Home » Tin tức » Văn hóa Xứ Đoài

Trong tha thiết xứ Đoài

FRIday - 06/09/2013 11:32
Trong tha thiết xứ Đoài

Trong tha thiết xứ Đoài

Đã biết bao nhà văn hóa nghiên cứu về xứ Đoài, mảnh đất địa linh nhân kiệt, đầy huyền tích, vùng đất thiêng này sinh ra hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền tài năng đức độ, khắc vào lịch sử những chiến công dựng nước và giữ nước oai hùng. Không chỉ có thế, đây còn là vùng đất sơn thủy hữu tình, ẩn chứa những điều bí mật.

Trong tha thiết xứ Đoài
 
Đã biết bao nhà văn hóa nghiên cứu về xứ Đoài, mảnh đất địa linh nhân kiệt, đầy huyền tích, vùng đất thiêng này sinh ra hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền tài năng đức độ, khắc vào lịch sử những chiến công dựng nước và giữ nước oai hùng. Không chỉ có thế, đây còn là vùng đất sơn thủy hữu tình, ẩn chứa những điều bí mật.

Xứ Đoài có nhiều lợi thế, vừa có đồng bằng, có núi, trung du. Từ nhiều đời qua, xứ Đoài có vùng lõi Sơn Tây là vùng văn hóa đặc trưng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Đó là hệ thống di tích nổi tiếng mà tên gọi đã gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như các làng cổ ở xã Đường Lâm, rặng duối nghìn năm tuổi, đình Mông Phụ, đền Và, thành cổ Sơn Tây, chùa Mía… Không chỉ vậy, vùng đất này còn là vùng văn hóa tâm linh gắn với truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh, những nghi lễ cúng bái, lễ hội, văn tế thần. Đó là khối tài sản quý giá tổ tiên để lại cho đời sau.
Vậy nên tôi đã dành nhiều thời gian, đi không chỉ để ngắm cảnh, để   gặt hái những bức hình đẹp mà còn để tích lũy cho mình vốn kiến thức về một vùng văn hóa đặc sắc. Tôi có thể vừa tận hưởng khí trời tuyệt diệu, hòa vào các sinh hoạt rất đỗi bình dị và  thân quen của người dân; đồng thời, cũng được thưởng thức cả “không gian văn hóa vật thể và phi vật thể”. Có lẽ, hàng trăm ngôi làng xứ Đoài, thì ở đâu cũng có những điều đặc biệt. Đến bất cứ làng nào, tôi cũng nhận ra những vẻ đẹp bình dị, từ cách nói, cách ăn, cách thiết đãi khách đến cả cách chỉ đường.  
Ở làng nào cũng dày đặc di tích, cũng có hồn cốt cổ thụ, hàng rào tre hay cánh đồng thấp thoáng cánh cò. Việc quan sát kĩ và ghi chép tỉ mỉ giúp cho tôi có một kho tàng để hiểu rõ hơn về các tập quán cũng như những nét độc đáo của người dân. Nhiều cụ già có chung một quan điểm: “Bảo vệ những nề nếp gia phong, những giá trị đã được lưu giữ từ nhiều năm đâu chỉ là để gìn giữ gốc gác, kho tàng văn hóa mà   còn là cách để giáo dục cháu con sống tốt hơn”. 
Rong ruổi khắp xứ Đoài mây trắng,   đâu đâu tôi cũng thấy thấp thoáng hình ảnh những viên gạch đá ong. Gạch được xây dựng nhà cửa, xây công trình công cộng, xây tường, thậm chí là lát đường đi. Đây là loại gạch vô cùng đặc biệt. Ở trong lòng đất mẹ thì mềm dẻo, nhưng đưa lên, thì càng ngày càng cứng chắc. Gạch đá ong quý ở chỗ đẹp tự nhiên. Loại gạch này xây nhà sẽ mát mẻ vào mùa hè ấm áp vào mùa đông. Và những công trình xây dựng bằng gạch đá ong nếu không do bàn tay con người phá bỏ thì nó vẫn còn mãi với thời gian, khiến người ta có cảm giác độ bền dường như vĩnh cửu.
Đến xứ Đoài, nếu không tham gia các phiên chợ quê thì cũng thật uổng. Đó là không gian giao tiếp, không gian văn hóa được thể hiện sinh động nhất về đời sống con người. Người đến đó có thể tha hồ mặc cả bán mua, xem hàng, có khi chỉ để nói chuyện, cười hể hả cho vui rồi về. Nhưng mỗi chợ quê có nét độc đáo riêng. Thơ văn dân gian, ca dao, tục ngữ đã thể hiện rất rõ điều này. Bài ca dao dưới đây không chỉ thống kê mà còn miêu tả đặc điểm của từng chợ: 

 
Cầu Đơ là chợ đằng xuôi
Ngỗng, vịt cũng lắm, đồ chơi cũng nhiều 
Tưởng rằng chợ Sái mĩ miều 
Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm 
Chợ Nủa hàng giậm, hàng nơm 
Chợ Trôi hàng vải, hàng rơm dãi dầu 
Chợ Nghệ thì bán bò, trâu
The, đoạn cũng lắm, chúc bâu cũng nhiều 
Sơn Đồng chợ họp về chiều 
Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng dao 
Chợ Phùng hàng xén xiết bao 
Chợ Gạch cũng lắm thuốc lào, nhang đen 
Chợ Cốc nửa tháng sáu phiên 
Chỉ nhiều ngô, đậu với nguyên củ từ 
Thọ Lão chợ họp chần chừ 
Lều quán chẳng có y như ngoài đồng 
Lờ đờ chợ Triệu mà đông 
Tưởng rằng có lớn mà không bán bò 
Chợ Mía mới họp mà to 
Mía vàng, mía đỏ bán cho lò đường 
Bán nhiều nón là chợ Chuông
 Trắng trời, trắng chợ ai thương đội đầu 
Chợ Sêu bán hom, lá dâu 
Bán nhộng, bán kén tơ màu xe dây. 

 
Thật lạ là, chỉ qua những dòng lục bát này, rất nhiều khách đã quen luôn địa chỉ của từng chợ và về tìm hiểu. Cái hay của vùng này là có thể đi rất dễ dàng từ xã này sang xã kia, từ làng này qua làng khác. Mà cứ mỗi làng có một cái chợ để rộn ràng bán mua. Hình như, đó cũng là cách để người dân phát huy hơn lối sống mộc mạc của mình. 
 

Source: (Theo HaNoiTV)

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh