời sáng như Tàn Đà, Quang Dũng, Tào Mạt, Phan Kế An, Hồ Phương, Tôn Đức Lượng, Sỹ Tốt, Bằng Việt, Vân Long, Hoàng Lân...
 
Thêm nữa, cả hai vùng đất về nét văn hóa tâm linh cũng có những hình ảnh tương đồng. Ta có thể thấy cả hai vùng đất cùng có những đền thờ Đức Thánh Tản, hay đền thờ Hai Bà Trưng... Bên cạnh đó, cả hai vùng đều có những sinh hoạt văn hóa dân gian tương đồng. Ta có thể thấy các phường rối nước ở Chàng Sơn, Thạch Xá (tỉnh Sơn Tây cũ) đã từng tỉ thí với phường rối ở Đào Thục, Đông Anh (Hà Nội). Đặc biệt, phường Ca Trù ở Thượng Mỗ, Đan Phượng xưa hát hay không kém chút nào so với phường Ca Trù của Lỗ Khê, Đông Anh... Nói vậy, nghĩa là sự sáp nhập, cho dù đã diễn ra mấy lần, nhưng cũng vẫn chỉ là sự xê dịch lại gần với nhau, nương tựa vào nhau trên con đường phát triển, trước sự thách thức của hội nhập quốc tế, một xu thế tất yếu của sự tiến bộ. 
 
Tuy vậy, phía sau của sự mở rộng vùng đất thủ đô, không tránh khỏi những hệ lụy của nền kinh tế thị trường, đang trong thời kỳ mở cửa ồ ạt. Cùng với đó, là sự xâm thực các loại hàng hóa nhập ngoại, kèm theo những thói quen tiêu dùng và một nếp sinh hoạt thị dân khá đa dạng, nếu không nói có phần phức tạp. Đặc biệt là những nét sinh hoạt tinh thần và một nền văn hóa xứ Đoài có thể mất đi hay không, phụ thuộc ở khả năng biết kiểm soát những hệ lụy mà ta đã lường trước. Những lo toan đó rất có lý. Nhưng...
 
Mãi là xứ Đoài mây trắng bay
 
Cái gốc gác căn bản của một nền văn hóa đâu dễ bị pha tạp. Khi vẫn còn đó những địa danh và di tích của Sơn Tây, cùng với những nếp sinh hoạt không hề thay đổi, bởi nó đã ăn vào máu thịt của từng người ở cái xứ này. Nó là tài sản vô giá mà không ai muốn đánh mất. Nhất là Sơn Tây - xứ Đoài là một vùng văn hóa tâm linh hàng ngàn đời nay, đầy tự hào với huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh mang tính lịch sử đấu tranh giành lấy sự sống và tồn tại của ông cha xưa.
 
Vẫn còn đó làng cổ Đường Lâm có đình Mông Phụ trầm tư kiên định với thời gian; cùng với đó là những ngôi chùa Mía, đền Và với nhiều chuyện cổ tích mang nhiều yếu tố tinh thần bao đời nay của người dân xứ Đoài. Vẫn còn đó những phiên chợ quê, với nhiều đặc sản của mỗi vùng miền, như chợ Sấu, chợ Giá, chợ Săn, chợ Phùng hay chợ Nghệ...
 
Tuy nhiên, lo sự biến đổi của nền văn hóa xứ Đoài trước sự xâm thực của lề thói thực dụng, thị xã Sơn Tây đã cho triển khai dự án "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài” trong giai đoạn 2012 - 2016. Lẽ dĩ nhiên đứng trước sự đô thị hóa ngày càng có nguy cơ làm mất mát những nét văn hóa truyền thống, quả là điều cần tính đến. Nhưng giữ như thế nào, bảo tồn ra sao, trước những thành tựu văn hóa đặc trưng của xứ Đoài cũng không hề đơn giản. Nhiều sai lầm đã xảy ra như trước đây khi xây dựng mới ở thành cổ Sơn Tây, hay đền Và, đã tạo nhiều hệ lụy khó khắc phục. Hoặc mới đây, sự kiện người dân ồ ạt xin trả lại cái danh hiệu nhà cổ ở Đường Lâm, cũng là một bài học quý cho việc bảo tồn và phát huy ra sao... 
Vương Tâm

Author: Vương Tâm

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh