CÂU ĐỐI CHƠI CHỮ THEO CÁCH TÁCH GHÉP, CHUYỂN HÓA CHỮ HÁN

Câu đối chơi chữ theo cách tách ghép, chuyển hóa chữ Hán được trình bày ở đây, là câu đối trong văn chương của người Việt, được sách vở ghi chép lại. Bài viết nhằm tập hợp một cách tương đối đầy đủ và có hệ thống vấn đề, để giúp bạn đọc thưởng lãm. Theo một kết quả nghiên cứu mới đây của người viết, thì phương thức chơi chữ liên quan đến chữ Hán, gồm có các hình thức sau: tách ghép chữ Hán, chuyển hóa chữ Hán, đố chữ Hán, sấm kí có liên quan đến chữ Hán, đọc nhầm chữ Hán, và viết rút gọn tác phẩm theo tự dạng Hán và đồ hình. Hai hình thức đầu được câu đối sử dụng nhiều và có không ít câu sắc sảo (hai hình thức đầu này, bên cạnh câu đối, thơ, ca dao,... cũng dùng, nhưng không phong phú, thú vị bằng; còn các hình thức sau, rất ít liên quan đến câu đối).

1. Câu đối chơi chữ theo cách tách ghép chữ Hán
Tách ghép chữ Hán, cũng gọi chiết tự, là cách tách các yếu tố cấu tạo một chữ Hán ra thành các chữ, thường cũng là từ, có nghĩa độc lập, hoặc ghép các chữ Hán lại thành một chữ. Đây là lối chơi chữ phổ biến trong văn chương xưa, mà câu đối tỏ ra có ưu thế hơn cả.
a. Tách một chữ Hán ra thành các yếu tố có nghĩa
* Mạc Đĩnh Chi có lần cùng bàn luận văn chương với một nhà sư Trung Hoa. Nhà sư đọc vế đối:
Kỉ dĩ mộc, bôi bất mộc, như hà dĩ kỉ vi bôi? (Kỉ là gỗ, còn bôi (chén nhỏ, thường dùng để uống rượu) không phải là gỗ, cớ sao lấy kỉ làm bôi?)
Ông Mạc đối lại:
Tăng tằng nhân, Phật phất nhân, vân hồ dĩ tăng sự Phật?
(Sư từng là người, Phật không phải là người, cớ sao lấy sư thờ Phật?) Chữ “kỉ” [杞] gồm hai chữ “dĩ” [已] và “mộc” [木]; chữ “bôi” [杯] gồm hai chữ “bất” [不] và “mộc” [木] ; chữ “tăng” [僧] gồm hai chữ “tằng” [曾] và “nhân” [ ] ; chữ “Phật” [佛] gồm hai chữ “phất” [弗] và “nhân” [ ]. Hàm ý của vế ra đối chê ông Mạc người thấp bé (như cây gỗ kỉ) mà được trọng dụng. Vế đối lại cũng có thể có hàm ý: việc tu hành của ông chẳng hợp lẽ chút nào.
* Lần khác, một bạn thơ Trung Hoa ra vế đối:
Lị, mị, võng, lượng tứ tiểu quỷ (Các chữ lị, mị, võng, lượng có bốn chữ quỷ nhỏ).
Mạc Đĩnh Chi đối lại:
Cầm, sắt, tì bà bát đại vương (Các chữ cầm, sắt, tì bà có tám chữ vương lớn).
Các chữ lị [魑], mị [魅], võng [魍], lượng [魎] đều có bốn chữ quỷ [鬼] ở bên phải; các chữ cầm [琴], sắt [瑟], tì bà [琵 琶] đều có tám chữ vương [王] đặt ở trên.(1)
b. Ghép các chữ Hán lại thành một chữ
Ghép các chữ Hán lại thành một chữ là cách làm theo quy trình ngược lại với cách trên. Chữ được ghép, tất nhiên, là chữ có nghĩa.
* Trong một cuộc trò chuyện với Mạc Đĩnh Chi, có một văn hữu Trung Hoa đọc:
Thập khẩu tâm tư: tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu.
(Ghép ba chữ “thập” [十], “khẩu” [口], “tâm” [心] thành chữ “tư” [思] là lo: lo nước, lo nhà, lo cha mẹ).
Dứt lời, ông Mạc đối ngay:
Thốn thân ngôn tạ: Tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương.
(Ghép ba chữ “thốn” [寸], “thân” [身], “ngôn” [言], thành chữ “tạ” [謝], là bái tạ, cảm ơn: ơn trời, ơn đất, ơn vua.)
* Tương truyền, Phùng Khắc Khoan đi sứ sang Trung Hoa, khi ngang qua đám rừng, gặp một người con gái ngồi dưới gốc cây. Ông đọc:
Tam mộc sâm đình, tọa trước hảo hề nữ tử (Ba cây mọc chụm ở sân, có cô con gái đẹp ngồi ở dưới).
Cô gái không chút do dự, đối ngay:
Trùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân (Núi non mở đường, người đi đến là quan sứ giả).
Trạng Bùng khâm phục cô gái. Bởi vế ra đối của ông tuy là lời lẽ dung dị, nhưng dùng cách ghép chữ không dễ đối: ba chữ “mộc” [木] (cây), ghép lại thành chữ “sâm” [森] (rậm rạp); chữ “hảo” [好] (tốt, đẹp), do chữ “ nữ” [女] (phụ nữ) và chữ “tử” [子] (con) ghép lại. Cô gái cũng dùng lời lẽ bình thường, và cũng sử dụng lối ghép chữ: hai chữ “sơn” [山] (núi), ghép lại thành chữ “xuất” [出] (ra, mở); chữ “sứ” [使] (đi sứ), do chữ “lại” [吏] (quan lại) và chữ “nhân” [人] (người) ghép lại.
Ông đọc tiếp:
Sơn nhân bằng bất kỉ, mạc phi tiên nữ lâm phàm ? (Cô sơn nữ ngồi trên ghế, phải chăng là tiên nữ giáng trần?)
Vẫn dùng lối ghép chữ: chữ “sơn” [山] (núi) ghép với chữ “nhân” [人] (người), thành chữ “tiên” [仙] (tiên); chữ “bằng” [朋] có chữ “kỉ” [几] (ghế); chữ “nhất” [一] ghép với chữ “kỉ” [几] thành chữ “phàm” [凡] (trần tục).
Cô gái thung dung đối lại:
Văn tử đới trường cân, tất thị học sinh thị trướng? (Văn nhân chít khăn dài, hẳn là học trò nhìn màn học?).
Lại vẫn dùng lối ghép chữ: chữ “văn” [文] ghép với chữ “tử” [子], thành chữ “học” [學]; chữ “đới” [帶] có chữ “cân” [巾] (cái khăn); chữ “trường” [長] ghép với chữ “cân” [巾] thành chữ “trướng” [帳] (màn).
Nghe đến đây, ông Phùng cúi đầu thi lễ. Khi vừa ngẩng lên thì cô gái đã biến mất. Trên cây gỗ có tấm biển treo dòng chữ: “Mão khẩu công chúa, băng mã dĩ tẩu”. Những người cùng đi tỏ vẻ không hiểu, ông Phùng giảng giải:
- “Mộc” [木] là cây gỗ, ghép với chữ “ mão” [卯] thành chữ “liễu” [柳], ghép với chữ “khẩu” [口] ra thành chữ “hạnh” [杏]. Tiên nữ vừa rồi chính là công chúa Liễu Hạnh. Còn chữ “băng” [冫] ghép với chữ “mã” [馬], là họ Phùng [馮] của ta; chữ “dĩ” [已] nằm cạnh chữ “tẩu” [走] chính là chữ “khởi” [起]. Chắc công chúa muốn ta khởi công xây dựng ngôi chùa (sau đó, Phùng Khắc Khoan khởi công trùng tu ngôi chùa này).
* Lúc còn là học trò, các bạn của Nguyễn Hàm Ninh ra cho ông vế đối:
Vinh Sơn, Ngưu Sơn, sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt.
Ông Nguyễn đối lại:
Tràng Hải, Ngoại Hải, hải hải đa liệt nữ anh thư.
Vế ra nhằm thể hiện niềm tự hào về quê hương (vùng dưới chân đèo Ngang) của bạn. Cách ghép chữ “sơn” [山] (núi) + “sơn” [山] = “xuất” [出] (ra). Vế đối lại cũng biểu thị niềm vinh dự được sống trên mảnh đất có nhiều “liệt nữ anh thư”, để sánh cùng “anh hùng hào kiệt” của bạn. Ở đây, cũng dùng cách ghép chữ: khung chữ bên bộ “thủy” [ ] của chữ “hải” [海] (biển), được xem là “đa” [多] (nhiều).
* Kì Đồng Nguyễn Văn Cẩm đến thăm Nguyễn Khuyến, không nói rõ tên mà chỉ xưng là khóa sinh. Ông Nguyễn đang giảng bài, sai người đưa ra vế đối, bảo đối được sẽ đón tiếp. Vế đối ấy là:
Quả ngôn viết khóa, nhất nhân khấu mệnh, vi thùy? (Tự xưng là khóa sinh, một mình đến gặp ta, ai vậy?)
Vế ra đối dùng cách ghép chữ: chữ “quả” [果] ghép với chữ “ngôn” [言], thành chữ: “khóa” [課] (khóa sinh); chữ “nhất” [一], chữ “nhân” [人], chữ “khấu” [叩] ghép lại, thành chữ “mệnh” [命].
Kì Đồng đối lại rằng:
Nhập mỗ ngôn công, thiên lí hành xung, thị ngã (Người đến nói chuyện cùng ông, từ nghìn dặm đường đột, là tôi).
Vế đối lại cũng dùng cách ghép chữ: chữ “nhập” [入] ghép với chữ “mỗ” [ ], thành chữ “công” [公] (ông); chữ “thiên” [千], chữ “lí” [里] , chữ “hành” [行] ghép lại, thành chữ “xung” [衝].
Nghe vế đối, Nguyễn Khuyến giật mình, biết ngay người đến thăm mình là Kì Đồng, bèn ra thi lễ, rước vào nhà trong đàm đạo.
* Một câu đối (không ghi tên tác giả), có thể chép ra đây:
Ba sĩ ngồi một ghế, đội đức đế Nghiêu;
Một bách xách hai cung, đáng tài phụ bật.
Ba “sĩ” [士] (học trò) ghép với “kỉ” [几] (ghế), thành chữ “Nghiêu” [堯] (một ông vua hiền của Trung Hoa cổ đại); “bách” [百] (trăm) kết hợp với hai chữ “cung” [弓] (cung nỏ), thành chữ “bật” [弼] (giúp đỡ).
* Truyện Trạng Quỳnh có mẩu kể việc Quỳnh trêu ghẹo con gái quan Bảng nhãn (có tài liệu nói ông quan Bảng nhãn này là Phạm Quang Trạch (1653 - 1716), người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đỗ Bảng nhãn năm 1684, đời Lê Hi Tông). Quan Bảng ra vế đối khó, nếu đối không được sẽ bị đòn:
Thằng quỷ ôm cái đấu, đứng cửa khôi nguyên.
Vế ra sử dụng cách ghép chữ: “quỷ” [鬼] + “đấu” [斗] = “khôi”[魁].
Quỳnh đối lại:
Con mộc nấp cây bàng, dòm nhà bảng nhãn.
Vế đối lại cũng sử dụng cách ghép chữ: “mộc” [木] + “bàng” [旁] = “bảng” [榜]. ý nghĩa cũng tương xứng, già giặn (“mộc” (con Mộc): một loại ma gỗ, ma cây).
* Truyện Trạng Lợn có mẩu kể chuyện Chung Nhi vào nhà Phấn Khanh, thấy ở thư phòng có một vế đối [八 刀 分 米 粉] (bát đao phân mễ phấn), bèn viết tên mình bên cạnh nàng Phấn, xong lăn ra ngủ. Đến sáng, Phấn Khanh vào thấy chữ “Chung” [鍾] (Chung Nhi), cho rằng Chung Nhi đã đối lại vế ra của mình, là [千 里 重 金 鍾] (thiên lí trọng kim chung), mà không cần ghi hết ra, khen nức nở.
Hai chữ “bát” [八] , “đao” [刀] ghép lại thành chữ “phân” [分], lại ghép thêm chữ “mễ” [米] nữa, ra chữ “phấn” [粉] (Phấn Khanh); hai chữ “thiên” [千], “lí” [里] ghép lại thành chữ “trọng” [重], lại ghép thêm chữ “kim” [金] vào, ra chữ “chung” [鍾] (Chung Nhi).
2. Câu đối chơi chữ theo cách chuyển hóa chữ Hán
Nếu tách ghép chữ là cách xáo chữ có tính chất nội bộ, thì chuyển hóa chữ không đóng khung trong phạm vi một số chữ (hay nét chữ) của một chữ Hán, mà mở ra một phạm vi rộng lớn hơn nhiều, vượt cả giới hạn tác động của một bộ thủ. Bên cạnh sự chuyển dịch, thay đổi chữ, còn có cả sự quay đảo chữ. Do vậy, cách chuyển hóa chữ cũng tạo được những bất ngờ thú vị hơn.
* Lê Quí Đôn từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Tương truyền, năm ông lên bảy, có người bạn của cha đến chơi, hỏi đâu ông trả lời được đấy, khiến người này vô cùng kinh ngạc. Nhân thấy có con sông nhỏ chảy thành ba nhánh cạnh nhà, mới ra vế đối:
Tam xuyên (Ba con sông).
“Tam” [三] (ba) gồm ba nét ngang, quay 900 thành “xuyên” [川] (sông); vế đối chỉ hai chữ mà thành không đơn giản chút nào !
Cậu bé Lê Quí Đôn hiểu ra ngay cái lắt léo này, nhìn quanh để tìm ý. Chợt thấy ông khách đang đeo kính, cậu liền đối:
Tứ mục (Bốn con mắt).
“Tứ” [四] (bốn), quay 900 thành “mục” [目] (mắt). Ông khách thán phục lắm.
“Tam xuyên - tứ mục” là một câu đối đặc biệt. Sự chuyển hóa ở đây là do sự quay đảo (tác động bên ngoài) tạo nên. Các trường hợp khác đều không như vậy.
* Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên lúc mới mười hai tuổi, vua thấy bé loắt choắt mà ăn nói lại hàm hồ chưa có phép tắc gì cả, bắt về học lễ ba năm rồi bổ dụng sau. Trạng về quê, cùng đùa nghịch với bọn trẻ trong làng. Sau đó, vua phái sứ giả đến rước Nguyễn Hiền lên Kinh. Sứ giả chưa quen biết Trạng, khi đến làng, gặp ông đang đùa nghịch với vẻ khôn khéo đặc biệt, đọc một câu rằng:
Tự là chữ, cất giằng đầu, tử là con, con ai con ấy?
Nguyễn Hiền đối lại ngay:
Vu là chưng, bỏ ngang lưng, đinh là đứa, đứa nào đứa này ?
Cách chuyển hóa chữ: “tự” [字] (chữ), ‘tách’ [宀] (giằng đầu), còn “tử” [子] (con); “vu” [于] (chưng), ‘bỏ’ [一] (ngang), thành chữ “đinh” [丁] (đứa).
* Một câu đối khuyết tên tác giả, được nhiều người nhớ, có cung cách tương tự câu đối trên, nhưng thay vì tạo câu hỏi ở tổ hợp sau cùng, thì đó là câu tục ngữ:
Chữ đại là cả, bỏ một nét ngang, chữ nhân là người, chớ thấy người sang bắt quàng làm họ;
Chữ bì là da, thêm ba chấm thủy, chữ ba là sóng, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Cách chuyển hóa chữ: “đại” [大] (cả, to, lớn), bỏ [一] “ngang”, thành chữ “nhân” [人] (người); chữ “bì” [皮] (da), thêm [ ] “ba chấm thủy”, ra chữ “ba” [波] (sóng).
* Câu đối sau có vế trên là của một văn sĩ Trung Hoa, vế dưới là của Mạc Đĩnh Chi:
An, nữ khứ thỉ nhập vi gia;
Tù, nhân xuất vương lai thành quốc.
Cách chuyển hóa chữ: “an” [安] (yên lành), bỏ chữ “nữ” [女] (phụ nữ), thay “thỉ” [豕] (lợn) vào, thành chữ “gia” [家] (nhà) ; “tù” [囚] (người tù), bỏ chữ “nhân” [人] (người), thay “vương” [王] (vua) vào, thành chữ “quốc” [國] (nước).
* Anh học trò tên Lỗi, tính tình rất ngang bướng. Anh ta đi thi, viên quan thừa ti được cử làm sơ khảo kì thi ấy, thấy Lỗi có vẻ ngông nghênh, bèn ra vế đối:
Lỗi kia đã nặng bằng ba thạch.
Lỗi ta trả miếng ngay:
Ti nọ xem khinh đáng nửa đồng.
Viên thừa ti biết gặp phải tay chẳng vừa, đành nuốt giận làm ngơ.
Vế ra dùng cách tách ghép chữ: chữ “lỗi” [磊] (phạm lỗi, cùng âm với tên anh học trò), do ba chữ “thạch” [石] (đá) viết chồng lên. Đồng thời, cũng có ý cảnh cáo về sự ngang ngạnh đáng phạt của anh học trò. Vế đối lại dùng cách chuyển hóa chữ: chữ “ti” [司] (cơ quan cấp ti, cũng hàm ý chỉ chức thừa ti của quan sơ khảo), bằng nửa chữ “đồng” [同] (cùng). Do “nửa (chữ) đồng” và “nửa đồng (bạc)” cùng âm, nên có ý xem thường viên quan thừa ti làm sơ khảo. Bên cạnh cách chơi chữ theo lối tách ghép, chuyển hóa chữ, ở đây, còn có cách chơi chữ khoán nghĩa (Lỗi, tên người học trò, và Ti, chỉ viên quan, được nêu trên văn bản, vừa theo cách cùng âm, vừa có vẻ trực tiếp).
* Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu là bạn học cùng một thầy. Sau ông Nguyễn khởi nghĩa chống lại triều đình Lê - Trịnh (ở Đông Nam đồng bằng Bắc Bộ), ông Phạm vâng lệnh triều đình ra đánh. Trước khi tấn công, ông Phạm gửi cho ông Nguyễn một vế đối:
Thổ triệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ (Chữ thổ bỏ một nửa nét ngang, để xuôi là chữ thượng, để ngược là chữ hạ).
Ý muốn nói là, nếu ông Nguyễn chịu quy hàng thì sẽ cho quan chức, nếu chống lại thì sẽ bị tiêu diệt.
Nguyễn Hữu Cầu xem xong, đối lại rằng:
Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa, nhập vi vương (Chữ ngọc có một chấm, để ra (trên) là chữ chúa, ẩn vào (trong) là chữ vương).
Tỏ ý “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, vua chúa chính là ta.
Thế là hai bên dàn quân ra đánh nhau kịch liệt.
Cách chuyển hóa chữ: chữ “thổ” [土] (đất), bỏ nửa nét ngang, để xuôi, thành chữ “thượng” [上] (trước, bậc trên); để ngược, thành chữ “hạ” [下] (dưới, bậc dưới). Chữ “ngọc” [玉] (ngọc) có dấu chấm, để ra (trên), thành chữ “chúa” [主] (chúa), ẩn vào (trong), thành chữ “vương” [王] (vua).* Tương truyền, khi vua Duy Tân mười hai tuổi, có lần ngự yến tại tòa khâm sứ cùng với viên cố đạo người Pháp. Viên cố đạo là người thông thạo tiếng Việt và chữ Hán, thấy nhà vua tuy ít tuổi mà có vẻ thông minh, anh tuấn, mới đọc ra một vế câu đối:
Rút ruột vua, tam phân thiên hạ.
Vua Duy Tân đối lại:
Chặt đầu Tây, tứ hải giai huynh.
Cách chuyển hóa chữ: chữ “vua” là “vương” (cùng nghĩa); “vương” [王] rút nét sổ ở giữa, thành chữ “tam” [三] (ba); “tây” [西] (hướng Tây, người Pháp), chặt ở phần đầu, thành chữ “tứ” [四] (bốn). Vế đối không chỉnh lắm, nhưng cũng đã làm cho viên cố đạo đau điếng.
Mảng câu đối chơi chữ theo cách tách ghép, chuyển đổi chữ Hán là mảng câu đối thú vị trong kho tàng văn học nước nhà. Những trình bày trên cũng cho thấy, để tham gia được trò chơi này, chẳng những cần phải am tường, nhuần nhuyễn về chữ nghĩa, mà nhiều trường hợp còn đòi hỏi cả sự mẫn tiệp, thông tuệ nữa. Việc có mặt của nhiều ông Trạng trong mảng câu đối này đã nói lên điều đó.
Triều Nguyên

CHÚ THÍCH:
(1) Ca dao có bài dựa theo câu đối này:
- Cầm đàn gảy khúc nam thương
Tì bà cầm sắt, bát vương đối gì ?

- Khéo đưa sách cổ mà ôn
Lị, mị, võng, lượng, bốn con quỷ ngồi./.

Biên tập: Phạm Duy Trưởng

1