Home » Tin tức » Xứ Đoài văn

PHAN KẾ BÍNH (1875 - 1921)

MONday - 11/12/2017 11:31
Nhà văn Phan Kế Bính

Nhà văn Phan Kế Bính

Phan Kế Bính, hiệu là Bưu Văn, người xã Thụy Khuê (Hà Đông), đỗ cử nhân Hán học. Ông là một trong số mấy nhà cựu học đã tham gia hoạt động báo chí, học thuật trên văn đàn công khai trong những năm đầu thế kỷ XX. Ông là trợ bút tờ Đăng cổ tùng báo (1907), tiếp đó là một chân quan trọng trong ban biên tập của Đông Dương tạp chí. Sách của ông gồm một phần là biên soạn như: Việt Hán văn khảo, Nam hải dị nhân, Hưng Đạo đại vương truyện, Việt Nam phong tục, và một phần là dịch thuật như: Tam quốc chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện… Ngoài ra, trên Đông Dương tạp chí, ông còn có một số bài giới thiệu tư tưởng các triết gia, các văn nhân Trung Quốc rút ở các sách Chiến quốc, Liệt tử, Mặc tử v.v…và một số truyện dịch ở Tình sở, Kim cổ kỳ quan.
                                                                         
VIỆT NAM PHONG TỤC
(trích)
VIII - NHO GIÁO
 
Nước ta sùng trọng nhất là nho giáo. Nguyên ủy nho giáo lưu truyền kể cũng đã lâu: Bắt đầu từ vua Phục Hy chế ra bát quái, vua Hạ Vũ dựng ra cửu trùng, đã là gốc triết học của nho giáo. Điển, mô, huấn, cáo là những lời khuyên răn của Đai Vũ, Cao Dao, Y Doãn, Phó Duyệt, đã là gốc luân lý của nho giáo, Nghiêu, Thuấn đặt ra điển hình. Châu công chế ra lễ nhạc, đã là gốc chính trị học của nho giáo.
Đến đời Xuân Thu có Đức Khổng phu Tử, ngài góp nhặt các lời lẽ, văn chương của các hiền thánh để dạy thiên hạ, từ đó mới thành lối học riêng gọi là nho giáo. Mà muôn đời về sau, ai ai cũng suy tôn Ngài là Tiên thánh, Tiên sư.
Ngài húy là Khâu, biểu tự là Trọng Ni, thánh phụ là Khổng gia phủ, tự là Thúc Lương Ngột, làm quan nước Lỗ. Thánh mẫu là Nhan thị. Cầu tự ở núi Ni Sơn mà sinh ra ngài. Ngài sinh ngày hai mươi bảy tháng tám năm Canh Tuất là năm thứ hai mươi mốt đời vua Linh Vương nhà Châu, trước Thiên Chúa giáng sinh 445, sinh tại làng Xương Bình huyện Khúc Phụ, nước Lỗ.
Ngoại thư chép rằng: Khi Ngài mới sinh, có năm ngôi sao hiện làm năm ông già xuống sân mà thăm Ngài, lại có ba con rồng phủ quanh nhà. Lời ấy là lời tục truyền, chắc là của người suy tôn đạo Ngài, bày ra một điển linh dị, để phân biệt với người thường.
Hồi Ngài còn nhỏ, hay chơi những đồ biển đậu (như các thức đèn nến trẻ con chơi). Ngài bẩm tính sinh tri, thiên tư rất thông minh. Học rộng kiến văn nhiều, biết thấu lẽ huyền diệu của tạo hóa. Vua nước Lỗ nghe tiếng Ngài là bực hiền thánh, dùng Ngài làm quan Tư khấu (coi việc hình) và đã dùng Ngài làm tướng, song chẳng bao lâu, vua nước Lỗ đam mê về vũ nhạc, trễ nải việc triều chính. Ngài can ngăn không được mới xin từ chức.
Từ đó Ngài đi chu du các nước chư hầu như: Tề, Vệ, Sở, Tống, v.v… Ngài mong đem đạo học của Ngài để cứu đời, nhưng đi đến nước nào vua nước ấy cũng không biết tin dùng Ngài. Đến khi Ngài già, trở về nước Lỗ, mở trường học ở nơi Hạnh Đàn để dạy học trò. Ngài san định lại kinh thi, kinh thư, kinh dịch, kinh lễ, kinh nhạc, kinh xuân  thu, gọi là lục kinh (sáu bộ sách). Ngài dạy người ta cốt nhất là những điều hiếu, đễ, trung, thứ, tu, tề, trị, bình. Hiếu để thờ cha mẹ có lòng thảo thuận, đễ để ở với anh em có lòng hòa thuận, trung để thờ vua cho hết lòng, thứ để ở với người ngoài cho biết suy bụng ta ra bụng người. Tu là sửa cái nết trong mình, tề là đạo tề gia, trị là đạo trị nước, bình là đạo trị thiên hạ.
Tám điều nói đó là tôn chỉ của đạo Ngài. Ngài lại dạy người ta lấy lục nghệ (sáu nghề). Lục nghệ là: Lễ (lễ nghi), nhạc (âm nhạc), xạ (phép bắn cung), ngự (phép cưỡi ngựa), thư (phép viết), số (phép tính). Lễ tức là một cách để giao thiệp, nhạc để dưỡng tính tình, xạ, ngự tức là cách thể thao, số tức là toán pháp.
Học trò Ngài đông tới ba ngàn người mà vào bực cao hiền được bảy mươi hai người. Trong bọn cao hiền lại duy có Nhan Hồi, Tăng Sâm là giỏi hơn hết.
Ngài thọ bảy mươi ba tuổi thì mất, bấy giờ là ngày mười tám tháng hai năm Nhâm Tuất, là năm thứ bốn mươi mốt đời vua Kinh vương nhà Châu trước Thiên Chúa giáng sinh ba trăm bảy mươi ba năm.
Ngài mất rồi, thì học trò lập đền thờ ngay ở chỗ nhà Ngài, Thầy Tăng Tử chép lời Ngài soạn ra sách Đại học, các học trò ghi chép lời ăn nết ở của Ngài soạn ra sách Luận ngữ, để truyền đạo giáo của Ngài. Kể đến cháu Ngài là thầy Tử Tư soạn ra sách Trung Dung, cách đời Ngài một trăm mười năm lại có thầy Mạnh Tử soạn ra sách Mạnh Tử cũng toàn là phát minh thêm đạo Ngài, để truyền bá đi thiên hạ mà dạy người.
Từ đó thì đạo nho mỗi ngày lưu truyền một rộng. Đến đời vua Cao Tổ nhà Hán, mới lên ngôi vua, trước hết dùng lễ thái lao (một con trâu, một con bò và một con dê) thân đến tế Ngài tại nơi nhà thờ. Các vua sùng đạo nho trước từ đấy. Đến đời vua Vũ Đế, đặt quan bác sĩ đem năm kinh của Ngài ra để dạy thiên hạ (vì kinh Nhạc đã mất từ khi nhà Tần đốt sách, cho nên chỉ còn năm kinh) Lại chuyện tôn đạo Khổng Tử mà bỏ cả sách vở của các nhà (như Lão Tử, Trang Tử, Dương Tử. Mặc Tử. v.v…) vì thế đạo nho lại thịnh hơn nữa, mà từ đó mọi cách chính trị, đạo luân  lý, khoa triết học của Tàu, nhất thiết đều Tuân theo đạo nho.
Trên thì có nhà vua tôn sùng, dưới thì có các nhà hiền triết đặt ra lời bàn câu nói, soạn ra sách nọ sách kia, đều để phát minh thêm cái nghĩa đạo nho. Như là nhà Hán thì có Đổng Trọng Thư Giả Nghị. Lưu Hướng, Trịnh Khang Thành; nhà Đường thì có Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên; nhà Tống thì có Chu Liêm Khê, Trình Minh Đạo, Trương Hoành Cử, Chu Khảo Đình, v.v…. Các bậc ấy đều là danh nho một đời, có công duy trì đạo thống rất nhiều.
Nguyên, Minh trở về sau; đạo nho lại càng thịnh hành. Quận ấp nào cũng có miếu thờ Ngài gọi là Văn Miếu. Đâu đâu cũng tôn Ngài là Chí thánh tiên sư.
Nho giáo thịnh hành ở Trung Quốc rồi truyền gần khắp phía Á Đông, mà nước ta từ lúc nội thuộc nhà Hán, người Trung Quốc như ông Sĩ Nhiếp, ông Tích Quang đã đem đạo nho mà rải rắc sang nước ta. Đến đời vua Thánh Tôn nhà Lý mới lập Văn miếu (tức đền giám Hà Nội bây giờ) thờ tiên thánh; thờ kèm thầy Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử, gọi là Tứ phối; bọn thầy Tử Cống, Tử Hạ cả thảy mười người, gọi là thập triết. Ở ngoài hai bên tả mạc hữu mạc thì thờ các vị cao hiền và thờ các bậc tiên hiền tiên nho từ đời nhà Hán, Đường cho đến nhà Nguyên, Minh. Các người ấy toàn là người Tàu, người nước ta thì sau mới thờ thêm ông Chu Văn An là người làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì ở về đời nhà Trần.
Văn miếu là một nơi duy trì đạo thống cho trong nước. Vua mỗi năm hai kỳ xuân thu dùng trọng lễ thân ra tế để tỏ lòng tôn sùng đạo Ngài. Lại dùng kinh truyện để thi học trò, dùng nho thuật để trị thiên hạ. Các đời vua về sau mỗi ngày mở mang thêm sự văn hóa thì đạo nho lại mỗi ngày một thịnh thêm.
Vài chục năm nay nước ta tiêm nhiễm lối Âu học, xem ra nhiều ý tưởng cao lạ và nhiều sự thực nghiệm. Đạo nho tuy cũng còn nhiều người sùng mộ, nhưng cũng nhiều người tùy thời mà theo về lối Âu châu. Mà trong việc học hành chữ nho cũng không được thịnh như trước nữa. Ở Sài Gòn thì bây giờ không còn mấy người tinh thông chữ nho, ở Bắc Kỳ ta có lẽ vài chục năm nữa cũng vậy. Ấy cũng là một cơ hội xoay đổi quan hệ đến vận nước hay dở mai sau.
*
*                      *
Đạo nho là một đạo bình thường giản dị, thuận lẽ tự nhiên của tạo hóa, và hợp với linh tính đương nhiên của người ta, ai cũng có thể noi theo được. Người mà có nho học, thì nên một người có nết na, có phép tắc, có lòng nhân ái. Nước mà dùng nho đạo, thì nên một nước có kỷ cương, có thể thống, dễ cho việc cai trị, mà nhân dân cũng được hưởng phúc hòa bình.
Duy có một điều: triết lý thì nhiều điều viển vông, mà khiến cho người ta khó theo. Tính tình thì chuộng một cách êm ái hòa nhã, khiến cho dân khí nhu nhược, không được hùng dũng hoạt động như tính người châu Âu, nhu dụng thì chuộng một cách tiết kiệm tầm thường, khiến cho kỹ nghệ thô sơ, không được tinh xảo phát đạt như các nước Thái Tây. Nói rút lại thì đạo nho là một đạo tự trị thì rất hay, mà đem đối với đời cạnh tranh thì không mạnh. Còn như các thói hủ bại, phần nhiều là bởi tự người làm nên tệ, chớ không nên đổ cho tại nho giáo.
Tuy vậy, nước ta cũng nhờ có nho học mới theo được các cách văn minh của Tàu, mà nên một nước có văn chương, có chính trị, có luân thường, có học thức. Nếu trước khi có Âu học, mà lại không có nho học, thì nước ta chẳng qua cũng là một nơi mọi rợ mà thôi. Vậy thì công nho giáo truyền sang nước ta rất to, dẫu khi nào nhờ được Âu học mà nên một nước thịnh vượng hơn trước, ta cũng không nên quên cái công ấy. Vì cái công ấy đã mở mắt trước cho ta, ví như đứa trẻ thơ, trước nhờ một ông thầy dạy bảo cho mở một đôi chút trí khôn, về sau dẫu có nhờ được ông thầy khác, học được thêm khôn thêm khéo, thì cũng không nên quên hẳn công ông thầy trước.
Và cứ theo đạo nho mà dùng cho khéo, bỏ những điều câu thúc hủ bại, mà đem cách trí, tư tưởng mới để bổ vào những nơi khuyết điểm thì cũng nên được một nước phú cường thịnh vượng, mà có lẽ lại hay hơn nữa.
Tôi thấy gần nay các ông cựu nho thở vắn than dài riêng với nhau rằng đạo nho ta suy đồi, sắp đến ngày tuyệt diệt.
Tôi thiết tưởng vật gì lâu ngày cũng phải mục nát, mà đạo nào có lúc thịnh cũng có lúc suy. Huống chi một thời biến đổi, là một cơ hội của tạo hóa xoay vần, cái nền cũ có đổ nát, thì mới gây nên được cái nền mới. Vậy thì hội này chính là dịp tấn hóa của nước ta đó.
 
 
IX – PHẬT GIÁO
 
Phật giáo do ở đạo Bà la môn mà ra. Nguyên trước Thiên Chúa giáng sinh, dân tộc Á Lợi An tràn vào đất Ấn Độ, ở rải rác một dọc sông Hằng, dựng ra thành nhiều nước nhỏ. Dân xứ đó chia ra làm bốn bậc người: bậc thứ nhất, gọi là Bà la môn, có bọn thầy tu làm chủ, coi riêng việc tế tự; bậc thứ nhì gọi là Lý đề lợi, các quí tộc làm chủ, coi về quyền chính trị: bậc thứ ba gọi là Phệ xá, tức là hạng bình dân, bậc thứ tự gọi là Thủ đà, chỉ làm nô lệ mà thôi.
Đạo Bà la môn vẫn thông hành ở xứ đó. Đến sau có ông Thích Ca mầu ni, thấy bọn thầy tu đạo Bà la môn sinh lắm điều tệ, và lại thấy người ta ai cũng ở trong luân hồi; chịu những cảnh khổ não, như là: sinh, lão, bệnh, tử là bốn cái kiếp khốn nạn, vì thế chán đời, mà cầu một phép để giải thoát cái khổ não ấy, mới dựng ra một tôn giáo riêng gọi là Phật giáo. Môn đồ về sau suy tôn ông ấy gọi là Phật Tổ Như Lai.
Nguyên ông ấy họ là Thích Ca, tên là Cổ Đàm (Gôtama), tự là Tất Đạt Đa, con vua nước Ca Duy Vệ (một nước nhỏ trong nước Ấn Độ), tên là Tính Phạm Đồ đâu gia. Phật mẫu tên là Tĩnh Diệm. Sách Phật nói rằng: “Bà mẹ chiêm bao thấy người vàng đầu thai, mà sinh ra Ngài”. Lại có sách nói rằng: “Bà mẹ chiêm bao thấy con voi trắng sáu ngà, biến thành hào quang soi vào bụng, rồi có mang mười tháng, đến lúc sinh thì sinh ra đằng sườn phía hữu, tự nhiên có cái hoa sen nẩy ra để đỡ Ngài lên, lại có hai con rồng ở trên giời xuống phun nước để tắm cho Ngài, và có bách thần xuống trông nom săn sóc. Ngài màu da vàng, lông tóc dựng ngược. Sinh ra khỏi, Ngài bước đi bảy bước, một tay chỉ lên giời, một tay chỉ xuống đất mà thét lên rằng: “Trên thì giời, dưới thì đất, duy có ta là quí hơn cả” Lời ấy chắc cũng là môn đồ bày ra.
Ngài sinh bấy giờ là ngày mồng tám tháng tư, nhưng không tường về năm nào. Một môn phái ở phía Bắc Ấn Độ, thì nói sinh về năm 1028 trước Thiên Chúa, vào khoảng đời nhà vua Chiêu Vương nhà Chu; một môn phái ở phía Nam Ấn Độ thì cho vào chừng năm 624 trước Thiên Chúa, nhưng các nhà bác học Thái Tây bây giờ thì cho vào chừng năm 558 hoặc 520, cùng một thời với Đức Khổng Tử.
Ông Thích Ca cũng đã lấy ba vợ, sinh được một con giai tên là La Hầu La. Năm hai mươi chín tuổi (đây theo sách Ấn Độ, chớ sách Tàu thì nói năm mười chín tuổi) xảy thấy một người già yếu tàn tật vào ăn xin, mới suy nghĩ ra đời người toàn là cảnh khổ, lập tức đêm ấy bỏ nhà vào rừng đi tu. Trước hết vào tu ở núi Đàn Đặc và núi Toàn Sơn, sau đến tu ở xứ Xá Vệ, ngày ngày mặc áo cà sa ngồi dưới gốc cây để tĩnh niệm nghĩ cách giải thoát. Được bảy năm, xảy tỉnh ngộ được đạo huyền diệu, tự xưng là Bồ Đà (bouddha) nghĩa là trong tâm tính đã sáng suốt cả rồi, từ bấy giờ mới đi truyền đạo.
Tục truyền ông ấy về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà mất ở nơi Câu thi. Lúc gần mất, ông ấy nói rằng: “Nay ta đã lên cõi Niết Bàn, nghĩa là lên đến chỗ cực lạc thế giới”.
Ngài mất rồi, các học trò soạn nhặt các lời di ngôn, tập lại thành sách, cả thảy bốn mươi hai chương, chia làm ba quyển gọi là kinh Tam tạng. Tạng nghĩa là chứa, vì các lời Ngài chép ra chứa vào một chỗ, cho nên gọi là tạng. Tam tạng:
1 – Kinh tạng, là những lời luân  thường đạo lý;
2 – Luật tạng, là những lời giới cấm;
3 – Luận tạng, là những lời nghị luận.
Mục đích đạo Phật chỉ có hai chữ hư vô là kiêm hết. Có câu rằng: “Hết thảy không có cái gì, chỉ vì cái nhân duyên mà sinh ra. Nay dẫu tạm có, nhưng bản tính vẫn là không. Người đời càn dở giữ lấy cho làm của mình có, cho nên Đức Như Lai ra đời, lấy một chữ vô mà phá cái hoặc ấy”. Mấy câu ấy đủ rõ đạo Phật.
Đạo Phật chia trong cơ thể, gọi là Lục Côn (sáu cái gốc) là: Nhân (mắt), nhĩ (tai), tị (mũi), thiệt (lưỡi), thân (mình), ý (ý tưởng). Các ngoại vật động tới cơ thể, gọi là Lục trần (sáu cái bụi) là: sắc (sắc đẹp), thanh (tiếng hay), hương (mùi thơm), vị (vị ngon), xúc (chạm tới mình), pháp (tưởng tượng).
Lại có Ngũ giới (năm điều cảm) là: bất sát sinh (không được giết súc vật), bất đạo (không được trộm cắp), bất gian dâm (không được gian dâm), bất vọng ngôn (không được nói càn), bất âm tửu thực nhục (không được uống rượu, ăn thịt). Phép Phật lại có cách tọa thiền. Tọa thiền là người tu hành ngồi nhắm mắt ngoảnh mặt vào vách, tịnh hết lòng trần dục, không nghĩ ngợi. Có bốn bậc:
1. Sơ thiền, không lo lắng
2. Nhị thiền, không khổ não
3. Tam thiền, rất vui sướng
4. Tứ thiền, không phải chịu vòng luân hồi nữa.
Luân hồi là kiếp trước làm những điều tội ác, thì chết xuống âm phủ phải chịu những tội khổ sở, rồi kiếp sau lại phải làm các giống súc vật, hoặc phải đày đọa những cảnh khổ ải.
Dưới âm phủ có một trăm ba mươi sáu động là những nơi ngục hình làm tội người ác. Những lời ấy là cách để khuyên cho người ta làm thiện mà chớ làm ác đấy thôi.
Nói rút lại thì đạo Phật có hai chú ý: một là sự khổ não, hai là giải thoát sự khổ não. Khổ não là bởi sự luân  hồi, thoát khỏi vòng luân hồi thì khỏi khổ, vậy thì bỏ hết lòng dục trói buộc ở trần thế, thì ra được ngoài vòng luân hồi, rồi mới lên được cõi Niết bàn, nghĩa là lên cõi không không, là nơi cực lạc thế giới.
Trên này nói đại khái nguyên úy đạo Phật, còn đạo Phật thịnh hành ở Ấn Độ và truyền bá sang Tàu, sang ta, thì trong Việt sư yếu của cụ Quân Hoàng nói đã tường, nay xin nhắc lại mà dịch như sau này:
“Sau khi ông Thích Ca mất, học trò là Ma kha ca diệp hội hết đồ đệ ở thành Vương sá cả thảy năm trăm người, đó là lần thứ nhất Phật giáo hội tụ. Cách một trăm năm nữa. Gia sư đã lại họp đệ tử ở Đôn sá lị, cả thảy bảy trăm người, đó là lần thứ hai Phật giáo hội tụ. Tuy vậy trước sau trong ba trăm năm, Phật giáo lưu truyền, chỉ ở quanh một dải sông Hằng. Đến đời vua Mao lị gia dựng nước ở giữa đất Ấn Độ, hết sức mà chủ trì Chùa hai trăm ba mươi bốn năm (năm thứ năm mươi bốn đời Châu Noan Vương), vua Kế mà đại hội ở Kinh Đô, duy lấy Phật giáo làm tôn chủ, bắt ép người trong nước phải theo, và sai bọn thầy chùa làm giáo sĩ, đi ra ngoại quốc mà truyền đạo; từ đó Phật giáo mới lan cả ra thế giới vậy.
Nước Tàu từ khi Ban Siêu (vào đời Hán Võ đế) đi sứ Tây Vực trở về thì danh hiệu Phật ở phương Tây, mới thấu đến tai người Tàu. Năm Vĩnh Bình thứ tám đời vua Minh Đế nhà Hán (sau Thiên Chúa sáu chục năm), vua sai người Thái Tịch sang Tây Trúc cầu Phật. Thái Tịch mang kinh Phật và hai thầy tăng là Nghiệp Mã Đằng. Chúc Pháp Lan về Lạc Dương, vua sai lập chùa Bạch Mã để thờ Phật. Về sau có bọn Chi Đầu Đà, Mã An Thế, Khang Mạnh Tường mới dùng chữ nho mà dịch kinh nhà Phật để dạy người Tàu, các người ấy toàn là người Ấn Độ đến ở Tàu.
Năm Long An thứ ba đời vua An Đế nhà Tần (402) có người Pháp Hiên qua chơi Ấn Độ, đi du lịch hơn ba chục nước, rồi từ Tích Lan đạo vượt bể Nam Hải mà về nước. Năm Đại Thông đời vua Vũ Đế nhà Lương (532), người Phô Văn và người Tuệ Sinh sang phía Bắc nước Ấn Độ, đem kinh Phật về nước. Năm Trinh Quán thứ ba đời vua Thái Tôn nhà Đường, thầy chùa là Huyền Trang đi men Tây Tạng sang Ấn Độ mua được kinh Phật sáu trăm năm mươi bản. Năm Hàm Thanh thứ hai đời vua Cao Tôn nhà Đường (726) thầy chùa là Nghĩa Tính đi qua bể Nam Hải sang Ấn Độ, lấy được kinh Phật bốn trăm bản, ấy là người Tàu sang Ấn Độ.
Đương khi nước ta nội thuộc, người Tàu tôn tín thì người nước ngoài cũng tôn tín, ấy gọi là chủ đi đường nào thì theo đi đường ấy. Xét khi nội thuộc nhà Lương, có người Lý Phật Tử. Lý là họ, Phật Tử là tên, chắc là tục câu tự di truyền lại, mà thói mộ đạo Phật đã lâu chăng?
Xét ở cựu sử chép năm Thái Bình thứ hai đời vua Tiên Hoàng nhà Đinh, vua mến đạo Phật, dùng Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt thái sư. Đời vua Đại Hành nhà Lê, sứ Tàu đến nước ta, bao nhiêu tờ bồi vãng lai đều do ở tay Khuông Việt. Sau vua lại sai sứ sang Tàu cầu kinh Tam Tạng, vậy thì Phật giáo truyền sang nước ta từ đó.
Vua Lý Thái Tổ là một vị vua chúa mà học thầy chùa là Vạn Hạnh; người nước ta như Từ Đạo Hạnh. Khổng Lộ, Mẫn Giác, Lư Ấn đều là bậc danh nho mà thâm thúy về Phật học. Từ nhà Đinh đến nhà Lý, dựng chùa tô tượng không lúc nào không có, vậy thì Phật giáo thịnh hành ở nước ta cũng đã lâu.
Song đương bấy giờ, các bậc danh công như ông Phạm Sư Mạnh, ông Lê Bá Quát cũng đã bài bác đi rồi. Đến đời vua Lê Thánh Tôn, lại cấm dân không được lập chùa mới, vậy Khổng giáo mỗi ngày một thịnh, thì Phật giáo mỗi ngày một suy, cũng là cái thềm bậc tiến hóa tự nhiên đó.
*
*                      *
Xét đạo Phật lấy hư vô làm tôn chỉ, chủ ý rằng hết thảy chúng sinh nếu bỏ hét lòng ham muốn mà rũ sạch cái bụi đời bám vào mình, thì ngày sau mình được hưởng cái phúc hậu vô lượng. Cái mục đích ấy cũng cao, cái chủ ý ấy cũng lạ. Song hiềm vì đạo Phật bày ra lắm điều kỳ ảo, nào luân  hồi, nào siêu thoát, nào họa phúc, nào nhân quả, nói toàn những mối dị đoan, làm cho lòng người mê tín, mà không ích cho sự thật, cho nên đạo nho phải bác đi mà không cho là chính đạo.
Tuy vậy, Phật giáo cũng là một môn đạo giáo, người tầm thường vị tất đã hiểu thấu lý cao sâu của nhà Phật, thì cũng chớ nên bài bác khinh bỉ mà thành ra một người vô hạnh.
Hiện bây giờ Phật giáo ở nước ta cũng đã suy. Tuy lưu truyền đã lâu, làng nào cũng có chùa thờ Phật, dân gian vẫn còn cúng bái sùng phụng, nhưng chẳng qua là bọn ngu phu, ngu phụ theo thói quen mà cúng vái chớ kỳ thật không mấy người là mộ đạo.
Trừ ra mấy kẻ bực đời đi tu, còn phần nhiều là bọn ăn bơ làm biếng, trốn chúa lộn chồng, mượn cửa Bồ đề mà nương thân. Còn bọn hạ lưu xã hội, mê tín sự báo ứng, thì toàn là bọn ngu xuẩn, thấy na - mô thì cũng na - mô, thấy sám hối thì cũng sám hối, còn hiểu gì là đạo Như Lai nữa. Huống chi lại còn nhiều kẻ tính tình rất hung bạo mà cũng mượn cửa thiền để làm nơi trú ẩn. Tiếng là đi tu, mình mặc cà sa, đầu đội nón tu lư, tay lần tràng hạt, mặt giả dạng từ bi, mà bụng dạ thì như rắn như rết, nào rượu ngon, nào gái đẹp, nào thịt chó hầm hoa sen, nào thịt lợn viên nhỏ làm thuốc đau bụng, nào quần áo xà ích, Na mô một bồ dao găm, hổ mang hổ lửa, sự ấy mới lại gớm ghê nữa.
 
 
X  - LÃO TỬ GIÁO
 
Lão Tử giáo tức là Đạo giáo. Lão Tử họ Lý, tên là Nhĩ, tự là Bá Vương, thụy là Đam, người làng Khúc Nhân huyện Hồ nước Sở, sinh năm thứ ba vua Định Vương đời Đông Châu, cũng đồng thời với Khổng Tử. Bà mẹ mang thai tám mươi năm mới sinh ra ông ấy, lúc sinh thì đầu đã bạc cho nên gọi là Lão Tử.
Lão Tử làm quan Trụ hạ sử đời Châu, rồi thấy nhà Châu suy nhược bèn thôi làm quan mà đi ẩn.
Lão Tử thấy thời bấy giờ chuộng việc lễ nghĩa, nhiều điều vụn vặt, muốn uốn nắn lại cái tệ ấy, bèn soạn ra một bộ kinh Đạo đức, cả thảy hơn năm ngàn câu nói, chủ ý cốt theo cách tự nhiên thanh tĩnh, không cần phải làm gì, nghĩa là muôn việc cứ phó mặc tự nhiên, không cần phải lo lắng nghĩ ngợi, mới hưởng được sự khoái lạc tiêu diêu.
Sử ký chép rằng: Khổng Tử hỏi lễ, Lão đáp: “Người quân  tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân  không. Ta nghe: Người buôn bán giỏi khéo chứa của, như người không có gì; người quân  tử có đức tốt, coi diện mạo như người ngu. Bỏ cái khí kiêu căng và lòng ham muốn, cùng là cái sắc dục và cái dâm chí của người; ấy đều là vô ích cho mình ngươi cả”.
Xem mấy lời đó thì đủ biết tôn chỉ của lối học Lão Tử.
Lão Tử không biết mất về năm nào. Sau có Liệt Ngữ Khâu soạn ra sách Liệt Tử. Trang Chu soạn ra Trang Tử, cũng đều là lưu phái của Đạo giáo.
Trung Quốc mãi đến đời Tấn. Ngụy thì lối học của Lão Tử mới thịnh hành. Trên từ vua chúa, dưới đến sĩ phu, ai ai cũng tôn sùng Đạo giáo và tôn Lão Tử là Thái Thượng Lão Quân .
Đạo Lão Tử truyền sang nước ta cũng từ buổi nội thuộc ấy. Bây giờ sùng tín thế nào thì không biết. Song đến đời vua Đinh Thiên Hoàng sai Trương Ma Ni làm tăng lục đạo sĩ. Lý Anh Tôn thì cho chép Trần Lộc lập ra Đạo nội tràng, ấy là cái chứng cớ của người nước ta sùng tín Đạo giáo.
*
*                      *
Đạo giáo tuy không thịnh hành như đạo nho, đạo Phật, nhưng các bậc cao nhân dật sĩ phần nhiều là tiêm nhiễm Đạo giáo mà lĩnh hội được cái tinh thần. Phàm người phóng khoáng, người có mưu cơ, người biết nhẫn nhục, người ưa thanh tĩnh, người chán việc đời đều là hội được cái tinh thần của Đạo giáo cả.
Con cái hình thức bề ngoài, như các việc ma quỉ, thần tiên, kiêng khem, cấm kỵ, nhương tai, kỳ phúc, thì ta tin theo cũng nhiều nhưng bất cứ hạng người nào, ai tin thì tin không có đạo phái môn đồ nào ép buộc. Còn chính đạo phái môn đồ thì chẳng qua lác đác có mấy nhà phù thủy đạo sĩ mà thôi. Mà bọn này thì cũng chẳng qua theo thể thức cũ, bùa bèn ấn quyết, trừ ma trừ quỉ, dùng cách ấy để làm nghề kiếm ăn trong vòng hạ lưu xã hội, chớ kỳ thực thì không biết tôn chỉ Đạo giáo là gì.
Đạo Lão Tử cốt lấy thanh tĩnh tự nhiên làm tôn chỉ, cái ý tưởng ấy rất cao xa, không phải người tầm thường hiểu thấu được. Người ta có biết dịch xác được cái thân là cái nguồn khổ sở, cái tri khôn là cái gốc phiền lụy, thì mới biết được cái tôn chỉ ấy là cao; lại phải xét cho thấu hết việc đời, hiểu cho rõ hết tình người, đem một tấm lòng nhạt nhẽo hư không mà giao thiệp với đời, không có một sợi tơ sợi tóc nào vướng vít đến trước mắt, thì mới biết được đạo ấy có một cái thú ung dung, nhàn nhã, sung sướng, khoan thai. Còn các việc đời, tùy xảy đến việc gì thì ứng đổi việc ấy, không cần phải khó nhọc hơi sức, lao tổn tinh thần, dùng cái lẽ tự nhiên mà thù ứng các việc tự nhiên mà đâu ra đấy cả.
Vậy thì đạo ấy cũng là một lối học rất cao, một ý tưởng rất lạ, không dễ mà bỉ bác được. Duy học theo đạo ấy thì phàm việc gì cũng cho là phù phiếm hư không, chỉ biết nhàn thân sướng riêng lấy một mình, mà không thiết tưởng gì đến đời, cho nên đạo nho cũng bác đi mà không cho là chính đạo.
Còn cái lưu phái đạo Lão Tử, về sau biến ra thành lối thuật số, cách tu luyện, đạo phù thủy, thì là các môn đồ đạo phái nhân trong tôn chỉ mà suy diễn ra, toàn là các mối dị đoan, làm cho dân trí hư hoại, không có ích gì cho sự thực dụng.
Nước ta bây giờ tuy không có môn phái đạo Lão Tử, nhưng cái tính mê tín dị đoan thì tiêm nhiễm đã lâu, cũng là bởi đạo ấy di truyền lại. Mà lòng người mê tín dị đoan thì lại là bởi không hiểu đến tôn chỉ của đạo ấy. Chớ nếu hiểu được tôn chỉ thì dẫu chẳng được như thánh nhân hưng công lập nghiệp, nhưng cũng làm nên một bậc người chí hướng cao kỳ, tiêu diêu ở ngoài cõi phong trần. Vậy ta chớ nên vì mấy bác thầy cúng, mấy kẻ tin dị đoan mà vội khinh bỉ đạo Lão được.
 
 
 
 
 
 
XI – GIA TÔ GIÁO
 
Đạo Gia Tô gốc ở Do Thái mà ra. Nguyên dân Do Thái (Juifs) về phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, xưa nay vẫn sùng phụng một vị thần Jehovah. Dân tin rằng thần Jehovah sáng lập nên trời đất và tạo thành ra muôn vật, sau lại tạo ra người theo hình dung của thần, đàn ông thì gọi là Adam, đàn bà thì gọi là Eve, cho ở vườn cực lạc để cai quản các giống thú vật và được ăn các thứ hoa quả, chỉ trừ ra không được ăn quả cây táo của thần cấm mà thôi. Đến sau, quỉ thấy người được sung sướng mới xui Eve ăn quả cây táo và đem cho chồng ăn nữa. Khi ăn rồi mới biết mình trần truồng là xấu hổ. Đến lúc thần lại thăm vườn thì người ấy chạy đi trốn. Thần giận bèn đuổi người xuống phàm trần, để chịu những điều cực khổ, nhưng lại hứa rằng sau sẽ sai người xuống chuộc tội cho.
Ấy là những sự tôn tín của dân Do Thái. Dân Do Thái bị dân Ai Cập (Egypte) áp chế bắt đi làm nô lệ, chịu nhiều điều cực khổ. Mãi về sau mới có một người tên là Moise đem dân về xứ Jerusalem làm đền thờ thần Jehovah mà theo giữ lời thập giới. Có một đấng thầy tu giữ đền và cai quản dân. Trong bọn thầy tu thường có những người tiên tri gọi là Prophete, bảo dân Do Thái rằng: thân Jehovah sắp sai người xuống chuộc tội cho dân và cho dân được vinh hiển hơn dân khác.
Sau các thầy tu gọi là bọn Pharisiens, cứ vin tiếng thần ra để làm điều bậy bạ và ăn hiếp dân, bấy giờ mới có Đức Gia Tô (Jêsus) ra đời, cải lương đạo khác, gọi là đạo Thiên Chúa.
Cứ theo sách của bác sĩ châu Âu thì Đức Gia Tô sinh tại thành Nazareth, là một tỉnh nhỏ ở xứ Galilles, đông Thổ Nhĩ Kỳ vào chừng năm Nguyên Thủy đời vua Hiếu Bình nhà Hán. Lịch tây kỷ nguyên bắt đầu ngày từ năm ấy.
Sách bác sĩ lại nói: Phụ thân Ngài là Joseph, mẫu thân Ngài là Maria, và Ngài cũng có nhiều anh em. Nhưng cứ lời tục truyền thì bà Maria cảm thần mộng mà sinh ra Ngài, mà ông Joseph là cha nuôi mà thôi. Tính Ngài rất thông minh, trước học theo đạo Do Thái, sau thấy bọn thầy tu làm nhiều chuyện bậy bạ hại dân thì mới lập ra môn đạo khác để cứu đời. Mục đích đạo Thiên Chú thì chỉ cốt dạy người ta lấy sự yêu mến tôn kính đức Thiên Chúa làm gốc, mà sự thờ kính cốt ở trong lòng không cần gì trang sức bề ngoài. Đối với người ta thì cốt giữ bụng từ bi nhân thứ, coi nhau như anh em ruột một nhà, mà ai ai cũng bình đẳng cả.
Môn đồ tin theo mỗi ngày một đông. Bọn thầy chùa đạo Do Thái sợ mất quyền lợi, mới xin quan La Mã làm hại, song dẫu đức Gia Tô bị hại mà người tin theo lại càng nhiều, sau này các môn đồ lại đem đạo ấy mà truyền bá đi các nơi. Ông Saint Pierre thì sang truyền giáo bên La Mã, ông Saint Paul thì sang truyền giáo bên Hy Lạp rồi rải rác đi khắp nơi, ai ai cũng tôn Ngài là con của Thiên Chúa, thay cha mà xuống cứu dân.
Trong khoảng đệ ngũ thế kỷ, các nước bên Âu châu tôn tín đạo Thiên Chúa rất thịnh. Mở ra một tòa Giám đốc tại kinh đô La Mã mà công cử một người làm Giáo Hoàng để coi việc giáo. Từ đệ thập thế kỷ trở về, các nước có việc gì to cũng phải xin phép đến Giáo hoàng. Các vua nối ngôi, được Giáo Hoàng làm lễ gia miện (đội mũ) cho là vinh hiển lắm. Mà quyền chính trị cũng về tay Giáo Hoàng.
Vào hồi thế kỷ mười sáu có người Giéc Manh sau gọi là người Đức tên là Martin Luther và một học trò người Pháp dựng ra môn giáo mới để phản đối với đạo Thiên Chúa, vì thế trong tôn giáo phân  ra làm hai đảng đánh nhau chết hại rất nhiều. Giáo Hoàng khi ấy quyền hành không mạnh bằng khi trước, mới tìm cách để truyền đao ra hoàn cầu.
Đạo Thiên Chúa truyền sang nước ta kể cũng đã lâu. Cứ trong quốc sử chép thì đời Nguyên Hòa nguyên niên nhà Lê (1523), người nước Hà Lan tên là I nê khu, mới bắt đầu đến các địa phương Nam Chân. Dao Thủy (thuộc tinh Nam Định) giang đạo Thiên Chúa. Ở sách Tây thì chép rằng; các thầy Dòng bên Âu châu năm 1615 đến xứ Nam Kỳ, 1626 thì đến xứ Bắc Kỳ; các thầy ấy là người nước Pháp, nước Tây Ban Nha và người nước Giéc Manh (Đức).
Vậy thì đạo truyền sang nước ta, chắc là bắt đầu từ người Hà Lan, mà người các nước là tiếp theo đến sau để truyền giáo cả.
Trong năm 1765, Giáo hội cử thầy Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) sang giảng giáo ở các miền Xiêm La. Tây Trúc. Cao Man. Năm 1780 thì thầy Bá Đa Lộc đến miền Biên Hòa, dựng nên nhà thờ để giảng đạo. Năm 1783 đức Gia Long bấy giờ là chúa Nam Kỳ, nhân vì đánh nhau với Nguyễn Huệ bị thua phải tránh nạn, gặp thầy Bá Đa Lộc ở núi Cà Mau, nói chuyện với nhau vui lòng lắm. Đức Gia Long mới cậy Ngài đem Hoàng tử Cảnh về cầu cứu bên nước Pháp, rồi vì thế mà khôi phục được nước và nhất thống cả nước Nam.
Đến đời Thiệu Trị, Tự Đức thì nước ta nghiêm cấm người theo đạo Thiên Chúa, song chẳng bao lâu vì chuyện ấy mà gây nên mối hiềm khích cho nước Pháp. Từ lúc vua nước ta và nước Pháp lập hòa ước thì đạo Thiên Chúa lại thịnh hành ở xứ ta.
Qui thức của người theo đạo Thiên Chúa, mỗi người phải đeo một bộ câu rút, ở nhà thì thờ tượng Thiên chúa và cây Thánh giá hình như chữ thập (+), tức là một thứ hình cụ khi Đức Chúa bị nạn thay tội cho trần gian. Đeo vào mình để làm một sự kỷ niệm cho lúc nào cũng trông thấy công đức của Chúa.
Mỗi ngày trước hai bữa ăn cơm và lúc đi ngủ, lúc mới thức dậy, phải chỉ tay lên trán, hai vai và ngực, gọi là làm dấu, rồi tụng một bài cầu nguyện, nghĩa là chúc tụng công đức của Thiên Chúa mà cầu Chúa cho lòng mình được cái lòng yêu mến Ngài mãi mãi. Mỗi một chủ nhật và ngày lễ thì các người có đạo phải đến nhà thờ quì trước tượng Thiên Chúa mà cầu kinh, đoạn rồi vào một nhà riêng quì trước mặt ông cố mà thú tội. Ông cố ban cho ăn một miếng bánh thành cho được gội nhuần ơn Chúa.
Người theo đạo chỉ được phép lấy một vợ một chồng. Khi mới cưới, vợ chồng phải đem nhau đến nhà thờ làm phép cưới, ông cố chúc cho một vài câu rồi rảy nước phép mà rửa tội cho. Khi sinh con, khi chết, cũng đều đem đến nhà thờ rửa tội.
Mỗi năm có ngày thứ tư gọi là ngày vào mùa (Cendres) và một ngày chủ nhật gọi là ngày ra mùa (Paaque). Trong khoảng hai ngày ấy cả thảy bốn mươi ngày thì nhà theo đạo cứ ngày thứ tư và thứ sáu phải ăn chay (kiêng thịt, còn cá và trứng thì ăn được). Nghĩa là trong những ngày Đức Chúa bị nạn thì phải kiêng kỵ, đến ngày ra mùa là ngày Phục sinh thì mới thôi. Còn quanh năm thì thường ngày thứ sáu bao giờ cũng phải ăn chay.
Mỗi năm về ngày hai mươi lăm tháng Decembre là ngày sinh nhật Đức Chúa thì các nhà thờ làm lễ Noél, ngày mười lăm tháng Aout là ngày Thánh Mẫu lên trời thì các nhà thờ làm lễ Assomption. Người có đạo đến lễ đông lắm. Lại có một ngày nhà thờ rước đi quanh phố, gọi là lễ Fête Diêu, rước vui lắm.
Người đi tu chia làm hai thứ: một thứ vào nhà tu, chỉ chuyên nghề tụng niệm suốt cả đời, mà cách ăn ở thì rất khổ hạnh. Một thứ thì phải học cho giỏi khoa thần học và biết đủ mọi lễ nhà thờ, ai thi đỗ thì mới được phép làm lễ ở nhà thờ, và được cử đi làm cố, làm giám mục v.v…
*
*                      *
Nước ta khi trước rất mộ nho giáo, mà nho giáo thì trọng nhất là việc tế tự, thay đạo Thiên Chúa chỉ sùng bái riêng một thần, ngoại gia không lễ, bái gì nữa, cho nên coi là đạo phản đối mà sinh ra lắm sự tan ngược. Song cứ xét cái chú ý của đạo Thiên Chúa thì chỉ cốt khuyên người ta phải thương yêu nhau, cũng chẳng khác gì lòng nhân thứ của đạo nho, lòng từ bi của đạo Phật. Vậy mới biết thánh nào cũng vậy, cũng chỉ dạy người ta lấy sự làm lành mà thôi. Người ta không xét đến nơi đến chốn mà cứ thấy lạ tai lạ mắt thì đem lòng hiềm nghi lẫn nhau, chẳng qua chỉ gây nên mối họa loạn mà hại lẫn nhau, thực là điều trái với tôn chỉ của đạo giáo mình cả.
Vả lại lòng tin tưởng của người ta nên mặc cho người ta được tự do, sao nên lấy ý riêng của mình mà ngăn cấm, ấy lại là trái với lẽ công bằng nữa.
Bây giờ thì nước nào cũng đã rõ cái lệ tự do tôn giáo, đạo thịnh hay suy chỉ cốt bởi lòng tôn tin nhiều hay ít, chớ không còn thói quen ghen ghét như xưa nữa.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh