BÀN VỀ CÁCH DẠY CHỮ NÔM TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG SƯ PHẠM

Ở nước ta, các tài liệu văn thơ viết bằng chữ Nôm còn lưu lại khá nhiều. Một nguồn di sản văn hóa vô cùng phong phú của dân tộc bị lớp thời gian bao phủ đang đợi chờ chúng ta sưu tầm và khai thác. Để tìm hiểu quá khứ của dân tộc, nhất là nền văn hóa truyền thống dân tộc, chúng ta cần phải biết sự phát triển ngôn ngữ văn tự qua các thời đại lịch sử. Đồng thời, chúng ta cần nắm chắc kết cấu nội tại của chữ Nôm, cách sử dụng văn bản Nôm v.v… Nhưng điều tiên quyết là chúng ta phải đọc được các văn bản viết bằng chữ Nôm. Vì thế, sinh viên các ngành Văn, Sử, Ngôn ngữ… học chữ Nôm là điều rất cần thiết.
Hình minh họa
Nói chung, ở các trường có dạy Hán Nôm, chưa coi trọng việc dạy chữ Nôm. Bởi vì, số giờ học Hán Nôm ở các trường chỉ có hạn, cho nên có ý nghĩ: chữ Hán học chưa xong, còn học chữ Nôm làm gì !
Lại có ý kiến cho rằng, chữ Nôm khó hơn chữ Hán, cứ học tốt chữ Hán, mới học được chữ Nôm.
Những ý nghĩ ấy chưa hoàn toàn xác đáng. Nếu chữ Nôm khó hơn chữ Hán, thì chữ Nôm không thể tồn tại được. Bởi vì, chữ Nôm chưa phải là loại văn tự chính thức của Nhà nước, nhưng nó vẫn lưu truyền trong dân gian và làm nổi danh các tác phẩm: Chinh phụ ngân, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên,...
Và ngày này mỗi lần Tết đến, trên hè phố Thủ đô Hà Nội, ta lại thấy các ông đồ viết câu đối Nôm. Hơn nữa, nếu chữ Nôm khó hơn chữ Hán thì ông cha ta dùng luôn chữ Hán, không cần phải sáng tạo chữ Nôm.
Rõ ràng, chữ Nôm dễ hơn chữ Hán. Do đó, người học không nhất thiết có chữ Hán mới học được chữ Nôm. Trong chương trình dạy Hán Nôm ở các trường cũng không nhất thiết cứ học chữ Hán trước rồi mới học chữ Nôm. Chữ Nôm là loại văn tự ghi lại ngôn ngữ dân tộc ta ở thời xưa. Nếu với cách nhìn của người nước ngoài, thì dây là một ngoại ngữ đã xuất hiện ở một thời kỳ mà người Việt Nam đã sử dụng. Với cách nhìn ấy, chúng ta dạy chữ Nôm ngay từ đầu cho những người chưa biết chữ Hán cũng chẳng có gì sai. Hơn nữa, số giờ dạy chữ Hán Nôm ở các trường lại có hạn, cho nên việc bố trí dạy chữ Nôm cho sinh viên chưa biết chữ Hán, chính là tiết kiệm thời gian và tạo điều kiện học Hán văn nhanh chóng đạt kết quả.
Trong chương trình dạy Hán Nôm ở các trường, thế nào cũng có một số giờ dạy viết chữ Hán. Nếu học chữ Nôm ngay từ buổi ban đầu, thì chúng ta có thể kết hợp vừa phân tích kết cấu chữ Nôm vừa tập viết chữ Hán. Bởi vì, chữ Nôm cấu tạo bằng chất liệu chữ Hán, cho nên ít nhiều nó cũng có những đặc điểm của kết cấu chữ Hán. Như vậy, khi bước sang giai đoạn Hán văn, chúng ta có thể bỏ giờ tập viết chữ Hán.
Khi học chữ Nôm, người học cần phải nắm vững từng kiểu loại kết cấu. Trên lý thuyết, chữ Nôm có rất nhiều kiểu loại(1).
Nhưng khi dạy thực hành, chúng ta không nhết thiết phân tích chữ Nôm một cách quá tỉ mỉ. Vì phân chia tiểu loại quá tỉ mỉ, khiến người học khó nhớ, cho nên chỉ quy vào những kiểu loại cơ bản mà thôi(2). Người Việt Nam ta học chữ Nôm có rất nhiều thuận lợi. Vì chữ Nôm là văn tự ghi lại ngôn ngữ dân tộc, cho nên đọc được âm là hiểu được nghĩa. Học xong một giáo trình chữ Nôm hoàn chỉnh, chúng ta có khoảng 2000 chữ Hán. Điều quan trọng là chúng ta có cần cù, ở các trường có tập đều đặn hay không? Với giáo trình này, ở các trường có thầy hướng dẫn chỉ mất có 50 giờ, còn người tự học thì mất khoảng 100 giờ. Chúng ta có quyết tâm tự học đều đặn mỗi ngày một giờ học thuộc 20 chữ hán, thì chỉ trong 3 tháng chắc chắn sẽ đọc được các văn bản viết bằng chữ Nôm. Sau khi học xong giáo trình, nhớ được 2000 chữ Hán, tức là người học đã thực hiện được nửa đoạn đường học chữ. Vì thời thượng dùng chỉ có 3 hoặc 4 ngàn; tổng số chữ dùng trong Tứ thư (bốn bộ sách: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử) chỉ có 4466 chữ mà thôi(3).
Đến đây chúng ta càng thấy rõ, dạy chữ Nôm cho những người chưa biết chữ Hán ngay từ đầu cùng là tạo tiền đề cho người học bước vào học Hán văn mau chóng đạt kết quả tốt đẹp. Cố nhiên, khi đã có một vốn chữ Nôm nhất định, chúng ta không thể dừng lại ở đó, mà còn phải tiếp tục đọc các truyện viết bằng chữ Nôm thì trình độ mới được nâng lên một cách vững chắc. Nhất là, khi chúng ta có sẵn 2000 chữ Hán chuyển sang học chữ Hán văn thì khả năng nhận biết chữ Nôm có liên quan với nhau rất mật thiết. Nhưng khi đọc các văn bản Nôm, người ta thường gặp không ít khó khăn. Muốn giúp người học giải quyết được những khó khăn trong việc đọc các văn bản Nôm, người dạy phải tự trang bị cho mình những tri thức tốt thiểu như sau:
1. Hiện nay, chúng ta chưa có một quyển “Từ điển chữ Nôm” hoàn chỉnh. Các sách viết bằng chữ Nôm của ta hiện có đều là những văn bản viết bằng văn tự cổ. Trong đó, có những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ hiện đại hay rất gần ngôn ngữ hiện đại, nhưng lại ghi bằng văn tự cổ. Ví dụ văn thơ Nôm đầu thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Các bài văn thơ Nôm của các tác giả ở giai đoạn này đều viết bằng tiếng Việt, vì cơ bản giống như tiếng Việt của chúng ta ngày nay, cho nên người đọc không thấy khó khăn lắm. Nhưng có những tác phẩm viết bằng văn ngôn cổ và ghi bằng văn tự cổ. Ví dụ: Các tác phẩm văn thơ Nôm viết ở thế kỷ XIV, XV,… Đây là những tác phẩm Nôm cổ, những tác phẩm viết cách ta hàng 5 hoặc 6 thế kỷ, ngôn ngữ có những nét khác xa ngày nay. Ở ngôn ngữ cũng như văn tự qua quá trình lịch sử thường nảy sinh sự đối lập: ngôn ngữ cổ với ngôn ngữ mới, văn tự cổ và văn tự mới. Vì vậy, nảy sinh ra những trường hợp một chữ Nôm có nhiều cách đọc, nhiều cách viết(4). Ví dụ:
Chữ Hán “nữ” (con gái), cùng trong một văn bản Nôm, nhưng lại có những cách đọc khác nhau:
Nỡ: “Trung hiếu niềm xưa, mựa nỡ dời”
Nợ: “ Nợ quân thân chưa báo được” (Quốc âm thi tập, Ngôn chí 11).
Nữa: “Ẩn cả lọ chi thành thị nữa” (Quốc âm thi tập, Ngôn chí 16).
Cùng một âm đọc “trái” (quả), nhưng lại có những cách viết: 鏁 迀 賴 鞩
Chữ Nôm là loại văn tự khối vuông ghi âm tiết, cho nên nó đã ghi lại đúng âm đọc ở thời kỳ sản sinh ra nó. Ở thời kỳ tiếng Việt còn phát âm “trái” là “khái”, “blái” tức là ở giai đoạn tiếng Việt còn có nhóm phụ âm kl-, bl-.
Về sau nhóm phụ âm trên không còn nữa, cho nên chữ Nôm “trái” có một thời kỳ được ghi bằng chữ Hán “lại”. Nhưng do quan hệ giao tiếp, người viết thông tin cho người đọc, chỉ thuần túy dùng chữ Hán “lại” ghi âm đọc Nôm “trái”, người đọc rất khó đoán âm đọc, cho nên chữ Nôm “trái” được bổ sung thêm thành tố Hán “quả” biểu hiện ý nghĩa (ý phù).
Qua các văn bản Nôm, ta thấy chữ Nôm càng xa xưa thường là sử dụng nguyên hình chữ Hán. Càng về sau, chữ Nôm càng được hoàn chỉnh, bổ sung thêm phần ý phù. Vì thế ở cuối thế kỷ thứ XVIII đầu thế kỷ XIX loại chữ Nôm gồm có hai hình tố: ghi âm và ghi ý chiếm đa số trong hệ thống chữ Nôm.
Điều này thể hiện khá rõ nét ở loại chữ Nôm đọc chệch âm. Chẳng hạn, chữ Nôm “nhiều” lúc ban đầu được ghi bằng chữ Hán có âm đọc hán Việt “nhiêu” (phì nhiêu), nhưng về sau được dùng thành tố Hán “đa” (nhiều) để biểu ý.
Do đó khi giảng kết cấu chữ Nôm, chúng ta nên lý giải kỹ về những trường hợp này. Nếu không người đọc dễ ngộ nhận cho rằng viết sai, viết thiếu.
2. Việc lính hội ý nghĩa của các từ cổ lại là điều không phải dễ dàng, cho nên trong một số văn bản Nôm những trường hợp đọc sai, hiểu sai thường là nằm trong số các từ này. Ví dụ:
Chữ “biên” @ có thể phiên âm đọc Nôm là “bên”, nhưng ở câu thơ dưới đây vẫn là “biên” (= náu tóc):
Sầu nặng Thiếu Lăng biên đã bạc
(Quốc âm thi tập,
 bài 50)
“Chuốc” 贖 (= mua):
Mời thầy chuốc thuốc, muốn xin ngăn đừng
(Hồng nghĩa giác tư y thư,
 tờ 2b)
“Chuốc” 祝 (= rót rượu, mời):
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ
(Đoạn trường tân thanh,
 câu 1296)
“Đáo để” 到 底 (= rất đỗi):
Thường chàng đáo để xót xa
(Phương Hoa tân truyện,
 câu 319)
Việc đọc và hiểu được ý nghĩa của từ Việt cổ, trước hết, phải có thời gian tích lũy, tra cứu các từ điển cổ v.v… Nhưng trong các văn bản viết bằng chữ Nôm, ý nghĩa của từ được bộc lộ ra ngoài là nhờ ngữ cảnh. Ngữ cảnh có thể là một câu trọn vẹn, nhưng cũng có thể bao gồm một đoạn văn, một khổ thơ. Nhất là, trong các loại văn (biền ngẫu), thơ ca cổ, lại cần phải dựa vào niêm luật thì mới có thể suy đoán được âm đọc và ý nghĩa của từ một cách chính xác. Việc tìm hiểu ý nghĩa của từ là phải căn cứ vào khả năng cú pháp, khả năng kết hợp từ. Cùng trong một tác phẩm, cùng một từ có thể có những cách dùng khác nhau. Ví dụ từ “hòa”:
Dại hòa vụng nết từ khừ
(Quốc âm thi tập,
 bài 93)
Trong câu này “hòa” là một liên từ liên hiệp nối hai tính từ, biểu thị ý nghĩa “và”; nhưng ở câu:
Phu phụ đạo thường chăng được chớ,
Nối tông hòa phải một hai khi.
(Quốc âm thi tập,
 bài 190)
thì “hòa” là trợ từ, giống như “mà” trong tiếng Việt hiện đại.
Đặc biệt, tiếng Việt là ngôn ngữ không biến hình, hiện tượng đa nghĩa và đồng âm tương đối phổ biến, do đó, việc dựa vào ngữ cảnh để suy đoán ý nghĩa của từ là điều rất quan trọng.
Ví dụ từ “nghỉ”:
Phụ tình án đã rõ ràng,
Do tuồng nghỉ mới kiếm đường tháo lui.
(Đoạn trường tân thanh,
 câu 1180)
Trong câu này, từ “nghỉ” có nghĩa là “y” “va”, “hắn. Nhưng cũng cách viết, cách phát âm như vậy, trong đoạn thơ:
Vốn xưa làm Nôm xe chữ kép,
Người thiểu học khôn biết khôn xem.
Bây giờ Nôm dạy chữ đơn,
Cho người mới học nghỉ xem nghỉ nhuần.
(Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa,
 bài Tựa)
Nếu đọc kỹ bốn câu thơ trên, và qua từ “khôn” nghĩa là “khó” ở câu thứ hai, chúng ta có thể suy đoán được ý nghĩa của từ “nghỉ” ở câu thứ tư là “dễ dàng” (dễ xem dễ nhuần).
Dựa vào ngữ cảnh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thêm ngữ nghĩa của những từ tỉnh lược ở câu thơ hoặc câu văn. Ý nghĩa của từ tỉnh lược thường lưu lại trong các từ đa âm tiết có liên quan với nó. Ví dụ từ “khong”:
Xem thôi kẻ vịnh người khong,
Hoa tươi nét bút, ngọc ròng lời tao.
(Ngọc Kiều Lê tân truyện, 
câu 10)
Từ “khong” vốn bắt nguồn ở từ “khong khen” của tiếng Việt Cổ, với nghĩa là “khen”. Ở đây, do vần điệu của câu thơ cho nên đã tỉnh lược chữ khen.
Ngoài ra, nếu đi sâu nghiên cứu văn bản Nôm thì những hiện tượng tu từ, lối chơi chữ, hình thức đối trong thơ ca… cũng là những vấn đề chúng ta cần quan tâm lưu ý.
3. Những người giảng dạy chữ Nôm không những có sự hiểu biết về chữ Hán, chữ Nôm mà còn phải có sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam và Trung Quốc, sự hiểu biết chuyên môn về Hán học, Việt học, sự hiểu biết về những quan điểm Mác xít và đường lối của Đảng ta về văn hóa. Muốn đọc tốt các văn bản Nôm, đòi hỏi việc học chữ phải được bổ trợ bằng những hiểu biết về lịch sử địa lý văn hóa, phong tục, hiểu biết về tư tưởng xã hội ngày xưa ở Việt Nam và Trung Quốc. Vì trước đây các tài liệu Hán Nôm của ta ra đời trong tình hình văn học, sử học, triết học chưa chia tách thành ngành riêng. Đặc biệt là những người giảng dạy Hán Nôm cần phải có tri thức tối thiểu về ngôn ngữ học. Đừng để xảy ra tình trạng giáo trình do các thầy biên soạn vẫn mang những sai sót không đáng có. Thí dụ viết “Chữ Nôm ghi tiếng Hán Việt”(5).
Trong hệ thống tiếng Việt của ta chỉ có từ Hán Việt, âm Hán Việt, chứ không có tiếng Hán Việt.
Cả đến những khái niệm như “từ” “chữ” cũng chưa phân biệt rõ, niên có những đề mục khiến người đọc rất khó hiểu. Ví dụ: “Phân tích cấu trúc từ chữ Nôm ghi tiếng Hán Việt” (Sđd. tr.139). Hay là ở phần bài tập, có những câu ghi: “Phân tích chữ” (Sđd, tr.144, 147, 150, 157). Phân tích chữ gì ? Và không hề có chấm câu (ở đây là hai chấm) v.v…
Trên đây tạm dẫn một vài sai sót để chúng ta cùng suy nghĩ. Những sai sót ấy tuy đơn giản nhưng lại rất cơ bản.
Người sinh viên ở các trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm học Hán Nôm có được trang bị những tri thức như đã nói ở trên thì mời thấy hết giá trị của chữ Nôm. Khi người sinh việc đọc được các nguyên bản Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Thạch Sach, Trê Cóc, Nhị độ mai, Hồng Đức Quốc âm thi tập, v.v... viết bằng chữ Nôm, chắc hẳn họ sẽ tự hào về ông cha ta, về dân tộc đã từ chữ Hán khối vuông tạo nên loại chữ riêng của nước mình, của dân tộc mình. Chữ Nôm là văn tự khối vuông ghi âm tiết, nó còn có những nhược điểm khiến cho người đọc khó đọc, khó nhớ. Nhưng chữ Nôm ra đời và đã được sử dụng một thời gian khá dài trong đất nước Việt Nam thì ít ra nó cũng là nguồn văn tự quý giá làm tiền đề cho các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu, tham khảo, xây dựng một loại văn tự dễ học, dễ nhớ, đó là chữ Quốc ngữ. Ngày nay, chúng ta tự hào về dân tộc ta đã có chữ Quốc ngữ, một thứ chữ có đầy đủ khả năng ghi chép, tiếp thu, truyền đạt tất cả nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới đến tận mọi người dân ở mọi vùng đất nước. Và chúng ta đã thoát khỏi việc sử dụng chữ khối vuông Hán. Trong khi đó, một số nước cùng trong địa bàn châu Á đã nhiều lần đề xuất cải tiến văn tự nhưng đến nay vẫn không thoát khỏi việc sử dụng chữ khối vuông Hán.
Lê Văn
---

CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985. tr.53, chia ra 10 loại. Trần Xuân Ngọc Lan: Chi nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985, tr.44, chia ra 17 tiểu loại.
(2) Lê Văn Quán, Tự học chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 1989.
(3) Trình Hy Lam, Ngô Thúc Hy chủ biên: Tiếng Hán cổ đại, Cát Lâm Nhân dân xuất bản xã, 1983, tr.21.
(4) Cũng không loại trừ khả năng, chữ Nôm chưa phải là loại văn tự chính thức của quốc gia, cho nên người viết có thể linh động thay đổi cách viết theo sự hiểu biết riêng của mối người.
(5) Giáo trình Hán Nôm, Trường Đại học tổng hợp, Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, H. 1990, các tr.132, 138, 141, 164,…