MỘT DÒNG HỌ CÓ 60 NGƯỜI ĐỖ TIẾN SĨ

Đó là dòng họ Đỗ quê gốc ở thôn Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo bản Tông phả họ Đỗ do Đỗ Thiện Chính Hoàng giáp khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659) đời Lê Thần Tông làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Công, khi về trí sĩ biên soạn từ khởi tổ đến đời thứ 11, sau đó con cháu biên soạn tiếp đến đời thứ 13, vào khoảng giữa thế kỷ 18(1) thì tổ họ Đỗ chỉ biết từ đời Đỗ Cảnh Thạc là một trong 12 Sứ quân thế kỷ thứ 10. Đời Lý, đời Trần đều có người làm quan to trong triều như Đỗ Tử Bình chức Trung thư môn hạ, Đỗ Tử Kiến, Đỗ Thiên Độc là Thị giảng, Đỗ Lễ làm Đại tướng, Đỗ Nguyên Thạc làm Dực thánh thủy quân, Đỗ Tỉnh làm Thượng thư bộ Hộ v.v... Khi nhà Minh xâm lược nước ta, dòng họ Đỗ chạy sang đất Lào, về sau có ông Đỗ Phú về Thanh Hóa, tương truyền là nhờ đem mả bố táng ở đất Lam Kinh nên từ đó về sau phát triển. Con ông Đỗ Phú là Đỗ Viên Thịnh mang gia quyến về sống ổn định ở làng Biện Thượng, được coi là tổ đời thứ nhất họ Đỗ ở Biện Thượng (còn gọi là Bồng Thượng).
Nhà thờ họ Đỗ: Bồng Trung, Vĩnh Tân, Vĩnh lộc, Thanh Hóa đón nhận bằng Di tích lịch sử do Nhà Nước phong tặng ngày 17/1/AL (23/02/2008)
Dòng họ Đỗ có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt cao. TheoTông phả kể cả những người ở quê và những người đã di cư đi ở quê vợ, quê mẹ tính ra từ đời thứ 5 đến đời thứ 12 trong thời đại nhà Lê - Mạc từ 1463 đến 1733 tức là trong vòng 270 năm dòng họ này đã có 60 người đỗ đại khoa. Trong đó có 8 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ (2 Trạng nguyên, 2 Nhất giáp, 3 Bảng nhãn và 1 Thám hoa) 13 người đỗ Hoàng giáp và 39 người đỗ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân.
Khai khoa của dòng họ là Đỗ Hân, con ông tổ thứ tư Đỗ Viên Đạo và bà vợ lẽ là Vũ Thị Tăng quê ở xã Cao Ly, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Đỗ Hân ở quê mẹ đi thi đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4 (1463) làm quan Tả thị lang. Em cùng cha khác mẹ với Đỗ Hân là Đỗ Nhuận ở quê mẹ xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) đi thi Hội đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466). Đỗ Nhuận là người thông minh hiếu học, đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư, Đông các đại học sĩ. Ông là người nổi tiếng giỏi văn thơ, đã được vua Lê Thánh Tông phong làm Tao đàn Phó nguyên soái, vào cung dạy Hòang tử. Ông sáng tác nhiều bài thơ hoạ thơ của vua, được in trong các tập Anh hoa hiếu trị, Quỳnh uyển cửu ca và tham gia biên sọan Thiên Nam dư hạ tậ theo lệnh của vua Lê Thánh Tông.
Sau đó còn có 10 người nữa cùng đỗ trong đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức - thời kỳ thịnh trị nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam, như Đỗ Thuần Nhân, tam giáp Tiến sĩ năm 1472, Đỗ Vinh, tam giáp Tiến sĩ năm 1475, Đỗ Toàn nhị giáp Tiến sĩ năm 1475, Đỗ Bá Linh tam giáp Tiến sĩ năm 1481, Đỗ Duy Kiểm nhị giáp tiến sĩ năm 1490, Đỗ Công Cẩn tam giáp Tiến sĩ năm 1490, Đỗ Nhân Cương nhị giáp Tiến sĩ năm 1493, Đỗ Toại tam giáp Tiến sĩ năm 1496, Đỗ Hoằng tam giáp Tiến sĩ năm 1496, Đỗ Túc Khang tam giáp Tiến sĩ năm 1496.
Trong số 10 người đỗ đời Hồng Đức, đáng chú ý có Đỗ Nhân Cương tức Đỗ Nhạc là con trai ông tổ đời thứ 6 là Đỗ Viên Tể và vợ là Nguyễn Thị Đài quê xã Lại ốc, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Ông Nhạc ở quê mẹ đi thi, 20 tuổi đỗ Hoàng giáp, làm quan tới chức Hộ bộ Thượng thư, Đô ngự sử, Đông các đại học sĩ nhập thị Kinh diên. Con trai ông Đỗ Nhạc là Đỗ Tổng đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu nhà Mạc, niên hiệu Minh Đức thứ 2 (1529), làm quan tới Hình bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ. Em ruột Đỗ Tổng là Đỗ Tấn đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1535, em Đỗ Tấn là Đỗ Trực cũng đỗ nhị giáp Tiến sĩ năm 1580.
Đời vua Lê Hiến Tông niên hiệu Cảnh Thống có 6 người đỗ đại khoa, đáng chú ý nhất có Đỗ Lý Khiêm là con trai thứ tư chi thứ là Đỗ Viên Đức lấy vợ họ Vũ quê ở xã Ngoại Lãng huyện Thư Trì (Thái Bình). Đỗ Lý Khiêm ở quê mẹ đi thi đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Mùi Cảnh Thống thứ 2 (1499), làm quan tới chức Đô ngự sử, làm Chánh sứ sang sứ nhà Minh. Em Đỗ Lý Khiêm là Đỗ Huỳnh đỗ Hội nguyên năm Đoan Khánh thứ 4 (1508). Cùng đỗ niên hiệu Đoan Khánh còn có 3 người nữa là Đỗ Bá Huân tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Hoàng (Miện) tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Văn Trung tam giáp Tiến sĩ năm 1505. Có hai người đỗ trong đời vua Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) là Đỗ Cảnh nhị giáp Tiến sĩ là con ông tổ đời thứ 7 theo cha đi du học lấy vợ quê ở Quỳnh Phụ Thái Bình rồi ở đấy, và Đỗ Văn Hãng con ông tổ đời thứ 5 là Viên Phúc làm quan võ ở trong cung vua lấy vợ người xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, ông Hãng ở quê mẹ.
Đời vua Quang Thiệu có hai người đỗ là Đỗ Văn Quýnh là con trai thư ba tổ đời thứ 5 chi trưởng là Đỗ Viên Ngạn. Tông phả viết: “Văn Quýnh bản tính kiêu ngạo, du học ở Kinh đô thường gặp khách hồng nhan, lấy người họ Đỗ quê ở xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng trấn Kinh Bắc, ở quê vợ đi thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1520, và Đỗ Dương “có tài văn chương nổi tiếng ở đời, nhân học ở Kinh thành lấy Vũ Thị Chi quê ở xã Quảng Bị xứ Hải Dương, ở quê vợ đi thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1518”... Em Đỗ Dương là Đỗ Tam Cương đỗ tam giáp Tiến sĩ đời Thống Nguyên năm 1523.
Trong thời nhà Mạc có 11 người đỗ, trừ 3 anh em Đỗ Tổng đã ghi ở trên, còn 8 người có Đỗ Uông là con trai cả Đỗ Viên Trinh đời thứ 7 chi trưởng ở quê mẹ xã Đoan Lâm (Hải Dương) đi thi đỗ Bảng nhãn niên hiệu Quang Bảo thứ 2 (1556) làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư, chú con bà vợ lẽ của ông là Đỗ Hiểu ở quê mẹ đỗ tam giáp Tiến sĩ năm Sùng Khang thứ 9 (1574) trú tại trại Ngọc Hà (Hà Nội). Em Đỗ Uông con ông chú là Đỗ Phi Tán ở quê vợ xã Cổ Đôi (Thanh Hóa) đỗ tam giáp năm Quảng Hòa thứ 4 (1544), làm quan tới chức Thượng thư, Thiếu bảo. Trong họ còn có Đỗ An là con ông tổ đời thứ 5 chi thứ là Đỗ Văn Lan chức Thượng tướng Thiêm sự, nhân khi Đỗ An đến làng Lại ốc viếng đền Trạng nguyên Đỗ Tông bị Mạc Đăng Dung giết, đã lấy vợ ở đấy rồi đi thi đỗ nhị giáp Tiến sĩ năm Sùng Khang thứ 3 (1568).
Còn 22 người đều đỗ đại khoa thời Lê Trịnh, đáng chú ý có một số người đỗ cao như Đỗ Tất Đại, đỗ đệ nhất giáp chế khoa năm Thuận Bình thứ 6 (1556) làm quan Đông các đại học sĩ. Đại là con của Đỗ Phi Tán (làm quan với nhà Mạc). Em Đại là Đỗ Tế Mỹ cũng đỗ đệ nhất giáp Chế khoa năm Chính Trị thứ 8 (1565) làm quan tới chức Thượng thư. Con Đỗ Tế Mỹ là Đỗ Công Liêm đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1670, làm Giám sát ngự sử. Không chỉ đỗ cao mà gia đình Đỗ Phi Tán đã có 4 người đỗ. Một gia đình 3 cha con đều đỗ Tiến sĩ là Đỗ Văn Tổng con bà vợ lẽ của Tả đô đốc Khương hầu Đỗ Viên Khang. Ông Tổng ở quê mẹ xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1640, làm Hình bộ Tả thị lang. Con trai cả là Đỗ Văn Luân 26 tuổi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1659, làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo, con trai thứ là Đỗ Công Toản đỗ tam giám Tiến sĩ năm 1683, làm Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam. Một nhà hai cha con đều đỗ Tiến sĩ như Đỗ Công Bật, con ông tổ đời thứ 8 chi trưởng là Thượng tướng đô đốc Đỗ Viên Thành Đỗ Công Bật học ở Kinh đô, lấy vợ ở huyện Gia Lâm, ở quê vợ đi thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1685, con trai là Đỗ Công Đĩnh đỗ Hội nguyên năm 1760.
Một số người đỗ cao như Đỗ Huy Kỳ đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1731, đi sứ nhà Thanh. Đỗ Công Trấn là con thứ ba ông tổ đời thứ 10, thuở nhỏ đi chơi bị người họ Vũ bắt cóc về xã Quách Thư, huyện Thanh Oai, đổi họ Vũ đi thi đỗ Bảng nhãn khoa Đông các năm 1728, làm quan tới chức Thượng thư bộ Binh, Bồi tụng.
Không thể kể hết tên 60 người trong bài viết này, nhưng có thể nói đây là một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa nhất ở nước ta. Bản Tông phả là kỳ công sưu tầm của Hoàng giáp Đỗ Thiện Chính, có thời gian dài làm quan ở Thăng Long và đã từng đi nhiều nơi tìm hiểu về dòng họ của mình. Đây là một quyển Tộc phả có giá trị.
Sau đây là bảng danh sách tổng hợp những người đỗ Tiến sĩ của họ Đỗ từ năm 1463 đến năm 1733.
CHÚ THÍCH
(1). Bản dịch của Giáo sư Nguyễn Đình San (Cháu ngoại trong dòng họ Đỗ)
(2) Nay là phường Quan Hoa và phường Yên Hòa quận Cầu Giấy, Hà Nội.