DI SẢN VĂN HOÁ HÁN NÔM VÀ VĂN HỌC SO SÁNH

Trong kho tàng thư tịch và tư liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của nước ta, di sản văn học chiếm một số lượng không nhỏ, bởi văn học là một bộ phận góp phần làm nên sự nghiệp dựng nước và cứu nước.
Chữ Nôm - di sản văn hoá của người Việt Nam
Nghiên cứu số di sản văn học này, lâu nay chúng ta thường vận dụng phương pháp lịch sử. Cùng với trình độ tri thức và kinh nghiệm nghiên cứu ngày càng được bồi bổ và nâng cao, nhiều thế hệ nghiên cứu đã nối bước trên con đường khai thác di sản Hán Nôm đầy khó khăn vất vả để đạt được nhiều thành tựu khoa học đáng mừng, có tiếng vang trong và ngoài nước. Các bộ Thơ văn Lý - Trần, Nguyễn Trãi toàn tập, Lê Quý Đôn toàn tập, các tác gia thuộc dòng văn học Tây Sơn, các tác gia yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ v.v… cùng một loạt truyện Nôm tiêu biểu như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Hoa Tiên, Lục Vân Tiên, Song Tinh Bất Dạ v.v… là những cái mốc đáng ghi nhớ trên con đường đó.
Bằng phương pháp nghiên cứu theo quan điểm lịch sử, trên cơ sở làm rõ bối cảnh thời đại và hoàn cảnh sinh sống của tác giả, các nhà nghiên cứu đã giúp bạn đọc thấy được “lý lịch” của tác phẩm, từ gốc gác, ảnh hưởng tiếp thu, các giai đoạn hình thành tác phẩm; nội dung gồm cốt truyện, tư tưởng tình cảm; nghệ thuật gồm cách kết cấu, phong cách, nhịp điệu; tác phẩm với bạn đọc đương thời và đời sau, ở trong nước và ngoài nước v.v…
Nhiều công trình nghiên cứu đã đề cập và phân tích ảnh hưởng qua lại giữa hai nền văn học trên cơ sở mối quan hệ lâu đời và gắn bó giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam, làm rõ yếu tố ngoại lai và bản sắc dân tộc cũng như sự tiếp thu và sáng tạo của các nhà văn tiền bối.
Tuy nhiên do hoàn cảnh đặc thù nào đó, trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, do quan hệ Việt Nam và Trung Quốc có lúc không bình thường, một số khâu nghiên cứu nào đó có khi bị coi nhẹ, bị bỏ qua hoặc không có điều kiện để tìm hiểu. Lại có khi do người nghiên cứu “yếu bóng vía”, sợ làm rõ nguồn gốc và ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với tác gia, tác phẩm Việt Nam, có cái gì đó động chạm đến lập trường tư tưởng, tình cảm, ý thức dân tộc… chăng.
Thật ra những sản phẩm trí tuệ và tình cảm của con người nói chung không bao giờ cô lập, bao giờ chúng cũng cùng với, thậm chí có khi vượt lên trước, sự giao lưu về ngoại giao, chính trị kinh tế, văn hóa… giữa hai hoặc nhiều nước mà gặp gỡ, giao hòa, đan xen vào nhau, làm phong phú, bổ sung cho nhau. Nếu chỉ nghiên cứu trong phạm vi một tác phẩm, tác giả, chúng ta sẽ không thể thấy và thấy rõ sự gặp gỡ, giao hòa, đan xen làm phong phú cho nhau giữa tác gia tác phẩm khác quốc gia, dân tộc. Cho nên thế giới từ thế kỷ XVIII đã có những nhà nghiên cứu chuyên theo đuổi môn văn học so sánh, sau đó đã hình thành lý luận và phương pháp luận về bộ môn này. Môn văn học so sánh theo đà phát triển, giao lưu về khoa hhọc kỹ thuật cũng ngày một lớn mạnh, có những hội nghị quốc tế chuyên bàn về những vấn đề của văn học so sánh.
Yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho văn học so sánh là “người chuyển dịch”, có thể là một hoặc nhiều người, có thể là dịch nguyên văn tác phẩm nước này sang nước khác, có thể là mô phỏng, chuyển thể một tác phẩm nào đó. Các tác gia Hán Nôm của chúng ta chính là những người chuyển dịch, đồng thời là người tiếp thu sâu sắc và sáng tạo tài tình. Bởi vì cái khó đối với người chuyển dịch trên thế giới là ngôn ngữ, văn hóa của nước sản sinh ra tác phẩm thì các cụ chúng ta chẳng những đủ mà còn thừa. Cho nên tiền đề của văn học so sánh và bản thân văn học so sánh của nước ta có từ rất sớm, từ nhiều triều đại trước đây; còn nghiên cứu văn học vượt qua phạm vi một nước, các nhà nghiên cứu như thế ở ta từ lâu cũng không phải là không có, chẳng hạn nghiên cứu về thơ văn cổ Trung Hoa, chúng ta có các tác giả Văn thơ Lý - Trần v.v…; Về truyền kỳ, ta biết chắc có Nguyễn Dữ (chuyển dịch và tham khảo Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu để viết nênTruyền kỳ mạn lục giàu cảm hứng lịch sử dân tộc); về truyện thơ và tiểu thuyết chương hồi có Nguyễn Huy Tự (chuyển Hoa Tiên Ký thànhTruyện Hoa Tiên), Nguyễn Hữu Hào (chuyển Đinh tình nhân thànhSong Tinh Bất Dạ), Nguyễn Du (chuyển Kim Vân Kiều truyện thànhTruyện Kiều), Lý Văn Phức (chuyển Ngọc Kiều Lê thành Ngọc Kiều Lê truyện thơ Nôm) v.v…; về nghiên cứu có thể nói là Lê Quý Đôn (những đoạn nhận xét về Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử)… Sau này các nhà nho, các nhà nghiên cứu lão thành, các bậc thầy của chúng ta và cả chúng ta nữa chính là đã bước vào, đã thực thi vai trò của người chuyển dịch và người nghiên cứu văn học so sánh.
Tuy nhiên về cả hai mặt trên đây, chúng ta chưa tiến được bao nhiêu so với yêu cầu thực tế. Chúng ta làm nhưng còn tự phát, lẻ tẻ, sơ sài, chưa triệt để. Mặt khác nghiên cứu văn học, cũng như nhiều bộ môn khoa học xã hội khác, là một hệ thống mở, mỗi thời, mỗi thế hệ có thể có nhận thức khác và cách tiếp cận riêng, khó có ai tự cho là mình đã đi đến tận cùng của vấn đề. Chẳng hạn Truyện Hoa Tiên đến nhà nghiên cứu Lại Ngọc Cang đã được xem xét, đánh giá một cách cơ bản về văn bản, nhưng nếu chúng ta nghiên cứu so sánh giữa Hoa Tiên kýcủa Trung Quốc với Truyện Hoa Tiên chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề lý thú về người chuyển dịch và sáng tạo là Nguyễn Huy Tự cũng như người nhuận chính là Nguyễn Thiện. Chương một trong nguyên văn ca bản nói rõ “Hoa Tiên đại ý” (đại ý truyện Hoa Tiên) như sau:
Khởi bằng nguy lan nạp vãn lương, 
Thu phong xuy tống bạch liên hương;
Chỉ kiến nhất câu tâm nguyệt quang như Thủy,
Nhân thoại thiên tôn kim dạ hội Ngưu Lang.
Tế tưởng thiên thượng giải kỳ hoàn hữu hội,
Nhân sinh hà khổ ai thê lương?
Đắc khoái lạc thì tu khoái lạc.
Hà phương thiết ngọc hựu thâu hương.
Đãn năng lưỡng hạ toàn chung thủy,
Tư tình mật ước dã hà phương?
Tự cổ hữu tình đính toại tâm đầu nguyện,
Chỉ yếu kiên tâm nhẫn nại đẳng thành song.
(Trở dậy tựa lan can cao hóng gió tối, gió thu thổi đưa hương hoa sen trắng; chỉ thấy một vành trăng non ánh sáng như nước, người ta kể đêm nay Chức Nữ gặp Ngưu Lang. Nghĩ kỹ thấy tuổi xuân tươi đẹp ở trên trời còn được gặp nhau, đời người sao khổ chịu lạnh lùng buồn bã ? Được thời khoái lạc hãy cứ khoái lạc, dù có thỏ ngọc trộm hương cũng chẳng hề gì. Chỉ cần hai bên vẹn toàn chung thủy, tư tình mật ước nào có hại chi ? Từ xưa đã có việc đính ước mà toại nguyện, chỉ cần kiên tâm nhẫn nại để thành đôi)
Nguyễn Huy Tự diễn Nôm thành:
Nương lơn nhẹ bóng mát chiều,
Vàng pha gió quế trăng dìu hương sen
Gác rèm câu nguyệt xiên xiên,
Này hôm ả Chức chàng Khiên họp vầy.
Hẹn lành năm một đêm nay,
Trên kia còn vậy dưới này khiến sao.
Từng nghe trăng gió duyên nào,
Bể sâu là nghĩa non cao là tình.
Dễ thấy nhà thơ họ Nguyễn diễn Nôm khá sát, song cái “đại ý” chủ chốt hay nhất của câu chuyện thì rõ ràng ông né tránh, chỉ tóm gọn một cách mờ mờ trong hai câu. Song cũng có thể nói đây là một sự lựa chọn có chủ ý của Nguyễn Huy Tự. Tuyên ngôn “Đắc khoái lạc thì tu khoái lạc” mà trước đó khá lâu là “Hoa khai kham chiết trực tu chiết” trong bài Kim lũ y của Đỗ Thu Nương đời Đường có gì đó gần gũi với triết lý hiện sinh, mà tới nay nhiều người trong chúng ta còn chưa dám nghĩ đến! Còn bản nhuận chính của Nguyễn Thiện thì càng làm mờ nhạt hơn nữa ý đó để kéo cốt truyện ngả về đạo đức Nho gia. Có thể vì thế mà bản này lại được phổ biến.
Xem như thế thì văn học so sánh chưa phát triển, chưa được coi trọng đúng mức có nguyên nhân là sự trói buộc hoặc tự trói buộc về mặt quan niệm. Song nhiều hơn có lẽ là thiếu thông tin. Không có gì đau khổ và tai hại cho người nghiên cứu (mà cũng chẳng chỉ riêng người nghiên cứu) bằng thiếu thông tin. Người làm công tác khai thác sách Hán Nôm không biết gì hơn ngoài số đầu sách còn lại trong kho, và ngay cả thông tin về số sách này cũng chưa nắm được trọn vẹn. Chỉ nghe một tiếng chuông, chỉ nhìn qua một góc và chỉ đứng một chỗ mà nhìn thì chúng ta làm sao có được nhận thức đầy đủ và xa rộng được? Trong khi đó thế giới đã hội tụ tri thức để kết luận hoặc bước đầu kết luận được về nhiều vấn đề và đã chuyển sang nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn Hội nghị quốc tế thảo luận về “Đạo Nho và văn hóa Trung Quốc” (Hồng Kông, 12-1987), về Khổng Tử (1988), có những cuốn sách bàn về lý luận văn học cổ của Trung Quốc hay quan niệm văn học từ Khổng Tử đến Lương Khải Siêu (Tiến sĩ triết học Donal Hozman, Pháp, viết) v.v… Hẹp hơn nữa gần đây chúng ta mới biết rằng có nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc đã đánh giá lại Nguyễn Du và Truyện Kiều. Theo ông, về tình cảm Nguyễn Du lạnh nhạt với số phận bi kịch của người phụ nữ; về tư tưởng, Nguyễn Du tô vẽ cho quan quân triều đình, cho bọn quý tộc phong kiến tàn ác, hạ thấp anh hùng khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Du chỉ mượn Truyện Kiều để trút mối hận có tài mà không gặp thời. Tóm lại, về nội dung và nghệ thuật, Truyện Kiều của Việt Nam không hơn được nguyên tác, không hiểu sao người Trung Quốc lại chê truyện của chính mình (xem Đổng Văn Thành: So sánh truyện Kim Vân Kiều của Trung Quốc và Việt Nam. Nxb. Xuân phong văn nghệ, 1987).
Thiếu thông tin, không những chỉ thiếu tư liệu, mà còn là thiếu tiếp xúc với nước có tác phẩm đối tượng của nghiên cứu để hiểu về văn hóa, con người nước này, và nhất là nắm vững ngôn ngữ nước đó đến độ sâu sắc, tinh tế. Đau khổ và tai hại cho người nghiên cứu văn học so sánh không gì bằng thiếu ngoại ngữ, kém ngoại ngữ ! Những kết luận của ông Đổng Văn Thành về Truyện Kiều như vừa nêu là do ông không biết, không am hiểu tiếng Việt, cho nên ông đã so sánh Kim Vân Kiều với bản dịch Trung văn Truyện Kiều! ấy là chưa kể có khi người nghiên cứu văn học so sánh cần biết vài ngoại ngữ vì có không ít tác phẩm văn học đã chu du nhiều nước và ở nước nào nó đến, tác phẩm đều được tiếp thu và mô phỏng (chẳng hạn Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu được Việt Nam, Triều Tiên, và Nhật Bản đón nhận).
Qua những điểm trình bày trên đây, chúng tôi thấy rằng bên cạnh phương pháp nghiên cứu theo quan điểm lịch sử, người khai thác, nghiên cứu di sản Hán Nôm cần vận dụng phương pháp của bộ môn văn học so sánh, không kể những phương pháp khác của bộ môn ngôn ngữ, văn bản học, để đẩy công tác nghiên cứu này lên một tầng thứ cao hơn, có hiệu quả thực tế hơn, rút ra được những khái quát, lý luận xác đáng, thực sự cầu thị về tiếp thu và sáng tạo, truyền thống và hiện đại, dân tộc và thế giới mà nghiên cứu Hán Nôm có phần trách nhiệm phải giải đáp. Cũng chỉ trên cơ sở so sánh một cách khoa học, giới nghiên cứu mới có thể tiến tới khái quát những vấn đề lớn hơn, trong phạm vi lớn hơn một vài quốc gia./.
Phạm Tú Châu