Hồn vía (phách) là gì

Tại sao nam ba hồn bảy vía, nữ ba hồn chín vía ? Đạo gia quan niệm con người ta khi còn sống có thân (xác) trú trong thân xác đó có thần, hồn, phách, ý và trí.
Ba hồn, bảy vía trong "Thái Vi Linh Thư"
Vụ Thành Tử chú ”Thái Vi Linh Thư ” viết :
Người ta hồn có ba, là : Sảng Linh 爽 靈, Thai Quang 胎 光, và U Tinh 幽 精. Mỗi tháng cứ ngày mồng 3, 13, 23 là hồn lìa thân xác đi chơi, phải biết phép nhiếp hồn.
Phách có bảy, là: Thi Cẩu 尸 苟 Phục Thỉ 伏 矢, Tước Âm 雀 陰, Thôn Tặc 吞 賊, Phi Độc 非 毒, Trừ Uế 除 穢, và Xú Phế 臭 肺. Mỗi tháng các ngày Sóc 朔 (Mồng 1), Vọng 望 (15) Hối 晦 (30), là phách lưu đãng, giao thông với quỉ mị, cần phải biết phép hoàn phách. 
Hồn là Dương thần, Phách là âm thần cư trú trong cơ thể con người.
Sách Nội kinh nói : “ Hồn Phách đầy đủ mới thành hình người ”.
Tiết Bạch Sinh chú : “ Khí và hình thịnh thì hồn phách thịnh; Khí và hồn suy thì Hồn Phách suy. Hồn là sự rạng rỡ của Phách, Phách là gốc gác của hồn. Phách là âm chủ về tiếp nhận và cất trữ, nên Phách có thể ghi nhận sự việc. Hồn thì dương chủ về sử dụng, nên Hồn có động tác và phát huy. Cả hai Hồn và Phách không thể xa lìa nhau. Tinh tụ thì Phách tụ; Khí tụ thì Hồn tụ, tạo thành cơ thể con người. Đến khi tinh kiệt thì Phách giáng, khí tán thì Hồn rong chơi bên ngoài ( thân thể ) mà không biết nơi nào …”
Chu Tử nói : “ Không có Hồn thì Phách không thể tự tại, khiến người ta đa tư lự. Hồn nóng Phách lạnh, Hồn động Phách tĩnh “ Và như giải thích của Đào Duy Anh : Hồn là cái linh phụ vào phần khí của người, là phần khinh thanh, người ta chết thì bay lên không; còn phách là cái linh phụ vào phần hình của người, là phần trọng trọc, khi người ta chết thì tiêu xuống đất.
Ngoài ra trong Tiên học diệu tú của Lý Lạc Cầu đã cho đến 10 thuyết khác nhau về hồn phách. Tuỳ theo mỗi ngữ cảnh cụ thể mà khái niệm hồn phách khác nhau.
Tóm lại có thể hiểu nôm na là : Hồn và Phách( Vía) là hai dạng thần thể cư ngụ trong thân xác con người ta. Khi còn sống Hồn Phách còn, khi chết đi Hồn bay lên( thăng) phiêu du đâu đó. Còn Xác thân và Phách thì tiêu tan.
Vì vậy trong dân gian mới có hiện tượng lên đồng gọi hồn, cầu hồn người chết chứ không có gọi phách, cầu phách người chết bao giờ.
Từ khái niệm Hồn có ba (Sảng Linh, Thai Quang, và U Tinh) và Phách có bảy ( Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế, và Xú Phế ) mới nói người ta có ba hồn bảy vía l à như vậy . Một thuyết nữa là theo Chu Tử toàn thư nói : “ Hồn thuộc Mộc, Phách thuộc Kim” cho nên nói tam hồn thất phách là vì đó là độ số của Mộc và Kim?
Nam có ba hồn và bảy vía do phụ vào thất khiếu, Nữ có ba hồn và chín vía do phụ vào cửu khiếu.
Trên cái thân con người có Cửu khiếu ( 2 mắt, 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi , 1 miệng, lỗ sinh dục và hậu môn ) đó là cửa ngõ của ngũ tạng và thân thể giao thông với bên ngoài.
Ba hồn gồm: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy vía như ở nam giới cộng thêm hai vía nữa. Hai vía này có nhiều cách giải thích. Chúng có thể là hai núm vú có vai trò quan trọng trong nuôi con. Hoặc là lỗ sinh thực khí và hậu môn như giải thích của Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cương” (NXB Tổng hợp Đồng Tháp tái bản năm 1998, thiên thứ ba, chương VI “Tín ngưỡng và tế tự”). Tác giả gọi là thất khiếu (7 lỗ) đối với đàn ông và cửu khiếu (9 lỗ) đối với đàn bà. Hoàng Quốc Hải, trong “Văn hóa phong tục” (NXB Phụ Nữ, 2005, chương “Việc tang việc hiếu”) thì cho rằng đàn bà có thêm lỗ vú và lỗ sinh dục để đẻ và nuôi con. Khi hết chức năng sinh đẻ lại trở về thất khiếu (như đàn ông).
TS Nguyễn Ánh Hồng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, (dẫn lại theo bài Các lý giải về bóng vía đăng trên kienthuc.net.vn ngày 6-8-2011) cũng lý giải tương tự: “Thường nam giới và các em gái chưa lập gia đình sẽ có 7 vía. Riêng phụ nữ đã có gia đình có thêm hai vía nữa để thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Thế nhưng, khi phụ nữ mất đi cũng chỉ cúng 49 ngày như nam giới (tương ứng với cúng 7 vía, vì hai vía để thực hiện thiên chức đó sẽ mất đi).
Biên tập: Phạm Duy Trưởng