Hình ảnh xác chết tại bệnh viện ở TP.HCM lan truyền trên mạng xã hội là tin giả

Hình ảnh xác chết được lan truyền trên mạng xã hội Facebook xảy ra ở Indonesia nhưng bị tung tin, gán ghép tại một bệnh viện ở TP.HCM khiến người dân hoang mang. Cơ quan chức năng đã xác định đây là tin giả.
Lực lượng chức năng xác định hình ảnh này không phải xảy ra ở bệnh viện tại TP.HCM
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi thông báo khẳng định hình ảnh xác chết đăng tải tràn lan trên mạng xã hội bị một số tài khoản Facebook tung tin là xác chết của bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện tại TP.HCM là tin giả.
Thông tin này gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Hình ảnh này được xác định xảy ra ở Indonesia.
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả trên; đồng thời cho biết vụ việc sẽ chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định.
Hôm qua (ngày 18.7), Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng ký văn bản đề nghị Ban Quản lý các khu cách ly y tếBệnh viện dã chiến, Bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở tuyên truyền, quán triệt, nhắc nhở người dân và cán bộ, nhân viên ngành y tế không phát tán hình ảnh, bài viết không đúng sự thật, không rõ nguồn cung cấp gây bức xúc, hoang mang dư luận xã hội.
Trong đó, cần lưu ý, khuyến cáo người dân và cán bộ, nhân viên y tế chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh và các quy định về cung cấp, đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Qua đó, tạo ổn định tình hình an ninh trật tự, tránh tâm lý bất an cho đội ngũ nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và phát huy tinh thần đoàn kết của người dân trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.
Yêu cầu trên của Sở Y tế đưa ra sau khi nhiều thông tin từ các trang mạng xã hội không chính thức, không rõ nguồn cung cấp và chưa được thẩm định từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 không đúng, gây hoang mang dư luận.