ĐỌC SÔNG VỚI BIỂN HIỂU THÊM LẼ ĐỜI

Bài viết của Vương Duy Miên
Nhà thơ Khuất Quang Thái
Trong văn học nghệ thuật, nhất là thơ. Mỗi tác giả thường muốn tìm cho mình một giọng điệu riêng, một phong cách thơ riêng dẫu chẳng dễ gì.
          “Sông với biển”, một tập thơ của nhà thơ Khuất Quang Thái do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2011. Có một phong cách riêng, một lối viết không lẫn với ai, đã để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc.
          Bỏ đằng sau quãng đời thầy giáo đầy nhọc nhằn nhưng vinh quang và phong phú, tác giả đang miệt mài với văn chương, suy ngẫm cuộc đời để trải lòng mình với sông và biển.
          Với 52 bài thơ ngắn, gọn, giản dị nhưng ngôn từ chau chuốt và trong sáng. Thơ đề cập đến nhiều vấn đề nhân sinh, tự nhiên và xã hội. Nội dung thơ chứa bao nỗi trăn trở đầy vơi với lẽ đời…
          Lẽ đời là gì? Hiểu nôm na đó là những quy luật và triết lý nhân sinh mà con người một tác nhân phải giao thoa và tồn tại.
          Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lấy bài “Sông với biển” làm tiêu đề cho tập sách. Đứng trước biển lòng ai mà không xao xuyến. Viết về tình biển rất hay phải kể đến nhà thơ Xuân Quỳnh và Xuân Diệu, lấy biển để triết lý về tình yêu con người. Nhà thơ Khuất Quang Thái viết về biển, ông băn khoăn trăn trở:
“…Sông dốc lòng cho biển
Biển chả chối từ
Sao sóng chửa thảnh thơi…”
và:
“…Lòng ngàn sông vẫn ngọt
Biển thì mặn chát người ơi…?”
Đây nữa:
                                      “…Mặt gương dịu dàng đằm thắm
                                      tan òa… Mắt bão lòng ai…”
                                                                   (Bên biển)
          Có dòng sông mới nên mênh mông biển. Có con người mới làm nên xã hội và cuộc đời, song biển đời đời với ta cũng phũ phàng cay đắng lắm như nhà thơ Mai Hồng Niên nhận thấy: “Biển giàu có mà bần hàn trong xoáy” cơn bão những đa đoan kiếp người?
          Đọc thơ Khuất Quang Thái phải đọc chậm, suy ngẫm. Bài “Vô Ngôn” (Không lời) ngẫm ra là nhiều lời nhắn nhủ, cảnh báo cái nạn chỉ nói không làm hoặc như câu ngạn ngữ Pháp: “Hãy làm theo tôi nói, đừng làm như tôi làm” Thánh Gióng công lao đánh giặc giữ nước bao trùm thiên hạ. Đánh thắng giặc, xong:
                   “Thanh thản chàng bay về trời
                   Vẫn không một lời để lại…”
          Chính vì thế, nhân dân nước Việt mới tôn Người làm Thánh-Thánh trong tứ bất tử. “Sao” là một câu hỏi lớn. Cái ác chỉ là số ít nhưng vì nó có sức mạnh quyền lực lớn nên đã tàn phá khủng khiếp con người và xã hội.
          Nhà thơ Quang Huy (Việt Phương) trong bài thơ “Hư vô” đã viết: “…Lời vua ban đầu rơi máu chảy”… Ở Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đốt sách, Thái Giám quyền hơn vua. Ở ta, Kiêu Binh đánh một hồi trống vất chúa Trịnh Cán xuống đất đưa Thế tử Trịnh Tông lên ngôi chúa. Nếu không có quyền lực thì không thể làm được. Cái ác luôn mạnh, cái thiện luôn yếu, song cái bất nhân bất nghĩa nhất thời không lâu sẽ bị:
                   “… Nhân gian in bóng bao thời
                   Nát tan vây cánh
                   Rã rời vuốt nanh…”
                                      (Tụ Tan)
Tôi hiểu điều tác giả muốn nói cái luật, cái lẽ đời là “vây”.
          Là nhà giáo, tác giả hiểu kĩ câu: “Dĩ văn tải đạo” của Khổng Tử. Người thi sĩ ngày nay không được “Du với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (Xuân Diệu) như thời kì văn học lãng mạn, không được viết những câu thơ “Vỗ về, son phấn” hoặc nịnh bợ, khoa mẽ… “Cốt vừa ý ai!” mà nên viết:
                   “Những câu thơ dốc dạ cởi lòng
                   Thô ráp sinh tồn-lấm láp mồ hôi
Xin trải lòng đón đợi”
                                                          (Mắt giấy)
Giấy có mắt, bút có hồn, người viết có tâm. Tiếc rằng vẫn có kẻ:”Té nước theo mưa-uốn thân chiều gió cho vừa ý ai” (Biết ai). Lại có người bon chen, ganh ghét, dẫm đạp nhau chỉ muốn: “Chút e thời, hay gặp người muốn hơn Người” (Người Rượu thơ ) để đến nỗi người mất lòng tin với người với xã hội. Tác giả chỉ mong rằng mỗi người hãy “thêm một” niềm tin với nhau, đất nước ta sẽ có thêm trăm triệu niềm tin xã hội sẽ được “Buồn vui san sẻ, nổi chìm có nhau”. Người người hạnh phúc.
***
          Đọc hết tập thơ “Sông và biển” ta ngộ ra nhiều điều, những triết lý bình thường mà sâu sắc. Nông choèn như cái cơi, sâu hút như cái giếng đều mang lợi ích cho đời (Cơi và giếng) viết về tình yêu, không có sự giãi bày lâm ly thương nhớ khi chia ly hoặc xốn xang ngây ngất lúc bên nhau mà chỉ “tình yêu không thể bán mua, chỉ dành cho nhau dâng hiến” (Tình yêu).
          Đừng nên mơ tưởng cái đẹp ảo, ánh trăng sáng nhờ trời mà phải tìm thấy cái đẹp thực thể của hai ta chờ tình yêu mãi: “Ai làm ai sáng lung linh” (Ảo và thực) những triết lí rất bình thường mà mấy ai đã để ý tới, mấy ai đã diễn đạt được bằng thơ.
          Thơ Khuất Quang Thái không phụ thuộc vào niêm luật câu chữ, không phụ thuộc vào vần điệu, mà phụ thuộc vào cảm xúc từ trái tim, từ tấm lòng nhà thơ khác hẳn những bài ta thường gặp. Có bài như ta thường nói chuyện, nhưng do cách trình bày “nhấn, nhả”:
”…Vo gạo nấu cơm
Hạt nào vương áo thóc
Thì quăng đi
Muôn loài nào có khác chi
Thóc vàng hạt gạo lỡ thì vô duyên”
                             (Duyên)
Do cách bố cục trên cũng góp phần làm nên thơ.
          Cảm ơn “Sông với biển”! Cho tôi hiểu thêm lẽ đời.
Trọng thu, năm con gà 2017-09-18
 VDM