Xin đừng vứt không 700 triệu đồng cho 1 chiếc xe giá trị thực chỉ 200 triệu đồng

Những ngày qua, sau khi tôi đăng các tớt liên tục phân tích về giá xe quá ảo tại Việt Nam: 700 triệu đồng cho 1 chiếc xe giá trị thực chỉ 200 triệu đồng; 1 tỷ đồng rước về chiếc xe 300 triệu đồng.

Nhiều người đã inbox hỏi thẳng tôi: Anh mua xe gì?
Tôi chả giấu giếm gì các bạn, trước khi mua xe, tôi đã tìm hiểu rất kỹ, thậm chí hỏi bạn bè của tôi bên Anh, bên Mỹ và quyết định chọn chiếc Ford Ranger 2017.
Với giá 700 triệu đồng (chênh tầm 70 triệu đồng so với giá trị thực của nó là tầm 28.000 USD) thì đây là chiếc xe lợi nhất mà tôi biết.
Trên thị trường Việt Nam nó được xem là vua bán tải là có lý do.
Phải nói, tại thời điểm hiện tại, với nhu cầu thường xuyên phải chạy đường dài Vinh – Hà Nội, tôi hoàn toàn hài lòng với chiếc xe này.
Tin tôi đi, khi chạy đường dài, những dòng xe 4 chỗ thì không chấp, tới xe 7 chỗ như Hyundai Tucson, Mazda CX5 cũng không đủ tuổi để chạy song song.
Trong cơn bão số 2 vừa qua, có những đoạn ngập gần 1m nước, xe vẫn lội phăng phăng như xe tăng.
Khi tôi mua xe, có nhiều người khuyên: “Em thư sinh, điển trai, nghề của em đi xe 4 chỗ cho nó sang”.
Ngay lập tức, tôi check tất cả dòng xe 4 chỗ được gọi là “sang” tại Việt Nam thì có chuyện gì đang diễn ra thế này: Hyundai Elantra – giá gốc 356 triệu – sang Việt Nam 615 triệu; Nissan Sunny 275 triệu được đẩy lên 600 triệu; Hyundai Accent giá thực 285 triệu, tại Việt Nam 600 triệu; Kia Forte/Cerato 2017 giá 386 triệu, niêm yết tại ta 700 triệu; Toyota Yaris là 298 triệu thì được đẩy lên tới 642 triệu; Đau nhất là Toyota Innova 375 triệu thì được nâng lên thành gần 1 tỷ đồng).
Tôi từng hỏi ngược lại vài người: “Sang” nghĩa là gì?
Phần lớn không ai định nghĩa được, chỉ nói chung chung: “Sang là đi trông nó đẹp, có người ngắm nhìn mình khi bước xuống xe”.
“Sang có bảo vệ được mạng sống không”? – tôi hỏi tiếp.
Tôi lại nhận được câu trả lời: Xe đó giá trị 1 tỉ đồng có lẽ an toàn?!
Đến đây thì tôi chịu, không muốn giải thích thêm gì nữa!
Để thấy, phần đông chính chúng ta đang đánh đồng tai hại giữa giá bán ảo của 1 chiếc xe tại Việt Nam so với giá trị thực vốn có của nó.
Giá tại Việt Nam không phải giá trị thực, thưa các bạn!
Nếu bạn cứ cố vứt không những đồng tiền xương máu: 700 triệu đồng rước về chiếc xe 200 triệu và 1 tỉ đồng cho 1 chiếc 300 triệu thì bạn đang phí phạm chính sức lực lao động của mình.
Thậm chí, khi hồn nhiên suy nghĩ rằng “mình đang điều khiển 1 chiếc xe giá cả tỉ” thì bạn đang đẩy cả nhà bạn vào tình thế nguy hiểm.
Tin tôi đi, chiếc xe giá tầm trên dưới 200 triệu đồng được đẩy lên thành 7-800 triệu đồng tại Việt Nam không phải thiết kế cho chạy với tốc độ 120-130km/h đâu.
Tâm lý những người chạy xe càng nhỏ càng thích chạy nhanh. Tôi đã tận mắt chứng kiến 1 chiếc Kia Morning dần dứ cố vượt phải 1 chiếc xe Container và hậu quả thật thảm khốc.
Lái xe Container nói với tôi như mếu: Xe Morning quá bé, thực sự tôi không thấy, xe vượt tới lưng chừng thì đuối và chui vào gầm xe tui, nát bét.
-Nhưng nó “giữ giá” – có người lại bảo tôi.
Với tôi, “giữ giá” là một quan niệm, hoàn toàn không phải một tiêu chuẩn.
“Giữ giá” hoàn toàn không có chuẩn mực và thước đo về giá trị.
Tâm lý đám đông cho rằng mặt hàng này “giữ giá” thì là nó là giữ giá.
Tôi nói thật, trên thị trường ô tô, có lẽ chỉ có duy nhất Việt Nam, người tiêu dùng mặc định rằng xe Nhật – Hàn là “giữ giá”.
Cụm từ giữ giá xuất phát từ chính các showroom ô tô mà bản chất là “làm giá”
Tôi thấy lạ khi một chiếc xe Toyota Camry tại Anh, Mỹ chỉ dành cho giới bình dân. Giá khởi điểm của Toyota Camry nó chỉ là 20.000 USD nhưng khi sang tới Việt Nam bị đẩy giá lên tới trên 1 tỉ đồng – ngang với 1 chiếc Mercedes dòng C và được khoác thêm chiếc áo “sang” “giữ giá” thậm chí “đẳng cấp”.
Và tôi cũng thấy quái lạ, chỉ có Việt Nam, một chiếc xe máy tay ga Spacy ở các nước chuyên dùng chuyển Pizza với mỳ Ý lại được bán với mức giá gần 400 triệu đồng chỉ vì “sang”, “giữ giá”.
Thế nên, nói đi thì cũng nói lại.
Việc giá xe quá ảo tại Việt Nam: 700 triệu đồng cho 1 chiếc xe giá thực chỉ 200 triệu đồng và 1 tỷ đồng cho 1 chiếc chưa tới 300 triệu có phần “lỗi” của người tiêu dùng khi rỉ tai nhau quan niệm lạ đời “đi 4 chỗ cho nó sang” và “giữ giá”.
Không thể có chuyện một chai nước khoáng giá 3.500 đồng bị làm giá lên tới 350.000 đồng rồi cho rằng nó ngang với chai nhân sâm và người dùng nó là “người sang” được!
Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh hành vi, xu hướng tiêu dùng của mình để từ đó tác động ngược lại chính sách giá ô tô, kéo giá ô tô từ trên trời về gần hơn với mặt đất, sát hơn với giá trị thực của chính chiếc xe đó!
Không có lý gì bạn phải móc hầu bao 700 triệu đồng cho chiếc xe giá thực 200 và cả tỉ đồng cho cục sắt 300 triệu.
Quyền lực đang nằm trong tay các bạn chứ không phải ai khác bởi bạn là người tiêu tiền.
Tôi nói có đúng? Nếu không phản đối thì hãy chia sẻ!
Trần Ngọc Lam Giang
(Theo Autonet)