DƯƠNG TRỰC NGUYÊN (1458-1509) CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM

Dương Trực Nguyên người xã Thượng Phúc, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quốc Tuấn, huyện Thường Tín, Hà Nội), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), lúc 33 tuổi(1). Khoa ấy, có 54 người đỗ, trong đó có Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, Lưu Dịch, Phạm Đạo Phú, Đàm Thận Huy, sau tham gia Hội Tao Đàn. Dương Trực Nguyên làm quan trải bốn triều vua: Lê Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, gồm 19 năm với nhiều chức quan khác nhau. Riêng thời Cảnh Thống, chỉ trong vòng hơn năm năm, thay đổi tới 9 chức vụ, có thể nói Dương Trực Nguyên là một Hội viên Hội Tao Đàn nắm giữ nhiều chức vụ nhất. Nhưng cho đến nay, chưa một công trình nghiên cứu nào giới thiệu một cách có hệ thống và đầy đủ. Bài viết này cung cấp thêm một số tư liệu về cuộc đời và tác phẩm Dương Trực Nguyên để bạn đọc tham khảo.
Bảy tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội đã được vua Lê Thánh Tông cho dựng vào năm 1484 với mục đích đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa.
Trước hết là về cuộc đời dưới thời Hồng Đức, sau khi đỗ Đồng tiến sĩ ít lâu, vào ngày 9 tháng 2 năm Tân Hợi, Hồng Đức thứ 22 (1491), Dương Trực Nguyên theo hầu Lê Thánh Tông về thăm Lam Sơn, họa thơ vua bài Truy hoài Thánh Tổ huân nghiệp (Nhớ lại cơ nghiệp lớn lao của Thánh Tổ), được Lê Thánh Tông khen ngợi “có khí phách cao rộng”. Có lẽ, đây là một cơ sở để sau này Lê Thánh Tông chọn ông tham gia Hội Tao Đàn.
Năm sau, Nhâm Tý, Hồng Đức thứ 23 (1492), Dương Trực Nguiyên được bổ chức Hàn lâm viện hiệu lý. Dương Trực Nguyên đã làm việc hết sức xứng đáng với chức vị đó, cho nên, chỉ ít lâu sau, khoảng giữa năm Hồng Đức thứ 23 (1492) lại được thăng Hiến sát sứ ty hiến sát sứ thừa tuyên Hải Dương. Nhưng không được bao lâu, vì tâu trái ý vua nên bị giáng xuống chức cũ: Hàn lâm viện hiệu lý. Sự việc đó xảy ra vào khoảng năm Quý Sửu Hồng Đức thứ 24 (1493). Ông giữ mãi chức đó cho đến khi tham gia Hội Tao Đàn là năm Hồng Đức thứ 25 (1494) và đến hết thời Hồng Đức.
Năm Đinh Tỵ, Hồng Đức thứ 28 (1497), Lê Thánh Tông qua đời, thái tử Chanh lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thống. Và ngay sau đó, Cảnh Thống cho Dương Trực Nguyên giữ chức Đông các hiệu thư. Năm ấy đại hạn, ông xin với vua nên tu sửa đức chính, Cảnh Thống nghe theo nên ngay năm sau, Cảnh Thống nguyên niên (1498), Dương Trực Nguyên được thăng Lại khoa cấp sự trung, lại vì liêm khiết mà được vua ban thêm bổng lộc. Năm Cảnh Thống thứ 3 (1500), vì Dương Trực Nguyên có công trấn trị phủ Phụng Thiên như dẹp được những hành vi chèn ép người dân lương thiện của bọn cường hào và bọn quyền quý, nên được thăng chức Đô đình úy.
Năm Cảnh Thống thứ 4 (1501), Dương Trực Nguyên giữ chức Hữu thị lang bộ Công. ít lâu sau, lại giữ chức Hữu thị lang bộ Hình. Năm Cảnh Thống thứ 5 (1502), lại giữ chức Tả thị lang bộ Binh. Tháng 2 năm ấy, triều đình tổ chức thi Hội, Dương Trực Nguyên được cử làm giám thị, tháng 11 năm ấy lại được cử giữ chức Tả thị lang bộ Lễ.
Năm Cảnh Thống thứ 6 (1503), Tả thị lang bộ Lễ Dương Trực Nguyên tâu xin đắp đê bên sông Tô Lịch, trên từ xã Trát Kiều xuống đến xã Cống Xuyên, đề phòng lụt, hạn, lợi cho việc nhà nông, và khai con cừ từ An Phúc xuống đến Thượng Phúc(2) để tưới nước vào ruộng cho dân. Mùa đông tháng 12 năm ấy Dương Trực Nguyên kiêm quản Hàn lâm viện sự.
Tháng 5 năm Cảnh Thống thứ 7 (1504), vì quá ham mê tửu sắc mà Cảnh Thống mắc bệnh nặng qua đời, Thái tử Thuần nối ngôi, miếu hiệu là Túc Tông. Tháng 12 năm ấy, Túc Tông lại ốm nặng rồi mất. Uy Mục đế nối ngôi, lấy niên hiệu là Đoan Khánh thứ 2 (1507), Dương Trực Nguyên làm chánh sứ đi sang nhà Minh, tháng 6 năm sau (1508) trở về, được vua ban cho hốt ngọc và đai bạc. Đến năm Đoan Khánh thứ 5 (1509) Uy Mục lại bổ Dương Trực Nguyên chức Đô ngự sử đài. Đây cũng là chức quan cao nhất trong đời làm quan của ông. Nhưng tháng 11 năm ấy, Lê Tương Dực khởi binh từ Thanh Hoa, tiên sát thành Đông Kinh, ép Uy Mục phải nhường ngôi. Uy Mục cho Dương Trực Nguyên làm tán lý(3) cùng với phó tướng là Lê Vũ thống lĩnh cầm quân ra chống lại, không thắng. Dương Trực Nguyên tử trận tại Châu Cầu, khi ấy 53 tuổi(4). Ba năm sau, năm Hồng Thận thứ 4 (1512) Lê Tương Dực truy tặng Dương Trực Nguyên làm Ngự sử đài trung đô ngự sử. Tương truyền, ông chết rất linh thiêng, được dân địa phương lập đền thờ. Các triều vua đều phong “Thượng đẳng phúc thần”(5).
Về mặt thơ văn Dương Trực Nguyên để lại tác phẩm không nhiều. Bước đầu tập hợp được một số sáng tác sau đây:
Quỳnh uyển cửu ca, đồng tác giả, gồm 9 bài “Phụng họa ngự chế” (họa thơ Lê Thánh Tông)(6).
Văn minh cổ xúy, đồng tác giả, gồm 6 bài “Phụng họa ngự chế (họa thơ Lê Thánh Tông).
Những sáng tác vừa nêu đều được ông viết dưới thời Hồng Đức với tư cách là Hội viên Hội Tao Đàn. Sau đây xin tuyển dịch 4 bài thơ của Dương Trực Nguyên trích từ hai tập sách trên để bạn đọc tham khảo.
Phụng họa Ngự chế: Bách cốc phong đăng 
Trung hòa mậu kiến thánh nhân năng,
Thiên ứng hưu trưng bách cốc đăng.
Bát cực càn khôn quang ngọc chúc;
Cửu quan hổ báo tráng kim thằng.
Thỉ trương Văn, Vũ phong thanh viễn;
Thôi trọng Ngu, Chu chế độ hoằng.
Dịch nghĩa: Vâng họa bài: Trăm thứ lúa được mùa của Đức vua
Đạo Trung dung hòa thuận, bậc thánh nhân mới gây dựng được nhiều.
Nên trời báo điềm lành trăm thứ lúa được mùa.
Tám phương trời đất (lúa) như đuốc ngọc tỏa sáng;
Chín cửa ải (lúa) tựa hổ báo bị buộc bằng sợi thừng vàng.
Cai trị tựa Vua Văn, Vua Vũ, tiếng tăm còn mãi;
Cất nhắc như Ngu Thuấn, Chu Công nên chế độ mở mang.
Dân giàu của lắm, muôn phúc tụ tập,
Vạn việc phải lo, không lúc nào ngơi.
Dịch thơ:
Thánh nhân gây dựng đạo Trung dung.
Đã báo điềm vui, lúa nặng bông.
Trời đất tám phương ngời đuốc ngọc;
Hổ lang bốn ải vững thừng đồng.
Ngu, Chu mở rộng dân coi trọng;
Văn, Vũ trương khai, tiếng đẹp lòng.
Của lắm dân giàu muôn phúc họp.
Ngày ngày vạn việc phải ra công.
Tường Luận (dịch)
Phụng họa Ngự chế: Bái yết sơn lăng cảm thành. 
Vũ quá phương tùng cẩm tú nghiên,
Tình lam ngưng thúy liễm vân yên.
Thiều dao kha lạm thương ba lý;
Phiếu diểu tinh kỳ tịch chiếu biên
Cảo thượng sơn hà thanh ái ái;
Bái trung viên tẩm nhật huyền huyền,
Thanh phong văn vật kim hạnh đổ,
Tứ hải đồng quy hiếu trị thiên.
(Văn minh cổ xúy).
Dịch nghĩa:
Vâng họa bài: Lễ ở sơn lăng xúc cảm thành thơ của Đức Vua
Mưa tưới bụi cây thơm, đẹp như gấm vóc,
Non tạnh, đọng mầu xanh, khói mây gom lại.
Thuyền chiến xa xa, trong khói biếc;
Cờ xí phới phới, dưới nắng chiều.
Non nước cảo kinh xanh ngăn ngắt;
Lăng tẩm quê vua, mặt trời vời vợi.
Nay từng thấy văn vật trong gió mát,
Bốn biển đều quay về với bầu trời hiếu trị.
Dịch thơ:
Mưa gội khóm hoa gấm vóc tươi, 
Sương ngưng cây biếc khói xa vời.
Xa xa thuyền Ngự mờ sông nước;
Phấp phới tinh kỳ rực nắng trời,
Kinh cũ non sông xanh biếc biếc;
Quê vua lăng tẩm chói ngời ngời.
Huy hoàng văn vật nay mừng thấy,
Bốn biển về đây đạo hiếu soi.
Mai Hải (dịch)
Phụng họa Ngự chế: Chu chí Lam Sơn truy hoài Thánh Tổ huân nghiệp.
Khải địch anh minh tập đại huân,
Tảo trừ hung ác tế chưng dân.
Nguy nguy Hán nghiệp tồn thư khoán;
Đãng đãng Nghiêu thiên vọng nhật vân.
Vạn cổ sơn hà chung thuỵ khí;
Cửu cai hoa thảo áng dương xuân.
Thánh thần kế thuật dương tiền liệt,
Tứ tái phong trừng tuyệt phụ thân.
(Văn minh cổ xúy).
Dịch nghĩa:
Vâng họa bài: Thuyền đến Lam Sơn nhớ công lao Thánh Tổ của Đức vua
Sáng suốt mở lối, lập nên huân nghiệp lớn,
Quét sạch bọn hung tàn, cứu vớt sinh dân.
Sừng sững như cơ nhgiệp nhà Hán lưu trong sử sách;
Dạt dào tựa bầu trời vua Nghiêu, thấy ở mây trời.
Non sông muôn thuở chung đúc nên khí lành;
Cỏ hoa chín cõi tràn đầy nắng xuân.
Tiếp nối đấng thánh thần, nêu cao tiền liệt,
Để cho bốn cõi gió lặng, rứt khí yêu ma.
Dịch thơ:
Lập nên nghiệp lớn tỏ anh minh,
Quét bọn hung tàn cứu chúng sinh.
Sừng sững nghiệp nhà lưu sử sách;
Vững vàng thế nước ở mây xanh.
Cỏ hoa chín cõi tràn xuân ấm;
Sông núi muôn nơi tụ khí lành.
Tiền liệt nêu cao noi bậc thánh,
Bốn phương phẳng lặng hưởng thanh bình.
Lâm Giang (dịch)
Phụng họa Ngự chế: Quang Đức điện thượng cảm thành. 
Bách chuyển lưu oanh liễu ngoại âm,
Vân xu tiên trượng chính xâm xâm.
Huân cao tại thượng thần minh khác;
Động thuộc do trung hiếu cảm thâm.
Sáp hán lâu đài xuân diễm lệ;
ỷ nham tùng bách lục âm sâm.
Quốc gia bàn thái bản chi mậu.
Bách thế hoằng khôi hiếu đức tâm.
(Văn minh cổ xúy).
Dịch nghĩa:
Vâng họa bài: Trên điện Quang Đức cảm xúc thành thơ của Đức vua
Chim oanh thoăn thoắt chuyền ngoài rặng liễu râm mát,
Mây dồn lại như ông tiên đang xăm xăm đi.
Nghi ngút ở trên, thần minh tôn kính;
Động lút vào trong, cảm lòng hiếu sâu xa.
Sừng sững lâu đài, mùa xuân diễm lệ;
Tùng bách dựa vách núi, rừng xanh bóng mát.
Đất nước vững như bàn thạch, giống nòi đông đúc,
Trăm đời rộng mở tấm lòng hiếu đức(7).
Dịch thơ:
Thoăn thoắt oanh chuyền rặng liễu râm,
Mây dồn thành đám chạy xăm xăm.
Điện trên nghi ngút thần minh kính;
Động dưới mênh mang hiếu cảm thâm.
Sừng sững lâu đài xuân diễm lệ;
Vút cao tùng bách núi muôn tầm.
Quốc gia bàn thạch nòi đông đúc,
Rộng mở trăm đời hiếu đức tâm.
Lâm Giang (dịch)
Lâm Giang
---

Chú thích:
(1) Theo Đại Việt lịch đại khoa Tiến sĩ A.2040, tờ 36a, Dương Trực Nguyên đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 21 (1490) lúc 33 tuổi, suy ra năm sinh là 1450. Thiên Nam lịch đại đăng khoa lục bị khảo, tờ 22a và một số sách khác chép, Dương Trực Nguyên đỗ năm 22 tuổi, suy ra năm sinh là 1468. ở đây chúng tôi theo Đại Việt lịch đại khoa Tiến sĩ.
(2) Theo Cương mục, các xã Trát Kiều, Cống Xuyên, các cừ An Phúc, Thượng Phúc đều thuộc huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội (nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình).
(3) Toàn thư chép “ký lục”
(4) Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Dương Trực Nguyên 22 tuổi đỗ Tiến sĩ, 42 tuổi tử trận tại Châu Cầu (?)
(5) Những tư liệu trên đây theo Toàn thư và Thiên Nam lịch đại đăng khoa lục bị khảo.
(6) Xem: Quỳnh uyển cửu ca chép trong Cúc đường bách vịnhA.1168, có chép đủ 9 bài.
(7) Những bài thơ tuyển dịch trên đây đều do Nguyễn Thị Nguyệt dịch nghĩa./.

(Theo tạp chí Hán Nôm 1/1991)