CHỮ NHO VỚI NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

Những người Việt Nam tuổi dưới 60 tuyệt đại bộ phận đều mù chữ Nho vì đã lâu lắm rồi, trường phổ thông không còn dạy chữ Nho cho học sinh nữa. Điều đó đương để lại một khoảng trống đáng sợ.
I. Một khoảng trống đáng sợ
Một dân tộc càng tiến lên thì ngôn ngữ của dân tộc đó càng phát triển, nhất là ở thời đại ngày nay khi mà tốc độ đi lên của cả nền văn minh vật chất và tinh thần thường được kèm theo tính từ “chóng mặt”. Ngày xưa, tiếng Việt phát triển một cách tự phát, còn từ thập kỉ 40 của thế kỉ XX, đã có yếu tố tự giác, bắt đầu từ quyển Danh từ khoa học của ông Hoàng Xuân Hãn. Ông Hãn dùng ba cách đặt ra các từ mới để gọi những cái đã xuất hiện trong cuộc sống nhưng người Việt Nam chưa có từ để gọi. Cách thứ nhất là dùng những từ đã có sẵn để tạo nên từ mới như ghép “tủ” với “lạnh” để gọi cái mà người Pháp gọi là “frigidaire”, hoặc dùng “hình nêm” để chỉ hình mà người Pháp gọi là “conoide” vì hình đó giống cái nêm. Cách thứ hai (mà ông Hãn gọi là phương sách gốc Nho) là dùng từ Hán Việt tức là từ Hán nhưng đọc theo cách Việt, viết bằng chữ cái La tinh và đặt vào trong câu theo văn phạm Việt Nam. Cách thứ ba là phiên âm từ tiếng Pháp như vôn (volt), ămpe (ampère). Nhờ có cuốn Danh từ khoa học của ông Hãn rồi sau đó, một vài cuốn danh từ sinh học, y học, nông nghiệp mà khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ta đã có thể dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp bậc học, điều mà nhiều nước thuộc địa mới giành được độc lập không làm nổi. Nhưng những cuốn danh từ đó nhanh chóng bị vượt qua do sự phát triển nhanh của giáo dục và khoa học ở nước ta. Vì vậy từ năm 1960, Ủy ban Khoa học Nhà nước lập ra nhiều nhóm biên soạn các cuốn Danh từ khoa học Nga - Việ t rồi Anh - Việt thuộc nhiều chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Hồi đó, tôi được phân công chủ biên cuốn Danh từ Toán học Nga - Việt (xuất bản năm 1962). Chúng tôi chấp nhận ba cách đặt từ mới của ông Hoàng Xuân Hãn với thứ tự ưu tiên là dùng cách thứ nhất trước, bí lắm mới dùng cách thứ hai, nếu vẫn bí, thì mới dùng cách thứ ba (chỉ khác với ông Hãn là chúng tôi phiên âm từ tiếng Anh). Tuy được ưu tiên như vậy nhưng cách thứ nhất gặt hái nghèo nàn, cách thứ ba vấp phải khó khăn ở chỗ tiếng Anh là đa âm còn tiếng Việt là đơn âm nên nếu lạm dụng việc phiên âm thì đọc một câu có từ phiên âm nghe rất lai căng. Rốt cuộc, dù xếp ưu tiên hai, cách “gốc Nho” đưa lại hiệu quả nhiều nhất vì mấy lẽ sau đây:
Cha ông ta, qua hai nghìn năm lịch sử dùng tiếng Hán đã Việt hóa tiếng Hán đến tận xương tủy, nhất là trong cách đọc, đạt được âm hưởng Việt Nam trăm phần trăm; tiếng Hán lại rất thuận tiện cho việc đặt các từ dẫn xuất khi đã có một từ gốc nào đó. Ví dụ, chỉ cần thêm vào một chữ “kế ” là có từ để chỉ dụng cụ đo: nhiệt kế, lực kế, vôn kế, ămpe kế,...; chỉ cần thêm vào một chữ “hóa” là có ngay từ để chỉ sự biến đổi trạng thái, ví dụ “tiên đề” (axiom) thì có ngay “tiên đề hóa” (axiomatize); đôi khi trong tiếng Việt đã có từ rồi, nhưng vẫn phải dùng cách “gốc Nho” để đặt một từ khác vì còn phải xét đến việc đặt từ vào trong câu hoặc lập ra các từ dẫn xuất sao cho thuận tiện, hoặc vì từ có sẵn bị coi là “tục”, người có văn hóa phải tránh dùng, nếu phải dùng thì có một từ khác được coi là “thanh” chẳng hạn như các từ liên quan đến sự bài tiết, sinh sản của con người. Cho nên trong thực tế, cách “gốc Nho” trở thành một cách rất quan trọng để phát triển tiếng Việt. Đó cũng là lí do tại sao trong tiếng Việt các từ Hán Việt lại chiếm tỉ lệ cao như vậy. Và chúng ta phải rất cảm ơn cha ông ta đã để lại cho chúng ta cái di sản quí báu là “chữ Nho”. Nhiều người vẫn thấy vướng với việc chữ Nho là ngoại lai. Trong sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, việc vay mượn là lẽ thường; điều đáng quan tâm nhất là cái đi vay mượn đó về có dùng được tốt không, nhuyễn không, tinh tế không. Các từ Hán Việt đạt được các yêu cầu đó và là công lao của ông cha ta. Nhưng, muốn dùng được cách “gốc Nho” thì phải biết chữ Nho, chí ít thì cũng phải biết một trình độ chữ Nho phổ thông như cả nhóm chúng tôi hồi 1960, khi soạn quyển Danh từ toán học Nga – Việt; ít ra mỗi người trong nhóm chúng tôi đều đã học chữ Nho khi còn là học sinh tiểu học và cao đẳng tiểu học (tương đương trung học cơ sở ngày nay); hồi đó thi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học (diplôme) có một bài thi chữ Nho. Hồi còn đi học phổ thông tôi những tưởng học chữ Nho rồi cũng chả có ích gì, giống như cụ Tú Xương đã than:
Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co...

Nay thì có thể thưa với cụ rằng, chữ Nho vẫn rất cần để phát triển tiếng Việt, để hiểu sâu, để thưởng thức cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam. Nhìn các cháu hiện nay học tiếng Việt (mà không được học chữ Nho) thì thấy các cháu học vất vả quá mà hiệu quả lại thấp. Con tôi rồi đến cháu tôi thuộc thế hệ mù chữ Nho. Thỉnh thoảng có cháu lại hỏi tôi nghĩa của một từ Hán Việt mà ngày xưa, khi học phổ thông, nhờ có chữ Nho mà tôi hiểu sâu, thưởng thức được cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của nền văn hóa dân tộc ẩn trong đó. Ngày nay, có giải nghĩa cho con, cho cháu thì cũng phải tự hạn chế vì biết rằng chúng mù chữ Nho nên cũng chẳng đi sâu vào cấu tạo của từ, càng không đi sâu vào chiết tự để làm nổi lên cái hay, cái đẹp, cái tinh tế. Nghĩ đến những áng văn như Truyện Kiều, tuy là văn Nôm nhưng từ Hán Việt trong đó còn nhiều lắm, tôi tự nghĩ những người mù chữ Nho, đọc chắc vất vả lắm và sự thưởng thức cái hay, cái đẹp chắc cũng bị hạn chế nhiều. Qua việc học của con cháu trong nhà, tôi đã cảm thấy sự mất mát lớn của tiếng Việt khi mà ở trường phổ thông không còn dạy chữ Nho cho học sinh. Tóm lại càng cảm thấy đó là một khoảng trống lớn khi việc không dạy chữ Nho đã kéo dài suốt ngót sáu chục năm và cảm thấy cái khoảng trống đó càng lớn khi mở các sách ngày nay về tin học bằng tiếng Việt: đó là những quyển sách lổn nhổn tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Ngay trong một bài của báo Sinh viên số ra ngày 24-2-2003, ở trang 7, cột 3, ta tìm thấy một câu như sau: “Một thành viên đăng kí với tên Nickvn hacker, liên tục post những lời cảnh báo lên fortum của hackervn lời lẽ thách thức phỉ báng hacker chỉ là thứ trình độ “còm”, chẳng biết làm gì ngoài việc đánh cắp vài ba cái account Internet...”. Điều có thể thông cảm là tin học đương phát triển mạnh mà ta cần sớm có sách bằng tiếng Việt phục vụ cho dạy và học tin học, nên không thể chờ đặt được các từ tiếng Việt tương ứng rồi mới soạn sách, nên cứ tạm bê nguyên tiếng Anh vào cái đã rồi hạ hồi phân giải. Nhưng hạ hồi là bao giờ và ai sẽ phân giải khi tuyệt đại đa số chuyên gia về tin học hiện nay thuộc thế hệ mù chữ Nho? Chẳng nhẽ bây giờ lại chấp nhận cách đặt từ mới thứ tư là “bê nguyên xi tiếng Anh vào”. Nếu thế tiến thêm một bước thì sẽ đi đến đâu ? - Đến chỗ thừa nhận rằng tiếng Việt là bất lực không diễn tả nổi các khoa học hiện đại nhất và trong các lĩnh vực đó nên dùng tiếng Anh làm chuyển ngữ. Thế thì sẽ còn gì là sự trong sáng của tiếng Việt, sự tự hào về mặt tiếng Việt có khả năng diễn đạt những điều tinh tế nhất và từ đó sẽ còn đâu là một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, còn đâu là sự hòa nhập, mà không hòa tan. Khi mà cái vỏ của văn hóa là ngôn ngữ đã tỏ ra bất lực phải viện ngoại đến mức như vậy ?
II. Đối sách để lấp khoảng trống
Vậy thì vấn đề không dạy chữ Nho ở trường phổ thông không phải là chuyện nhỏ mà là chuyện to cần phải giải quyết. Hiện nay, nhiều người chưa cảm thấy hết cái khoảng trống do sự mù chữ Nho để lại, vì số người trên 60 tuổi không mù chữ Nho còn khá nhiều trên cõi đời này. Nhưng độ ba mươi năm nữa thì số này sẽ hết nếu ta không kịp có đối sách. Bây giờ mới có đối sách thì đã hơi muộn nhưng muộn còn hơn không. Mà phải bắt tay ngay vì đối sách cũng không đơn giản, phải vượt qua nhiều khó khăn và phải kiên trì trong mười lăm năm thì mới có hiệu quả.
Những khó khăn phải vượt trước hết là những khó khăn về nhận thức, vì nếu nhận thức không nhất trí thì sẽ khó có sự đồng tâm để có sức mà làm.
Nhận thức đầu tiên là nhận thức rằng việc bỏ dạy chữ Nho ở nhà trường phổ thông trong một thời gian dài đã để ra một khoảng trống lớn trong việc các thế hệ tiếp nhau phát triển tiếng Việt kịp với sự phát triển của văn hóa và khoa học ở thời đại hiện nay.
Nhận thức thứ hai là nhận thức rằng, tuy có nhiều khó khăn, nhưng ta phải khôi phục được việc dạy chữ Nho ở nhà trường phổ thông. Một khó khăn cần khắc phục là bây giờ ai cũng kêu chương trình học phổ thông quá tải, trẻ con phải học quá nhiều, chả còn thời giờ mà vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao. Nếu lại thêm chữ Nho thì sẽ còn nhồi nhét đến đâu. Xin thưa rằng, hiện nay học quá tải chủ yếu không phải do khách quan mà do những khuyết điểm chủ quan sau đây:
- Một là “tham kiến thức”. Chẳng hạn chương trình toán Trung học phổ thông bình thường hiện nay (nghĩa là không phải “chuyên” cũng không phải phân ban, ban A) nặng hơn chương trình tú tài toán ngày xưa; ví dụ tú tài toán chỉ mới học nguyên hàm chưa học tích phân, chưa học số e, thì nay lớp 12 đã học nhiều kiến thức trước đây là của Đại học.
- Hai là “chưa tận dụng được ngoại khóa”. Chẳng hạn, nếu vì muốn gắn nhà trường với đời sống mà đưa thêm một số chi tiết về xác suất và thống kê vào chương trình toán thì chỉ làm nặng thêm chương trình, chi bằng đưa học sinh vào hành động ngoại khóa qua đó học phân, cân, đong, đo, đếm để có số liệu rồi dạy rất thiết thực cho họ cách xử lý các số liệu đó thì hay hơn nhiều, vừa không làm nặng chương trình vừa gắn với đời sống thực sự.
- Ba là hay nhân danh “giáo dục toàn diện” mà rồi cái gì cũng muốn nhét vào chương trình, vào nội khóa. Cần phải thấy rằng “toàn diện” là trên cơ sở “cơ bản”, nghĩa là cái gì là “cơ bản” mới có trong chương trình, còn phạm vi ứng dụng cụ thể của những điều cơ bản thì quá rộng làm sao ôm hết được trong mọi khóa, nhiều điều phải để cho cuộc sống dạy. Hiện nay có khuynh hướng là những gì chưa tốt trong quản lí xã hội đều muốn đưa vào dạy ở trường phổ thông với hy vọng trẻ em được học như vậy sẽ cải thiện được tình hình quản lý xã hội. Đành rằng trẻ em được giáo dục tốt có thể tác động trở lại người lớn nhưng tác dụng của những người lớn gương mẫu mới có ý nghĩa quyết định đối với cuộc sống và khi đó người lớn giáo dục trẻ em mới có hiệu quả. Thực tế đã chứng tỏ điều đó. Bao nhiêu năm đưa luật lệ giao thông vào dạy trong nhà trường chẳng hề thay đổi được mảy may tình hình lộn xộn trong giao thông; nhưng từ tết Quý Mùi, việc quản lý giao thông ở thành phố Hà Nội có chuyển biến nhờ khắc phục được “hữu khuynh” và “tiêu cực”. Nếu duy trì được lâu dài thì sẽ gây ra một nếp tốt cho người đi đường. Khi đó, chả cần đưa luật đi đường vào dạy trong nhà trường, trẻ em cũng sẽ biết tôn trọng luật nhờ noi gương người lớn và nhờ luật pháp nghiêm minh, em nào không tuân sẽ bị phạt, nghĩa là cuộc sống sẽ dạy các em.
Sự quá tải còn do phương pháp dạy và học quá lạc hậu. Bác Hồ đã nói: “Về cách học phải lấy tự học làm cốt” nhưng cách dạy, cách học, cách quản lý hiện nay trong nhà trường lại rất coi thường tự học. Đi học về, đáng lẽ phải để thì giờ nghiền ngẫm những gì đã nghe giảng trên lớp, tức là tự học bài cho có chiều sâu, thì lại phí thời giờ đến nghe thụ động ở các lớp dạy thêm thì hiệu suất học tập làm gì chả thấp, thì giờ tốn nhiều mà tiến bộ chẳng được bao nhiêu. Cho nên “quá tải” hiện nay là có thật, nhưng đó là tình hình bệnh hoạn có thể sửa được chứ không phải là một tất yếu khách quan. Nếu chưa được thì hoàn toàn có điều kiện để khôi phục lại việc dạy chữ Nho ở trường phổ thông để nay mai, mọi người dân đều có một trình độ phổ thông về chữ Nho, coi như một bộ phận hữu cơ của trình độ tiếng Việt. Với cái trình độ Phổ thông về chữ Nho đó, bất cứ ai là chuyên gia trong một ngành chuyên môn, đều có thể dùng cách “gốc Nho” để tham gia đặt từ mới trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng thời đối với tiếng Việt nói chung, họ sẽ hiểu sâu hơn tiếng mẹ đẻ của mình, biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của nó và thông qua nó mà thấm nền văn hóa dân tộc.
Mấy năm gần đây “thi pháp” đã phục hồi, các câu lạc bộ thư pháp mọc lên ở rất nhiều địa phương. Điều đó chứng tỏ rằng chữ Nho với những chữ Việt “phượng múa, rồng bay” đã đi vào tâm khảm của người Việt Nam. Điều đó cũng giải thích tại sao bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên và bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ lại được nhiều người đánh giá cao. Là vì “câu đối đỏ” với các chữ Nho “phượng múa, rồng bay”, đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt Nam mỗi lần Tết đến, xuân về. Vũ Đình Liên sẽ không phải than thở: “hồn ở đâu bây giờ?” vì hồn đó đã nhập vào các vị thư pháp vừa mới hồi sinh. Họ sẽ tiếp nối các “thầy khóa gò lưng trên cánh phản”. Nay mai nếu xóa được nạn “mù chữ Nho” thì người Việt Nam còn gắn bó nhiều hơn với các câu đối, hoành phi không chỉ vào dịp tết mà quanh năm vì, ngoài cái mỹ cảm “phượng múa, rồng bay”, họ còn có thêm khả năng hiểu được nội dung. Tuy có những thuận lợi như trên nhưng việc khôi phục “dạy chữ Nho” cũng vẫn rất khó khăn vì người ta đua nhau đi học tiếng Anh, vi tính, còn quá hiếm người tìm học chữ Nho, nhất là thanh thiếu niên nếu như nhà trường phổ thông không dạy. Để càng chậm càng khó. Chắc là phải bắt đầu tập hợp những chuyên gia về lĩnh vực này để nghiên cứu chương trình, viết sách giáo khoa, nghiên cứu cách dạy, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, dạy thử trong phạm vi hẹp rồi mở rộng dần, tiến đến việc gắn hữu cơ việc học chữ Nho với việc học tiếng Việt. Việc nghiên cứu chương trình phổ thông hiện nay vẫn cứ để tách riêng vì việc nghiên cứu khôi phục dạy chữ Nho chắc còn phải kéo dài đến mươi lăm năm. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu đổi mới chương trình hiện nay thì rất nên chú ý đến việc tinh giảm theo bốn phương hướng đã nêu trên thì sau mới có thể đưa thêm chữ Nho vào được.
Việc đào tạo chuyên gia Hán Nôm lâu nay đã có Viện Nghiên cứu Hán Nôm chăm lo nhưng, nếu nhìn vấn đề như trên thì phải có thêm một số trường Đại học như Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội chia sẻ gánh nặng trong sự gắn kết đào tạo giáo viên, nghiên cứu viên với nghiên cứu khoa học. Cũng không nên nghĩ rằng, ở các trường Đại học đó chỉ có Khoa Ngữ văn mới cần đến chữ Nho, vì lẽ ở bất cứ bộ môn nào cũng đầy những từ Hán Việt và sẽ cần đến chữ Nho để phát triển tiếng Việt trong phạm vi bộ môn. Mà “bộ môn” bao gồm cả triết lý bộ môn và lịch sử bộ môn, dù là trong giảng dạy hay trong nghiên cứu khoa học. Lấy ví dụ, hiện nay, về lịch sử toán học cổ của Việt Nam, ta chỉ biết có hai người là Vũ Hữu và Lương Thế Vinh. Sự phát hiện ra hai vị này cũng là nhờ các nhà nghiên cứu lịch sử. Nhưng chả lẽ cả lịch sử mấy nghìn năm, về toán học ta chỉ có thế thôi ư ? Một lần, trao đổi với một Giáo sư Nga (công tác tại Viện nghiên cứu lịch sử các khoa học tự nhiên của Liên Xô), khi ông ta hỏi thăm về lịch sử xa xưa của toán học Việt Nam và nghe tôi trả lời, thì ông ta cũng lấy làm lạ về sự nghèo nàn đó. Ông ta cho biết ngay Campuchia cũng đã có những tài liệu về toán học xa xưa của họ để trao đổi với Viện của ông ta. Có lẽ vì chúng ta chưa có chủ trương nghiên cứu về lịch sử toán học xa xưa của Việt Nam. Cuối cùng, khi chia tay, vị Giáo sư đó vẫn tha thiết mong rằng, nếu trong tương lai, Việt Nam có những tài liệu như vậy thì xin trao đổi với Viện ông ta. Tôi có nói: “Nếu có tài liệu như vậy thì chắc là tài liệu chữ Nho”. Ông ta bảo: “Chữ gì cũng được, Viện chúng tôi cũng có cách đọc được”. Tầm nhìn của người ta là như vậy.
Tóm lại, chữ Nho có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc ta và đó là một di sản quý báu do ông cha ta để lại nhờ biết Việt hóa chữ Hán. Chữ Nho phải trở thành một bộ phận hữu cơ của tiếng Việt. Ta càng tiến lên hiện đại càng cần đến nó trong việc phát triển tiếng Việt.
Nguyễn Cảnh Toàn
(Đăng trên báo Văn nghệ số 16; ngày 19/4/2003)

Biên tập: Phạm Duy Trưởng