CUỐN XÃ CHÍ CỔ

Bài viết của Đỗ Thỉnh
Cổng làng Cót
Trước đây tôi được một cụ già thôn Hạ Yên Quyết (tên Nôm là làng Cót) xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết làng này có cuốn xã chí cổ lưu trữ ở đình làng. Nhưng trong thời gian chiến tranh chống Pháp, các cụ coi đình đã đem về nhà cất giữ nên cuốn xã hí đã bị thất lạc. Tôi đã đi hỏi nhiều người trong làng về cuốn xã chí này, nhưng chỉ tìm được bản dịch ra Quốc ngữ của cụ Hoa Bằng Thúc Trâm người làng đã quá cố.
Gần đây, nhân đợt đi sưu tầm thư tịch Hán Nôm ở làng Cót cùng với một số cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm(1), tình cờ chúng tôi đã tìm thấy cuốn xã chí ở nhà cụ Quản Đình Tình (xóm Đình), cuốnThế phả họ Nguyễn ở nhà ông Nguyễn Minh Bằng (xóm Chùa) và nhiều tư liệu Hán Nôm khác.
Xã chí có tên là Bạch Liên khảo ký, sách chép tay, viết bằng chữ Hán, gồm 26 tờ khổ nhỏ. Sách không ghi tác giả và niên đại.
Về tác giả của Bạch Liên khảo ký, theo dịch giả Hoa Bằng thì ông Huệ Phủ Nguyễn Quang Địch nguyên Tri phủ Kiến An và phủ Hà Trung dưới triều vua Minh Mệnh (1820 - 1840) đã viết cuốn sách này vào khoảng năm 1833, còn đoạn cuối sách ghi tên những người thi đỗ từ năm 1870 trở đi là do người đời sau thêm vào(2). Thế phảhọ Nguyễn(3) cũng nêu rõ: Bạch Liên khảo ký do Nguyễn Quang Định soạn, ông là người trong dòng học đã đỗ Tú tài và đỗ khoa tuyển Giám sinh. Năm 1872 được cử làm Tri huyện Hiệp Hòa. Năm 1828 thăng làm Tri phủ Bình Giang. Năm 1833 chuyển làm Tri phủ Kiến An, sau chuyển làm Tri phủ Hà Trung (Thanh Hóa). Năm 1835 chuyển làm Tri phủ Quảng Ninh, 3 tháng sau trở về làm Tri phủ Kiến An theo yêu cầu của dân chúng, vì nơi đây có nhiều trộm cướp. Năm Minh Mệnh 17 (1836) ông được thăng làm tổng đốc Hà Ninh. Vua ban chiếu khen ông là người “có tài nho phong quan thế, có đức tinh anh nhã khiết, mẫn cán sửa sang mọi việc, tặng nhũ phẩm…”. Thế Phả không thông tin cho chúng ta biết Nguyễn Quang Địch mất năm nào, nhưng qua sơ lược tiểu sử của ông, chúng tôi cho rằng Nguyễn Quang Địch không thể viết Bạch Liên khảo ký vào năm 1833 trong khi ông đang làm Tri phủ Kiến An, nơi “có nhiều trộm cướp” và ở xa quê nhà như cụ Hoa Bằng phán đoán. Có nhiều khả năng Nguyễn Quang Địch viết Bạch Liên khảo ký vào thời gian ông nghỉ hưu ở quê nhà, khoảng những năm cuối đời vua Minh Mệnh.
Về nội dung của bạch Liên khảo ký, sách chia làm 8 phần, xin giới thiệu sơ lược như sau:
Phần mở đầu, tác giả cho biết Hạ Yên Quyết xưa có tên chữ là Bạch Liên Hoa xã. Làng được hình thành từ xa xưa, nhưng đến thế kỷ thứ IX khi đắp xong thành Đại La làng mới ổn định. Lúc đầu làng có 4 dòng họ: Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn, sau mới thêm dòng họ khác. Khi tác giả viết Bạch Liên khảo ký, làng có 470 mẫu (Bắc bộ) ruộng, trong đó có 50 mẫu ruộng công.
Các phần sau giới thiệu sự tích các vị Thành hoàng, lai lịch đình, chùa, văn chỉ, phong tục tập quán, tế lễ, vào đám, khao vọng và các nhan vật khoa bảng, danh vọng trong làng v.v…
Đáng chú ý là xã chỉ giới thiệu di tích lịch sử chùa Ngọc Quán còn nhiều di vật đời Lê và quả chuông đúc thời Tây Sơn (1800). Làng có ngôi đình (dựng năm 1832) và 3 ngôi miếu (thờ 5 vị Thành hoàng, trong đó có 2 vị người địa phương, đặc biệt là cô gái họ Doãn bị thế lực cường hào ép duyên khi chưa thành niên, có sức khỏe ngày gặt mấy sào ruộng, lấy cả tre để gánh lúa, nhưng bị sét đánh chết). Về phong tục tập quán, làng có 3 mẫu ruộng công gọi là Tiến sĩ để biếu những người đỗ đại khoa nhằm khuyến khích học tập.
Phần Nhân vật khoa bảng chép tóm tắt tiểu sử các vi đỗ đại khoa (nhất, nhị, tam giáp Tiến sĩ) từ thời Trần đến Lê Trung hưng (khoảng những năm 1393 - 1660), người làng đã có 10 người thi đỗ. Người khai khoa là Hoàng Quán Chi đỗ nhất giáp cập đệ Thái học sinh (1393), các vị đỗ Hoàng giáp như: Nguyễn Như Uyên (1469) làm quan tới Tể tướng thời Lê Sơ, Nguyễn Nhật Trang (1595), Hoàng Bối đỗ liền hai khoa Tiến sĩ (1565 và 1568) v.v… Tiếp theo là danh sách những người trúng Tam trường thi Hội và thi Hương, thời Lê có 32 người, thời Nguyễn có 100 người. Ngoài ra còn ghi tên 11 người làm quan không phải do thi cử, như Nguyễn Quang Lãm làm Tham tri giám sự (đời Lê), tước Thái Nhân bá v.v…
Phải nói rằng Bạch Liên khảo ký là cuốn sách chỉ có giá trị khi nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội vùng ven thành Thăng Long thế kỷ XIX.
ĐT
CHÚ THÍCH
(1) Các chị Duong Thị The và Phạm Thị Thoa. mượn cuốn xã chí về sao chép lạ i.
(2) Theo bản dịch của Hoa Bảng Hoàng Thúc Trâm.
(3) Tú tài Nguyễn Kỳ soạn năm Khải Định thứ 3 (1919).