BÀN VỀ THƠ "PHẠM HÚY"

Tác giả Trần Kế Hoàn, bút danh: Trần Hoàn, Trần Kế Hoàn; quê: Côi Sơn – Thị trấn Gôi - Vụ Bản – Nam Định; Phó chủ nhiệm CLB thơ Non Côi, hội viên hội VHNT Nam Định. Tác phảm :- Khoảng trời vành khuyên (Thơ – NXB Hội Nhà văn, 2010)/ - Vía chữ thần nông (Thơ – NXB Hội nhà văn, 2014) Và có bài đăng ở nhiều báo chí; tuyển tập. Xin được giới thiệu một số bài viết mà tác giả gửi tặng Website Văn nghệ Sơn Tây. Qua đây ban biên tập website Văn nghệ Sơn Tây xin được cảm ơn tác giả!
“Phạm húy" là phạm vào những điều cấm kỵ...  
   Cái bệnh của người làm thơ khi hứng lên thì bao nhiêu "tim gan phèo phổi" đều muốn moi ra cho bằng hết, đệ lên trang giấy, nên rất dễ  "phạm húy".   
Khi tập thơ "Vía chữ Thần Nông" còn là bản thảo, tôi đã băn khoăn, đắn đo cho số phận một vài bài như "Chúc rượu", "Hai lần hy sinh"... Tôi bèn hỏi ý kiến một số bậc đàn anh thì được những lời khen ngợi.
   Các nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận phê bình văn học nổi tiếng đều nói đại ý rằng đạo đức của người cầm bút là phải nói hết mọi nỗi niềm của nhân dân và cao hơn nữa là những vấn đề của thời đại một cách trung thực, không được bẻ cong ngòi bút. So với những tiêu chí ấy tôi thấy mấy bài thơ nói trên đạt yêu cầu. Thế là tôi mạnh dạn gửi đi xin giấy phép và được nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp.
   Đây cũng là tín hiệu vui cho những người cầm bút. Những lời nói thật, không bị cấm đoán. Chính vì thật quá nên khi tập thơ:  "Vía chữ Thần Nông" tới tay độc giả vẫn có người giật mình khi đọc hai câu đầu của bài "Chúc rượu":
                      "Rượu lòng ngâm với huân chương
                       Nhâm nhi hương vị cao xương của mình"
 
Tác giả: Trần Kế Hoàn
      Vinh quang và nỗi đau là hai trang của tờ giấy cuộc đời, là hai mặt của tấm huân chương. Người cầm bút có thể viết ở trang này, cũng có thể viết ở mặt kia với mọi cung bậc của tình cảm, âu đó cũng là góp thêm một tiếng nói xây đời dẫu biết đây là vấn đề gai góc ai cũng ngại động chạm.
   Tôi đã viết về niềm vinh dự tự hào của tấm huân chương trong một số bài đã in trong tập "Khoảng trời vành khuyên", NXB. Hội Nhà Văn-2010. Trong bài thơ này tôi muốn dắt độc giả cảm nhận ở chiều ngược lại.
     Người bảo: "Gớm quá, gai cả người". Người  khen: "Đọc câu thơ thấy ám ảnh thế mới hay"... Người cho là "Phạm húy". Nếu nói chỉ "phạm húy" đối với quan tham thì tôi đồng ý, nhưng với lương tri, lẽ phải thì ngược lại.
    . Bao nhiêu người đã đổ xương máu để giải phóng và bảo vệ đất nước này không phải để nuôi dưỡng những ung nhọt nhức nhối trên cơ thể đời sống xã hội hôm nay.. Những vị quan tham đang gián tiếp cưỡi lên lưng người lao động, đè đầu cưỡi cổ những người đã đổ mồ hôi xương máu bảo vệ cái ghế họ đang ngồi.
   Nếu nói: Ai bưng bít những ung nhọt của xã hội là người có tội với Dân, với Đảng liệu bạn có đồng ý?
   Khi Phan Đình Giót áp trái tim vĩ đại của mình vào lỗ châu mai cũng chẳng nghĩ rằng mình đang che đạn cho những ông quan tham
   Hãy đặt các anh hùng liệt sĩ một bên, các quan tham một bên để cảm nhận câu thơ này thì nói như vậy còn là nhẹ.
   (Tất nhiên đối với số ít người nhờ tấm huân chương họ đã sung sướng thì rất khó để cảm nhận nỗi đau này)
                            "Trầm luân mấy thuở sinh linh
                             Nước non mấy thuở chiến chinh mà thành"
   Không có các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ thì sao có nước non này. Không có những tấm huân chương thì sao có cuộc sống hôm nay? Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta là vĩ đại, rất đáng tự hào. Những con người xả thân tận hiếu, tận trung vì dân, vì nươc,  vơi dần theo sự suy thóái của đạo đức xã hội. Biết thế nhưng đành bât lực khi mình chỉ là một thường dân, tiền ít nhất, quyền ít nhất, tài thấp nhất, chẳng làm được gì nên đành:
                               "Cụng ly cùng với cao xanh
                               Để niềm đau cũng tan thành hư vô"
   Viết bài thơ này trước tiên tôi muốn thổ lộ lòng mình hơn là làm bác sĩ giải phẫu một cơ thể bệnh hoạn.                  
      Nếu ai bảo tôi thể hiện ý tưởng như thế là vụng, dễ để người ta bắt bẻ thì tôi công nhận. Người khôn ngoan chẳng viết như thế. Qủa là một lời nói thật nhưng vụng về. Ngẫm thấy mình mới: "VIẾT" chứ chưa: "LÁCH". Vả lại đã phải "LÁCH" thì tôi không làm!
   Bác Hồ dạy mỗi cán bộ đảng viên phải phấn đấu là một công bộc của nhân dân. Nếu còn những "công bộc" biết đồng cảm với những câu thơ như thế thì dân còn hy vọng!
  Mặt khác tấm huân hương của chúng ta lại là nỗi đau cho những người lính ở bên kia chiến tuyến. Họ bị những nhóm người theo chủ nghĩa thực dân mới đem di làm bia đỡ đạn để tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Họ cũng có những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng... đau lắm chứ. Sung sướng gì đâu khi ta cầm súng tự vệ mà bắt buộc trở thành kẻ giết người. Trong suôt tiến trình lịch sử nhân loại con người luôn tàn sát lẫn nhau gây ra hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Thật đúng với thuyết của đạo Phật quan niệm răng: Cuộc đời là cõi trầm luân, bao nhiêu sinh linh trầm mình trong bể khổ. Biết bao người khi cười, khi khóc xung quanh tấm huân chương: "Trầm luân mấy thuở sinh linh"
  Dân tộc ta là một dân tộc yêu hòa bình, chỉ bắt buộc tiến hành chiến tranh khi tự vệ. Chúng ta chỉ muốn có những tấm huân chương trong lao động sáng tạo. Khi nhận tấm huân chương trong chiến tranh mấy ai đã cảm nhận hết niềm vinh quang và nỗi đau?
  Phải chăng những điều mà tôi nói trên là những vấn đề của thời đại nói chung và của nhân loại muôn đời?
  Người cầm bút chỉ lo khi viết đến cả trăm ngàn bài thơ mà chả ai cảm thấy gì. Đọc thơ tôi có ngưòi giật mình, có người nổi gai ốc... thì dẫu cách thể hiện vụng về tôi cũng toại nguyện rồi!
  Tôi xin chân thành cảm ơn những ý kiến quý báu của độc giả xa gần.   
   Cảm ơn Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã cho phép tôi dốc cạn bầu tâm huyết chia sẻ với mọi người trong tập thơ "Vía chữ Thần Nông".
   Qua sự việc trên tôi có cơ sở đặt niềm tin vào những gì tốt đẹp hơn ở phía trước. 
 
Thị trấn Gôi, ngày 2 tháng 9 năm 2014
 

Trần Kế Hoàn
(Hội VHNT Nam Định)