NGƯỜI CÙNG QUÊ

 
Người cùng quê
(Truyện ngắn dự thi)
 
 
Sau hơn ba tháng huấn luyện chiến sỹ mới vất vả, cả Tiểu đoàn đạt kết quả xuất sắc, được Trung đoàn đề nghị Binh chủng khen thưởng, hôm nay Hậu quyết định nghỉ ngơi tắm giặt cho thật thoải mái. Anh hỏi chú liên lạc:
- Có ra suối tắm với anh không?
- Tiểu đoàn trưởng chờ em một tí nhé.
Phía sau doanh trại Tiểu đoàn là một suối nhỏ nước chảy róc rách quanh năm. Có lẽ đoạn suối này là rộng hơn cả. Hai bên bờ là rừng cây rậm rạp um tùm.
- Chú mày có biết bơi không? Hậu hỏi.
- Em mới tập được ít bữa thì nhập ngũ. Người ta bao muốn biết bơi phải cho chuồn chuồn cắn rốn phải không Tiểu đoàn trưởng?
- Bậy nào! Lại đây anh bảo. Hậu giơ cánh tay săn bắp chắc nịch để cho Bình liên lạc bám vào, hai chân đập tùm tùm kiểu bơi chó. Hậu đi từ từ ra giữa suối, đến chỗ sâu bảo Bình tự bơi để Hậu bơi một tý cho đỡ nhớ.
Quê Hậu ở Sơn Tây bên bờ sông Hồng - con sông đã ghi đậm bao ký ức tuổi thơ của Hậu. Hậu biết bơi từ thuở chăn trâu. Mười ba tuổi đã thi bơi vượt sông Hồng. Mười tám tuổi học hết phổ thông, Hậu thi đỗ vào trường Sỹ quan Pháo binh và sau ba năm học ở trường, tốt nghiệp loại ưu, ra trường với quân hàm Trung úy, về công tác ở một đơn vị pháo binh và bây giờ được điều lên đây giáp với biên giới phía Bắc cách quê gần ba trăm cây số với chức vụ Đại úy Tiểu đoàn trưởng.
- Tiểu đoàn trưởng lại nhớ nhà phải không?
Hậu thú nhận:
- ừ ... nhớ quá! Cứ ra tắm suối là tớ lại nhớ sông, nhớ quê nhà. Quê tớ đẹp lắm! Nhà tớ có hơn ba sào đất bãi trồng mía, trồng rau xanh.
- Tiểu đoàn trưởng còn bố mẹ không?
- Còn. Hai cụ mới ngoài 60.
- Vợ Tiểu đoàn trưởng làm gì?
- Giáo viên cấp I, dạy ở trường làng.
- Bao giờ Tiểu đoàn trưởng đi phép? Cho em gửi bức thư về cho bố mẹ em nhé!
- Khi nào thu hoạch mía. Mà quê chú mày ở đâu nhỉ?
- Cùng xã với Tiểu đoàn trưởng ấy mà. Anh ở thôn Ngoài sát đê, còn em ở thôn Trong giáp đường nội tỉnh.
- ừ, nhất định anh sẽ cầm về cho em.
Bình năm nay vừa tròn 19 tuổi, mới được điều lên làm liên lạc cho Tiểu đoàn. Ước mơ của Bình là trở thành nhà báo với chiếc máy ảnh loại xịn đi khắp nơi tìm hiểu viết bài.
- Thôi, ta về đi chú mày. Bình xách túi quần áo đi trước. Hậu để ý cái dáng đi giật khục của Bình, bất giác nhớ đến một dáng người nào đó giống như vậy ở quê. Hình như người đó trán hói, có một nốt ruồi đen ở cằm, đã đến trường cấp II của xã dự khai giảng năm học mới cách đây hơn chục năm. Bỗng có tiếng gọi cắt ngang suy nghĩ của Hậu:
- Tiểu đoàn trưởng có thư này! Chiến sỹ quân bưu gọi.
- Cứ để lên bàn cho anh.
Hậu coi các chiến sỹ trong đơn vị như em mình. Trong huấn luyện anh rất nghiêm khắc, sai một ly cũng bắt làm lại. Đã từng là lính trong những năm học ở Trường Sĩ quan Pháo binh, anh hiểu thế nào là "khổ luyện thành tài, đổ mồ hôi trên thao trường để bớt đổ máu trên chiến trường"; song anh lại cũng rất tình cảm gần gũi chiến sỹ, tham gia nhiệt tình các hoạt động của Đoàn thanh niên như chơi bóng đá, bóng chuyền và ca hát, đọc báo ... Anh thích nhất là hát dân ca chèo. Anh hát không hay lắm, nhưng nghe được, giọng ấm và truyền cảm.
Bình tuy mới sống gần Tiểu đoàn trưởng Hậu nhưng đã quý mến anh. Ngoài nhiệm vụ liên lạc, Bình làm luôn công vụ cho Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Hôm qua Bình được Tiểu đoàn trưởng Hậu cho xem ảnh cô em út có tên là Hà, thế là "mê luôn".
Hậu đọc lá thư vợ gửi bóp trán trầm ngâm. Lá thư trước vợ báo tin bố mẹ và thằng nhóc con anh vẫn khỏe, thế mà lá thư này bố đã ốm nặng rồi, lại không nói rõ bố ốm bệnh gì. Bố ít khi ốm vặt, mà đã ốm là ... Thôi nhất định là phải xin nghỉ phép năm về chăm sóc bố vậy. Con về chắc bố sẽ mừng lắm, có thể vì mừng vui mà bố sẽ khỏi bệnh.
Về khuya, khí núi toát ra lạnh lẽo. Hậu hơi rùng mình. Anh vội đứng dậy mặc quần áo chỉnh tề xuống phòng trực ban kiểm tra, hỏi mật khẩu canh gác đêm nay, rồi cùng Bình liên lạc cầm đèn pin đi kiểm tra hết các vọng canh trong phạm vi Tiểu đoàn. Các chiến sỹ gác rất nhớ mật khẩu và giữ đúng vị trí tư thế canh gác anh mới yên tâm. Hậu nói nhỏ với Bình:
- Anh sắp nghỉ phép ít ngày vì bố anh ốm nặng. Ngày mai em vào bản mua giúp anh nửa lít mật ong ngon và một cân măng khô nhé. Có định gửi thư về thì mai viết đi.
Hậu và Bình về phòng ngủ đã hơn một giờ đêm. Cả Tiểu đoàn đang chìm trong sương sa. Chỉ có tiếng con bìm bịp, con "bắt cô trói cột", "bắt tép kho cà" vang lên trong màn đêm tĩnh mịch.
Hôm sau nữa, Hậu được Trung đoàn giải quyết cho đi phép năm. Anh vừa về đến nhà thì thằng con anh đã reo ầm lên:
- Bố về ... a bố về! Ông ơi, bố về ...
- Ông nằm đâu con?
- Trong buồng bố ạ.
- Bố à, nhận được thư nhà con, con thu xếp về ngay. Bố đỡ nhiều chưa?
- Anh về là bố mừng rồi. Bố chỉ có mình anh là con trai, bố muốn nói điều này hệ trọng để anh liệu. Thằng Hòa thôn Trong nó làm bố nhục lắm con ơi ...!
- Kìa bố, bình tĩnh đã. Bố uống tí nước nhé, song rồi kể đầu đuôi cho con nghe.
- Chuyện là thế này:
Hôm ấy nhà ông Thân ở xóm Giữa cưới con gái. Ông Thân là bạn nối khố với bố. Buổi tối ngồi nói chuyện uống nước chán rồi mấy anh em rủ nhau chơi tổ tôm cho vui, gọi là mỗi người bỏ ra năm ngàn, cả thảy sáu người là ba mươi ngàn để ở chiếu. Quy ước với nhau là chơi hết số tiền này ai được thì cũng khao cả, chỉ có thế thôi. Đang chơi vui thì thằng Hòa chủ tịch xã, tay trưởng Công an xã và hai dân quân xông vào yêu cầu giữ nguyên hiện trường lập biên bản. Ông Thân và mấy anh em nói là chúng tôi chỉ chơi vui thôi, song thằng Hòa nhất quyết không nghe cứ bảo tay trưởng công an xã lập biên bản. Cái dại nhất của mấy anh em là nghĩ chuyện bình thường không đọc lại biên bản cho kỹ mà cứ ký vào cho xong chuyện. Ai ngờ biên bản lại ghi: ''Bắt quả tang một vụ đánh bạc''...
- Kìa bố, bình tĩnh nào!
Hậu lấy khăn mặt lau những giọt nước mắt đang chảy trên khuôn mặt hốc hác của bố mà lòng quặn đau như thắt. Anh cố kìm để khỏi bật lên tiếng khóc:
- Bố ơi, sao hắn lại làm thế hở bố?
- Nó trả thù đấy! Chả là bố phê phán nó lợi dụng chức quyền cấp đất trái phép tham ô công quỹ của xã. Mới đây hội Cựu chiến binh của bố đã làm đơn tố cáo hắn gửi lên cấp trên rồi ...
- Thôi bố mệt rồi, bố nằm xuống nghỉ đi. Lẽ phải trước sau vẫn là lẽ phải bố ạ.
Nói về Chủ tịch Hòa cả xã này ai không biết hắn trưởng thành từ anh cán bộ địa chính. Ruộng đất hắn nắm trong lòng bàn tay. Nhiều hộ dân đã phải đưa tiền có khi lên tới hàng chục triệu để có được "bìa đỏ", nhưng chẳng có ai dám tố cáo hắn. Vả lại cái tâm lý "đấu tranh tránh đâu" còn nặng nề lắm, nó làm cho con người ta nhụt chí, làm cho xã hội mất đi sự dân chủ, công bằng.
Bác Hồ đã nhìn thấy rõ hai mặt của quyền lực: một mặt quyền lực có sức mạnh rất to lớn để cải tạo cái cũ và xây dựng cái mới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nếu biết sự dụng đúng cách. Mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại rất ghê gớm vì con người nắm quyền lực có thể thoái hóa biến chất rất nhanh chóng nếu đi vào con đường tham muốn quyền lưc, đặc quyền, đặc lợi. Vì vậy Đảng phải đặc biệt quan tâm đến việc chỉnh đốn và đổi mới Đảng.
Với tư cách là một Đảng viên lâu năm, lại là Chủ tịch Cựu chiến binh xã, bố đã đấu tranh thẳng thắn với cái sai của Chủ tịch Hòa. Thế hệ bố đ• ngấm sâu tư tưởng Bác Hồ, làm theo gương sáng đạo đức của Bác bằng những việc làm thiết thực, dám đấu tranh phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng.
Đã có lần, bố kể cho Hậu nghe về cái làn bố chất vấn Chủ tịch Hòa ở Hội đồng nhân dân xã, khiến hắn chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt" và có lẽ hắn thâm thù bố từ đó.
Phải nói rằng Chủ tịch Hòa có khoa ăn nói hấp dẫn, có đầu có đuôi. Cũng có lần họp Đảng bộ xã, hắn nhắc nhở mọi người phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của dân, không quan liêu tham nhũng, cơ hội, sống phải bao dung, nhân nghĩa, và hắn kể lại tình tiết Bác Hồ trước lúc đi xa đã gọi một đồng chí phục vụ đến gần dặn lại: "Khi Bác mất rồi, chú nhớ ra cắt hộ khẩu cho Bác". Thì ra Bác là Chủ tịch nước, chủ tịch Đảng vẫn không quên mình là người dân, nhớ nhiệm vụ làm một công dân.
Hắn càng nói càng thấy giữa nói và làm của hắn cách xa nhau quá. Hắn đã thành ông "quan cách mạng" rồi. Hắn có nhà cao, cửa rộng, nội thất toàn đồ xịn, đi xe gas đắt tiền, cuộc sống của gia đình hắn khác hẳn với người dân trong thôn.
Công bằng mà nói, trong thôn, trong xã không phải ai cũng ghét hắn. Cũng có người ủng hộ hắn, ca ngợi hắn "thức thời", sống hiện đại, song cũng không ít người ghét những việc hắn không làm như lời nói. Trong số những người ghét và tố cáo hắn có bố Hậu. Hậu tự hào vì bố mình đã có hơn ba mươi năm là "lính cụ Hồ", là lính nghĩa vụ đầu tiên của xã. Hồi đó bố Hậu đang học lớp 7 thì được đi nghĩa vụ quân sự. Hôm đưa tiễn thanh niên nhập ngũ, xã tổ chức to lắm. Mẹ Hậu khi đó là cô gái học dưới bố hai lớp, nhà hàng xóm cũng có mặt tặng bố chiếc khăn mùi xoa có thêu đôi chim bồ câu và hai chứ hạnh phúc. Năm tháng qua đi tình cảm của hai người cứ lớn dần lên qua những lá thư cho tới khi thành vợ chồng rồi sinh ra Hậu.
Hậu đi ra ngoài nhà tìm trên bàn thờ phía sát tường tập hồ sơ lưu của bố anh. Quá trình công tác của ông hơn ba mươi năm trong ngành cơ yếu quân đội sáng rực những chiến công thầm lặng với hàng chục huân huy chương các loại, chín năm chiến sỹ thi đua chiến sỹ quyết thắng. Chỉ thiếu một năm chiến sỹ thi đua nữa là có thể được phong tặng anh hùng. Bố đã nghỉ hưu hơn chục năm nay với quân hàm Trung tá. Có lẽ sỹ quan cấp tá ở xã này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lại có cả huy hiệu bốn mươi năm tuổi Đảng nữa được gói bằng vải nhung đỏ rất cẩn thận. Bố còn làm Chủ tịch Cựu chiến binh xã nhiều năm, được đi báo cáo điển hình về ''học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... Tất cả những cái đó là niềm tự hào, niềm vinh dự, là cội nguồn tinh thần nhất của bố nay bỗng chốc trở nên xa lạ thì làm sao bố không đau khổ được. Một người sống trung thực, tình nghĩa thủy chung, điềm đạm, chín chắn, bình dị như vậy ... mà sao bị đối xứ đến như vậy, thử hỏi còn gì là công bằng, công lý nữa? Thương bố quá, bố ơi!
Hậu đang lần hồi quá khứ của bố thì tiếng thằng nhóc con anh vang lên ngoài ngõ:
- Bố ơi! Bà về, mẹ về rồi.
- ừ, thế ông khỏe chưa con?
- Khỏe rồi mẹ ạ! Ông vui lắm, nói chuyện với bố lâu ơi là lâu.
Có ngờ đâu đêm hôm ấy bố anh ra đi vĩnh viễn. Mối thù này đối với anh thật quá lớn! Hắn đã giết bố anh không bằng dao mà bằng lòng danh dự và tự trọng. Hắn đã vu khống cho bố anh và những người bạn thân của ông phạm pháp. Hắn là một tên đê tiện - một tên "Chánh tổng" thời nay .... rồi anh thiếp đi trong mê sảng, trong sự mệt mỏi vì thức trắng mấy đêm liền.
Sau một giấc ngủ dài Hậu tỉnh dậy cảm thấy người dễ chịu hơn nhiều, bao căm thù uất ức như vợi đi, lòng nhân ái, vị tha trong anh được đánh thức. Anh nhờ Hà - cô em út đưa anh đến gặp hắn và nhờ Hà đưa hộ lá thư của Bình.
Hà cầm lá thư nhận ra ngay Bình chính là con ông Hòa Chủ tịch xã đã hại bố mình. Hà nói với Hậu:
- Anh à! Thằng Bình này chính là con ông Hòa mà anh muốn gặp đấy. Ông ta đã bị tòa xử rồi, hai mươi tư tháng tù treo, phải trả lại đất, trả lại tiền, bây giờ đi ra đường cứ cúi mặt chẳng dám nhìn ai.
- Đúng vậy không em?
- Đúng chứ sao nữa. Em làm bí thư Đoàn xã, là Hội thẩm nhân dân có chân trong Hội đồng xét xử hôm ấy mà lại.
- Có phải cái ông đi giật khục, trán hói, có nốt ruồi đen ở cằm không?
- Đúng là ông Hòa ấy đấy.
- Ôi! Em tôi giỏi thật! Thế hôm tòa xử bố có đi dự không?
- Có, ông Thân lai bố đi, nhưng chẳng hiểu sao bố vẫn rất buồn, vẫn uất ức cứ như người mất hồn rồi đổ bệnh.
Con người ta kể cũng lạ. "Kẻ gieo gió đã gặp bão" rồi, mà lòng vẫn không thanh thản. Phải chăng sống ở đời còn có một cái gì đó thiêng liêng hơn, cao quý hơn, có ý nghĩa hơn, đẹp đẽ hơn. Đó là phần hồn, là tinh thần, là phẩm chất đạo đức, là gốc của cây, là ngọn nguồn của sông suối,là danh dự của cả một đời người, là tình nghĩa giữa người với người. Chẳng thế mà có người đã nói: chức vụ ngày một ngày hai. Tình người mới là cơ bản. Đã là con người phải có tình. Để mất đi cái tình thì chỉ còn là ''mặt nạ da người''.
- Hà đưa thư tận tay cho ông Hòa giúp anh nhé! Nói là anh gửi lời chào ông và bảo ông cứ yên tâm, không phải lo lắng gì cho Bình cả. Thôi anh ra sông tắm một trận cho thật thỏa thích đây.
Mùa này, nước sông hồng đang lắng phù sa, để lại một màu xanh trong mát lấp lánh những sợi nắng vàng hoàng hôn. Một đàn cò trắng đang sải cánh bay về tổ, thả bóng vào những áng mây trôi vần vụ trên nền trời xanh nhạt.
Hậu từ từ lội xuống dòng sông, cúi xuống vốc nước xoa khắp người, bất giác anh nghĩ đến con suối nhỏ phía sau Tiểu đoàn bộ nơi biên cương Tổ quốc, mà mới hôm nào anh đã đi tắm cùng Bình liên lạc con ông Hòa cùng quê.
 
Sơn Tây, tháng 12/2012
Nguyễn Trí Thức