CUỘC GỌI LÚC KHÔNG GIỜ

Bây giờ nghĩ lại quãng thời gian ấy! Cho tôi thở thật sâu một cái. Đang trong lúc khủng khoảng tôi suýt là phu nhân của đương kim chủ tịch huyện.
Tranh minh họa
Nửa đêm, tôi giật mình tỉnh giấc vì bất ngờ chuông điện thoại reo. Ơ hay, ai mà gọi giờ này? Tự nhiên tim đập loạn xạ. Nhấc máy lên, số lạ hoắc! Chắc là có người nhầm máy, thôi kệ, tôi chẳng nghe số lạ bao giờ. Nhưng cái số lạ kia vẫn kiên nhẫn réo rắt tới ba lần. Tôi rụt rè...
-Alo!?
-Anh đây, Thoán đây!
-Thoán? Xin lỗi,Thoán nào nhỉ?
-Thoán chủ tịch huyện Y, miền ngược đây.
-A, anh Thoán , em nhớ rồi, nhưng… có chuyện gì mà anh lại gọi em vào giờ này? Mà sao lại đổi số điện thoại? 
-Anh buồn lắm em ạ, anh đang định sáng mai về dưới ấy nhờ em mấy việc. Giọng anh Thoán như thể nỗi buồn nó thấm đẫm vào toàn thân anh không chừa chỗ nào.
– Anh mất hết rồi, mất hết rồi!
- Chết, mất gì chứ? Anh từ từ kể cho em nghe xem nào?
- Chuyện dài lắm em ạ. Thôi mai anh về dưới đó sẽ kể cho em nghe. Anh không kể thì chết vẫn mang theo nỗi nhục này? Anh thân bại, danh liệt rồi, chỉ hy vọng em không khinh anh.
- Sao anh lại nói thế? Thôi mai anh về nhé. Anh cứ về, giúp được gì em sẽ giúp ngay.
Tôi cúp máy ngồi thừ ra. Lâu nay, tôi như cái thùng nước gạo, chứa thập cẩm các thứ chuyện trên đời. Nhìn bên ngoài có vẻ vô tư vậy thôi, nhưng tôi tự thấy mình phiền não vì biết nhiều. Lắm khi, những thật-giả, xấu - tốt, nên - không nên cứ đánh nhau loạn trong đầu tôi đòi phân chia thắng bại.
Lão này một thời như một ông vua miền rừng. Lão là chủ tịch huyện, nên tiền của lão có khi còn nhiều hơn bí thư tỉnh nghèo ấy chứ. Chả thế mà ở miền rừng thật đấy nhưng lão vẫn chạy xe Range Rover. Lần đó lên chỗ lão tôi cũng tấm tắc khen anh Thoán giỏi thế, nhưng lại thầm nghĩ sau lưng “thằng cha ấy làm gì mà giàu dã man".
Ngày tôi lên làm việc trên chỗ lão, có lần lão đưa về thăm nhà cho biết. Thấy có cô "bồ" Thanh Hoá, nom xinh xắn Nhưng dù người nàng đắp đầy trang sức vẫn không thể giấu đi được nét quê mùa . Cũng lần đó, tôi biết lão có một cậu con trai con vợ cả (đã mất) đang ở Hà Nội và một cô con gái 2 tuổi con cô "bồ" Thanh Hoá. Lão Thoán cưng cô con gái rượu vô cùng, đi đâu lão cũng lôi ảnh con gái ra khoe.

***
Anh Thoán gọi tôi .Em đi uống rượu với anh.
- Ai uống rượu ban ngày? Ban ngày bar nó không mở cửa đâu. Tôi nói vậy vì biết anh Thoán ngày xưa đã muốn đi uống là phải vào bar xịn nhất Hà Nội mới chịu.
- Em cứ đi uống với anh. Giờ cần gì bar mới uống được.
Hai mươi phút sau, theo địa chỉ của anh tôi đến một quán rượu bình dân, sâu trong ngõ mạn Trần Khắc Chân. Tôi hơi ngạc nhiên. Ngày trước anh Thoán không bao giờ bước chân vào quán xô bồ thế này. Anh bảo, trong khi chờ tôi đến anh đã tẩn hết hai cút rượu rồi.
Tôi vẫn giữ thói quen như ngày nào, lại ngồi lắng nghe chuyện của người đời một cách chăm chú. Chuyện của anh cứ từ từ chảy ra. Vừa cay, vừa đắng!
Năm trước, anh mua cho thằng con trai học đại học dưới Hà Nội một con xe Lexus để nó có cái đi lại. Đi được vài tháng thì tai nạn không qua khỏi. Anh ốm dặt dẹo mất vài tháng. Mỗi lần về nhà, cảm giác chống chếnh vì mất con dường như xâm lấn từng xăng ti mét trong ngôi nhà rộng thênh thang. Buồn bã làm anh không sao kiểm soát được tâm lý. Vài chuyện ở huyện xảy ra anh không kịp giải quyết. Người ta đòi cách chức chủ tịch huyện, anh cuống lên, chạy cho khỏi bị cách chức bằng cách xin về hưu. Anh tốn một mớ tiền chạy chọt.
Đã thế vợ anh còn đay nghiến: “Tại anh nên thằng con trai mới chết, nếu anh không mua xe cho nó, làm sao nó chết như vậy được”. Vợ chồng anh cãi nhau liên miên, anh chán đời uống rượu. Vợ bảo: “Uống nhiều để chết đi cho nhanh, ngứa mắt”. Anh điên tiết tát vợ. Anh bảo: “Cô mà nói nữa, tôi tống cô về quê, ai cho cô vàng bạc đầy người, ăn sung mặc sướng thế này, hay là thằng bộ đội cũ của cô nó cho hả”. Vợ anh trợn mắt:  “Thà tôi sống ở quê làm giáo viên quèn còn hơn phải chứng kiến anh khốn nạn với người ta để có tiền có bạc thất đức!”  Anh bảo:  “thế thì ly dị đi, mỗi đứa một nơi, con gái ở với tôi”. Vợ anh hét lên: “Anh ở đấy mà mơ, nó chẳng phải con anh đâu”. Anh cứng họng. Tan nát cõi lòng. Anh đưa vợ từ quê lên đây, từ cô giáo làng lên thành hiệu trưởng một trường huyện chẳng bao giờ nghĩ đến sẽ có một ngày đen tối thế này. Tiền bạc anh làm ra mua nhà mua đất anh đều để vợ đứng tên. Đối với anh, dù thế nào thì vợ con vẫn là số một. Thế mà…
Mấy lần anh hỏi vợ: “Chuyện con gái, cô nói thật hay là trêu tức tôi?” Vợ cười gằn: “Anh không tin thì đi mà thử ADN”.
Ngày nào anh cũng suy nghĩ về lời nói của cô ta muốn phát điên.
Anh sợ một niềm hy vọng nhỏ nhoi cuối cùng để anh sống nốt cuộc đời nhàm chán này cũng bị vỡ vụn theo câu nói độc ác kia.

Tôi ái ngại hỏi anh:
-Giờ anh tính thế nào?
- Anh còn biết tính gì nữa đây em? Tiền hết, quyền hết, nhà hết, vợ con cũng hết... 
- Thế anh định nhờ em chuyện gì?
- Cuộc sống của em giờ thế nào...? Anh biết em là người bản lĩnh, ngay thẳng nhưng đôn hậu, trong em tiềm ẩn người phụ nữ thực thụ vì em không ham tiền bạc địa vị nhưng lần đó tại anh đã không giữ được em... Nói đến đây, anh Thoán không kìm được, nước mắt ầng ậc đầm đìa hết khuôn mặt mệt mỏi, đỏ vầng lên vì men rượu.
Tôi hoảng hốt sợ anh Thoán đổ gục ngay tại bàn rượu này mà không còn một chút le lói lửa sống. Phàm đã là con người tồn tại trên cõi đời nên có một chút niềm tin, dù rất ít.

Bây giờ nghĩ lại quãng thời gian ấy! Cho tôi thở thật sâu một cái. Đang trong lúc khủng khoảng tôi suýt là phu nhân của đương kim chủ tịch huyện. 

PTMT