BÀI VĂN KHUYÊN CHĂM HỌC CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG

Bài viết của Mai Xuân Hải

Tượng đồng Lê Thánh Tông ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Lê Thánh Tông là vị vua thứ 4 triều Lê. Ông là con thứ 4 của vua Thái Tông, sinh ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442)(2), lên ngôi vua từ năm Canh Thìn (1460), cho tới khi mất là ngày 29 tháng giêng năm ĐinhTị (1497), lấy niên hiệu là Quang Thuận (1460-1469), và Hồng Đức (1470-1497), ở ngôi 38 năm, hưởng thọ 55 tuổi. Sau khi mất được tôn phong miếu hiệu là Thánh Tông Thuần Hoàng Đế. Trong thời gian 38 năm trị vì, ông đã thực hiện nhiều cải cách, nhiều biện pháp đổi mới ở tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho tới văn hóa, giáo dục, trong vòng ba thập kỷ đã đưa nước ta trở thành một nước hùng mạnh vào bậc nhất trong khu vực thời bấy giờ. Nhiều chính sách, chế độ, luật lệ... của thời đại ông đã để lại ảnh hưởng sâu đậm đến các đời sau. Ông còn sáng tác nhiều thơ Hán, là một tác giả văn học lớn nhất trong lịch sử văn học nước ta giai đoạn nửa sau thế kỷ XV.
Tài năng và sự nghiệp của ông, cùng những đóng góp của ông cho đất nước được mọi người đánh giá cao. Nhà sử học đương thời Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Nhà vua thực là bậc vua anh hùng tài lược; dù Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không hơn được”(3).
Nhà bác học Phan Huy Chú thế kỷ thứ XIX cũng nhận xét: “Tư chất và tính khí vua rất cao sáng, ham học không biết mỏi, tay không rời sách. Kinh, sử, chư tử, lịch số, toán chương đều tinh thông, văn thơ càng giỏi hơn các bề tôi. Về trị nước thì vua tôn trọng Nho thuật, cất nhắc anh tài, sáng lập chế độ, khôi phục và mở mang bờ cõi, văn vũ tài lược hơn cả các đời. Người ta cho rằng chính trị đời Hồng Đức là rất thịnh”(4)
Sứ giả Trung Quốc thời bấy giờ cũng gọi ông với thái độ kính trọng là “An Nam chân chúa”(5) .
Bác Hồ cũng ca ngợi ông rằng:
Vua hiền có Lê Thánh Tông,
Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành(6)

Tài năng và sự đóng góp có hiệu quả cho đất nước của vua Lê Thánh Tông có phần là nhờ ông rất cần cù chịu khó học tập trong suốt cả cuộc đời của mình, cả khi đã lên ngôi vua. Ông viết về mình như sau:
Trống dời canh còn đọc sách,
Chuông xế bóng chửa thôi chầu(7)

Có thể nói rằng, ông là người có kiến thức, có học vấn uyên bác nhất thời bấy giờ. Phải chăng đó là một trong những nhân tố để ông đưa đất nước đi theo con đường đổi mới, đạt đến sự thịnh trị tột đỉnh trong thời kỳ phong kiến. Ông không chỉ là một tấm gương sáng chói về học tập, mà còn khuyên mọi người nên chăm học nữa. Lâu nay có người đã đề cập đến bài Chiếu khuyến học, Dụ khuyến họccủa ông. Nhưng cho đến nay chúng ta chỉ được nghe nói, chứ chưa từng được đọc nội dung bài văn khuyến học đó.
Gần đây, tìm tòi trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, may mắn chúng tôi tìm được hai văn bản Hán Nôm có chép bài văn khuyến học đó. Đó là:
1. Giai văn tập ký: ký hiệu A.2397, sách chép tay, khổ 28x16cm, 28 tờ, không có tựa bạt, mục lục, không ghi tên tác giả. Như tên sách đã nói, sách này là tập hợp ghi chép những bài văn hay (giai văn), cả thảy gồm 33 bài, phần lớn của các tác giả đời Nguyễn như: Hoàng Cao Khải, Phan Đình Phùng, Bùi Hướng Thành, Nguyễn Trọng Hợp, Dương Lâm, Đỗ Đình Liên(8) , Ngô Thế Vinh v.v... và bài thứ 30 (tờ 20a-22a) có nhan đề là Thánh Tông Thuần Hoàng Đế khuyến học văn, dịch nghĩa là: Bài văn khuyên chăm học của vua Thánh Tông Thuần Hoàng Đế.
2. Chư đề hợp tuyển: ký hiệu VHv.552, sách chép tay, viết thảo, khổ 25x13cm, 58 tờ, do Vinh Phong Phạm Nam Sơn chép ngày 16 tháng 8 năm Thành Thái thứ 8 (1896). Tên sách cho ta biết đây là một loại sách hợp tuyển văn học. Sách tập hợp 56 bài văn cả Hán và Nôm thời Lê và Nguyễn về các thể tài như: Văn bia trùng tu đền Hưng Đạo Vương của quan kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải; Bài văn khuyến hiếu của Văn Xương Đế Quân; Bài văn con rể tế bố vợ, vợ tế chồng, chồng tế vợ; Bài Quy khứ lai từ (Nôm); Bài văn tế cô hồn; Trần tình biểu; Bài phú Hàn Tín của Đặng Trần Thường; Bài phúTừ nông quy sĩ (Nôm) v.v... và bài thứ 55 (tờ 55a-56a) có nhan đề làThánh Tông Thuần Hoàng Đế khuyến tiểu sinh văn, dịch nghĩa là: Bài văn khuyên học trò chăm học của vua Thánh Tông Thuần Hoàng Đế.
Cả hai văn bản đều có một số chữ, câu khác nhau. Trước khi dịch, chúng tôi có đối chiếu, khảo dị, để 2 bản bổ sung cho nhau những chỗ bất túc, tiến tới một bản hoàn thiện hơn. Khi khảo dị, chúng tôi gọi tắt bản Giai văn tập ký là GVTK, và bản Chư đề hợp tuyển là CĐHT.
Xét thấy bài văn khuyến học này là một tài liệu cần thiết để nghiên cứu về con người Lê Thánh Tông và tư tưởng giáo dục của ông, nay chúng tôi xin phiên âm, dịch nghĩa, chú thích và công bố, cống hiến cho độc giả của Tạp chí Hán Nôm , nhân dịp kỷ niệm 550 năm ngày sinh của ông.
Phiên âm:
Thánh Tông Thuần Hoàng Đế Khuyến học văn(1)
Cái văn(2):
Quân tử thành đức chi danh, quý hồ hữu thể hữu dụng;
Nho giả vị kỷ chi học, yếu tại thành thủy thành chung.
Cẩu đán tịch chi(3) bất cần;
Tắc công phu chi(4) hữu gián.
Hạ Vũ đại thánh, tứ tứ do tích thốn âm;
Tăng Tử đại hiền, miễn miễn thượng gia tam tỉnh.
Hán Đồng Tử hạ duy nhi lệ sĩ(5)
Đường Xương Lê kế quĩ dĩ thành công.
Bỉ hà nhân, ngã diệc hà nhân, vi chi nhược thị;
Cổ thử lý, kim đồng thử lý, chí giả cánh thành(6).
Nhữ đẳng:
Sinh hồ thiên địa chi gian,
Đồng đắc âm dương chi khí.
Vật các phó vật(7), tuy vân hoặc thuần hoặc bác chi thù,
Nhân chi vi nhân, diệc hữu hi thánh hi hiền chi chí.
Tiên cẩn kì(8) sái tảo, ứng đối, tiến thoái chi tiết;
Thứ(9) cập phù lễ nhạc, xạ ngự, thư số chi văn.
Tọa như thi, lập như trai(10), học nhi thời tập;
Chính kỳ tâm, thành kỳ ý, đức cầu(11) nhật tân.
Hàm vịnh hồ, kì sở dĩ tri;
Mãnh miễn(12) hồ, kì sở vị chí.
Kinh giả, tải đạo chi khí, tất dụng lực dĩ(13) giảng cầu;
Sử giả(14), kí sự chi thư, tất dụng(15) tâm nhi suy cứu.
Dĩ khảo thánh hiền chi thành pháp;
Dĩ cầu(16) sự lí nhi đương nhiên.
Nhã ngôn mạc thiết ư Thi Thư, Thi Thư cần nãi hữu(17);
Hành đạo mạc tiên ư Lễ Nhạc, Lễ Nhạc bất khả vô.
Trầm tiềm hồ Bát quái, Cửu trù;
Xuất nhập hồ Bách gia chư tử.
Đại hiền vi sư, thứ hiền vi hữu, thân sư thủ hữu hữu phương;
Xuất sự kì trưởng, nhập sự kì huynh, kính trưởng ái huynh tân đạo.
Bất tuần tư dục nhi vi lý(19),
Đãn đương chủ thiện vi sư.
Khí tập sở di, đương giới phù kiêu chi nhất tự,
Đạo lý tối đại, giai thủ chư(20) thân chi lưỡng bàng.
Hữu chân thực tiễn lí chi công;
Vô liệp đẳng can dự chi thất(21).
Năng định(22) năng tĩnh, năng lự năng đắc, sở tạo giả thâm;
Như thiết như tha, như trác như ma, ích cầu kì chí.
Kí hữu đắc chi ư kỉ,
Hựu đương(23) suy dĩ cập nhân.
Tài dưỡng bất tài, trúng dưỡng bất trúng, tư chi giả chúng;
Thành bất độc thành, lập bất độc lập, đức tất hữu lân.
Nhân chi thục, nghĩa chi tinh;
Công chi sùng, nghiệp chi quảng.
Do thị nhi cùng kinh chí dụng(24)
Do thị nhi học cổ nhập quan.
Thủ Hán thất chi tử thanh, đãi đồng thập giới;
Trạc Tống triều chi khoa đệ(25), hữu nhược bạt tì(26).
Nhân tranh khán kim bảng(27) đề danh;
Thời cộng(28) đổ thanh vân đắc lộ.
Bộ ngọc đới kim chi khách, tiếp chủng liên(29) kiên;
Chấp tiên phụ nỗ chi đồ, hô tiên ủng hậu.
Đăng(30) hỏa chi sơ tâm bất phụ;
Công danh chi tố chí hoạch thường.
Dĩ văn chương nhi phủ phất hoàng du;
Dĩ đạo đức nhi sênh dung dã(31) hóa.
Tí dân tôn chủ, lợi trạch cập ư(32) đương thời;
Dương danh hiển thân, sự nghiệp thùy ư hậu thế.
Thị giai cần dĩ vi thượng(33);
Cố năng lộc tại kì trung.
Thảng hoặc:
Bất học bất tư;
Tự thí tự bạo(34).
Muội mục ư điển mô chi huấn, mậu mậu(35) hà tri;
Mê tâm ư phong nguyệt chi trường, yêm yêm võng giác.
Song khích chi quang âm(36) mị duyệt(37);
Thành nam chi đăng hỏa bất cần(38).
Nghiệp hoang vu hi(39), kê khuyển chi tâm dị(40) phóng;
Học tựu vị kỉ(41), hồng hộc chi chí dĩ di.
Tể Dư chi mộc bất khả điêu,
Từ Tử chi thủy mạc tri bản.
Sơn vi cửu nhẫn, nhất quĩ do(42) khuy;
Tỉnh vị cập tuyền, bán đồ nhi phế.
Ngoã phiến(43) chi tài mạc dụng;
Tì ô chi dịch cam vi.
Trì khu huy hạ chi binh, hung sinh cơ sắt;
Bôn tẩu mã tiền chi tốt, bối xuất trùng thư.
Ngũ phù xích tịch chi đồ lao;
Tì tất nô nhan chi khả quý(44).
Lỗ mãng nhi canh, lỗ mãng nhi hoạch, quyết cữu y thùy?
Khốn khổ kì thân(45), khốn khổ kì tâm(46), phệ tê hà cập !
Khởi thời tác thê noa chi lụy;
Ngưỡng diệc cô phụ mẫu chi ân.
Hồi khán ý cẩm chi vinh,
Không bão(47) hậu nhan chi sỉ.
Phù! nhân chi tiếu dữ bất tiếu, ư thị phán yên;
Tại học chi cần dữ bất cần, vi hà như nhĩ.
Ngô ngôn cập thử;
Nhữ đẳng kí chi !
Khảo dị:
1. Bản CĐHT: Thánh Tông Thuần Hoàng Đế khuyến tiểu sinh văn.
2. Bản CĐHT: Viết
3. 4. Bản CĐHT: Không có chữ “chi”
5. Bản CĐHT: Phát phẫn
6. Bản GVTK: Không có câu này
7. Bản CĐHT: phú
8. Bản CĐHT: hồ
9. Bản CĐHT: hậu
10. Bản CĐHT: Tề
11. Bản GVTK: Yếu tại
12. Bản CĐHT: Miễn cưỡng
13. Bản CĐHT: Nhi
14. Bản CĐHT: Nãi
15. Bản CĐHT: Tận
16. Bản CĐHT: Thức
17. Bản CĐHT: Sở cố hữu
18. Bản GVTK: Không có hai chữ “ái huynh”
19. Bản GVTK: Bất khả tuần vật lí
20. Bản GVTK: Kì
21. Bản CĐHT: Hoạn
22. Bản CĐHT: An
23. Bản CĐHT: Vưu khả
24. Bản GVTK: Không có câu này
25. Bản CĐHT: Khoa mục
26. Bản CĐHT: Trích tì
27. Bản CĐHT: Hoàng bảng
28. Bản CĐHT: Khoái
29. Bản CĐHT: Biên
30. Bản CĐHT: Hương
31. Bản CĐHT: Thường
32. Bản CĐHT: Vu
33. Bản GVTK: Thượng
34. Bản CĐHT: Tự bạo tự khí
35. Bản CĐHT: Minh minh
36. Bản CĐHT: Quang minh
37. Bản CĐHT: Lũ
38. Bản CĐHT: Bất thân
39. Bản CĐHT: Đường
40. Bản CĐHT: Dĩ
41. Bản CĐHT: Dịch học vị chí
42. Bản CĐHT: Thượng
43. Bản CĐHT: ủng thũng
44. Bản CĐHT: Khả sỉ
45. Bản CĐHT: Kì chí
46. Bản CĐHT: Kì thân
47. Bản GVTK: Bả
Dịch nghĩa:
Bài văn khuyên chăm học của vua Lê Thánh Tông Thuần Hoàng Đế
Từng nghe:
Người quân tử được gọi là “Thành Đức”, quý ở chỗ có đủ cả “thể” cả “dụng”(9);
Bậc Nho giả cầu “cái học vị kỉ”(10), thì cần phải có thủy có chung.
Nếu sớm tối không cần cù,
Thì công phu bị gián đoạn.
Kìa:
Bậc đại thánh như vua Hạ Vũ(11), còn tiếc nuối từng tấc quang âm;
Bậc đại hiền như ngài Tăng Sâm(12), vẫn mỗi ngày xét mình ba lượt.
Đổng Tử đời Hán(13), buông rèm mà khích lệ kẻ sĩ;
Xương Lê đời Đường(14), kiên trì mà đi tới thành công.
Kẻ kia là người, ta cũng là người, mà họ làm được như thế;
Xưa vẫn lý ấy, nay vẫn lý ấy, cốt có chí thì làm nên.
Các người:
Sinh ra ở trong vòng trời đất,
Cùng bẩm thụ khí âm dương.
Mỗi một sự vật, tuy trời phú có thuần tạp khác nhau;
Nhưng đã là người, ai cũng có chí noi theo bậc hiền bậc thánh.
Trước hết, phải tẩy rửa cho trong sạch, ứng đối, tiến lui cho phải phép;
Thứ đến, học các môn lễ nhạc, xạ ngự, thư số khác nhau(15).
Ngồi ngay ngắn, đứng trang nghiêm, học rồi thường xuyên luyện tập(16),
Tâm ngay chính, ý chân thành(17), đạo đức ngày càng thêm mới.
Đào sâu kỹ những điều đã học;
Hăng say tìm những điều chưa thông.
Thể loại “kinh” là thứ chở đạo, phải dốc sức mà giảng cầu;
Thể loại “sử” là sách ghi việc, phải dụng tâm mà suy cứu.
Từ đó, khảo cứu phép tắc của thánh hiền;
Từ đó, nắm vững quy luật của sự lý.
Lời đẹp chẳng gì bằng Kinh Thi, Kinh Thư(18) Thi, Thư cần phải có;
Hành đạo chẳng gì hơn Kinh Lễ, Kinh Nhạc(19), Lễ, Nhạc chẳng thể không.
Lặn ngụp nơi Bát quái, Cửu trù(20);
Ra vào chốn Bách gia chư tử(21).
Tìm bậc đại hiền làm thầy, tìm bậc thứ hiền kết bạn, gần gũi thầy bạn đúng phương châm;
Ra thờ bậc trưởng, vào thờ bậc anh, kính trưởng mến anh hết đạo.
Chớ chạy theo dòng tư dục mà làm trái sự lý;
Những nên coi việc thiện làm thầy.
Khí chất do thói quen mà đổi thay; Hãy răn giới một chữ kiêu mạn;
Đạo lý cao nhất, cốt ở chỗ giữ gìn quan hệ xung quanh.
Rèn công phu thực tiễn chân thành;
Chớ mắc lỗi săn lùng danh tiếng.
Có định có tĩnh, có lự có đắc(22), thành quả mới cao;
Như thiết như tha như trác như ma(23), cầu tiến bộ mãi.
Bản thân đã có sở đắc;
Lại mong mở rộng cho người.
Người tài dạy người bất tài, người đúng dạy người chưa đúng.
Giúp đỡ thêm đông đảo;
Thành tựu chẳng riêng mình, lập thân chẳng mình ta,
Đức vọng thêm bạn hữu.
Nhân càng thục, nghĩa càng tinh;
Công càng cao, nghiệp càng lớn.
Từ đó mà ra sức áp dụng điều sở học;
Từ đó mà noi theo cổ nhân học làm quan(24).
Giành chức quan cao nhà Hán xưa, khác nào cúi nhặt hạt cải(25);
Giật lấy khoa bảng nhà Tống nọ, chỉ như nhổ đứt sợi râu.
Người tranh xem bảng hổ đề tên;
Đời ngưỡng vọng đường mây nhẹ bước(26).
Cùng khách đai vàng bội ngọc, tiếp gót liền vai;
Một đoàn đeo nỏ cầm roi, tiền hô hậu ủng.
Tấm lòng đăng hỏa ngày xưa thật chẳng phụ;
Nguyện ước công danh thuở nọ được đền bồi.
Nhờ văn chương mà địa vị rõ ràng;
Nhờ đạo đức mà tục dân giáo hoá.
Giúp dân giúp chủ, lợi ích thấm khắp đương thời;
Bản thân cha mẹ vẻ vang, sự nghiệp lưu truyền hậu thế.
Tất thảy đều nhờ cần cù là trên hết,
Vậy nên bổng lộc sẵn ở trong(27).
Thế mà chẳng học, chẳng suy;
Chính là tự mình vứt bỏ.
Tối tăm lời dạy ở mô điển(28), ú ớ chẳng hay;
Ham mê say đắm chốn gió trăng, mịt mờ chẳng tỉnh.
Bóng quang âm nơi khe cửa thấm thoát chẳng tỏ;
Ngọn đèn nơi thành nam le lói chẳng chăm.
Ham mê các trò vui, cái tâm kê khuyển(29) dễ buông thả;
Học mới được mấy tý, cái chí hồng hộc(30) đã thay rồi.
Như Tể Dư, gỗ mục chẳng thể dùng(31),
Như Từ Tử, dòng nước chẳng biết mạch(32).
Núi cao chín nhẫn, thiếu một sọt đất chẳng thành(33);
Giếng chẳng có mạch nguồn, giữa đường đành vứt bỏ.
Cái tài cỏn con chẳng dùng được;
Công việc hèn mọn phải cam làm.
Rong ruổi làm quân dưới cờ, ngực sinh rận rệp;
Bôn tẩu làm lính trước ngựa, lưng đầy bọ giòi.
Vất vả thân đầy tớ dốt ngu;
Khúm núm hèn mọn thật xấu hổ.
Cẩu thả cày cấy, cẩu thả thu hoạch, lỗi ấy vì đâu?
Khốn khổ cái thân, khốn khổ cái tâm, hối hận sao kịp !
Há chỉ làm lụy tới thê tử;
Mà còn phụ ơn cả mẹ cha.
Ngoảnh nhìn người áo gấm vẻ vang;
Thật đáng xấu hổ và sỉ nhục !
Kìa:
Làm người tốt và không tốt, phân biệt chỉ chỗ đó mà thôi;
Học chăm hay không chăm, còn gì khác như thế nữa!
Ta có vài lời như vậy;
Các ngươi hãy nhớ lấy!
M.X.H
CHÚ THÍCH
(1) Công bố nhân dịp kỷ niệm 550 năm ngày sinh của vua Lê Thánh Tông (1442-1992).
(2) Theo Lê hoàng ngọc phả, ký hiệu Thư viện Viện Hán Nôm A.678.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, Hà Nội, 1972, T.3, tr.173.
(4) Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, T.1, tr.201.
(5) Theo Lê kỷ tục biên, ký hiệu Thư viện Viện Hán Nôm VHv.1303, tờ 26b.
(6) Hồ Chí Minh: Lịch sử nước ta.
(7) Thơ Nôm - Tự thuật.
(8) Đúng ra là Đỗ Huy Liêu, người xã La Ngạn, huyện Đại An, nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
(9) Thể dụng: vốn là thuật ngữ của Tống Nho. ở đây “thể” có nghĩa là thể chất, có thực học, thực tài; “dụng” là tác dụng, là sự phát huy tác dụng của cái thể chất, cái thực học đó.
(10) Vị kỷ: vì mình. “Vị kỷ chi học”, là cái học cốt cầu tiến bộ ở nơi bản thân mình, có xuất xứ từ sách Luận ngữ, thiên Hiến vấn thứ 14: “Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân” (người học ngày xưa cầu sở đắc ở nơi bản thân mình, người học ngày nay cầu để người khác biết mình).
(11) Hạ Vũ: tức vua Đại Vũ nhà Hạ, còn gọi là Hậu Vũ, là một ông vua hiền nổi tiếng trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, khai sáng ra nhà Hạ. Cha là Cổn trị thủy không có công, bị giết. Ông nối sự nghiệp, 8 năm ở ngoài, 3 lần đi qua cửa mà không vào, tranh thủ thời gian để hoàn thành sự nghiệp trị thủy.
(12) Tăng sâm: một trong 72 học trò giỏi của Khổng Tử, nổi tiếng về giữ đạo hiếu. Ông là tác giả các sách Hiếu kinh, Đại học v.v... Tống Nho cho rằng chỉ có một mình ông là chân truyền được đạo thống của Khổng Tử. Câu “Mỗi ngày xét mình ba lượt” (Ngô nhật tam tỉnh ngô thân) có xuất xứ từ sách Luận ngữ, thiên Học nhi thứ nhất.
(13) Đổng Tử: Tức Đổng Trọng Thư, là một nhà triết học nổi tiếng thời Hán, giữ chức Bác sĩ thời Hán Cảnh Đế. Ông buông rèm dạy học, ba năm liền mắt không nhìn ra ngoài vườn, được mọi người suy tôn là thầy. Tác phẩm có Xuân thu phồn lộ v.v...
(14) Xương - Lê: tức Hàn Dũ, là nhà triết học, nhà văn nổi tiếng thời Đường. Ông thuở nhỏ mồ côi cha, nhờ khắc khổ kiên trì học tập mà thành đạt, đỗ Tiến sĩ đời vua Đường Đức Tông. Ông là người bác thông kinh sử, bách gia, văn chương có phong cách riêng, là một trong “Đường, Tống bát đại gia” (8 nhà văn lớn đời Đường, Tống).
(15) Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số: tức “lục nghệ” (6 nghề) trong sách Chu Lễ . Đó là: Lễ, nhạc, xạ (bắn cung), ngự (đánh xe ngựa), thư (viết chữ), và số (tính toán).
(16) Học rồi thường xuyên luyện tập: lấy ý câu nói của Khổng Tử: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ” (Học mà được thường xuyên luyện tập, thì không vui hay sao?) trong sách Luận ngữ, thiênHọc nhi thứ nhất.
(17) Tâm chính, ý thành: giữ cho tâm được ngay chính, cho ý được chân thành. Đó là những phương pháp tu dưỡng thân tâm, có xuất xứ từ sách Đại học.
(18) (19) Thi, Thư, Lễ, Nhạc: tên bốn kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, trong Ngũ kinh (thêm Kinh Dịch) của đạo Nho.
(20) Bát quái, Cửu trù: “Bát quái” là 8 quẻ, gồm: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài trong Kinh Dịch . “Cửu trù” tức chín trù, gồm: 1. Ngũ hành, 2. Kính dụng ngũ sự, 3. Nông dụng bát chính, 4. Hiệp dụng ngũ kỷ, 5. Kiến dụng hoàng cực, 6. Ngải dụng tam đức, 7. Minh dụng kê nghi, 8. Niệm dụng thứ trưng, 9. Hưởng dụng ngũ phúc, uy dụng lục cực, có xuất xứ từ thiên Hồng phạm, Kinh Thư.Bát quái, Cửu trù ở đây chỉ Kinh Dịch, Kinh Thư.
(21) Bách gia chư tử: thuật ngữ chỉ 10 môn phái triết học tiêu biểu thời cổ đại Trung Quốc, gồm: Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia, Danh gia, Âm dương gia, Tung hoành gia, Tạp gia (Lã Thị Xuân Thu, Hoài Nam Tử ...), Nông gia, Tiểu thuyết gia.
(22) Có định có tĩnh, có lự có đắc: chỉ sự tập trung tư tưởng cao độ (định tĩnh), đào sâu suy nghĩ (lự) thì học tập mới có kết quả (đắc), có xuất xứ từ sách Đại học.
(23) Như thiết như tha, như trác như ma: như cắt như cứa, như mài như giũa. Chỉ người học có nhu cầu bức xúc, thôi thúc học tập (như thiết như tha) và hàng ngày cần cù chăm chỉ (như trác như ma), có xuất xứ từ sách Đại học và sách Luận ngữ, thiên Học nhi thứ nhất.
(24) Câu này lấy ý từ câu “học muốn hay thì ra làm quan” (học nhi ưu tắc sĩ), có xuất xứ từ sách Luận ngữ, chương Tử Trương thứ 19. Người xưa cho rằng, làm quan là cách tốt nhất để có cơ hội thi thố, ứng dụng những điều sở học của mình, góp phần đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó giúp mình được hưởng bổng lộc, vinh hoa, là thành quả chính đáng gặt hái được nhờ học tập mà có.
(25) Giành chức quan cao: dịch thoát chữ “thanh tử” tức là hai màu xanh, tía, mầu áo của bậc khanh, đại phu đời Hán, Cúi nhặt hạt cải:Hạ Hầu Thắng khi dạy học thường bảo học trò rằng: “Kẻ sĩ chỉ lo việc không sáng tỏ kinh thuật. Một khi kinh thuật sáng tỏ rồi, thì việc giành lấy chức quan cao, chỉ dễ như cúi nhặt hạt cải vậy” (Hán Thư, Hạ Hầu Thắng truyện).
(26) Đường mây nhẹ bước: dịch câu “thanh vân đắc lộ”, chỉ những người may mắn, học giỏi đỗ đạt, có địa vị cao trên con đường hoạn lộ.
(27) Bổng lộc sẵn ở trong: lấy ý từ câu nói của Khổng Tử “Học dã, lộc tại kỳ trung hĩ”, trong sách Luận ngữ, thiên Vệ Linh Công thứ 15.
(28) Lời dạy ở mô điển: “mô điển” là những thể văn răn giới về chính sự ở các đời Hạ, Thương, Chu chép trong Kinh Thư.
(29) Cái tâm kê khuyển: chỉ những ham muốn vật dục trong con người, nếu không biết chế ngự thì rất dễ bị buông thả, sa ngã.
(30) Chí hồng hộc: hồng hộc là hai loài chim bay cao, bay xa, chí hồng hộc là chỉ những người có chí, có hoài bão, có lý tưởng lớn lao.
(31) Tể Dư, gỗ mục chẳng thể dùng: Tể Dư là học trò của Khổng Tử, có tài nói năng, theo học khoa ngôn ngữ, nhưng kém ý chí, hay ngủ ngày, nên bị Khổng Tử chê là khác nào cây gỗ mục, không thể dùng để đẽo gọt, chạm trổ được. Chuyện này, có xuất xứ từ sách Luận ngữ, thiên Công Dã Tràng thứ 5.
(32) Từ Tử: chưa rõ.
(33) Câu này ý khuyên người học phải tự cường, cố gắng không biết ngừng nghỉ, tích thiểu thành đa, nếu giữa đường dừng lại, thì công phu trước vứt hết, như quả núi cao, thiếu một sọt đất cũng chẳng thành, có xuất xứ là sách Luận ngữ thiên Tử Hãn thứ 9: “Thí như vi sơn, vị thành nhất quĩ, chỉ, ngô chỉ dã” (Ví như đắp một ngọn núi, còn thiếu một sọt đất nên chưa thành, dừng lại, là ta tự dừng vậy)./.