Home » Tin tức » Văn nghệ trăm miền

NGÀY QUÀ TẶNG

TUEsday - 05/11/2013 12:19
Ngày quà tặng (nguyên tác DAY OF THE BUTTERFLY (Ngày bươm bướm) rút trong tập truyện ngắn đầu tay Dance of Happy Shades, của nữ nhà văn Alice Munro, Canada, Nobel văn học 2013) Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 2013, giới thiệu một truyện ngắn trong tập đầu tay của nữ văn sĩ Alice Munro (Canada) vừa đạt giải Nobel văn học 2013. Truyện ngắn miêu tả một đám nữ sinh tuổi teen phức tạp và vai trò hạt nhân tích cực của cô giáo Darling.

Người dịch và giới thiệu: Phùng Hoài Ngọc
Tôi không nhớ khi nào Myra Sayla đến thị trấn, mặc dù cô đã có mặt trong lớp học của chúng tôi tại trường từ hai hay ba năm trước. Tôi bắt đầu nhớ tới cô ấy trong năm qua khi em trai cô Jimmy Sayla vào học lớp Một. Jimmy Sayla không quen đi vào nhà vệ sinh một mình và cậu bé hay phải đến cửa Lớp Sáu tìm Myra và cô sẽ đưa em xuống cầu thang. Nhiều khi, cậu bé không tìm được Myra kịp thời và sẽ có một vết xẫm to chỗ nút  quần bông của mình. Sau đó Myra đã phải hỏi giáo viên: "Xin cho phép em đưa em trai về nhà, nó đã làm ướt mình hết rồi "(*1) .
 
Đó là lời cô nói lần đầu tiên ở lớp học và chỉ những người ngồi hàng ghế trước nghe thấy cô ấy, bởi giọng của Myra như tiếng hát nhẹ nhất và có một tiếng cười rúc rích cố nén bật lên làm cho cả lớp linh hoạt hẳn lên. Cô giáo của chúng tôi, một cô giáo lịch sự lạnh lùng, đeo kính gọng vàng mỏng mảnh và khi cô rướn cổ nhìn xuống chúng tôi với vẻ quan tâm thì cô trông thật giống một con hươu cao cổ, đã viết một cái gì đó trên một mảnh giấy và đưa cho Myra. Và Myra ngập ngừng nhắc lại: "Em tôi sơ ý làm ướt quần, xin cô vui lòng cho phép".
 
Mọi người đều biết nỗi xấu hổ của Jimmy Sayla vào giờ giải lao (nếu em không được quản lý trong lớp, như thường lệ, để khỏi làm một cái gì đó không nên làm trong trường), cậu không dám đi ra ngoài sân trường, nơi những cậu trai khác và một số đứa lớn hơn đang chờ đợi để đuổi dồn cậu bé một góc, cậu tựa lưng vào hàng rào phía sau và quật cậu bé bằng cành cây. Cậu đành phải ở lại chơi với chị Myra. Ở trường chúng tôi đã có hai phe, phe con trai và phe con gái, và người ta tin rằng nếu bạn bước gần về phe đối lập thì bạn có thể dễ dàng nhận một roi da. Jimmy sẽ không đến bên phe con gái và Myra không thể  đến với phe con trai, và không ai được phép ở lại trường trừ khi trời mưa hay tuyết rơi. Myra và Jimmy chỉ có thể đứng chơi trong giờ nghỉ ở dưới cổng vòm sau trường, đứng vật vờ giữa hai phe. Có lẽ, hai chị em chỉ xem các trò chơi bóng chày, trò đuổi bắt, trò xây dựng nhà lá vào mùa thu và xây  pháo đài tuyết trong mùa đông; có thể, họ đã chẳng xem gì cả.
 
Mỗi khi bạn tình cờ nhìn hai chị em, nhìn cái đầu hơi cong, cơ thể gầy gò của chúng gập lại, hơi cứng đờ. Hai khuôn mặt dài mịn hình bầu dục, da tối xẫm kín đáo u sầu, tóc sáng bóng. Tóc cậu bé dài, tự cắt bớt ở nhà, và tóc Myra đã được cuộn trong các dải nặng trên đỉnh đầu, nhìn cô ấy từ một khoảng cách như đội một chiếc khăn xếp quá lớn đối với cô. Trên đôi mắt đen của hai chị em, mí mắt không bao giờ nâng lên thoải mái, một cái nhìn vẻ mệt mỏi. Nhưng không chỉ có thế. Hai chị em giống như những đứa trẻ trong một bức tranh thời trung cổ, như những bức tranh gỗ khắc, để thờ phượng hay ma thuật, với khuôn mặt mịn màng và già trước tuổi, ngoan ngoãn, kín đáo khó hiểu.
 
Hầu hết thầy cô tại trường học của chúng tôi đã dạy lâu năm và giờ giải lao họ sẽ biến mất vào phòng của giáo viên và không làm phiền chúng tôi. Nhưng cô giáo của chúng tôi, người phụ nữ trẻ mang cặp kính gọng vàng mỏng manh, thường hay quan sát chúng tôi từ một cửa sổ và đôi khi đi ra, nhanh nhẹn và khó chịu ngăn chặn một cuộc chiến giữa phe con gái hoặc khởi động cuộc thi chạy trong đám lớn hơn, những đứa đã tụ tập cùng nhau chơi trò Sự thật hay Bí mật. Một ngày nọ, cô đi ra và gọi "Các em lớp Sáu, cô muốn nói chuyện với các em”. Cô mỉm cười một cách thuyết phục, tha thiết và khó chịu khủng khiếp, lộ rõ cặp kính gọng vàng, quay xung quanh. Cô nói: "Có một bạn trong lớp Sáu tên là Myra Sayla. Bạn ấy ở trong lớp các em, đúng không? ".
 
Chúng tôi lí nhí. Nhưng có một tiếng lảnh lót từ Gladys Healy “Vâng, thưa cô có ạ".
- Ồ, tại sao Myra chẳng bao giờ chơi với các em? Hàng ngày cô thấy nó đứng dưới cổng vòm sau trường, không chơi đùa. Các em có nghĩ bạn ấy vui vẻ đứng ở đó không ? Các em có nghĩ mình sẽ vui vẻ nếu bị bỏ lại phía sau ấy không ?”.
 
 Không ai trả lời; chúng tôi đối mặt cô Darling với tất cả tôn trọng, tự tin và chán nản với sự phi thực tế trong câu hỏi của cô. Rồi Glaydys nói “Myra không thể đi chơi với tụi em, thưa cô. Myra còn phải trông nom em bé!”. “Ồ, cô Darling nói với vẻ hoài nghi, nhưng dù sao các em phải tỏ ra dễ mến với bạn ấy chứ, các em không nghĩ vậy sao ? Các em sẽ cố gắng dễ thương hơn nữa, phải không? Cô tin rằng các em sẽ như thế”. Cô Darling tội nghiệp ! Chiến dịch của cô ấy chẳng mấy chốc bị từ chối, sự thuyết phục của cô hoá ra chỉ là than phiền và cầu xin vu vơ.
 
Khi cô giáo đi khỏi, Gladys Healy nói thì thầm “Các em sẽ cố gắng hoà nhã hơn, phải không? Tôi biết các em sẽ như thế” và kéo lưỡi về phía sau hàm răng to, nó kêu lên, cởi mở “Tôi không quan tâm trời mưa hay lạnh”. Nó đọc hết cả câu thơ và kết thúc bằng một cách xoay một vòng chiếc váy hoa văn kiểu hoàng gia thời Stuart. Ông Healey quản lý một cửa hàng thức ăn khô và một cửa hiệu bán trang phục phụ nữ, và vai trò thủ lĩnh của con gái ông ta trong lớp chúng tôi một phần tuỳ thuộc vào cái váy trơn lấp lánh và cái áo khoác bông dày của nó, phụ thuộc vào bộ áo vét khuy đồng của nó, tuy nhiên cũng còn phụ thuộc cả vào cái bộ ngực phát triển sớm và sự áp đặt thô bỉ loè loẹt của cá nhân nó… Bây giờ chúng tôi bắt đầu bắt chước giễu nhại cô Darling.
 
Trước khi có chuyện ấy chúng tôi chẳng để ý đến Mira bao giờ. Nhưng bây giờ một trò chơi đã được sáng tác ra; nó bắt đầu với câu “Hãy dễ thương với Myra!”. Kế đó chúng tôi sẽ đi bộ thành từng nhóm ba hay bốn đứa về phía cô bé và theo một dấu hiệu, đồng thanh nói “Chào Myra, chào Myra” và kế tiếp với một câu hỏi đại khái là “Bạn gội đầu bằng gì thế, Myra, tóc rất đẹp và sáng bóng, Myra”, “Ô, cô ấy gội đầu với dầu gan cá thu, Myra cô ấy gội đầu với dầu gan cá thu, các bạn không ngửi thấy sao?”.
 
Và phải nói thật, có một cái mùi của Myra, nhưng đó là cái mùi chua ngọt như trái cây rẻ tiền. Đó chính là thứ hàng hoá trong một cái cửa hàng trái cây nho nhỏ do gia đình Sayla quản lý. Cha cô ấy ngồi suốt ngày trên cái ghế đẩu bên cửa sổ, với cái áo sơ mi căng phồng, hở bụng và một búi mái tóc đen xoã quanh cái khuy áo bụng, ông ấy ngồi nhai tỏi. Nhưng nếu bạn đi vào cửa hàng thì bà Sayla sẽ ra đón khách, xuất hiện lặng lẽ giữa những tấm màn treo lủng lẳng phía sau cửa hàng. Mái tóc bà ấy gấp nếp trong những đám tóc uốn sóng màu đen và bà ấy cười với cặp môi dày mím chặt và trễ dài ra hết cỡ; bà ấy nói giá cho bạn với giọng nói nho nhỏ, mời bạn trả giá, và khi bạn không trả giá, bà xách túi trái cây đưa cho bạn với đôi mắt mở to như nhạo báng.
 
Một buổi sáng mùa đông, tôi đang đi bộ đến quả đồi có khu trường học từ rất sớm, một người hàng xóm cho tôi đi quá giang vào thành phố. Tôi sống cách thị trấn khoảng nửa dặm, ở trang trại, và tôi không nên đi học trường thị trấn chút nào, nhưng sẽ phải đi học trường nông thôn gần đó nơi có cả nửa tá học sinh và một cô giáo hơi loạn trí từ khi cô ấy thay đổi cuộc sống. Nhưng mẹ tôi, một người phụ nữ sùng đạo, đã thuyết phục hội đồng quản trị thu nhận tôi và cha tôi trả học phí cho gia sư phụ đạo, và tôi đi học trường thị trấn. Tôi là học trò duy nhất trong lớp phải mang theo đồ ăn trưa và ăn bánh sandwiches kem đậu phộng.Trong phòng giữ hành lý chỉ có mình tôi, người duy nhất phải mang giày cao su vào mùa xuân khi phải đi bộ trên đường đầy bùn sền sệt. Tôi cảm thấy chút nguy hiểm nhưng bất chấp chuyện đó mà tôi không thể nói chính xác nó là gì.
 
Tôi nhìn thấy Myra và Jimmy phía trước tôi trên quả đồi; họ thường đi học khá sớm, thỉnh thoảng rất sớm, đến nỗi họ phải đứng chờ người gác cửa mở cổng trường. Họ  đi bộ thong thả và thi thoảng Myra quay nghiêng nhìn. Tôi thường đi la cà kiểu ấy, muốn nói chuyện với mấy bạn nữ quan trọng thường đi sau lưng tôi, và không hẳn dám dừng lại chờ. Và bây giờ tôi hiểu rằng chính Myra cũng muốn làm điều ấy với tôi. Tôi không biết làm gì bây giờ. Tôi không thể để người ta nhìn thấy đang đi bộ với cô, và tôi thậm chí không muốn như vậy- nhưng mặt khác, Tôi lại nhớ tới những bước đi ngập ngừng/rụt rè và hơi khúm núm ấy của Myra. Tôi hiểu rằng có một vai diễn mới đang hình thành cho tôi và tôi không thể nào cưỡng lại không diễn cái vai ấy. Tôi cảm thấy một niềm vui vội vã, tỉnh táo, hào hiệp; trước khi biết phải làm gì, tôi gọi “Myra, này, đợi tôi, tôi có mang bánh quy dòn” và nhanh nhẹn rảo bước khi cô ấy dừng lại.
 
Myra chờ đợi, nhưng cô ấy không nhìn tôi; cô chờ đợi trong thái độ cứng rắn như mọi khi cô gặp chúng tôi. Có thể, cô ấy nghĩ tôi đang chơi một trò lừa gì đó với cô, có lẽ cô ấy nghĩ tôi sẽ chạy nhanh qua và ném mấy cái bánh vào mặt cô. Tôi mở hộp và chìa ra cho cô. Cô nhặt lấy vài chiếc. Jimmy núp dưới áo khoác của chị và không lấy miếng nào khi tôi đưa hộp bánh cho cậu bé.
 
“Cậu ấy nhát quá”, tôi an ủi, “rất nhiều em bé nhút nhát như vậy. Cậu ấy chắc rồi sẽ trưởng thành hơn như thế”. Myra nói “Phải”. Tôi nói “tôi có em bé bốn tuổi. Nó nhút nhát kinh khủng…Lấy thêm bánh đi. Tôi nói, tôi thường ăn bánh này suốt nhưng giờ tôi không ăn nữa .Ăn nhiều đồ ngọt quá thì sẽ nổi mụn đấy.
 
Một lúc im lặng.
-“Bạn có thích nghệ thuật không?
 Myra uể oải nói - Không, mình thích nghiên cứu Xã hội và Chính tả và Y tế.
- Mình thích Nghệ thuật và số học. Myra có thể làm toán cộng và toán nhân nhẩm trong đầu  nhanh hơn bất cứ ai trong lớp.
-Tôi ước tôi giỏi môn Số học như bạn. Tôi nói và cảm thấy cao thượng.
-Nhưng tôi không giỏi môn Chính tả, Myra nói. Tôi mắc nhiều lỗi, có lẽ tôi sẽ bị rớt. Cô ấy có vẻ không buồn bã vì điều đó, nhưng thích nói cho có chuyện. Cô ấy quay đầu khỏi hướng tôi, nhìn chằm chằm vào bờ tuyết bẩn thỉu dọc đường phố Victoria, và hít hà như thể bị ướt tới môi và lưỡi.
 
“Bạn không rớt đâu”- tôi nói- bạn rất giỏi môn Số học. Bạn sẽ làm gì sau này khi lớn lên?
 
Trông cô có vẻ bối rối, “Tôi sẽ giúp mẹ tôi” cô nó, “và làm việc trong cửa hàng”.
 - Ừ, còn tôi sẽ làm tiếp viên hàng không, tôi nói, nhưng đừng nói cho ai biết chuyện đó nha. Tôi không nói cho nhiều người biết đâu.
 
- Không, tôi không nói đâu, Myra hứa, bạn đã đọc Steve Canyon trên báo chưa?
- Có .Thực kỳ cục khi nghĩ rằng Myra cũng đọc loại truyện tranh đó, hoặc là cô ấy làm điều gì đó xa rời qui tắc mà cô ấy ứng xử ở trường.
- Bạn có đọc Rip Kirby chưa ?”
- Bạn đọc Orphan Annie chưa?
- Bạn đọc Betsy và the Boys chưa?
Myra  ăn bánh quy dòn một cách không khó khăn, tôi nói, ăn một ít nữa đi. Lấy đầy vốc tay nha.
 
Myra nhìn vào trong hộp,“Có một giải thưởng trong đó”, cô nói. Cô kéo nó ra. Đó là một cái ghim cài cổ áo hình một con bướm bằng thiếc nhỏ, mạ vàng với chiếc kẹp kính màu, trông như một đồ trang sức. Cô cầm vật đó trên bàn tay màu nâu, mỉm cười dịu dàng.
Tôi hỏi “Bạn có thích cái đó không?”
Myra nói, tôi thích chúng là những viên đá màu xanh.  Đá xanh là loại ngọc sapphires.
-Tôi biết, đá sinh nhật của tôi là sapphires. Đá sinh nhật của bạn là gì?
-Tôi không biết.
-Bao giờ sinh nhật bạn ?
-Tháng Bảy
-Thế thì đá sinh nhật của bạn là ruby.
-Tôi thích sapphires hơn, Myra nói, tôi thích thứ của bạn.
Cô ấy đưa cái kẹp con bướm cho tôi. Tôi bảo:
- Bạn giữ lấy đi. Người tìm thấy là người giữ nó.
 
Myra vẫn chìa con bướm ra, như thể cô không hiểu lời tôi nói. Tôi nhắc lại rằng ai tìm thấy thì người ấy có quyền giữ.
 
Myra nói “Nhưng bánh quy dòn là của bạn”, cô hoảng sợ, trịnh trọng nói, “bạn mua nó mà”.
- Nhưng bạn tìm thấy nó.
- Không, Myra nói
- Thôi mà, tôi nói, tôi tặng bạn này. Tôi cầm cái kẹp bướm từ tay Myra rồi đẩy trở lại vào bàn tay cô.
Cả hai chúng tôi đều ngạc nhiên. Chúng tôi nhìn nhau, tôi phấn khởi lắm, còn cô ta thì không. Tôi nhận ra một sự cam kết khi các ngón tay chúng tôi xiết chặt; tôi hoang mang, nhưng được rồi, tôi nghĩ, tôi có thể đến sớm và đi bộ cùng cô  những buổi sáng khác nữa. Tôi có thể đi và trò chuyện cùng cô vào giờ giải lao. Tại sao không ? Tại sao không chứ?
 
 Myra bỏ con bướm vào túi áo. Cô nói, “tôi sẽ đeo nó trên bộ váy đẹp. Váy của tôi màu xanh”.
 
Tôi tin chắc là vậy. Myra mặc bộ váy đẹp đi học. Ngay cả giữa mùa đông giữa những áo choàng len và áo dài vải xẹc, cô chập chờn ẩn hiện nét buồn trong vải lụa bóng xanh da trời, trong đôi dày kếp màu ngọc lam cũ rích, chiếc áo của người đàn bà lớn tuổi quá thời, điều chỉnh bằng một cái nơ con bướm lớn ở cổ chữ V, và phồng lên trên bộ ngực hẹp của Myra…Và tôi vui mừng vì thấy cô ấy không đeo cây kẹp con bướm tôi tặng. Lỡ có ai hỏi cô lấy thứ đó ở đâu, và cô kể cho họ, tôi biết ăn nói làm sao ?
 
Sau chuyện đó một ngày, hoặc một tuần, Myra không đến trường. Bình thường cô ấy có thể phải giữ ở nhà để giúp việc. Nhưng lần này cô không trở lại. Một hay hai tuần sau, ghế của cô vẫn trống trơn. Rồi chúng tôi phải chuyển lớp và bàn ngồi của Myra được dọn sách vở đi, đưa vào kệ giá trong phòng chứa đồ. Cô Darling bảo “Chúng ta sẽ tìm một cái ghế khi cô ấy trở lại”. Và cô thôi gọi tên Myra khi kiểm danh.
 
Jimmy Sayla cũng không trở lại trường học, không có ai đưa cậu ấy vào nhà vệ sinh.
 
Khoảng bốn hay năm tuần lễ sau, kể từ Myra vắng mặt, Gladys đến lớp và nói “ Các bạn có biết Myra Sayla mắc bệnh gì phải nằm trong bệnh viện ?”.
 
Đúng như vậy. Glaydys có người dì làm y tá trong bệnh viện. Gladys đưa tay vào giữa bài Chính tả và bảo cô Darling: “Em nghĩ, có thể cô muốn biết”. Cô Darling nói “Ừ, cô muốn biết”.
 
“Myra mắc bệnh gì?”- chúng tôi hỏi. Và Gladys nói “Akemia,(*2) đại khái vậy. Và cô ấy phải truyền máu”. Gladys nói với cô Darling, “dì em là y tá”.
 
Thế là cô Darling bảo cả lớp viết một lá thư, trong ấy mọi người viết “Myra thân mến, chúng mình đều viết cho bạn một lá thư. Chúng mình mong bạn mau chóng khoẻ hơn và trở lại trường- Bạn của bạn”.Cô Darling nói “Tôi có ý kiến này. Ai có thể đến bệnh viện thăm Myra vào ngày 20 tháng Ba, để tổ chức một tiệc sinh nhật?”.
 
 Tôi nói “bạn ấy sinh nhật vào tháng Bảy”.
 Cô biết - cô Darling nói - Đó là 20 tháng Bảy, Nhưng năm nay bạn ấy nên sinh nhật vào tháng Ba, vì bị bệnh”.
- Nhưng sinh nhật bạn ấy là tháng Bảy.
- Bởi vì bạn ấy bệnh, cô Darling nói với một giọng khuyên nhủ gay gắt. Nhà bếp ở bệnh viện có thể làm một cái bánh và tất cả các em có thể tặng Myra một món quà, khoảng chừng 25 xu. Tiệc sinh nhật sẽ tổ chức khoảng giữa 2 và 4 giờ, bởi đó là giờ thăm bệnh. Mà chúng ta không thể cùng đi tất cả, như thế quá đông, nào ai muốn đi và ai ở lại học tiếp bài đọc hiểu tiểu học?
 
Chúng tôi đều giơ tay, cô Darling cất đi băng cassette chính tả và chọn ra 15 bạn đầu tiên gồm 12 nữ 3 nam. Sau đó ba bạn nam đổi ý không muốn đi nên cô chọn ba bạn nữ khác tiếp theo. Tôi không nhớ đó là lúc nào, nhưng tôi nghĩ hẳn là tiệc sinh nhật của Myra Sayla đã trở thành sang trọng.
 
Có lẽ bởi vì Gladys có người dì làm y tá, có thể đó là sự kích động bởi bệnh tật và bệnh viện, hoặc đơn giản chỉ là sự kiện Myra đã ra khỏi quy tắc và điều kiện sống với chúng tôi một cách hoàn toàn, gây ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi bắt đầu bàn tán về cô ấy như thể cô ấy là một cái gì thuộc về chúng tôi, và tiệc của cô ấy trở thành một sự kiện lớn; với sự buồn phiền nữ tính, chúng tôi thảo luận lúc nghỉ giải lao và quyết định rằng hai mươi lăm xu thì quá thấp.
 
Chúng tôi cùng đi tới bệnh viện vào một buổi chiều đầy nắng khi tuyết bắt đầu tan, mang theo món quà, và cô y tá dẫn chúng tôi lên cầu thang, đi theo hàng một, rồi đi xuống những cánh cửa khép hờ dọc hành lang và nói chuyện thì thào lo lắng. Cô y tá và cô Darling phải ra hiệu giữ trật tự, nhưng chúng tôi vẫn đi nhón đầu ngón chân; cách đối xử của bệnh viện thực là hoàn hảo.
 
Ở bệnh viện thị trấn nông thôn nhỏ này không có khu trại bệnh trẻ em, và Myra không hẳn là một em bé, họ cho cô vào nằm cùng phòng với hai người phụ nữ già, xanh xám. Một y tá buông tấm rido che khuất hai bà khi chúng tôi bước vào.
 
Myra ngồi trên giường, mặc chiếc áo dài bệnh viện thô rộng. Tóc cô ấy xoã xuống, một bím tóc dài phủ qua vai chạm tới khăn trải giường, nhưng khuôn mặt cô vẫn thế, luôn luôn như thế.
 
Myra được nghe cô Darling thông báo về bữa tiệc, nhưng sự bất ngờ không làm Myra bối rối, bởi dường như cô không tin được điều đó, hoặc không hiểu được nó là cái gì… Cô nhìn chúng tôi như khi cô từng đứng xem chúng tôi chơi đùa trên sân trường.
- Chúng ta đã đến rồi, cô Darling nói. Đến rồi ! Và chúng tôi đồng thanh “Happy birthday, Myra ! Hello Myra, Happy birthday, Myra,!”.
   Myra nói “Sinh nhật tôi vào tháng Bảy”. Giọng cô nhẹ hơn bao giờ, hững hờ, vô cảm.
 - Đừng băn khoăn cái ấy, thực mà, cô Darling bảo, hãy coi đó là hôm nay đi. Em bao nhiêu tuổi, Myra?
-Mười một tuổi- Myra nói- vào tháng Bảy.
 
Thế là chúng tôi cởi hết áo khoác, hăng hái sửa soạn bữa tiệc, và xếp đặt các gói quà 
lên tấm trải giường màu hoa nhợt nhạt trên giường Myra. Mấy bà mẹ của đám bạn học
đã kết những tấm diềm vải sa tanh, thắt nơ con bướm rất cầu kỳ, tuyệt đẹp, có bà thậm chí còn làm dải băng hoa hồng mô phỏng bữa đại tiệc và những bông hoa trắng hồng của thung lũng. “Nào, Myra”, chúng tôi hô “Myra, happy birthday!”. Myra không nhìn chúng tôi, chỉ nhìn vào những dải ruybang, màu hồng và xanh lấp lánh, và bữa tiệc nhỏ; những cái làm cô vui lòng, như một con bướm vừa kết xong. Một cái nhìn ngây thơ đến trên khuôn mặt cô, một nụ cười riêng biệt chưa hoàn chỉnh.
 
-Mở ra đi, Myra, cô Darling bảo, những cái đó dành cho em.
Myra vun các món quà xung quanh em, sờ ngón tay vào, với nụ cười và một niềm tự hào không chờ đợi, vẫn thận trọng. Cô nói “Thứ Bảy, em chuyển đi bệnh viện thánh Joseph ở London” (*3) .
“Đó là nơi mẹ em đang ở”, có một bạn nói, “Chúng ta sẽ đi và gặp bà ấy. Bệnh viện có nhiều bà xơ ở đó”.
- Cô ruột mình cũng là bà xơ – Myra nói, rồi lại lặng lẽ.
Cô bắt đầu mở các gói quà, với một không khí mà không thể nói Gladys có thể làm tốt hơn nữa, được gấp nếp giấy khăn lụa bọc đồ, và ruy băng, và kéo ra những cuốn sách, đồ chơi đố chữ … như thể chúng đều là giải thưởng Myra đoạt được. Cô Darling nói rằng có thể em không cần cảm ơn các bạn, tên của mỗi người trên mỗi món quà Myra đã mở, và tin chắc rằng Myra biết xuất xứ từng món. Myra nói “Cảm ơn Mary Louise, cảm ơn Carol,” và khi cô hướng về tôi, cô nói “Thank you, Helen”. Mỗi người giải thích món quà họ tặng và một cuộc trò chuyện đầy hứng thú, hoan hỉ là việc mà Myra được làm chủ toạ, tuy nhiên cô vẫn không vui vẻ…Một cái bánh được mang ra với dòng chữ “Happy Birthday Myra” nổi bật trên vỏ bánh màu hồng nền trắng và 11 cây nến. Cô Darling châm nến và chúng tôi hát Happy Birthday to You, và hét lên “ Nói một điều ước đi, Myra, nói điều ước” và Myra thổi tắt 11 cây nến. Sau đó chúng tôi ăn bánh và kem dâu.
 
Lúc bốn giờ, một hồi chuông vang lên và cô y tá vào dọn đi tất cả phần bánh còn lại và những cái đĩa dơ, chúng tôi mặc áo khoác để về nhà. Mọi người nói “Goodbye Myra” còn Myra ngồi trên giường lặng nhìn chúng tôi đi ra, lưng cô ngồi thẳng, không cần tựa gối, bàn tay cô đặt lên những món quà. Nhưng ra đến cửa, tôi nghe Myra gọi “Helen!”. Chỉ có vài người nghe thấy; cô Daling không nghe thấy, cô đã ra ngoài trước. Tôi quay trở lại bên giường.
 Myra nói “Tôi có rất nhiều thứ. Bạn lấy cái gì đi”.
 -Cái gì? -Tôi nói, đó là quà tặng sinh nhật bạn. Bạn thường xuyên nhận được nhiều quà vào sinh nhật mà.
Ờ, bạn lấy món gì đi- Myra nói, cô nhặt lên một cái hộp bọc da có tấm gương soi nhỏ ở trong, một cái lược, một cái giũa móng tay và một cục son môi tự nhiên, một khăn tay nhỏ với sợi chỉ vàng. Tôi không nhận ra mấy thứ ấy lúc trước. Myra nói “Bạn nhận đi.
Bạn không thích à?
 -Bạn nhận đi. Cô ấy đặt mấy món vào tay tôi. Mấy ngón tay chúng tôi lại chạm vào nhau.
 - Khi tôi từ London trở về - Myra nói- bạn sẽ đến và chơi với mình ở chỗ của mình sau giờ học nha.
 Tôi nói “Okey”. Bên ngoài cửa sổ bệnh viện, có tiếng ai đó chơi đùa trên phố vang lại, có lẽ đang chơi trò đuổi quả cầu tuyết cuối mùa. Tiếng vang đó khiến cho Myra tấm lòng rộng rãi hào phóng,với thắng lợi của cô và tất cả những gì trong tương lai cô tìm thấy vị trí cho tôi, đã trở nên mờ ảo, tối đen. Tất cả món quà trên giường, những gói giấy và ruy băng, mấy băng nhạc, những món quà vang lên tiếng nói biết lỗi, đã vụt qua vào bóng lờ mờ ấy, chúng sẽ không còn là đối tượng ngây thơ trở nên cảm động, trao đổi, chấp nhận mà không bị nguy hiểm. Tôi không muốn nhận tình trạng này bây giờ nhưng không thể biết cách làm sao dời khỏi nó, biết nói dối sao đây. Tôi sẽ từ bỏ nó, tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ chơi với nó. Tôi sẽ để em trai tôi xé toạc nó ra.
 
 Cô y tá trở lại, mang một ly sữa chocolate.
- Có chuyện gì thế, em không nghe tiếng chuông à ?
 Vậy là tôi được giải phóng, được tự do khỏi những rào cản mà bây giờ đóng lại về chuyện Myra, cái thế giới bệnh viện với mùi ê te, sự cao thượng vô danh,... và bởi cái thói bội bạc của trái tim tôi.
-Ồ cảm ơn cô, cảm ơn cô về mọi thứ. Goodbye.
 
Tôi không nhớ rõ là Myra có nói goodbye với tôi không. Hình như không. Cô ấy ngồi trên giường cao, cái cổ màu nâu thanh tú, vươn lên khỏi cái áo bệnh nhân quá rộng với cô, khuôn mặt như tạc màu nâu có khả năng miễn khỏi sự phản bội, món quà của cô có lẽ đã sẵn sàng bị bỏ quên, được cất đi để dành cho những dịp trọng đại nào đó, khi cô thậm chí trở lại đứng dưới mái vòm sau trường học.
 
Alice Munro
 
(Tập truyện xuất bản lần đầu 1965)
 
Chú thích (của người dịch)
(*1) Cậu bé Jimmy bị đái ra quần vì không có chị Myra giúp.
(*2) Cô bé Gladys nói nhầm “Akemia”, đúng phải là bệnh “Leukemia”: bệnh bạch cầu (máu trắng). Bệnh này phải thay máu, nhưng khó làm điều đó, khó tránh khỏi cái chết.
(*3) London là một thị trấn nhỏ ở Canada, không phải London thủ đô nước Anh.
 
Lời bàn
Cốt truyện có vẻ đơn giản, nhưng miêu tả tâm lý nhân vật nữ tuổi teen khá phức tạp, tinh tế. Nữ văn sĩ Munro là chuyên gia về đề tài phụ nữ.
 
Sơ lược nhân vật:
- Hai chị em Myra Sayla, nhà nghèo, có thể là người da màu, mới di cư tới gần một thị trấn nhỏ…Tâm lý Myra khá phức tạp:  em không tin rằng mọi người thực bụng tử tế với mình, cô bé đã quen chịu sự kỳ thị đến mức thấy bình thường rồi.
 
- Gladys Healy con nhà giàu và là “ma cũ” đứng đầu đám bạn học lớp Sáu, cùng hầu hết học trò trong lớp đều kỳ thị với chị em Myra.
 
- Helen, người kể chuyện, cũng nhà nghèo, cùng học lớp Sáu, nhưng là “ma cũ”, cũng bị a dua cuốn theo số đông bạn học kỳ thị Myra, nhưng thiên lương nhắc cô cố gắng gần gũi với Myra. Tuy vậy, cô vẫn băn khoăn chưa tin vào hành động tốt đẹp của mình. Nhân vật có tâm lý phức tạp nhất là Helen vừa thay đổi cư xử với Myra lại vừa lo lắng bất an…Câu văn kết thúc truyện: “Tôi không nhớ rõ là Myra có nói goodbye với tôi không. Hình như không. Cô ấy ngồi trên giường cao …”. Người dịch tự hỏi - nhân vật Helen vì sao lại đãng trí đến thế ? Bởi cô ấy muốn mau ra khỏi bệnh viện trong tâm trí bất an.
 
-Cô giáo Darling là nhân vật lý tưởng, người tử tế nhất.
 
Sự kiện tổ chức sinh nhật cho Myra ở bệnh viện là một điều bất ngờ lớn. Khi mọi người biết Myra mắc bệnh bạch cầu (leumenia) và bị cách ly, họ tổ chức bữa tiệc như là sự bố thí thay vì lòng nhân đạo (?).
 
Nhìn chung bút pháp Munro tinh tế và hàm súc, miêu thuật có yếu tố “tảng băng trôi” nên không dễ đọc một lần.
 
Phùng Hoài Ngọc
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh