HIỆN TƯỢNG ĐỌC KHÔNG CHUẨN TỪ HÁN VIỆT TRONG VĂN BẢN NÔM

Chúng ta biết rằng trong kho tàng từ vựng tiếng Việt, những từ gốc Hán đọc với âm Hán Việt chiếm tỉ lệ khá lớn (khoảng 60-70%)(1). Cho nên, việc mượn ngay chữ Hán để ghi những từ mượn ở tiếng Hán Việt là một điều hoàn toàn có thể chấp nhận được trong quá trình tạo chữ Nôm. Những chữ này có một đặc điểm là dù gặp chúng trong văn bản Hán hoặc Nôm thì âm đọc và nghĩa cũng không khác gì nhau. Còn việc xác định xem chúng là Nôm hay Hán thì phải hoàn toàn dựa vào tính chất văn tự của văn bản mà ta tiếp xúc.
Hình minh họa
Phải nói rằng sự ăn khớp về văn tự, về âm đọc cũng như về nghĩa là đa số. Nhưng thực tế cũng cho thấy không chỉ ở địa hạt văn tự có những trường hợp tiếng gốc Hán không được ghi đúng những chữ cần thiết(2), mà về mặt âm đọc cũng có hiện tượng không tuân thủ nguyên tắc vừa nêu trên. Chúng tôi có thể nêu những biểu hiện âm đọc không phù hợp với phiên thiết bởi những nguyên nhân sau đây:
1. Do tự dạng
Ví dụ chữ “đồ” 荼 , các từ điển cổ chú là “đồng ngô thiết, âm đồ” nhưng vì chữ này gần giống với chữ “trà” 茶 “trì nha thiết” nên người ta dễ đọc nhầm chữ nọ thành chữ kia. “Đồ ti” (tiếng Phạn có nghĩa là lễ hỏa thiêu) quen đọc thành “Trà tì”, “Man đồ ta” (tiếng Phan có thể dịch là linh phù, đàn, đạo tràng) quen đọc thành “trà mi” trong các bản phiên âm Truyện Kiều của Nguyễn Du(3):
“Tiếc thay một đóa trà mi
…………………
…………………
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành”.
(Kim Vân Kiều tân truyện)

Thực ra “trà mi” phải đọc thành “đồ mi”. Các sách từ điển đều chú đó là “một thứ cây nhỏ, cành lá có gai. Đầu mùa hè nở hoa sắc trắng hơi vàng, rất đẹp”. Nguyễn Ức hiệu Lan Trai một nhà thơ đời Trần Minh Tông, cũng có bài “Đồ mi” (hoa đồ mi)(4). Tương tự như vậy, chữ “huyễn” 幻 cũng quen đọc thành chữ “ảo”… Bởi vậy, trong những trường hợp này, độc giả cần có sự hiểu biết tinh tế để tránh những sai lầm đáng lẽ không nên có.
2. Do kỵ húy
Lệ kiêng húy ở nước ta chỉ mới bắt đầu có từ thời Trần(5). Khi gặp những chữ trùng tên với các vua chúa hoặc những người thân thích trong hoàng tộc thì phải tìm chữ khác thay thế, hoặc viết thiếu nét, hoặc đảo trật tự của nét. Chẳng những về cách viết mà về âm đọc cũng phải thay đổi. Ví dụ chữ “thằng” (thự lăng viết, âm thằng) nhưng vì trùng tên với Thái Thượng Hoàng đầu tiên của nhà Trên nên phải đọc là “thừa”: “Trần Thằng” đọc là “Trần Thừa”. Hoặc chữ “lỵ” (lý dụy thiết, âm lỵ) vì trùng tên với Thái Tổ nhà Lê nên phải đọc là “lợi” “Lê Lỵ” đọc thành “Lê Lợi”… Bên cạnh đó, Phật giáo, Đạo giáo cũng do coi trọng kiêng húy mà gây nên một loạt âm Hán Việt đọc không chuẩn. Ví dụ chữ “thủy” 水 (Mẫu Thủy) đọc là thoải(6), chữ “hoa” đọc thành “bơ”(7) (vì Quỳnh Hoa là tên của Liễu Hạnh nên trong nghi lễ thờ cúng có kiêng húy): chữ “thằng” 乘 (còn có âm là thặng) đọc là “thừa” (Đại thừa, Tiểu thừa)(8)… Trong dân gian còn lưu hành câu sau đây:
“Quan huyện là quan huyện Thằng
Xử kiện lằng nhằng là thằng quan huyện”

Lẽ ra ở đây không kiêng âm “thằng” thì phải đọc thành “thừa” (có nghĩa là vâng chịu, thừa hành…) và câu đầu sẽ là “Quan huyện là quan huyện Thừa”. Những âm kiêng húy được sử dụng một cách rộng rãi, lưu truyền từ đời nọ sang đời kia đến nỗi dần dần người ta quên mất âm chính, chỉ nhớ âm phụ. Mỗi chữ húy lại thường có một “lai lịch” nhất định nên người ta cũng căn cứ vào đó để giám định văn bản.
3. Do âm địa phương
Thuật ngữ ngôn ngữ học gọi chung tiếng nói của địa phương là phương ngữ. Ở nước ta, có những người đã chia ra phương ngữ Bắc, phương ngữ Nam, phương ngữ Trung(9). Trong từng vùng như vậy lại có những sắc thái ngôn ngữ riêng. Chẳng hạn ở địa hạt phụ âm đầu, có vùng phát âm không phân biệt những âm uốn lưỡi và âm không uốn lưỡi tương ứng: giữa L và N, giữa S và X, giữa tr và ch, giữa r và d/gi… Ở Nam bộ không có phụ âm đầu (v) mà thay vào đó là một bán nguyên âm (J)… Về vần và thanh điệu mỗi nơi cũng có những đặc trưng riêng. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới chữ Nôm là thứ chữ ghi âm tiếng nói của người Việt, chúng tôi hy vọng sẽ trình bày trong một dịp khác. Ở đấy cần khẳng định rằng những tập tục, thói quen ngôn ngữ là có tính chất lâu dài và điều đó cũng ít nhiều để lại dấu ấn trong cách đọc các từ Hán Việt. Chẳng hạn tiếng địa phương Nam bộ đọc: “tiểu thư” thành “tiểu thơ”, “Hoài Nhân” thành “Hoài Nhơn”; “Hiển vinh” thành “Hiển vang”. Trong thơ Nôm Nguyễn Đình Chiểu:
“Làm trai trong cõi người ta
Trước lo báo bổ sau là hiển vang”
(Vân Tiên cổ tích truyện,
 tr. 2a)
Lại có trường hợp ban đầu là một âm kiêng húy. Ví dụ chữ “hoàng” 黃 , ở Nam Bộ vì kiêng tên Nguyễn Hoàng nên đọc thành “huỳnh”. Do vậy tất cả những người họ Hoàng đều phải đổi thành “Huỳnh”. Trong khi đó, ở miền Bắc không công nhận âm kiêng húy đó nên vẫn cứ đọc là “hoàng”. Thế rồi do sự truyền bá lâu dài, âm “huỳnh” dần dần đã trở thành âm địa phương riêng của Nam Bộ.
Tình hình đọc không chuẩn từ Hán Việt do âm địa phương cũng đã diễn ra trong cách đọc văn bản của người Tày (có khoảng 15%) đọc chệch”(10). Như vậy là nó mang tính chất khá phổ biến. Tuy nhiên, mức độ cao hay thấp còn gắn liền với đặc điểm của từng vùng. Sự thu thập những dấu ấn của ngữ âm địa phương còn để lại trên chữ Nôm sẽ là một tài liệu bổ ích cho việc nghiên cứu tiếng Việt.
Những nội dung chúng tôi vừa sơ bộ nêu trên đây có thể coi là biệt lệ của các loại từ Hán Việt trong văn bản Nôm. Chúng ta cũng cần nhận thức một cách đầy đủ, nâng cao hiệu quả trong công tác phiên âm.
NGUYỄN THỊ LÂM
---
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr.54.
(2) Xem Nguyễn Thị Lâm - Nguyễn Minh Tân: Về cách ghi từ Hán Việt trong văn bản Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1986.
(3) Ví dụ các bản: Truyện Kiều, Nxb. Văn học, 1979; Truyện Kiều,Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985; Truyện Kiều, Đào Duy Anh hiệu khảo và chú giải, Nxb. Nghệ Tĩnh, v.v…
(4) Thơ văn Lý Trần, Tập 3, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1978, tr.26-27.
(5) Xem Ngô Đức Thọ: “Bước đầu nghiên cứu chữ húy đời Trần”.Nghiên cứu Hán Nôm, 1/1986.
(6) Song nữ tế tế Thái Thoải văn (Quốc phong ngâm vịnh. Ký hiệu VHv.2248, tr.49b, sách Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
(7) Tam hòa thánh mẫu, Nxb. Văn hóa dân tộc, 1991, tr.25.
(8) Chỉ các môn phái đạo Phật. Nếu không vì lý do kiêng húy thì phải đọc là “Đại thặng, Tiểu thặng” với ý nghĩa Phật giáo coi môn đồ là những cỗ xe chuyên chở tư thưởng nhà Phật (xem Ngô Đức Thọ, Sđd).
(9) Xem Hoàng Thị Chân: Tiếng Việt trên các miền đất nước, Nxb. KHXH, 1989.
(10) Theo Cung Văn Lược: “Chữ Nôm Tày qua so sánh với chữ Hán và chữ Nôm Việt” (Bản tóm tắt luận án PTS., H. 1991).