ĐOÀN HUYÊN - MỘT TÁC GIA HÁN NÔM THẾ KỶ XIX
- WEDnesday - 17/05/2017 10:31
- |Close page
Chân dung Đoàn Huyên
Gần đây, chúng ta có chú ý nghiên cứu và giới thiệu một số tác giả Hán Nôm lâu nay, vì lẽ này lẽ khác, chưa được quan tâm nhiều, như Đặng Huy Trứ, Phạm Văn Nghị, Phạm Thận Duật, Vũ Phạm Khải… Trong sự nỗ lực chung, chúng tôi xin được giới thiệu thêm một tác gia Hán Nôm nữa, đó là Đoàn Huyên với tác phẩm Ứng Khê thi văn tập. Đoàn Huyên (1808 - 1885), theo Ứng Khê thi văn tập, lúc nhỏ tên là Bàng, sau lớn lên đổi là Trọng Huyên, tự là Xuân Thiều, sau đổi là Phúc Hòa, biệt hiệu Ứng Khê. Về sau “do lệ của triều đình ấn định rằng, phàm tên người là quan viên mà có dùng bộ “nhân” và bộ “nhật” thì đều phải đổi cả, vì thế mới đổi thành và bỏ bớt chữ Trọng đi, gọi là Đoàn Huyên, còn tự và hiệu thì vẫn giữ như cũ”. Ông người thôn Chu Xá, xã Hữu Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội (nay là xã Hữu Châu, Tả Thanh Oai, tỉnh Hà Tây). Ông đỗ Cử nhân ưu hạng đệ nhị danh năm Tân Mão niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831). Năm Ất Mùi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 16 (1835) ông được gọi vào kinh đô Huế giữ chức Hành tẩu Bộ Binh. Năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838), ông được cử giữ chức Tri huyện huyện Hưng Nhân, Thái Bình. Năm 1841, ông đổi làm quyền Tri phủ phủ Tiên Hưng rồi lại chuyển vào Huế làm Chủ sự Bộ Lễ. Ông làm quan được 12 năm, vốn tính ngay thẳng, thật thà, thanh liêm chính trực trước thói đời đen bạc, quan trường nhiễu nhương, ông thấy không thể tiếp tục con đường quan nghiệp. Ông liền dâng sớ xin về nghỉ tại quê nhà, dồn công sức cho nghề dạy học, làm thơ và viết sách. Ông dạy ở khá nhiều nơi và nổi tiếng là người đào tạo giỏi. Vì vậy đến năm Tự Đức thứ 20 (1867) ông được tiến cử giữ chức Đốc học Bắc Ninh. 10 năm làm Đốc học, ông để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về một ngài Độc học thanh liêm chính trực, tận tụy với nghề nghiệp. Cũng theo Ứng Khê niên phả, Bố chánh Hoàng Diệu, sau là Tổng đốc Hoàng Diệu từng nói với sĩ phu tỉnh Bắc: “Hàng đốc học ít có người như vậy”. Tác phẩm của Đoàn Huyên gồm có: Ứng Khê thi văn tập; Khâm định tiễu bình phỉ khấu phương lược (cùng tham gia biên soạn với nhiều người khác); trong đó, tác phẩm đầu rất đáng chú ý. Ứng Khê thi văn tập là một sưu tập thơ văn chữ Hán, chữ Nôm do Đoàn Huyên sáng tác, con trai là Đoàn Triển(1) sưu tầm biên soạn năm Ất Tỵ, niên hiệu Thành Thái thứ 17 (1905). Tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sách mang các ký hiệu A.288/1-2 và VHv.2662. A.288/1-2 khổ 30x20cm, bìa màu vàng, chữ viết chân phương. Sách dày khoảng 600 trang. VHv.2662 khổ 29,5x17cm, 104 trang. Theo lời tựa cuốn Ứng Khê thi văn tập, sách gồm 21 quyển, chia ra thành các môn loại như: Học vấn (có Độc Dịch lược sao, Độc thư chất nghi); Cử tử (có Thục đường nghĩ soạn, Thi kinh sách lược); Thù ứng (có Liên thi tự ký cùng với các phần Niên biểu hành trạng, Gia lễ, Ấp văn tặng ngôn, tùy bút phiến văn,…). Tất cả được đính thành 10 tập; sau đóng thành 3 tập, lấy tên là Ứng Khê thi văn tập.Sách của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ có 2 tập, thiếu tập 3, phần Văn sách. Được sự giúp đỡ của dòng họ, chúng tôi đã tìm thấy phần đang còn thiếu này ở một cuốn sách dày 140 trang khổ 26x16,5cm, chữ viết chân phương. Sách bị mối xông khá nhiều, nhưng vẫn còn đọc được về cơ bản. Bản A.288/1 gồm 6 mục: 1- Lời tựa (do con trai Đoàn Triển viết); 2- Thân tân tặng ngôn; 3- Niên biểu; 4- Đối liên; 5- Thi tập; 6- Thân tân tặng ngôn. Mục 6: Thân tân tặng ngôn (từ tr.1 đến tr.57, phần cuối sách) sao chép lại toàn bộ mục 2: Thân tân tặng ngôn và sao chép thêm: - Bài viết mừng thọ của con cháu (trai gái, dâu rể) chúc thọ nhân lễ mừng thọ Đoàn Huyên 70 tuổi. - Sưu tập mừng thọ nhân hai cha con Đoàn Huyên và con trưởng (Đoàn Bưu) cùng được vua ban sắc năm Nhâm Thân (1872). Bản A.288/2 trong mục Đối liên, sao chép lại phần Đối liên của cuốn A.288/1 và có chép thêm: - Đề vịnh liên loại. - Văn liên loại. Mục Thi tập, chép lại toàn bộ phần Thi tập của cuốn A.288/1 và có chép thêm: - Mục lục thi tập. Bản VHv.2662 chép các mục Đối liên, Niên biểu và Thi tập. Thơ văn là phần chủ yếu trong sáng tác của Đoàn Huyên. Về Văn: phần có giá trị nhất trong Ứng Khê thi văn tập là phần Niên biểu. Hành trạng tác giả được viết dưới dạng hồi ký. Ở đây sự việc không chỉ dừng lại qua các liệt kê theo thứ tự thời gian mà đan xen vào đó là những mẩu chuyện khá sinh động về thời kỳ ông làm quan ở Hưng Nhân, Tiên Hưng (Thái Bình); thời kỳ làm Đốc học ở Bắc Ninh. Những mẩu chuyện cho ta thấy rõ hơn bộ mặt thực của xã hội mà ông đang sống, qua đó chúng ta có thể hiểu hơn về con người và nhân cách Đoàn Huyên và góp thêm một tư liệu cho văn học chứ Hán giai đoạn này. Có thể đơn cử ra đây một số đoạn viết trong Niên biểu: “… Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839), ngày 1 tháng Giêng, kính rước cáo sắc. Nha lại trong huyện xin mở yến tiệc đón sắc chúc tụng. Ta không muốn phiền nhiễu dân chỉ tuyên độc chiếu chỉ của nhà vua ở công đường của huyện nhân tổ chức tiệc rượu nhỏ với các nha thuộc và chức mục ở tổng lân cận mà không nhận chúc tụng. Sau đấy nghe thấy trong số các lại lệ có kẻ chê cười ta quê kệch, nhưng dân trong hạt đều nói rằng đã giảm bớt tốn phí mấy ngàn đồng cho huyện ta. Chỉ tính một việc này mà nói thì từ xưa tới nay chưa có quan Huyện doãn nào như thế cả, huống nữa việc chính sự giản dị chẳng cũng đáng khen sao?”. “… Bấy giờ có một tên là em trai thầy học của Bang biện tỉnh đường Phạm Thuận Duật đại nhân (sau làm Án sát Bắc Ninh, rồi thăng lên Tuần phủ, Tổng Đốc), cố ép đại nhân cầu thỉnh hai ba lần. Ta chọn văn bài của tên đó đưa ra xem, rồi nói: - Bảng đã treo, tổng số cũng đã báo rồi, không dám có riêng tư gì cả. (Về sau nghe nói Phạm đại nhân về nói với tên kia rằng: Ngươi muốn cố xin vào danh sách, trừ phi là đổi viên Đốc học khác thì may ra mới được). Thuộc viên và các nha lại ở đó rất đông, đều ra sức biện bạch rằng: “Các quan Đốc trước đây đều thế cả, ở các tỉnh khác cũng đều như thế, chỉ riêng có đại nhân (đây chỉ Đoàn Huyên - N.T.O) cố giữ công chính, không vì người khác, thì còn ai làm được như đại nhân nữa. Đã không có lợi lộc gì, lại cũng chẳng có danh, thế thì ích nỗi gì?” Ta nói: - Người quân tử làm việc thiện, ví như là ăn cơm. Ở nhà no rồi thì cần gì phải hỏi xin ở ngoài? Người ngoài có biết được điều đó không? Thế là mọi người không ai dám nói gì thêm nữa. Từ đó việc cầu cạnh xin xỏ cung ít dần, không ai dám đem lợi lộc ra để cầu xin nữa. Khoa ấy sĩ tử Nguyễn Cao người làng Cách Bi, đi học đường xa bị cảm mạo, không kịp đến kỳ phúc khảo, ta biết người này quả có học hạnh, liền công nhiên miễn cho kỳ phúc khảo rồi nói với tỉnh đường ghi vào trong danh sách dự thi. Khoa ấy Nguyễn Cao đỗ giải nguyên (nay sung làm Bang biện tỉnh Bắc Ninh)”. Về thơ: ông sáng tác không nhiều, tất cả có 78 bài thơ trong đó có 2 bài thơ Nôm và 76 bài thơ chữ Hán, theo một số thể loại: thất ngôn, ngũ ngôn, ngũ ngôn cổ phong, thất ngôn cổ phong. Một số bài ngũ ngôn cổ phong dài tới 36 câu. Thiên nhiên là chủ đề chính trong sáng tác của ông. Các bài nhưThanh minh tiền tam nguyệt (Tháng ba trước tiết Thanh minh);Xuân nhật đề trú phòng (Ngày xuân đề thơ ở phòng ở); Trung thu đối nguyên (Ngắm trăng đêm trung thu); Hiểu khởi (Sớm dậy); Vịnh nguyệt (Vịnh trăng)… là những bài thơ có sức hàm chứa xúc cảm mạnh mẽ. Sau đây xin trích dịch mấy bài để chúng ta có một ý niệm nào đó về thơ chữ Hán của Đoàn Huyên: Vịnh nguyệt Chiếm đoạn càn khôn phẩm tuyệt thanh, Tài thông bán nguyệt tức tinh huỳnh. Giang sơn tiếp ngộ câu thành sắc, Phẩm vật tương khan tiện ủy hình. Hiển đáo mãn thời năng dụng hối, Khuy tương yết xứ hựu hoàn doanh. Kham lân dữ ngã hồn vô gián, Thời nhập song hư cộng mục thành. Dịch thơ: Vịnh trăng Chiếm của càn khôn vẻ tuyệt thanh, Mới phô nửa mặt đã lung linh. Non sông tiếp sáng đều nên sắc, Muôn vật nhờ trăng mới rõ hình. Sáng đã đầy tràn thì tối sẫm, Khuyết vừa hết mức lại tròn xinh. Cùng ta trăng vốn là bè bạn, Thường vẫn vào song ngắm nghía mình. Trần Lê Văn dịch Chùm thơ về cố đô Huế là chùm thơ có nhiều bài đáng chú ý về đề tài vịnh phong cảnh. Xuân nhật Ngự hà văn điếu Mạc mạc bình lưu ủng cấm thành, Mang mang hướng vãn tiếp thiên tình. Phương phi biệt quán nghi phương trượng, Đạm đãng trừng ba hỗn thái thanh. Triều đới hoành tà hoa ảnh chí, Chu lăng minh diệt tịch dương hành. Xuân phong phất tụ thùy dương ngạn, Nhất vọng du du phát lữ tình. Dịch thơ: Ngày xuân (Buổi chiều ngắm sông Ngự) Phẳng lặng sông xanh bọc cấm thành, Chiều hôm trắng xóa tận trời xanh. Nhà riêng thơm cỏ ngờ Phương Trượng(2) Dòng biếc mênh mang lẫn Thái Thanh(3) Triều dậy nghiêng nghiêng hoa dọi bóng, Hoàng hôn chênh chếch mái chèo nhanh. Gió xuân nhè nhẹ lay tà áo, Vời vợi xa trông lữ khách tình Chủ đề về gia đình choán khá nhiều trong cảm hứng của nhà thơ. Các bài thơ: Tiếp gia thư (Nhận được thư nhà); Ký nội (Gửi thư về cho vợ); Tuế mộ thượng gia thư kiêm trình (Cuốn năm gửi thư về nhà trình báo); Mộng thiên thất (Mơ về người vợ đã khuất)… là những bài thơ chứa đựng nội tâm sâu sắc. Mộng tiên thất Niên lai lao lạc ức kỳ cân, Muội dán kê minh hệ niệm tần. Ngụ mị ngẫu nhiên trùng khoản khúc, Đoan trang uyển nhược cựu phong thần. Bách niên khảng lệ hồn nhàn sự, Thiên tải tao phùng cảm túc nhân. Tỉnh giác cừ cừ nhưng độc đán, Bồi hồi bất tín huyễn tà chân. Dịch thơ: Mơ về người vợ đã khuất Mấy năm lưu lạc nhớ tình thân, Gà gáy tinh mơ nhớ bội phần. Chợp mắt chợt đâu lời thủ thỉ, Đoan trang dạo trước vẫn tinh thần. Trăm năm âu yếm mơ huyền hão, Ngàn thủa tao phùng chuyện túc nhân. Tỉnh giấc trơ trơ mình tối sáng, Bâng khuâng chẳng rõ giả hay chân. Bùi Hạnh Cẩn dịch Tình cảm đối với bè bạn là những xúc cảm sâu lắng nhất trong tâm hồn ông. Các bài thơ: Đắc cố nhân thư, chiêu Đỗ Thiện Trường tiểu chước dạ thoại (Nhận được thư bạn cũ, mời ông Đỗ Thiện Trường tới uống rượu ban đêm trò chuyện); Dạ vũ ức hữu nhân Hoàng Trung (Đêm mưa nhớ bạn Hoàng Trung)… là những bài thơ khá tiêu biểu. Trong bài Dạ vũ ức hữu nhân Hoàng Trung, ông viết: … Hà đương cộng tịch chiêu, Khước thoại kim ly tứ. Du tai, phục du tai, Giang sơn trở thanh khí. Dịch thơ: … Bao giờ anh lại cùng tôi, Trong chiều kể lại tình hoài chia ly. Hỡi ôi dằng dặc hai bề, Sông ngăn núi cách bạn bè tâm giao. Trần Lê Văn dịch Thơ ông còn là nỗi buồn khắc khoải của người lữ khách nơi tha hương. Nỗi nhớ quê hương khiến cảnh sắc mùa hạ trong thơ ông đã đượm màu “hiu hắt”. Trong bài Văn hiên ngẫu thành (Buổi chiều ngoài hiên ngẫu hứng thành thơ) ông viết: Phất hạm lương sơ thấu, Bằng lan hứng vị tiêu. Khinh phong tài động trúc, Sơ vũ đãn minh tiêu. Huỳnh hỏa nhiên âm ế, Trùng thanh phá tịch liêu. Nam huân thời vị bán, Mộ sắc dục tiêu tiêu. Dịch thơ: Hơi mát thoảng song ngoài, Tựa hiên hứng chứa nguôi. Bờ tre vừa gió động, Khóm chuối đã mưa rơi. Tiếng trùng phá yên đất, Lửa dóm soi tối trời. Gió nam chưa bén nửa, Hiu hắt sắc chiều phơi. Nguyễn Oanh - Băng Thanh dịch Người đời làm thơ chủ yếu để ký thác tâm tình. Duy có điều mỗi người thể hiện tâm trạng của mình dưới nhiều cung bậc khác nhau. Đoàn Huyên cũng vậy. Thơ ông là nỗi niềm sâu kín của một người từ quan về ở ẩn. Các bài thơ: Chi di (Chống cằm); Cáo hưu lưu tỉnh đường liệt hiến (Xin nghỉ hưu lưu biệt các quan ở tỉnh đường); và bài Học cầm ca là bài đạt đến tính triết lý sâu sắc. Anh chẳng thấy Uyên Minh(4) từng giữ đàn không giây, Ngụ tấm tình sâu gẩy ngày ngày; Tự biết trong đàn có hứng thú, Cần gì thanh tiếng mới là hay. Chơi đàn thần diệu cốt không tục, Thừa hứng lên cao non với nước. Ngày nay ai được như ông Đào, Dưới đất, biết tìm ông nơi nào? Bọn ta đều cao sĩ, Chân mây động nguyệt ông kỳ chí; Đất trời đến đâu cũng là nhà, Tiếng đàn càng nhỏ âm càng lớn, Ý nhạc tràn đầy tự trong ta. Ta nay nhàn hạ sợ sinh lười, Không cờ không bạc gẩy đàn chơi. Vừa đàn vừa trống khúc gì vậy Khúc điệu hữu tình như cố gẩy, Chỉ e “tưng tửng” các anh cười: Tiếng đàn chẳng lọt tai Ta cũng tự cười mình, Chỉ mới biết gẩy đàn hữu thanh(5) Huệ Chi dịch Sẽ hoàn thiện một nhân cách thơ hơn nếu trong thơ ông không thiếu vắng những bài về cuộc sống đời thường. Những bài thơ có chất muối, vị cay của cuộc đời. Những bài thơ về những con người bình thường trong niềm vui nỗi khổ hàng ngày. Đó là hạn chế lớn nhất của bài thơ. Mặc dù còn có những hạn chế, song Ứng Khê thi văn tập vẫn xứng đáng được ghi nhận là tác phẩm Hán Nôm có giá trị. Chúng tôi mong rằng trong tương lai không xa, phần lớn, nếu không phải toàn bộ thơ trong tác phẩm này sẽ được ra mắt bạn đọc, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa thành văn của dân tộc. CHÚ THÍCH Đoàn Triển (1854-1919): đỗ Cử nhân năm 1885, từng giữ các chức vụ: Tư vụ Nha kinh lược; Tri phủ Bình Giang (Hải Dương); Án sát sung Viện Thượng thẩm; Tu thư cục; Tổng đốc Nam Định. Tác phẩm gồm có: An Nam phong tục sách; Ấu học lịch sử giáo khoa thư; Đoàn Tuần phủ công độc; Nam quốc chính trị sự lược giáo khoa thư. Biên tập: Tiểu học tứ thư tiết lược; Ứng Khê thi văn tuyển. Ông có nhiều đóng góp với Học Viện Viễn đông bác cổ và sự nghiệp giáo dục. Nhân đây xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo. (2) (3) Phương Trượng, Thái Thanh là nơi các tiên ở. (4) Uyên Minh: Tức Đào Tiềm (365-427) người đất Tâm Dương, làm quan lệnh ở Bành Trạch vào đời Tấn. Ông rất yêu hoa cúc, tính tình khảng khái, ghét luồn cúi. Một hôm có tên Đốc Bưu do quan trên sai xuông, nha lại khuyên ông nên mũ áo chỉnh tề ra đón. Ông đáp: “Ta không thể vì năm đấu gạo mà khom lưng khúm núm thờ bọn tiểu nhân trong làng được. Rồi treo ấn từ quan, trở về quê trồng liễu, trồng cúc làm vui. Trước khi ra về ông có bài Quy khứ lai từ. (5) Do khuôn khổ hạn hẹp, chúng tôi bớt phần phiên âm của bài thơ này. |
|