BA VÌ XANH

BA VÌ XANH
BA VÌ XANH

Trần Quang Liên


Còn nhớ một lần tôi theo cha vác cưa xẻ lên làm nhà cho đồng bào Dao trên núi. Hồi ấy chưa có đường giao thông thuận tiện như giờ. Từ nhà vào chân núi mất hơn nửa ngày đi bộ. Qua đất Đường Lâm, qua khỏi rặng duối buộc voi và đồi Phùng Hưng đánh cọp là vào vùng đồi thoai thoải, trùng điệp nhấp nhô.
Nhìn lên núi mây cuốn lưng chừng, từng đàn chim sếu bay ra . Những ngày tỏ nắng mây, núi xanh biếc một màu, trông rõ từng vạt cỏ, từng khe núi, ngồi bên cửa sổ cảm như núi kề bên sờ tay chạm được. Ngày nắng chảng, rải rác trên núi có những đốm khói lửa đồng bào đốt nương làm rẫy, gió nóng thổi về xuôi những tàn tro bụi hanh hao.
Dãy Ba Vì trải 12 quả đồi lớn rải rác xuống vùng Sơn Tây. Những thửa ruộng bậc thang kề nhau. Những đồi cỏ gianh tốt ngập đầu bên những vạt sim hoa tím lúp xúp. Cả vùng này xưa là rừng rậm. Đêm đêm hổ dữ vẫn thường về quấy phá. Có câu chuyện Cúc Hoa con gái viên Đình trưởng miền Sơn Tây trốn cha ép gả chồng vì đã nặng lòng với chàng nho sinh nghèo khó, bỏ trốn lên rừng chẳng may gặp hổ. Hổ không nỡ ăn thịt người nết na chuyên chính đã tha cho về. Chẳng biết có phải vì hai điều trên không mà ngày trước quanh vùng này nhiều nơi thờ “ông” hổ. Nay đền Và vẫn có Động thờ chúa sơn lâm, đồ cúng toàn thịt tươi và trứng sống!
Qua vùng đồi thấp, qua các khe nước nhỏ chảy ra sông Tích đổ về xuôi là vào Ba Trại. Xóm làng người Kinh lùi lại phía sau. Đường đi lau lách um tùm, hoang vắng. Chân núi trải dài một rừng thông bát ngát gió vi vu. Hai bên chân dốc rừng sồi cổ thụ ngàn năm tuổi san sát, nhiều cây to hai, ba người ôm mới xuể. Vỏ sồi nứt nẻ khắc dấu vết thời gian. Lá sồi già đỏ thắm rụng đầy gốc, trải đường đi một lớp thảm dày. Đường lên núi chênh vênh, khấp khểnh. Chân đặt trên đá, vai chạm lá cây rừng ướt lạnh. Giữa trưa hè, không có mưa mà nước từ khe nhỏ, từ rễ cây rỉ ra thấm đẫm. Đủ các tầng cây thấp, cây cao, những dây leo chằng chịt quấn quanh cây đại thụ. Vòm tán cây che kín không gian, không một tia nắng lọt qua. Đi trong rừng âm u như trời sắp tối, chỉ có tiếng chim lảnh lót trên cao và tiếng vượn hú rộn rã từng hồi là biết trời đang còn sớm. Phải mất gần buổi chiều mới lên tới bản. Mươi mái nhà sàn của đồng bào Dao đỏ ở lưng chừng núi trong thung lũng. Từ bản này sang bản kia gần thì cũng “một quăng dao” (khoảng hai giờ leo núi). Họ gồm anh, em, con, cháu du canh, du cư từ bên khu Mười (Phú Thọ) sang. Tốp phụ nữ đứng tuổi trang phục áo dân tộc gùi những thạ ngô xanh vừa chắc hạt về luộc ăn, ngô tươi ngọt dính môi. Quanh năm đồng bào ăn cơm nếp đồ, thứ nếp thơm dẻo quánh. Gạo giã bằng chày tay từ những đùm thóc gác sấy trên sàn bếp nhà sàn. Thức ăn chủ yếu là măng, rau rừng và cải cay gieo trong khe núi trên nền tro đốt. Mỗi tháng người trong bản một lần xuống chợ bán đổi măng, nấm, mộc nhĩ, mua tôm, cá khô về ăn dần. Đêm ấy chúng tôi được uống rượu cần với thịt thú rừng để dành trên gác bếp. Buổi mai sương bao phủ khắp rừng, sương luồn cả vào trong sàn nhà, mấy cô gái trong bản ngồi sửa lông mày rồi khâu, thêu khăn áo, chuẩn bị cho ngày xuống chợ... Đến gần trưa sương tan, từ trên cao nhìn xuống bạt ngàn màu cây xanh nối những vạt ruộng bậc thang tít tắp. Thị xã Sơn Tây thu nhỏ trong tầm tay. Nhìn sang đỉnh “Xít-Săng” (đỉnh 600) ở bên kia núi, chiếc lô cốt tròn duy nhất quân Pháp bị ta đánh sập từ hồi “kháng chiến 9 năm” chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay. Phía núi đức Thánh thắt cổ bồng, mây che kín đỉnh...
Đã qua gần sáu chục năm rồi. Núi vẫn đây mà cảnh và người đã bao biến đổi.
Trên đỉnh núi Vua cao hơn 1.200m, ngôi Đền Chủ tịch Hồ Chí MInh đã được xây dựng. Đường lên dốc núi phẳng phiu, xe ô tô con đưa đồng bào lên thăm viếng được. Đứng trên sân Đền nhìn về Thủ đô Hà Nội rõ mồn một, còn Nhà máy thủy điện Sông Đà thì ở sát ngay bên. Sườn núi phía nam, khu Đá Chông, núi Chẹ có khu di tích K9 nơi T.Ư làm việc và cất giữ thi hài Bác Hồ trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Khu rừng quốc gia Ba Vì ngày nay được bảo tồn, mở rộng. Từ 1966, người dưới xuôi lên định cư đông đúc từ Chẹ đến Ngọc Nhị - Cẩm Lĩnh, Phú Mỹ - Phú Sơn. Toàn huyện có 250 ngàn dân. Các dân tộc: Dao, Mường, Kinh trong 7 xã quây quần chung sống dựng xây quê núi. Đường vào núi mở thênh thang: Từ Sơn Tây lên, từ cao tốc Hòa Lạc thêm 7 cây số đường mới 3 làn xe chạy vào núi, từ Quảng Oai qua Suối Hai vào. Ba Vì nổi tiếng với những khu kinh tế mới: Nông trường Sông Đà có 300ha vườn ươm cây giống và cây ăn quả, dứa, chè, mỗi năm xuất 1.700 tấn quả. Một trung tâm bò sữa lớn và đàn bò sữa trong dân tới 2.000 con, cho sản lượng sữa hàng năm 2.600 tấn. Đồng bào dân tộc hạ trại xuống núi định cư, làm lúa nước theo kỹ thuật mới, giống mới: Gạo Q5, Khang dân hạt nhỏ, cơm dẻo thơm, đạt 5,3 tấn/ha đưa tổng sản lượng lương thực lên 91.241 tấn/năm. Vườn rừng khoán giao cho hộ. Những rừng bạch đàn và keo tai tượng 150ha trồng mới đang khép tán suốt dải đồi từ Ba Trại qua Cẩm Lĩnh, Tản Lĩnh về mãi tận Phú Sơn bên sông Đà. Cây rừng và vườn trại đã làm người quê núi đổi đời. Hội CCB Ba Vì chỉ còn 1,65% hộ nghèo. Năm học nào con em Ba Vì cũng đỗ tỷ lệ khá vào các trường chuyên nghiệp và đại học. Có 56 làng được công nhận Làng văn hóa.
Nhưng thật thiếu sót nếu không nói đến tiềm năng, sự phát triển bùng nổ và vững chắc vài năm gần đây của ngành mũi nhọn công nghiệp không khói, ngành Du lịch Ba Vì. Trong rừng nguyên sinh hoang dã, huyền bí, hàng chục hang động thác nguồn được bàn tay con người tôn tạo thành chốn tiên cảnh bồng lai lung linh, kỳ ảo, làm sống lại chuyện Sơn Tinh và thời vua Hùng dựng 
nước. Bên Khách sạn tân kỳ xen lẫn nhà hàng, nhà nghỉ phảng phất dáng dấp hồn dân tộc xa xưa. Khu du lịch sinh thái Ao Vua - Đầm Long và Khoang Xanh - Suối Tiên được đầu tư năm 2004 hơn 44 tỷ đồng, cuối năm đã thu lãi về 18 tỷ đồng, rồi khu tắm khoáng nóng Tản Đà hiện đại với 30ha mặt bằng... Mỗi năm hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước về thưởng ngoạn, tắm mát, thư giãn. Những ngày nghỉ cuối tuần, từ mọi ngả đường, du khách đổ về các khu du lịch như ngày hội... Cô gái Dao đỏ không phải đợi ngày xuống chợ. Các cô trang điểm sắc phục dân tộc rộn ràng hát múa vui cùng du khách giao lưu trong những đêm lửa trại bập bùng. Măng đắng, củ mài, sâm núi, ngô nếp nương, chóe rượu cần, hàng thổ cẩm, hàng tiểu thủ công mây, tre đan, hoa trái đặc sản và hàng trăm loài phong lan, quà rừng trong các gian hàng làm thỏa lòng người hâm mộ. Du lịch Ba Vì đang làm đổi thay bộ mặt miền vùng, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, mang lại nguồn thu nhập 39% kinh tế Ba Vì.
Quê núi Ba Vì đất lành, nhân hậu. Dưới chân núi trong những khuôn viên xanh thoáng đãng ẩn hiện những “lâu đài” tình nghĩa: Trại nuôi trẻ mồ côi, tàn tật, trại an dưỡng các cụ già, trại giáo dưỡng phục hồi nhân phẩm cho những người lầm lỡ. Còn thật chu đáo hơn nữa là nơi yên nghỉ “Vĩnh Hằng” cho những người có nguyện vọng khi đã mãn cuộc nơi trần thế.
Quê núi Ba Vì ngày nay như chàng Phù Đổng đang vươn vai trên vùng đất Thánh Tản. Về với Ba Vì là về miền đất no ấm, giàu đẹp và náo nức niềm vui.

                                                                                                                                                                                                2005-2013



Author: Trần Quang Liên

Source: tholang.blogtiengviet.net