LẠI BÀN VỀ "THU THANH" HAY "THUNG THANH"

Bài viết của Tảo Trang
Ảnh minh họa
Tạp chí Hán Nôm số 1-1987 có bài của ông Nguyễn Quảng Tuân đề nghị sửa 2 chữ trong câu đối nổi tiếng ở cổng đền Kiếp Bạc:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh.

Theo tác giả, hai chữ cuối “thu thanh” là sai, phải viết là thung thanh mới đúng. Có thể người sao viết lại đôi câu đối đã nghe lộn chữ thung ra chữ thu và đã chép sai như vậy”. Bài viết rất đáng hoan nghênh, biểu hiện một thái độ mạnh dạn xem xét chỗ đúng sai trong nền văn học cổ, có khá nhiều trường hợp bị xuyên tạc và sự nhầm lẫn kéo dài nhiều năm tháng, gây một áp lực nhất định, khiến không ít người không dám đặt vấn đề phán xét. Tuy nhiên, đọc kỹ bài viết, chúng tôi thấy có mấy chỗ cần trao đổi ý kiến lại.
Tác giả đưa ra 2 lý do biện minh cho việc nên sửa “thu thanh” thành “thung thanh”:
- Nếu là “thu thanh” thì sông nào chẳng có “tiếng thu” khi gặp gió lớn sóng to.
- Nếu là “thung thanh” thì chỉ có sông Bạch Đằng (Lục Đầu) mới có tiếng đóng cọc mà thôi”.
Thiển nghĩ 2 lý do trên chưa đủ sức thuyết phục:
1. Về “thu thanh” không nên hiểu là tiếng thu đơn thuần. Theo triết học cổ truyền Phương Đông, mùa thu thuộc hành kim trong ngũ hành, tương ứng với phương Tây. Mùa thu là mùa lá cây vàng úa, có sương giáng, có gió tây, khiến rụng lá, đó là qui luật nghiêm khắc của tạo hoá loại trừ những thứ không còn sự sống, chống lại sự sống. Thời xưa gọi người có chức vụ xét xử trừng phạt tội phạm là “thu quan”. “Tiếng thu” là tiếng gió tây làm rụng lá vàng, ý nghĩa đặc biệt của nó được ghi ở bài phú nổi tiếng. Phú tiếng thu (Thu thanh phú) của Âu Dương Tu (1007-1072) đời Tống, trong đó có câu:
“Thu là vị quan thi hành hình phạt... Đó là sức mạnh đạo nghĩa của trời đất, thường dụng tâm nghiêm khắc diệt trừ” (Thu, hình quan giã... Thị vi thiên địa chi nghĩa khí, thường dĩ túc sát nhi vi tâm). “Tiếng thu” là tiếng của gió mùa thu, làm rụng lá úa vàng, thể hiện cái “khí túc sát” của tạo hóa, cái “sức mạnh nghiêm khắc diệt trừ” nói trên. Nó thực hiện sự trừng phạt vì chính nghĩa: “Kẻ vương giả thuận lẽ trời, tiến hành việc trừng phạt để thực hiện cái sức mạnh nghiêm khắc diệt trừ” (Vương giả thuận thiên hành tru, dĩ thành túc sát chi khí) (Sách Xuân thu cảm tinh phù dẫn trong Sự loại thống biên Q.6, Tuế thời Thu). Do đó, không phải sông nào cũng có tiếng thu. Chỉ có nơi nào như sông Lục Đầu từng diễn ra trận dùng chính nghĩa tiêu diệt trừng phạt quân bất nghĩa xâm lược mới có “thu thanh”, và tuy là “tiếng thu”, nó không phải chỉ có trong mùa thu, mà ở mọi thời kỳ, sẽ nổi dậy mỗi khi cần dẹp giặc.
2. Lý do thứ hai “thung thanh”, hợp hơn vì “chỉ có sông Bạch Đằng mới có tiếng đóng cọc”. Nhưng “thung” chỉ là danh từ. “Thung thanh” (tiếng cọc) không thật ổn về nghĩa. Nếu là “tiếng đóng cọc” thì phải là “thụ thung thanh”. Vả chăng, cho dù chấp nhận “thung thanh” có thể thay thế “thụ thung thanh”, vế đối cũng không có thể coi như trội hơn vế đối hiện hữu, với từ “thu thanh” bao hàm ý “túc sát”, tức “nghiêm khắc diệt trừ” thuận theo lẽ trời.
Như vậy, ở vế 2 của câu đối, “thu thanh” có thể coi như thích hợp và có ý nghĩa hơn “thung thanh”. Nhân tiện cũng nên nói thêm về vế trên (Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí) giúp cho hiểu rõ thêm về vế sau. Vế này được dịch trong bài Tạp chí: “Núi Vạn Kiếp chỗ nào cũng có hơi kiếm (bốc tỏa lên)”.
Câu này có lẽ nên đổi: “Vạn Kiếp có núi, thảy đều toả hơi kiếm”. Vì ít nhất có hai ngọn núi được ghi trong địa chí: Dược Sơn và Vạn Yên Sơn, với 2 động Nam Tào và Bắc Đẩu (Đại Nam nhất thống chí). Trung văn đại từ điển giảng “kiếm khí” là “khí sát phạt của kiếm” (kiếm chi sát khí). Có thể nói vế trên tả núi, với khí thế như lúc nào cũng hừng hực sức mạnh của gươm sẵn sàng chiến đấu. Vế dưới tả sông với tiếng sóng cuộn như tiếng sát phạt của gió thu. Vế trên biểu dương dũng khí. Vế dưới ca ngợi hướng tác động của dũng khí, nhằm diệt trừ sự bất nghĩa, trái đạo thường.
Bài tạp chí còn nhắc tới chuyện một nhà báo Nhật Bản khi qua thăm Vạn Kiếp đã cảm đề 4 câu thơ, trong đó có 2 câu cuối:
Kiếm khí do kinh Hồ lỗ phách,
Thu thanh túc sát thủy sàn sàn(1)

Tạm dịch:
Hơi kiếm còn làm kinh hoàng bọn giặc man rợ,
Tiếng thu nghiêm khắc tiêu diệt quân thù (trong tiếng) nước ào ào cuộn chảy(2)

Câu thơ trên của một du khách nước ngoài có thể nói đã thích nghĩa rất khéo và rất đúng câu đối nổi tiếng hiện còn ở đền:
“Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh”.

Có thể tạm dịch như sau:
“Vạn Kiếp núi non, chốn chốn toả bừng hơi kiếm,
Lục Đầu sông nước, nơi nơi vang dậy tiếng thu”.

T.T
CHÚ THÍCH
(1) Bài tạp chí ghi: “Thu thanh túc sái”. Chữ Hán phải đọc là “túc sát” (X. Hán Việt từ điển Đào Duy Anh; Hán ngữ từ điển - Thương vụ ấn thư quán Thượng Hải, 1977).
(2) Bản dịch ở bài tạp chí: “Hơi thanh kiếm (của ngài) đủ làm cho giặc Mông Cổ phải kinh hồn mất vía. Tiếng mùa thu vi vút lạnh lùng, nước (Lục Đầu) ào ào dào dạt”. Câu dịch trên không thật sát: “kiếm khí” không phải của riêng Trần Hưng Đạo mà là của mọi núi non vùng Kiếp Bạc. Câu sau dịch: “Tiếng mùa thu vi vút lạnh lùng” không đúng nghĩa với “Thu thanh túc sát”./.