“Người nói thay cho Hoài Sơn uống nước”

Nhà báo Đình Khải: Hôm nay, vợ chồng mình đến thăm nhà mới của chị Hồ Khánh Quý. Chị Hồ Khánh Quý nguyên là Trưởng phòng Văn hóa và đời sống của VOV, nơi mình đã từng làm việc trong thời gian từ 1979 đến 1985. Thời gian làm lính của chị tuy ngắn, nhưng để lại cho mình rất nhiều tình cảm thân thiết với chị và mình vẫn quý mến chị như chị gái của mình. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là chị đã tạo điều kiện cho mình chính thức trở thành một bình luận viên bóng đá. Chuyện này mình đã viết trong một tập sách. Xin trích lại để các bạn cùng xem nhé:


 

Nhà báo Đình Khải và nhà báo Hồ Khánh Quý ( Bên trái ảnh)

Nhà báo Đình Khải và nhà báo Hồ Khánh Quý

Ít lâu sau khi tôi về Phòng Văn hóa và đời sống, anh Đinh Sơn Nhung xin thôi làm nhiệm vụ tổ chức sản xuất cho một chương trình bình luận bóng đá. Tôi không biết chính xác lý do vì sao. Nhưng tôi đoán có thể vì bóng đá không phải là lĩnh vực mà anh ấy ham thích. Cũng có thể vì anh ấy thấy được sự nhiệt tình và đam mê của tôi với môn thể thao này và muốn “nhường lại” cho tôi.
Đương nhiên là chị Trưởng phòng Hồ Khánh Quý đã giao nhiệm vụ tổ chức các buổi tường thuật bóng đá cho tôi phụ trách. Khỏi phải nói tôi đã vui mừng đến nhường nào khi được giao nhiệm vụ này. Vậy là sau bao năm mơ ước, giờ tôi đã được tiếp cận, đã được trở thành “người trong cuộc” của lĩnh vực mà tôi vô cùng yêu thích này. Từ nay tôi có thể toàn tâm toàn ý đắm say với bóng đá và với tường thuật bóng đá trên sóng phát thanh, trên cương vị là một phóng viên thể thao của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Với tôi, anh Hoài Sơn là người đi trước, là “người thày thầm lặng” của tôi trong lĩnh vực tường thuật bóng đá. Nói là “người thày thầm lặng”, bởi trong thực tế quan hệ giữa tôi và anh Hoài Sơn chưa bao giờ là quan hệ thày trò theo nghĩa thông thường. Là tôi “học lỏm”. Ngồi bên cạnh nghe anh Hoài Sơn nói và thỉnh thoảng nói cùng anh, tôi học được nhiều điều về cách thức tường thuật một trận bóng đá. Tôi cũng phát hiện ra những “điểm yếu” của Hoài Sơn để tìm cách khắc phục. Vốn tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao nên anh Hoài Sơn có nhiều ưu thế trong việc nhìn nhận một trận đấu dưới khía cạnh chuyên môn để đưa ra những phân tích và đánh giá cục diện trận đấu khá chuẩn xác và sâu sắc. Thế nhưng, anh ít nhiều còn hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ đời thường để làm cho chương trình phong phú, hấp dẫn và đôi khi trở nên hài hước và dí dỏm khiến người nghe dễ tiếp thu hơn. Anh cũng ít phát hiện ra những hình ảnh đẹp, những chi tiết đắt đang diễn ra trên sân cỏ để chuyển tải đến người nghe, làm cho buổi tường thuật trở nên sinh động hơn… 
Tôi tham gia tường thuật bóng đá nhiều hơn. Có những buổi anh Huy Hinh bận không tham gia được, tôi đã tường thuật sóng đôi cùng Hoài Sơn. Thế nhưng, dường như cũng chưa ai biết đến điều ấy, chưa ai ghi nhận tôi là một bình luận viên bóng đá. Thậm chí, có lần tôi nghe được có người trong lúc vui chuyện còn nhận xét thẳng thừng rằng: “Đình Khải chỉ nói thay cho Hoài Sơn uống nước thôi”. Nghe thế, tôi không buồn. Ngược lại, càng cảm ơn lời nhận xét có phần chua chát ấy với tôi. Bởi chính vì thế, tôi càng quyết tâm rèn luyện mình hơn nữa, thể hiện mình tốt hơn nữa mỗi lần lên sóng. Và, thầm nhắn gửi với ai đó rằng: “Hãy chờ đấy, rồi chim non sẽ lớn”. 
Nhưng, cũng chẳng phải chờ lâu. Một dịp may hiếm có đến với tôi vào năm 1979. Ấy là khi một trận đấu trên sân Nam Định không hiểu vì lý do gì phải hoãn và sẽ đá lại trên sân Hàng Đẫy. Tôi đã xin sóng tường thuật. Thế nhưng trước hôm trận đấu diễn ra, anh Hoài Sơn bận đi công tác phía Nam. Tôi suy nghĩ khá lâu, cân nhắc mọi điều và rồi quyết định không huỷ bỏ buổi tường thuật mà tôi đã xin xóng. Bởi tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để tôi khẳng định khả năng bình luận bóng đá của mình sau nhiều lần bị coi là “nói thay cho Hoài Sơn uống nước”. Tôi tin là tôi sẽ làm được. 
Nhưng, chị Trưởng phòng của tôi thì lại chẳng nghĩ như tôi. Sau khi nghe tôi trình bày, chị ấy bảo: 
- Chị lo em chưa thể tường thuật một mình được đâu. 
Rồi chị ấy gợi ý cho tôi, hay là mời anh Huy Hinh cùng làm? Tôi bịa ra rằng đã gọi điện thoại, nhưng anh Huy Hinh cũng đã đi công tác rồi. Trưởng phòng lại gợi ý nên mời anh Trần Tiến Đức cùng làm. Tôi nói với chị: 
- Anh Trần Tiến Đức là một trong những người đầu tiên bình luận bóng đá trên Truyền hình Việt Nam. Nhưng với sóng phát thanh thì lại khác. Đã có lần em mời anh ấy cộng tác, và vì thế mới nhận ra rằng anh ấy không hợp với sóng phát thanh. Bình luận cho sóng phát thanh mà anh ấy cứ ậm à ậm ừ nói tiếng được tiếng mất, cứ như là đang bình luận cho truyền hình. Thế thì không ổn. Cũng vì thế, đấy cũng là lần duy nhất em mời anh Trần Tiến Đức tham gia cùng bình luận trên sóng cuả Đài phát thanh, chị ạ… Nghe tôi trình bày thế, chị Trưởng phòng vẫn có vẻ đắn đo lắm. Chị gặng lại tôi: 
- Nhưng một mình em liệu có gánh nổi không?
Tôi mạnh dạn, thậm chí là còn có ý “dọa”: 
- Em nghĩ là em làm được. Nhưng tin hay không thì tuỳ chị. Chị quyết thì em làm, mà không thì em huỷ buổi tường thuật, có sao đâu! 
Chị Trưởng phòng không trả lời tôi ngay. Có tiếng chuông diện thoại. 
Tôi đứng dậy và lặng lẽ đi ra cửa phòng làm việc. Thoáng lo ngại chị Trưởng phòng sẽ không đồng ý cho tôi tường thuật bóng đá một mình…

Chị Trưởng phòng nghe xong điện thoại và quay ra vẫy tay gọi tôi vào, khi tôi vẫn đứng chờ ngoài cửa phòng. Thật bất ngờ, ngoài sự phỏng đoán và lo lắng của tôi, chị nhẹ nhàng nói với tôi:
- Thấy em rất quyết tâm và chị cũng thấy em trưởng thành nhiều trong tường thuật bóng đá thời gian vừa qua, nên chị đồng ý để em làm tường thuật trận này một mình. Nhưng em nhớ là phải chuẩn bị thật chu đáo và khi lên sóng phải hết sức bình tĩnh đấy! 
Chị còn nhấn mạnh:
- Em tường thuật trận này một mình mà xảy ra chuyện gì thì chị chết trước em đấy! 
Tất nhiên là tôi mừng lắm. Tôi cảm ơn chị và hứa với chị sẽ làm thật tốt buổi tường thuật này, để không làm phiền đến chị. Thậm chí, tôi còn tự tin khi nghĩ (mà không nói ra lời), rằng “Em tin cả em và chị sẽ chẳng có ai chết cả…”.
Dẫu vậy, trước ngày lần đầu tiên lên sóng một mình tường thuật một trận bóng đá ấy, tôi cũng lo lắm. Bởi đây sẽ là thời điểm quyết định quan trọng đối với tôi. Nếu thành công, con đường phía trước chắc chắn sẽ rộng mở. Còn thất bại, thì đừng bao giờ mơ tới việc trở thành một bình luận viên bóng đá của Đài Tiếng nói Việt Nam nữa. 
Nhưng, với tôi lúc này không còn đường lùi. Tôi đã lao vào chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho buổi tường thuật, cả về tư liệu của hai đội bóng, chân dung một vài cầu thủ nổi bật cũng như những vấn đề về luật và trọng tài. Tôi cũng không quên thử đi, thử lại giọng bình luận của mình sao cho “tròn vành, rõ chữ” …
Ngày lên sóng tường thuật, tôi biết có nhiều người lo cho tôi. Thậm chí có người vẫn không tin và còn chờ xem tôi sẽ xoay xở ra sao. Chị Trưởng phòng rời cơ quan từ buổi trưa và tôi nghe nói cả chiều hôm ấy chị không rời cái đài để theo dõi tôi. Vợ con tôi cũng vậy. Chẳng rời cái đài đã được mở hết cỡ. Hôm sau, khi biết chuyện này, tôi nói vui: “Để xem Đình Khải chết ở phút thứ bao nhiêu của trận đấu chứ gì?”. Nhưng tôi không chết. Tôi đã vào trận với tất cả quyết tâm cao nhất của mình. Và thực tế, tôi đã nói rất “sung” từ đầu cho tới khi chào hết buổi tường thuật. 
Ngày hôm sau lên cơ quan, chị Trưởng phòng vui mừng đón tôi từ cửa phòng làm việc. Chị bắt tay tôi rất chặt và khen: 
- Em tường thuật được đấy. 
Nhưng, dường như không muốn tôi vội chủ quan, chị dặn: 
- Em cũng nên nhớ rằng thành công của em có sự tạo điều kiện của chị và của anh chị em trong phòng. Mà cũng chỉ là bước đầu thôi. Em còn phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa… 
Tôi nghe chị nói mà lòng vui khôn tả. Vậy là tôi đã trở thành một bình luận viên bóng đá của Đài Tiếng nói Việt Nam rồi. Đành rằng cái chức danh “bình luận viên” này chưa ai phong cho tôi, mà là do tôi quá mừng rồi tự phong cho mình. Nhưng cũng đúng thôi. Từ chỗ bị coi là “nói thay cho Hoài Sơn uống nước” nay tôi một mình tường thuật trọn vẹn một trận đấu thì còn có điều gì mà nói nữa. Tôi vui lắm. Vì sau bao nhiêu năm mong ước và phấn đấu không ngừng nghỉ, cuối cùng thì tôi đã đến được nơi mà mình cần đến.

 

Đình Khải