THẦY ĐÁNH

THẦY ĐÁNH
THẦY ĐÁNH

Các học trò của cha tôi ai cũng kể lại rằng: "Ngày xưa, thầy hiền lắm, không bao giờ đánh học trò!"
Hiền lắm, không bao giờ đánh học trò, nhưng mỗi khi học trò có lỗi (học trò mà, tránh sao được), cha tôi cũng túm tóc gáy các anh mà giật mấy cái. Giật mấy cái thôi, ba bốn cái là cùng, nhưng lạ thay, không ai quên. Họ tỏa đi bốn phương trời với lòng biết ơn thầy sâu nặng, khi về già, cả khi cha tôi đã mất lâu rồi, họ vẫn về thăm thầy và vẫn ôn lại bao kỷ niệm, trong đó không thể thiếu những lần “được” thầy dứt tóc. 
Một anh tây lai từ Cốt đi voa sang, dâng lên thầy một cây bút nhỏ: “Thưa thầy, con lưu lạc khắp năm châu bốn biển, sống được, thành người được là nhờ ở những lời thầy dạy, và cũng nhờ ở sự thương yêu nghiêm khắc của thầy!”
Từ Biên Hòa xa xôi, một cựu chiến binh hàng năm vẫn về viếng mộ Người. “Con được như ngày nay nhờ hồng ân được thầy dạy dỗ, các con cháu con thành đạt cũng nhờ con học theo phong cách của thầy!” Anh khấn cha tôi mà như nói với người thầy đang còn hiện hữu của mình.
Một vị lãnh đạo ty Giáo dục Sơn Tây trước đây, khi phát biểu trước các hội nghị của ngành có cha tôi tham dự, bao giờ cũng mở đầu bằng câu: “Kính thưa thầy Đặng Đình Tảo – người đã giáo dục tôi những năm còn thơ ấu! Kính thưa toàn thể các thầy cô giáo!” Tôi biết chuyện này nhờ chính ông khi tình cờ quen nhau tại Câu lạc bộ hưu trí và người cao tuổi, ông kể lại khi biết tôi là con của Người.
Là con nhà giáo, nhưng khi đi học tôi cũng không ít nghịch hơn bạn bè, đã thế lại sách vở lại cẩu thả, chữ viết như mèo cào gà bới, dây mực lung tung, giờ chơi cũng đấm nhau, hái trộm quả mơ trái chuối của những nhà gần trường… nói chung là đủ cả. Thầy tôi cũng là học trò của cha tôi, tết nào cũng có lễ cung kính đệ lên bàn thờ nhà tôi, nói với cha tôi một thưa hai gửi, ấy thế mà thầy đánh tôi khiếp lắm. 
Dây mực ra tay, đánh!
Chữ viết mất nét, đánh!
Quay ngang quay ngả trong lớp, đánh!
Và nếu không thuộc bài thì thôi rồi, bét cũng mười đến mười lăm, hai mươi thước kẻ. 
Thầy bắt cả lớp phải gọi lớp trưởng bằng anh, cho dù “nó” có ít hơn thằng khác một hay vài tuổi, ra đường thì thôi, trong lớp mà không gọi “nó” bằng anh, cũng đánh. “Anh” lớp trưởng được phép thay thầy, cầm cái roi đứng ở cuối lối đi giữa lớp, hễ đứa nào ngọ nguậy, nói chuyện riêng là anh tiến tới, vụt một roi, oai lắm, ngoài mấy đứa lớn “anh” lớp trưởng sợ chúng, còn bọn tí nhau chúng tôi, đứa nào cũng phải “nịnh” anh.
Mỗi thầy có một cách đánh riêng, thầy tôi, bất luận tội gì, cũng bắt trò ngửa cả hai bàn tay, ép sát hai ngón út vào nhau, thầy cầm cái thước vuông dài ba mươi phân, và, vụt! Có lần thầy đánh tôi gẫy cả thước.
Giảng bài đo chiều dài, thầy viết lên bảng chữ centimet và hô học trò đọc: “Xăng ti mét”, rôi thầy gọi tôi đứng lên đọc lại, tôi quen mồm đọc xen ti mét, thầy thét, nhỏ thôi, nhưng vẫn là thét:
- Lên đây!
Tôi lập cập bước lên
- Đưa tay ra đây! 
Tôi rụt rè đưa hai bàn tay
- Xen ti này, xen ti này, xen ti này!
Rồi thầy quay xuống cả lớp:
- Còn trò nào xen ti mét nữa không?
Tôi về mách mẹ, mẹ tôi bảo: “Mày láo, cho thầy đánh, đánh thế chứ đánh nữa cũng không chết được!”
Tôi lại mách Cha tôi, Cha bảo: thầy còn hơn cha hơn mẹ. Muốn không bị thầy đánh thì chỉ có một cách là sửa mình cho tốt.
Chúng tôi là lứa học trò cuối cùng bị thầy đánh, năm sau, nhà nước không cho phép thầy cô giáo đánh mắng học sinh. Thế nhưng thầy Khương – bạn của cha tôi – thi thoảng vẫn nắm tai tôi (riêng tôi thôi) véo thật lực, tôi im không mách bố mách mẹ nữa vì mách có khi còn bị mắng thêm. Một hôm, giờ chơi, thầy gọi tôi lại và bảo rằng: ”Thầy nghiêm khắc với con hơn những đứa khác là vì thầy coi con như con của thầy, con mà hư thì bố con bị mang tiếng là nhà giáo mà để con bất trác!”
Mới đây, trong một bữa rượu xuân, nhân chuyện có cô giáo ở phía Nam bị phụ huynh bắt quỳ vì phạt con họ, sau khi cạn chén, một anh bạn tôi bảo: “Nói thật, bọn mình ngoan như hiện nay là nhờ có những ngọn roi nhớ đời như thế!”

              8 - 3 - 2018                                           

Author: Đặng Đặng