ĐỌC TẬP THƠ "DẤU XƯA" CỦA BÀNH THANH BẦN

Nhìn chung, “Dấu xưa” của Bành Thanh Bần là một tập thơ có nội dung phong phú, vững vàng hơn về chất lượng nghệ thuật, cho thấy sự tiến bộ không ngừng của nhà thơ Bành Thanh Bần trong lao động nhà văn.
Nhà thơ Bành Thanh Bần
Đây là tập thơ trữ tình thứ 5, lại cũng bao chứa khá nhiều đề tài. Có cảm hứng lịch sử xa xưa bắt nguồn từ những trực quan vật thể và phi vật thể ở nơi này nơi khác mà tác giả từng đi qua, chiêm bái, lắng nghe và suy ngẫm. Và cảm hứng lịch sử chưa xa nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc cũng có. Cảm hứng về tình yêu, thời trẻ trai ngô nghê và cả thời không còn được cái quyền trẻ trai ngu ngơ nữa cũng có. Đơn giản là vì trái tim thi sĩ có bao giờ muốn chịu già đâu! Các bài thơ trong tập, cũng được xếp đặt một cách tuỳ hứng, không theo một trật tự thời gian và mảng miếng hay lớp lang nào cả. Thể thơ có khi là lục bát truyền thống ngọt ngào, có khi lại là thơ tự do câu ngắn câu dài, lên bổng xuống trầm tuỳ thích. Lại cũng có bài ngắn, có bài khá dài, trữ tình đằm thắm xen lẫn với cả tự sự, như thể những ghi chép chớp nhoáng về “những điều trông thấy” bất chợt dọc đường... Hình dung như tập thơ này là cả một mâm đa quả: đa diện, đa sắc, đa hương, đa vị, đủ cả vui buồn hoà điệu cùng với những suy tư bề bộn về lịch sử đục trong, về thế thái nhân tình nông sâu đậm nhạt…
Mở đầu là một bài thơ rất dễ thương, ghi lại một Kỷ niệm tuổi thơ của cái thời mơ mộng đã qua, một đi không trở lại của tác giả. Đấy chính là một Trò chơi từ thuở còn thơ/ Một dây chỉ nối ống bơ hai đầu/ A lô! Ríu rít gọi nhau/ Vui nghe tiếng nói từ đầu dây bên… Thế rồi Bỗng dưng tiếng nói lặng im/ Đường dây đã có chú chim đậu vào. Và tức giận. Và chim sợ bay đi. Và đường dây thông suốt. Và A lô lại rộn đường đi lối về… Thế thôi, chả có gì to tát cả đâu. Nhưng một trò chơi của trẻ con từ cái thời “tiền sử” trên kia cũng có thể khuấy lên trong lòng những người đã từng sống qua cái thời trong trẻo vui say cùng nghèo đói, một đi không trở lại ấy, biết bao nhiêu là ngậm ngùi tiếc nuối. Nói là một đi không trở lại, là vì “không ai có thể uống nước hai lần trên cùng một dòng sông”. Thêm nữa, ngày nay trẻ con không thể tưởng tượng ra những trò chơi của người “tiền sử”. Chúng có thể nối dây lên trời mà không phải nối dây, để ơi ới gọi nhau, tán tỉnh nhau, thậm chí chửi nhau đến mệt nghỉ, mà không cần đến ống bơ với sợi chỉ màu. Dẫu là vậy, thì cái sự “hồn nhiên nhi nhiên” của chúng thì làm sao có thể sánh được với thời “tiền sử” có phần dở hơi mà cũng rất đỗi mộng mơ kia chứ!
Ở mảng thơ viết về những kỷ niệm xưa, Bành Thanh Bần còn có những bài thơ như Vào giờ này em đang ở đâu viết khi vợ ông đạp xe đưa chồng vào đơn vị sau lần tranh thủ thăm nhà. Anh lính tiễn vợ về, lòng cứ ngẩn ngơ dõi theo bóng dáng người vợ trẻ đạp xe nhấp nhô trên con đường lắm đèo nhiều dốc trong ánh hoàng hôn dần dần tắt với bao thương cảm và lo lắng: 
Vào giờ này em đang ở đâu
Đã đến nhà hay còn đang đạp vội
Đường lắm ổ gà, dốc nhiều, trời tối
Mỗi bước đạp dồn, con có xóc không?
Anh thương em nước mắt chảy trong lòng
Chiến tranh là thế đấy. Chuyện nghe ra cũng chả có gì to tát, nhưng cũng có thể đem đến cho người đọc những cảm xúc ngậm ngùi và niềm trân trọng về đức hy sinh vô cùng quý báu của những người vợ lính trong chiến tranh…
Bây giờ thì tất nhiên không phải cơ cực như ngày xưa nữa. Bành Thanh Bần đã trở thành một doanh nhân thành đạt, hạnh phúc đủ đầy. Thi nhân Ru người, ru thơ, miên man trong niềm hạnh phúc, có thể tạm xem là viên mãn được rồi. Đây là những câu thơ thi nhân ru vợ:
Đá kia còn đổ mồ hôi
Tuổi xuân em hiến dâng đời và anh
Bao nhiêu mộng đẹp ngày xanh
Gửi vào cơm áo đua tranh với đời
Trong khi ông chồng thì chỉ biết mê mẩn với Nàng Thơ của riêng mình:
Công danh lợi lộc chẳng màng
Đêm đêm thao thức gọi Nàng Thơ ơi!
Với tay mơ hái sao trời
Mong thơ dang cánh nâng đời bớt đau…
Một đề tài Bành Thanh Bần viết khá thành công trong tập thơ này, đó chính là những rung động nhạy bén của ông về quá khứ. Đọc thơ, thấy ông đi nhiều, khắp cả trong Nam ngoài Bắc và tới đâu nhà thơ họ Bành cũng có thơ. Huế, Hội An, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Chùa Hương, Thanh Hoá, v.v… Có lẽ ấn tượng hơn cả là bài Cây vải ở đền Trần Khát Chân, ghi lại cảm xúc của Bành Thanh Bần khi nhà thơ có dịp ghé thăm thành nhà Hồ ở Thanh Hoá. Khác với nhiều tác giả đã đến và làm thơ về địa danh lịch sử - kiến trúc này, Bành Thanh Bần đã chọn được một chi tiết trong toàn cảnh bức tranh thành nhà Hồ, đó chính là ngôi đền thờ danh tướng Trần Khát Chân, một người anh hùng đã từng tiêu diệt vua Chiêm là Chế Bồng Nga, khi ông vua này đem quân đánh phá Đại Việt ở giai đoạn nhà Trần suy yếu. Hồ Quý Ly từng đã giết danh tướng chống Nguyên Mông Nguyễn Khoái và nhiều danh tướng khác của nhà Trần. Tại thành nhà Hồ, ông ta lại giết nốt một số danh tướng nữa, đặc biệt là Trần Khát Chân. Thi nhân Bành Thanh Bần cũng thể hiện thái độ dứt khoát của ông khi nhìn nhận về nhân vật lịch sử. Ông viết:
Khát Chân!
Khao khát thiện chân
Căm người bất nghĩa bất nhân ở đời
Muốn phanh thây kẻ thoán ngôi
Xây thành trên máu xương người lầm than!
Đấy là nói về thái độ của Trần Khát Chân với Hồ Quý Ly. Còn đây là những câu thơ họ Bành viết về cái chết của Trần Khát chân trước lưỡi đao của kẻ đã cướp ngôi nhà Trần:
Đầu rơi
Miệng vẫn thét vang
Hoá cây vải đứng hiên ngang giữa trời
Cụt đầu
Cây vẫn xanh tươi
Hai cành vươn thẳng lên trời hiên ngang!
Tri ân dũng tướng nước Nam
Hoa vải nở trắng tràn sang mấy mùa…
Còn số phận Hồ Quý Ly thì sao?
Cái người bất nghĩa khi xưa
Lạc về bên ấy
Hồn giờ nơi nao?...
Chuyện là chuyện bi thương của lịch sử. Lại còn những câu chuyện mang màu sắc tâm linh, ví như cây vải cụt đầu trước đền thờ Trần Khát Chân, một năm ra hoa ba lần, khiến người đời sau không thể không nghĩ ngợi. Bài Cây gạo tuổi thơ, được tác giả lấy cảm hứng từ lịch sử chưa xa. Ngày ấy:
Chiến tranh ngút trời đạn lửa
Đau thương tắc nghẽn dòng trôi
Dòng Thanh Thuỷ xanh, thoắt đỏ đến trời…
Ngày ấy, sao có thể lãng quên? Những gì đã thấy là bài học vô cùng quý giá cho tất cả mọi người, cho dân tộc Việt nhỏ bé mà bất khuất. Tác giả mượn câu chuyện tình giữa “anh” với “em”, chỉ nhằm để cấu trúc một tứ thơ, thể hiện khát vọng hòa bình. 
Ở khoảng trời biên cương phía Bắc, Bành Thanh Bần còn viết về Hòn Vọng Phu, cũng với cảm hứng về sự mất mát đau thương của dân tộc ta trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (Bên tượng Vọng Phu). Tuy nhiên, cũng ở nơi biên cương đã từng nhàu nát vì chiến tranh, vẫn sáng lên niềm tin tưởng, tin yêu. Đây là một con sông ở tỉnh biên giới Cao Bằng:
Sông Bằng
Nước có bằng đâu
Nơi thì trơ cát
Nơi sâu vô chừng
Quanh co triền núi bìa rừng
Chảy về đâu cứ ngập ngừng dòng trôi?
Cao Bằng, nguyên gốc là Cao Bình, đến thời Quang Trung, vì kiêng huý vua Quang Trung (tên thật là Nguyễn Văn Bình), nên mới đổi là Cao Bằng. Đoạn trên là tả sông, cảm xúc về dòng sông trước mắt. Còn đây mới chính là hồn vía của Sông Bằng:
Áo chàm ngày ấy đâu rồi
Ly rượu em chúc, hương đời vấn vương
Trập trùng núi ẩn trong sương
Sông trôi hay mái tóc buông thuở nào?...
Có thể nói rằng, Sông Bằng của Bành Thanh Bần là một bài thơ đẹp. 
Một đề tài nổi bật trong tập thơ này, chính là thơ tình, thơ viết về tình yêu của một người thơ đã không còn được quyền trẻ nữa. Đọc thơ, thấy một thi sĩ mặc dù đã chạm vách thất tuần, mà trái tim còn đập đến mê mải vì tình. Nhiều bài rất mùi mẫn, trẻ trung phơi phới. Gặp nhau vội vội vàng vàng/ Bữa cơm trưa, vẫn quán hàng hôm xưa/ Món ăn đạm bạc rau dưa/ Mến thương đũa cứ “đò đưa” thay lời. Thế rồi:
Vô tình 
Cúc áo em lơi
Giả đò tôi ngước nhìn trời nhìn mây
Rụt rè tay nắm bàn tay
Trào dâng nỗi khát khao ngày xa xôi…
Và những ao ước cứ dồn dập tràn về:
Ước gì “gắp” được nụ cười
Từ môi bên ấy sang môi bên này…
Chuyện cũng không có gì, nhưng thi nhân không còn trẻ đã nói ra được cái điều rất khó nói ra, tinh tế và chân thành, khiến bao người đàn ông đang phải gánh vác cái tuổi già đáng ghét, cũng phải ghen tị một cách vui vẻ...
Bành Thanh Bần viết về hồ Tiên Sa, một công trình Văn hoá - Du lịch do chính tác giả đổ rất nhiều công sức và tiền bạc để xây dựng nên, với một niềm vui và tự hào chính đáng: “Rực trời phượng vĩ đơm bông/ Tiếng ve sôi cả thinh không/ Hè về/ Trời xanh cao rộng chưa kìa/ Bồng bềnh mây Tản bộn bề ngừng trôi”…Và kia:
Bâng khuâng những cánh chim trời
Chao nghiêng từng vạt nắng rơi xuống hồ…
Thuyền tình khua nước bến mơ
Xôn xao hoa nắng thẫn thờ chờ ai?
Chiều buông gió lỏng then cài
Mặt hồ dậy sóng, tóc ai mây vờn
Ba Vì xanh lại xanh hơn
Cánh hoa phượng rắc xuống đường đỏ au…
(Mùa hè ở Tiên Sa)
Còn khá nhiều nữa những bài thơ lục bát mượt mà đằm thắm mà nhà thơ Bành Thanh Bần viết dành cho chủ đề tình yêu. Có cảm giác hình như viết về chủ đề thú vị này, trái tim thi sĩ Bành Thanh Bần bao giờ cũng muốn nhảy nhót loạn xạ cả lên như chú ngựa non bất kham. Những thanh âm ríu ran của tình yêu cứ tràn trề ra như thế, bay bổng lên như thế, tưởng như không bến không bờ, khiến người đọc cho dù tuổi tác đã chất chồng lên, cũng muốn mình được trời ban cho những khoảnh khắc được làm trẻ con trong lòng giai nhân rưng rức màu mỡ xuân thì… Các bài Với người thơ, Ngủ đi em, Nẻo tình, Nghiêng, sợi tóc bỏ quên, Nhớ, Xuân và em… là những bài thơ tình vào loại khá hay, mỗi bài hay một vẻ, đặc biệt là hay ở sự chân thành nồng ấm và tế nhị. Nghiêng là một bài thơ tình cấu tứ khá chặt chẽ, tình thơ lại kín đáo:
Bên thềm em chợt hiện ra
Nắng mai dịu nhẹ như là tơ vương
Gót sen đỡ mái tóc buông
Ngập ngừng ánh mắt bên đường đoái trông…
Thế rồi ngẩn ngơ bởi vẻ dịu dàng, thánh thiện như một nữ tu nhà dòng của người con gái, mà cả một đời thi nhân thầm ao ước, nên mới quả quyết như thế này:
Khát khao thành một nam tu
Vác cây thánh giá thiên thu bên Người…
Bài thơ tình nào trong tập thơ này cũng rất đáng đọc. Đó là tiếng tơ lòng của một người đã đứng ở bên kia cuộc đời, nhưng vẫn còn ham sống, khát sống, muốn được cháy lên đến tận cùng. Không phải là những câu thơ văn vẻ tán gái xoàng xĩnh, mà xuất phát từ tấm lòng chân thật rất đáng quý. Suối Mây/ Vắt vẻo cầu mây/ Nụ cười lấp loá/ Má hây hây đào/ Trời xanh ngăn ngắt tầng cao/ Thác Bạc thả bạc ròng vào Thung Mây/ Áo chàm ai nhuộm xanh cây/ Khách du ríu bước, mắt ngây màu chàm… (Nẻo tình). 
Bên cạnh những bài thơ viết về tình yêu, chiếm “thị phần” lớn trong tập thơ này, Bành Thanh Bần còn dành một số bài viết về các chủ đề khác, về nhân tình, thế thái và ngổn ngang những suy tư nặng trĩu…
Nhìn chung, “Dấu xưa” của Bành Thanh Bần là một tập thơ có nội dung phong phú, vững vàng hơn về chất lượng nghệ thuật, cho thấy sự tiến bộ không ngừng của nhà thơ Bành Thanh Bần trong lao động nhà văn. Cũng vẫn còn một vài bài cấu tứ chưa thật chặt chẽ, chưa được gọt đẽo chu đáo, cấu trúc ngôn ngữ chưa mấy biến hoá, tạo ra sự bất ngờ làm nên những câu thơ tài hoa. Chi tiết ở một số bài thơ dài mang hơi hướng tự sự còn ôm đồm kể lể, chưa được tỉa tót cô đọng… Tuy nhiên, người đẹp nào mà chẳng có tì vết, huống nữa là cả một tập thơ. Chỉ với mảng thơ tình trong tập này, cũng có thể làm người đọc không phải tiếc nuối vì đã bỏ thì giờ vàng ngọc ra mà thưởng lãm!...

Hà Nội, 7-2014
Vũ Bình Lục