ĐỌC LẠI "CHƯƠNG DÂN THI THOẠI" CỦA PHAN KHÔI

Nhà văn Nguyễn Khôi

Nhà văn Nguyễn Khôi

Nhà văn Nguyễn Khôi: Sinh năm 1938. Quê quán : Đình Bảng - Huyện Từ Sơn - Tỉnh Bắc Ninh. Hội Viên : Hội Nhà Văn Hà Nội. Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. Hôi Dân tộc học Việt Nam. Ủy viên BCH Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ Dân Tộc Văn Phòng Quốc Hội. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN : Trai Đình Bảng (thơ) 1995,2000 Gửi Mường bản xa xăm (thơ) 1998 Trưa rừng ấy (thơ) 2005 Bắc Ninh thi thoại (khảo cứu) 1997,2000,2004 Cổ pháp cố sự (tùy bút) 2003 Xứ Thái mù sương (tùy bút) 2001 Tiễn dặn người yêu, Khun Lù Nàng Ủa, Út Ơ về Kinh, Ỳ Nọong-Nàng xưa, Tiếng hát làm dâu... (dịch-chuyển thể) 1996, 2003 .... Ban biên tập trang Văn Nghệ Xứ Đoài vừa nhận được một số bài viết mà nhà văn Nguyễn Khôi gửi tặng. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những bài viết này. Qua đây, ban biên tập trang vannghesontay.com xin được cảm ơn tác giả Nhà thơ, Nhà văn, Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Khôi!





ĐỌC LẠI "CHƯƠNG DÂN THI THOẠI"
CỦA PHAN KHÔI
 
                                                                                                                                                                                                 
 
          Thi thoại là sách bình luận thi văn hoặc chép chuyện thi nhân.Đó là một dạng phê bình thơ  xuất hiện từ đời Tống. Âu Dương Tu (1007 – 1072) có “Lục nhất thi thoại” cùng nổi tiếng với “Thạch lâm thi thoại “ của Diệp Mộng Đắc. Sau này sáng giá nhất là “Tùy Viên thi thoại” của Viên Mai (1716 – 1797). Ở Trung Hoa và ta xưa nay coi đọc thi thoại chẳng khác nào được mọt người chơi hoa sành sỏi dắt ta đi xem và kể cho nghe câu chuyện lạ lùng về từng loài hoa một” ( Nguyễn Hiến Lê). Vì thế thi thoại thường được hoan nghênh hơn thơ.
          Biên soạn thi thoại rất khó: phải là người có tài, có uy tín lớn, phải đọcnhiều sách, nghiền ngẫm , từng trải, quen biết nhiều thi nhân, bản thân không chỉ làm thơ hay mà còn phải viết văn cũng hay nữa.
 
Nhà Văn Phan Khôi (1887 - 1959):

  Ở ta có Phan Khôi (1887 – 1959) là nhà văn đạt tiêu chí như thế: về văn nghiệp, trước cách mạng tháng 8- 1945 để lại tập “Chương Dân thi thoại”. Tập sách tuy mỏng, nhưng với tinh thần nhập thế và niềm say mê cái mới đã đưa Phan Khôi vào vị trí hai lần đi tiên phong, vừa là “ông tổ thơ mới” vừa là “ ông tổ thi thoại” nước ta.
   “Chương Dân thi thoại" là sách phê bình thơ của Chương Dân tiên sinh (tên hiệu và bút danh của Phan Khôi”, là tập hợp các bài viết đã đăng trên các tờ báo khác nhau.
   Mở đầu là giải thích: thơ là một lối văn có vần theo âm thanh từ điệu của một thứ  tiếng (ngôn ngữ) mà thi nhân sáng tác ra. Thi thoại là lối văn trứ thuật chuyên nói về việc làm thơ.Trong thi thoại thường sưu tầm những bài thơ, câu thơ hay kèm theo lời bình...  cốt lưu truyền những  câu thơ hay của tao nhân mặc khách để giới làm thơ thưởng thức, học tập nâng cao phát triển...
   Trong Chương Dân thi thoại, Phan Khôi đề cao hai quan điểm về thơ: "Thơ hay có hai cách: một là cách tự nhiên, một là cách đúc đắn. Cách tự nhiên thì có phần lưu lợi, đúc đắn thì có phần trang nghiêm. Nhưng trang nghiêm thì được bên văn từ, mất bên tình tính, còn lưu lợi thì có thể lưỡng toàn hơn" (hiểu đơn giản là chỉ nên viết khi thật hứng khởi, tự do phóng khoáng, không nên qúa lý  trí gò theo niêm luật). Phan Khôi chủ trương: "Làm thi thoại không được bỏ sót thơ hay, nhất là khi cả nước đã trở thành một cái vô hình thi xã" (Nói như kiểu hôm nay là không phân biệt thơ trung ương với thơ địa phương, thơ hội viên với thơ câu lạc bộ... mà chỉ có một tiêu chuẩn là thơ hay mà thôi). Vì thế trong Chương Dân thi thoại, Phan Khôi đã chọn bình từ thơ Miên Thẩm, Hồ Xuân Hương, Tú Xương... đến các tác giả vô danh trong thiên hạ, không phân biệt địa vị xã hội, nam nữ với mục đích ủng hộ sự đổi mới thi ca. Câu chuyện thú vị là có bài " Tống biệt " của một ông ở Bình Thuận đọc lên để làm trò cười lúc tiễn bạn:
Trái mù u trên núi
Chảy xuống cửa Phan Rang
Anh đi về ngoài nớ
Trong lòng tôi chẳng an.
Bao giờ anh trở vô
Gặp tôi ở giữa đàng
Nắm tay nói chuyện chơi
Uống rượu cười nghênh ngang.
          Bài thơ chợt tưởng "quê mùa", nhưng ngẫm nghĩ thì: hai câu đầu là thể hứng, mà cái ý hứng rất kỳ. Câu thứ sáu trông  nhau mà lại gặp "ở giữa đàng" thì lại có cái biệt thú. Toàn bài "nhất khí quán hạ", thêm cùng cái cảnh tượng "trái mù u trên núi, chảy xuống cửa Phan Rang" thật là vừa tự nhiên vừa lưu lợi, chẳng thua gì một tuyệt tác!
          Bi kịch Phan khôi: đúng như Tố Như đã tiên tri: "Càng tài tình lắm càng oan trái nhiều", hồi 1956 - 1957 Phan Khôi bị coi là "đầu sỏ vụ Nhân văn - Giai phẩm"... rồi đành bó gối ngồi chơi sơi nước tại gia với bà vợ già. Đầu năm 1957 Phan Khôi làm bài thơ tự mừng thọ mình, mở đầu bằng hai câu:
Lên bảy mươi rồi, mẹ nó ơi!
Thọ ta, ta chúc lọ phiền ai...
          Bài thơ không được đăng báo, nhưng đến tai Nguyễn Công Hoan, nhà thơ này liền họa:
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi mi chúc chớ hòng ai.
Văn chương đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo, tiên sư cái mẽ ngoài.
Lô dích, trước cam làm kiếp chó
Nhân văn, nay lại hít gì voi?
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục
Thêm nhục cơ trời chẳng thấy gai.
          Là dân "Quảng Nam hay cãi" nên Phan Khôi có bài thơ như kiểu trần tình tự biện hộ cho mình:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi 
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.
          Cuối năm 1957, sau cuốn "Nắng chiều" không được in, Phan Khôi ngừng mọi chuyện viết lách... Già yếu, cô đơn, bệnh tật, ông từ trần lúc 11 giờ sáng ngày 16 - 1 - 1959 tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội. Suốt đời Phan Khôi sống đúng theo phương ngôn của Đại nho Mạnh Tử: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" ...
 
Ông phải chăng đáng là một văn hào của Việt Nam trong thế kỷ hai mươi?


Author: Nguyễn Khôi