GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

VNXĐ - Tác giả bài báo này đã có trên 20 bài viết về “ giải quyết tranh chấp biển đảo trên thế giới “, đăng tải trên báo “ AN NINH BIÊN GIỚI”. Trong bài “GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA”, tác giả đã rất công phu chuyển đến độc giả, những suy nghĩ sâu sắc có lí có tình về những khó khăn và thuân lợi của Việt Nam, trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền hai quần đảo trên với các nước láng giềng. Qua đây trang "Văn nghệ Xứ Đoài” xin cám ơn sự hợp tác của tác giả và trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết này.
Tòa án Công lí Quốc tế ICJ tại Hà Lan.
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là loại tranh chấp phức tạp nhất, khó khăn nhất trong các loại tranh chấp. Tác giả không có kiến thức về luật học, càng thiếu hiểu biết về luật quốc tế, tác giả chỉ từ trên cơ sở xem xét khoảng trên 20 vụ việc giải quyết tranh chấp biển đảo trên thế giới, để viết ra những suy ngẫm của mình trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ về biển đảo của Việt Nam với các nước láng giềng. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam với đầy đủ các căn cứ pháp lý và ý nghĩa lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Song, Việt Nam đang phải đối mặt với những tranh chấp rất phức tạp về chủ quyền đối với các quần đảo này từ các quốc gia khác xung quanh Biển Đông. Là người Việt Nam, ai chẳng muốn các nước láng giềng phải sớm trả lại cho Việt Nam phần lãnh thổ bị họ chiếm đóng. Có đại biểu Quốc hội đã đề nghị phải đòi lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay trong nhiệm kì này, nhưng vấn đề không phải đơn giản như thế !. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn và tuyên bố chủ quyền đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam. Quần đảo Trường Sa bị tranh chấp chủ quyền và chiếm đóng của Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei. Riêng chỉ có Brunei đưa ra yêu sách chủ quyền đối với một số đảo nhưng không chiếm đóng. Những tranh chấp này là hết sức phức tạp được cộng đồng quốc tế quan tâm, hiện. Có nhà khoa học đăng tải trên “ Nghiên cứu Biển Đông” như sau : “Do bản chất nhạy cảm của vấn đề chủ quyền cũng như lập trường của các nước liên quan còn quá khác biệt, nên khả năng Trung Quốc và các nước tranh chấp khác thuộc ASEAN, đàm phán và sử dụng các biện pháp hòa bình khác để giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp Biển Đông là rất ít hiện thực. Đối với quần đảo Hoàng Sa, giải pháp thông qua đàm phán hay qua tòa án quốc tế là khó có thể diễn ra do Trung Quốc sẽ không đồng ý”.
Đối với quần đảo Trường Sa, khả năng đưa các vấn đề ra giải quyết tại tòa án quốc tế cũng ít tính khả thi do Trung Quốc không đồng ý và các nước khác cũng chưa chuẩn bị và không chắc chắn về các lập luận, chứng cứ của mình. Tính khả thi của phương án giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoà bình cũng không cao do dưới sức ép nội bộ, có một thực tế là : không chính phủ nước nào muốn và dám nhân nhượng về chủ quyền.

Đại diện hải quân của VN trên đảo  Song Tử Tây và đại diện hải quân  của Philippin trên đảo Song Tử Đông  chụp ảnh chung tại đảo Song Tử Tây ngày 8/6/2014.

Theo tác giả, thì nhiệm vụ trung tâm  của Việt Nam là phải huy động toàn bộ tinh hoa của cả hệ thống chính trị, luật pháp, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng thuận của dư luận thế giới, để giành lại quần đảo Hoàng Sa và những phần lãnh thổ bị các nước láng giềng chiếm cứ trên quần đảo Trường Sa của tổ quốc.
   Chỉ có 3 biện pháp sau :
-         Biện pháp chiến tranh, VN phải tiến hành chiến tranh với Trung Quốc, với Đài Loan, với Philippin, với Malaisia. Biện pháp này là không thể;
-         Biện pháp đàm phán ngoại giao. Tôi tin rằng, TQ không thể  nào tự nguyện trao trả cho VN quần đảo Hoàng Sa và 7 bãi đá ngầm mà họ chiếm cứ bằng vũ lực trên quần đảo Trường Sa. Các nước vốn có quan hệ tốt đẹp với VN như Philippin và Malaisia và vùng lãnh thổ Đài Loan, họ cũng có những lí do riêng để không thể dễ dàng trao trả cho VN những vùng đất mà họ chiếm đóng trái phép trên Trường Sa;
-         Khi các biện pháp trên đây không mang lại kết quả, khi mà chúng ta không còn khả năng đàm phán bằng biện pháp hòa bình, thì cuối cùng buộc chúng ta phải dùng đến biện pháp pháp lý, tức là đưa tranh chấp chủ quyền lãnh thổ
Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án quốc tế. Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario ngày 8-12-2014 cho rằng, tòa án quốc tế là con đường duy nhất để đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
 Từ năm ngoái, khi TQ hạ đặt trái phép dàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, nhiều cá nhân, có cả các đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước ta nên kiện TQ ra tòa án quốc tế. VN không thể kiện TQ về chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa,Trường Sa ra các Tòa án Quốc tế về Luật Biển theo Công ước quốc tế năm 1982 ( 3 Tòa án quốc tế về Luật Biển mới có hiệu lực từ năm 1994), vì các Tòa án này không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Khi TQ hạ đặt dàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, cả hệ thống chính trị đồng lòng cùng toàn dân tộc lên án TQ, hầu như cả thế giới đứng về phía VN, phản đối hành động khiêu khích vi phạm luật pháp quốc tế của TQ. Về vấn đề này, nếu VN kiện TQ lên các tòa án quốc tế về Luật Biển về việc TQ “cố tình giải thích sai và áp dụng sai công ước”, và chỉ vấn đề ấy thôi, thì chắc chắn VN sẽ thắng kiện. Nên chú ý là, các nước họ công khai phản đối TQ về hành động gây hấn coi thường pháp luật quốc tế vì tuyên bố  “ yêu sách về đường 9 đoạn “ phi lí trên Biển Đông, làm ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải, hàng không và lợi ích của họ trên biển Đông, chứ thế giới họ không ủng hộ VN về chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa đâu ( vì lợi ích dân tộc, nên họ không muốn công khai ủng hộ VN , họ chỉ có thể ủng hộ ngầm). Mỹ và các nước khác tuyên bố họ đứng ngoài tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, họ ủng hộ VN cũng vì cái lớn, là hòa bình và ổn định trên Biển Đông, ủng hộ sự kìm chế của VN, nhưng không có ủng hộ nào về chủ quyền lãnh thổ thuộc về ai cả. Ngay đối với các nước ASEAN, cũng  không ai lên tiếng ủng hộ chủ quyền lãnh thổ của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa ( Nguyên nhân đơn giản là họ không muốn mất lòng với các bạn khác, như với Philippin, với Malaisia, hay với Đài Loan...).Vào tháng 7 năm 2012 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, ASEAN không tìm được đồng thuận và không ra được tuyên bố chung về biển Đông, vì nước chủ nhà Campuchia do áp lực của Trung Quốc, luôn phản đối bất kỳ đề cập nào đến các tranh chấp tại đó.

Bia chủ quyền TQ xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập mà TQ gọi là Vĩnh Thử

Liên quan đến vụ tranh chấp về vị trí giàn khoan HD-981, ngày 11 tháng 5 tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan HD-981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Tuy nhiên tuyên bố kết thúc hội nghị của Asean không phê phán nước nào mà chỉ kêu gọi "tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được COC như đã được thể hiện trong tuyên bố 6 điểm về Biển Đông.
 Chỉ có Tòa án Công lý Quốc tế ICJ ( International Court Justice) mới có thẩm quyền giải quyết mọi loại tranh chấp, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Tòa ICJ thành lập năm 1945, chính thức hoạt động từ năm 1946. Tòa là một bộ phận trong biên chế của LHQ, gồm 15 thẩm phán đại diện cho hệ thống pháp luật quốc tế ( trong đó có 1 thẩm phán TQ). Khi kiện TQ và các nước khác ra ICJ về chủ quyền lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, VN có nhiều thuận lợi và cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Xin bàn trước tiên về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Vấn đề đấu tranh  giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, rõ ràng là thuận lợi hơn so với quần đảo Trường Sa, vì ở đây chi có 2 bên VN và TQ. Khó khăn lớn nhất là, TQ sẽ không thỏa thuận  cùng VN thưa kiện lên tòa án quốc tế ICJ, mà quy chế của ICJ là, Tòa chỉ thụ lí vụ kiện khi tất cả các bên liên quan cùng đồng thuận đưa tranh chấp ra Tòa. Cứ cho là đến lúc nào đó, TQ thỏa thuận cùng VN đưa tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa ra tòa  ICJ phán quyết, thì theo phân tích của nhiều học giả Phương Tây, phán quyết của ICJ sẽ có các khả năng sau :
   + Quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc về VN ( có đủ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa);
+Quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc về TQ ( có đủ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa);
+Quần đảo Hoàng Sa  thuộc về TQ, nhưng quần đảo chỉ có vùng biển hạn chế;
+ Quần đảo Hoàng Sa thuộc về TQ, nhưng vùng biển xung quanh sử dụng chung , như trường hợp của Nauy và Island;
+Tòa tuyên có lợi cho cả 2 bên, TQ trả lại cho VN nhóm đảo phía Đông do đánh chiếm bằng vũ lực. Còn nhóm đảo phía Tây thuộc về TQ.
  Về khả năng cuối cùng này, tác giả xin nói rõ thêm: Lợi dụng tình hình Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, quân đội Tưởng GiớiThạch khi thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, từ năm 1946, đã chiếm đóng nhóm đảo phía Tây, tức nhóm An Vĩnh, gồm các đảo Phú Lâm, Linh Côn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Đá. Sau đó, năm 1949 vì Tưởng thua TQ đại lục, nên quân đội TQ đã chiếm cứ nhóm đảo phía Tây này từ đó đến nay. Còn nhóm đảo phía Đông-tức nhóm Lưỡi Liềm, gồm các đảo Tri Tôn, Quang Ảnh, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa vẫn do quân Pháp quản lí, sau đó bàn giao cho quân đội VNCH quản lí từ tháng 8/1956, cho đến  19/1/1974 bị TQ dùng vũ lực đánh chiếm nốt phần nhóm đảo phía đông  này và chiếm cứ từ đó đến nay.

   Đảo Thị Tứ mà philippinchiếm cứ trái phép. 

Xin bàn về chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Như chúng ta đã biết, thực tế là trên quần đảo Trường Sa của VN, hiện đang có tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước , 6 bên :
-           Việt Nam đang quản lí  21 thực thể địa lí gồm 9 đảo và 12 rạn san hô ( đá ngầm) :  Đảo Trường Sa Lớn, đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa Đông, đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn, đảo Sinh Tồn Đông, đảo Nam Yết, đảo An Bang; Đá Núi Le, đá Cô Lin, đá Đông, đá Lát, đá Len Đao, đá Nam, đá Núi Thị, đá Tây, đá Thuyền Chài, đá Tiên Nữ, đá Tốc Tan, đá Lớn.
-         Philippin đang chiếm đóng 10 thực thể địa lí gồm 6 đảo và 4 rạn san hô, cồn cát : Đảo Vĩnh Viễn, đảo Thị Tứ, đảo Song Tử Đông, đảo Loại Ta, đảo Bình Nguyên, đảo Bến Lạc; Bãi An Nhơn, đá Cá Nhám, đá Công Đô, bãi Cỏ Mây.
-         Malaisia đang chiếm đóng 7 thực thể địa lí, đều là các rạn san hô ( đá ngầm):
Đá Hoa Lau ( năm 1990, Malaisia  đã tiến hành lấp phần đông nam của đá này thành một đảo nhân tạo đầu tiên trên quần đảo Trường Sa, diện tích đảo nhân tạo này là 0,322 km2- gần bằng đảo Ba Bình, tại đây họ đã xây dựng sân bay quân sự  với đường băng dài 1500m, rông 100m ), đá Én Ca, đá Kỳ Vân, đá Sác Lốt, đá Suối Cát, đá Kiêu Ngựa, bãi Thám Hiểm.
-         Đài Loan chiếm đóng 2 thực thể địa lí , một đảo và một đá ngầm :
Đảo Ba Bình ( diện tích 0,443 km2); Bãi Bàn Than ( đá ngầm).
-Trung Quốc đang chiếm đóng 7 thực thể địa lí, vốn đều là các rạn san hô – đá ngầm :
Đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven, Đá Gạc Ma, đá Vành Khăn, đá Xu bi, đá Tư Nghĩa.
Duy chỉ có Brunei là chưa đưa quân đội ra chiếm đóng Trường Sa, nhưng họ vẫn tuyên bố chủ quyền đối với đá Louisa Reef, với luận thuyết đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei.
Để đòi lại những vùng đất đã bị chiếm hữu trái phép tại quần đảo Trường Sa, chúng ta bắt buộc phải kiện không chỉ với TQ, mà cả với Đài Loan, với Philippin, với Malaisia ra tòa án quốc tế ICJ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tác giả thấy hình như chúng ta chỉ mới tập trung  để đấu tranh với TQ, có lẽ đa số nhân dân ta cho rằng, chỉ có TQ là xâm chiếm trái phép quần đảo Trường Sa của VN. Chúng ta phải tập trung trí tuệ của cả hệ thống chính trị để có được bộ hồ sơ đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị và căn cứ pháp lí, phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển để chứng minh. Trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta động viên hàng triệu cán bộ chiến sĩ ra mặt trận, còn trong cuộc chiến pháp lí để giành lại chủ quyền lãnh thổ Trường Sa lần này, được hiểu pháp lí là vũ khí, cuối cùng đặt lên vai của một vài  nhà ngoại giao, nhà luật học, nhà chính trị, theo quy định của Tòa án. Những đại sứ này phải có đủ bản lĩnh, vững về luật quốc tế, có phản ứng nhanh nhạy, tỉnh táo, chứng minh logic được lập luận của mình khi tranh tụng trước Tòa, có như vậy chúng ta mới hi vọng chiến thắng trong cuộc đấu pháp lí đầy khó khăn này. Xin nêu một trường hợp điển hình, chỉ vì chưa nắm vững luật pháp quốc tế mà Ucraina bị mất đi hơn 9 000 km2 vùng  kinh tế đặc quyền trên Biển Đen. Đảo Rắn trên Biển Đen, đảo này chỉ có diện tích 0,3 km2 thuộc chủ quyền của Ucraina. Hai nước Rumani và Ucraina  cùng đồng thuận  đưa tranh chấp về phân định biên giới biển và thềm lục địa ra Tòa án Công lí Quốc tế- ICJ vào cuối năm 2004. Ucraina cho rằng “ vì Đảo Rắn, theo luật pháp quốc tế được dùng để tính chuẩn ranh giới vùng kinh tế đặc quyền, Đảo Rắn có thể làm điểm khởi đầu cho vùng đặc quyền kinh tế, và như vậy Ucraina sẽ có thêm 1 vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn”.Tòa ICJ lại ra phán quyết : Đảo Rắn của Ucraina là bãi đá ngầm chứ không phải là đảo, căn cứ vào Luật Biển quốc tế 1982, bãi đá ngầm không được coi là điểm khởi đầu của vùng đặc quyền kinh tế, vì vậy Rumani có được 9 700 km2 vùng đặc quyền kinh tế quanh Đảo Rắn, tức là có đến 80% diện tích mà hai nước tranh chấp thuộc về Rumani. Đây chính là sự trả giá đau đớn cho Ucraina về sự thiếu hiểu biết về luật quốc tế.
  Tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, trong một lần phát biểu với báo giới đã chỉ ra công khai trên “ Nghiên cứu Biển Đông” : “ Trước hết, phải thấy rằng về mặt thủ tục pháp lý, để thưa kiện lên các cơ quan tài phán quốc tế và được các cơ quan tài phán này thụ lý là phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ.

Không phải bất kỳ một vụ việc nào đều có thể đơn phương thưa kiện.

Chẳng hạn, nếu kiện về việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, về phân định ranh giới biển, thềm lục địa thì các bên liên quan phải có thỏa thuận bằng văn bản mới đệ trình lên cơ quan tài phán quốc tế và mới được thụ lý.

Và điều này chính là một trở ngại rất lớn cho chúng ta, không phải ta đơn phương muốn là được. Như mọi người đều đã biết, Trung Quốc luôn luôn quay lưng lại với thiện chí này, tìm mọi cách để cản bất kỳ một vụ kiện nào, vì chủ trương của họ là không muốn quốc tế hóa vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Mỗi một khi quyết định thưa kiện, chúng ta cũng còn cần phải chuẩn bị rất kỹ, không những về thủ tục như nói trên mà còn phải chuẩn bị lý lẽ, chứng cứ pháp lý, chuẩn bị điều kiện vật chất, nhân sự, phải tìm hiểu thật kỹ thành phần cơ cấu tổ chức nhân sự của cơ quan tài phán mà mình sẽ đệ đơn kiện.

Điều quan trọng là phải cân nhắc giữa lợi và bất lợi, đặc biệt là hậu quả về mặt pháp lý, chính trị, kinh tế, thậm chí cũng phải sẵn sàng chấp nhận phán quyết bất lợi cho chúng ta”.

Đảo Ba Bình ( diện tích 0,443 km2) của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm đóng trái phép


Một khó khăn nữa VN cần quan tâm để lí giải là, các triều đại VN trước đây, kế tiếp đến Pháp, rồi đến VNCH , chưa có một định nghĩa đầy đủ về quần đảo Trường Sa, nó rộng đến đâu, nó kéo dài đến đâu thì kết thúc. Và vì nhiều nguyên nhân, các phía của VN, cũng chỉ có mặt hạn chế ở một số ít đảo trên quần đảo rộng lớn này, với hàng trăm đảo lớn nhỏ, hàng trăm bãi đá ngầm , có đảo cách nhau 100 km đến vài trăm km, với chiều từ đông sang tây 800 km, từ bắc đến nam 600 km, kéo dài từ 602 -110 28 vĩ bắc, từ 1120-1150 kinh đông, trên một diện tích 180 000 km2. Cho đến tháng 4/1975, quân đội VN cũng chỉ giải phóng 5 đảo từ quân đội VNCH là đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. Trước đó, năm 1968 Philippin chiếm 2 đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông, đầu năm 1974 quân đội VNCH chiếm lại đảo Song Tử Tây. Năm 1970, Philippin chiếm đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, đảo Bình Nguyên, đến năm 1980 họ lại chiếm đảo Bến Lác, đảo Vĩnh Viễn và các bãi đá ngầm như hiện nay. Còn Malaisia, năm 1978 họ đưa ra yêu sách chủ quyền đảo An Bang, tháng 5/1983 họ đưa quân đội chiếm đá ngầm Hoa Lau, năm 1990, họ lấp phần đông nam của đá ngầm này, thành đảo nhân tạo đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Tháng 11/1986, Malaisia chiếm đá Kiêu Ngựa và đá Vành Khăn, năm 1987 chiếm đá Suối Cát, tháng 6/1999 chiếm đá Thám Hiểm, đá Én Ca. Còn Đài Loan, thì họ chiếm đảo Ba Bình- đảo lớn nhất của Trường Sa từ năm 1956, tháng 3/1995 họ chiếm bãi Bàn Than từ tay Philippin. Trung Quốc, năm 1988 đã dùng vũ lực xâm chiếm 7 đá ngầm của VN. Lịch sử trên đây khiến cho hồ sơ pháp lí về chủ quyền quần đảo Trường Sa của chúng ta vô cùng phức tạp. Chưa hết, một khó khăn lớn nữa là, làm thế nào để tất cả các bên tuyên bố chủ quyền quần đảo Trường Sa lại cùng đồng thuận gửi đơn kiện về tranh chấp chủ quyền  ra Tòa án quốc tế ICJ. Còn phía Tòa án này, họ cũng hết sức khó khăn khi một lúc phải nhận một lượng đồ sộ hồ sơ chưa từng có trong lịch sử của Tòa ( Hồ sơ Philippin kiện TQ dày 4000 trang), lần này, nếu có, thì không phải chỉ có hai bên tham gia tranh tụng như trong trên 140 vụ mà Tòa đã xét xử, lần này có 6 bên , 5 nước tham gia, cũng là điều chưa từng có tiền lệ tại ICJ. Các nhà luật học , các nhà ngoại giao, các nhà chính trị của VN khi tham gia tranh tụng tại Tòa  còn phải tiên lượng được ý đồ, lí lẽ, chứng cứ pháp lí mà các đối tác sẽ có thể đưa ra để VN chủ động đối phó, chẳng hạn, cơ sở nào mà Philippin ngày 4/4/2011 lại gửi công hàm lên LHQ phản đối TQ về vấn đề chủ quyền trên biển Đông. Trong công hàm này, Philippin tuyên bố nhóm đảo Kalayan mà thủ phủ là đảo Thị Tứ của VN, là một bộ phận không thể tách rời của Philippin, nước này có chủ quyền với vùng biển xung quanh hoặc tiếp giáp theo qui định của luật pháp quốc tế cũng như theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Về vấn đề này, xin trích tham  luận công khai của TS Võ Xuân Vinh-Viện Nghiên cứu Đông Nam Á , tại hội thảo quốc gia lần thứ 2 về Biển Đông như sau : “- Lý lẽ thuyết phục nhất của Philippin là dựa trên cơ sở từ bỏ chủ quyền của nước khác (của nước chiếm đóng Philippin trước đó). Trên thực tế, Nhật Bản đã từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trong cả Hòa ước với các nước Đồng minh 1951 và Hòa ước song phương với Cộng hòa Trung Hoa. Trước đó, gần như ngay sau khi giành được độc lập vào đầu năm 1947, Bộ trưởng Ngoại giao Philippin đã đưa yêu sách rằng “Quần đảo mới ở phía Nam” mà Nhật Bản chiếm đóng trong thế chiến thứ hai phải được trao  cho Philippin.
- Một lý lẽ cũng không kém phần quan trọng là nguyên tắc chiếm giữ và kiểm soát thực tế. Hiện nay Philippin đã chiếm đóng một số đảo, bãi đá…cũng như kiểm soát về mặt quân sự đối với nhiều bãi như chúng tôi đã đề cập ở trên. Đặc biệt, ở các đảo và bãi thuộc khu vực mà nước này gọi là Kalayaan, các cơ sở quân sự và dân sự đã được xây dựng và quan trọng hơn Kalayaan hiện nay đã trở thành một cơ sở hành chính với thủ phủ được đặt trên đảo lớn nhất của Kalayaan là Pagasa (Thị Tứ).
- Một lý lẽ khác cũng có thể coi là một thuận lợi của Philippin, đó là sự gần kề. Trên thực tế, trong số các bên có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa thì Philippin là quốc gia gần với quần đảo này nhất ”.( xem bài: Quá trình yêu sách chủ quyền của Philippine đối với quần đảo Trường Sa và cơ sở pháp lý , trên “ Nghiên cứu Biển Đông, thứ 3, ngày 10/5/2011).
 
Máy bay Malaisia trên đảo nhân tạo Hoa Lau – của VN

 Những khó khăn trên đây là có thực, là những thách thức đối với quyết tâm và trí tuệ VN trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền lãnh thổ 2 quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Trước mắt, chúng ta phải kiên trì đấu tranh ngoại giao, đàm phàn hòa bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế, như lời phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tại hội nghị tổng kết công tác của Chính phủ năm 2014 , đã thẳng thắn chỉ rõ: “Việt Nam và Trung Quốc sẽ còn va chạm, việc chưa thể chấm dứt, mâu thuẫn trên biển không lúc này thì lúc khác cũng sẽ còn xảy ra. Vấn đề là làm sao phải đoàn kết, giữ bình tĩnh, tỉnh táo và phải tin tưởng tuyệt vào chủ trương, lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Trung ương, tránh gây nhiễu thông tin, tạo áp lực phức tạp thêm. Mà nếu không vững lòng những thời điểm quan trọng như thế sẽ rất dễ bị phân hoá.
Từ phân tích đó, Bộ trưởng Quốc phòng bày tỏ lo lắng trước tình hình dư luận hiện tại, từ trẻ con đến người già đang hình thành xu thế đề phòng, “bài” Trung Quốc dẫn đến việc người nào nói tích cực về Trung Quốc cũng bị… ngờ vực. Đại tướng Phùng Quanh Thanh cảnh báo đây là một diễn biến nguy hiểm.
Nhấn mạnh nguyên tắc bảo vệ chủ quyền nhưng cũng phải đảm bảo hoà bình, ổn định, bảo vệ chế độ và quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, tướng Phùng Quang Thanh đề nghị chú trọng tuyên truyền, không để hình thành tâm lý thù hằn trong dư luận vì Việt Nam – Trung Quốc mãi mãi là láng giềng, không thể “chạy” đâu được, để mất tình hữu nghị sẽ khó gỡ được vấn đề”.
Để bạn đọc có cái nhìn nhiều chiều hơn, để suy ngẫm về việc giải quyết tranh chấp hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tác giả xin trích dẫn lời của Ông Vũ Mão- một quan chức có tâm, có tầm, có chính kiến, có tư duy mạch lạc, thẳng thắn và rất đáng trân trọng- bài đăng trên báo DÂN TRÍ , ra ngày thứ 3, 20/05/2014 , “Lịch sử đang đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải bình tĩnh, gan góc”:
 Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước nhiều câu hỏi "hóc búa" dư luận đặt ra.
Hòa bình ở Biển Đông thì cả hai bên đều có lợi. Chúng ta bàn nhau, chỗ nào là của Việt Nam, chỗ nào là của Trung Quốc, chỗ nào của các nước khác. Những điểm nào còn chồng lấn thì chúng ta phải bàn nhau. Ví như ta đã bàn với Thái Lan, Malaysia… rồi và bước đầu cho thấy những tiến triển quan trọng. Trên thế giới đã có những việc như thế này xảy ra rồi thế nhưng để giải quyết sự việc thì đòi hỏi phải có văn hóa.
Những người lãnh đạo ở Trung Quốc nên biết rằng thế giới ngày nay đã khác xưa lắm rồi, phải có tư duy mới.
Nguyễn Ngọc Điệp
----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

http://nghiencuubiendong.vn/toa-dam-hoi-thao/hoi-thao-quoc-gia-ve-bien-dong-lan-thu-hai%20%20-ha-noi-42011/1426-qua-trinh-yeu-sach-ch-quyn-ca-
http://english.cntv.cn/2014/06/11/VIDE1402437603977376.shtml
http://baike.baidu.com/view/16187.htm
http://baike.baidu.com/view/476480.htm?fromtitle=%E5%9B%BD%E9%99%85%