MỘT HỒN THƠ ĐẸP XUYÊN SUỐT THẾ KỶ

Tiến Sĩ Đinh Công Vỹ

Tiến Sĩ Đinh Công Vỹ

Kể từ ngày văn tinh giáng thế năm 1916 tới nay là vừa tròn 100 mùa xuân. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ngân Giang vào năm 2016 này, chúng ta càng nhớ tới một “nữ hoàng Đường thi Việt Nam” với một hồn thơ đẹp, đã gieo châu ngọc trên nền thơ Việt Nam suốt 86 mùa xuân ở phần lớn thế kỷ XX xuyên qua một phần đầu của thế kỷ XXI.

          Đến nay Ngân Giang không chỉ còn là trong tiếng vọng mà ngày càng lộng lẫy trước mắt chúng ta, càng lộng lẫy càng gợi bao điều suy nghĩ. Phải chăng vấn đề khoa học, vấn đề nghệ thuật gắn với thi tài của nữ sĩ phải sáng tỏ hơn nữa để học tập? Với một con người xứng đáng như thế phải chăng có thể đặt tên cho đường phố, cho trường học hay công trình văn hóa? Phải chăng thơ của nữ sĩ phải có kế hoạch tổng kết, in ấn xứng đáng hơn nữa? Vậy nên, vấn đề Ngân Giang nếu chỉ đóng khung trong các hội thơ, đêm thơ như trước, dù đã làm được một số hiệu quả nhưng đã xứng tầm chưa? Có một cuộc Hội thảo về thơ Ngân Giang vào năm 2006, cách đây 10 năm làm rất linh đình tại Văn Miếu Quốc Tử Giám  thu được tới gần 60 tham luận của nhiều nhà văn, nhà thơ, các giáo sư, tiến sĩ khoa học nhưng cho đến nay 10 năm rồi mà vẫn chưa in được tập kỷ yếu xứng đáng cho Hội thảo ấy. Vấn đề  tôn vinh thực tế cho nữ sĩ chưa mảy may làm được. Rút kinh nghiệm trên hẳn đến điểm đỉnh của bách niên sẽ tốt hơn, không chỉ vang bóng một  thời?
          Hội thảo, kỷ niệm, luận bàn về thơ bà, người ta có thể bàn về những cống hiến cũng như hạn chế của bà với cách mạng với kháng chiến chống Pháp, vấn đề hôn nhân và thái độ chính trị… có thể nâng bà lên hoặc gây cho bà nhiều thiệt thòi, tương tự với hoàn cảnh mà không ít văn nghệ sĩ đã trải nghiệm. Những điều đó không phải là không quan trọng. Nhưng để cho Ngân Giang bất tử chính là ở giá trị thơ ca của bà, những cống hiến cho nền thơ ca Việt Nam đương đại. Điều này mới cần lưu ý hơn.
          Một trong những cống hiến lớn của bà là với Đường thi. Nói đến vấn đề này hẳn cũng nên nhắc lại lời tường thuật của nữ sĩ Ngân Giang trong một bài viết rất hay của nhà văn Hoàng Quốc Hải với nhan đề “Bên đỉnh trầm phiếm  đàm với Ngân Giang nữ sĩ” trong tác phẩm “Kẻ sĩ trước thời cuộc”… “Nhớ cuộc tranh luận ầm ĩ về thơ cũ, thơ mới. Các nhà thơ mới lớn tiếng mạt sát thơ luật Đường. Nào “gò bó”, nào “trói voi bỏ rọ”, nào “cổ hủ”. Vũ Hoàng Chương cũng thuộc phái thơ mới, nhưng anh giữ thái độ im lặng. Bữa nọ, nhân ngồi uống trà trong phòng thơ của tôi, tôi hỏi nhỏ Vũ Hoàng:
          - Ý anh về thơ cũ thế nào?
          Anh nheo mắt cười rất hóm hỉnh rồi bảo:
          - Ngân Giang cứ viết cho thật hay vào. Đừng câu nệ hình thức. Nhất là đừng để ý chuyện cãi cọ vặt ấy làm gì. Họ không làm được “Đường”, họ chỉ nấu “kẹo” thôi, nên nói nhảm”.
          Ngân Giang không những “làm được” mà còn làm thật hay thể thơ Trung Quốc đã Việt hóa, thành tài sản riêng của dân tộc ta ấy. Trước sự toàn thắng của thơ tự do vào những năm 1932-1938, thơ Đường luật như ngọn lửa yếu đi nhưng không tắt hẳn mà vẫn le lói chờ dịp để sẽ bùng lên. Riêng nữ sĩ Ngân Giang ngọn lửa Đường Thi vẫn cháy rực nồng nàn, lộng lẫy. Ở thời đi lên, thịnh vượng của thơ mới, những bài thơ của bà “đã lấy lại hào quang một thuở” cho thơ Đường Luật. Những bài thơ ấy đã làm xao động văn đàn một thời. Sức hấp dẫn, sự sáng trong của nó được mọi người thừa nhận: Nhà văn Thẩm Thệ Hà đã phát hiện: “Trong lúc các tân thi nhân đã chiếm được cả địa vị ưu tú trong làng thơ – giăng cả một vùng trời tinh tú – thì có một ngôi sao kỳ diệu lạ thường, bừng lên giữa muôn vàn tia sáng. Đó là ngôi sao Ngân Giang nữ sĩ. Ngôi sao ấy tràn ngập niềm tự tin, gan góc đi ngược lại cả một phong trào thơ gọi là mới.
          “Những ai qua xứ trăng vàng cũ
          Có thấy muôn hương dậy trái mùa”.
          Đi ngược lại mà sau này nhà phê bình Thượng Sĩ vẫn nói với nhà báo Bùi Việt Tân ở Sài Gòn rằng : “Ngân Giang là một trong những nữ sĩ tiền chiến được coi là nữ hoàng của đường thi Việt Nam “. Niềm quang vinh ấy ngày càng tỏ rõ: qua bài thơ “Vịnh Kiều” lúc 9 tuổi, qua tác phẩm “Giọt lệ xuân” năm 16 tuổi được báo chí và dư luận ca ngợi qua bài thơ “Mây trắng” năm 20 tuổi được Vũ Hoàng Chương hâm mộ, qua bài thơ “Vương Tường” được Nguyễn Tuân say mê. Danh sĩ uyên bác Trúc khê, người từng họa thơ Đường luật với bà đã khẳng định: “Ngân Giang là cây bút có khả năng về Đường thi và có nhiều hứa hẹn với tương lai văn học”.
          Văn đàn quả có rất nhiều xao động nhưng hai tiếng “Nữ hoàng” xứng đáng thật sự, được thừa nhận phải kể từ bài thơ “Trưng Nữ Vương” và tiếp sau là tập “Tiếng  vọng sông ngân”. Những cảm hứng về các danh nhân hay địa danh lịch sử từng được nữ sĩ nhiều lần đề cập ở nhiều bài thơ, tạo nên âm hưởng “bi” hay “hùng” trong thơ. Nhưng không gì xúc động cảm khái như bài Trưng Nữ Vương. Phạm Hồ Thu trong báo “Phụ nữ thủ đô” thừa nhận: Cho đến nay gần 20 thế kỷ, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 sau Công nguyên đã có nhiều nhà thơ viết về chiến công huyền thoại này nhưng Trưng Nữ Vương của Ngân Giang nữ sĩ là bài thơ hay nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam viết về nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc. Cái thành công đầu tiên của bài thơ là tác giả đã vượt lên trên tầm kể lịch sử, đứng cao hơn vừng hào quang đế vương sùng tín để phát hiện ra tâm trạng đời thường của người phụ nữ ẩn mình trong áo hoàng bào. Phải có cái khổ về mình, tác giả mới khắc họa được thành công cái khổ của riêng nhân vật với nhiều tâm sự lớn ấy. Thành công nữa là để có hình tượng cổ kính về nhân vật của năm 40 Sau Công nguyên, Ngân Giang không thể không dùng thơ Đường Luật để phả vào đấy cái không khí cổ xưa trang trọng mà vẫn bi thiết. Đường luật nổi bật ở thể đối, thường là 2 cặp đối ở thất ngôn bát cú, hay một cặp đối hãn hữu hơn ở tứ tuyệt. Còn đây là nhiều cặp đối (trừ 2 câu đầu và  2 câu cuối). Nhiều cặp tiểu đối trong bài làm sức nặng âm hưởng câu thơ càng vang vọng nổi bật cái oai phong lẫm liệt cửa Trưng Nữ Vương, cái chiến công hào hùng thuở đó và ngược lại càng thấm sâu mãi cái tâm trạng cô đơn lạnh lẽo của Trưng Vương vào người đọc suốt từ năm 1939 đến nay và tập trung như thần hiện, đầy chất nữ, đầy tâm trạng là ở 4 câu thơ hay nhất cuối cùng. Sức mạnh lạ kỳ của nó đã tạo nên cái chết bất tử có một không hai trong lịch sử thơ ca của nhà thơ Đông Hồ về sau. Bài thơ này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái hùng cao thượng với cái bi cao thượng nhưng cuối cùng là bơ vơ, lẻ loi nổi bật cái bi hơn. Giáo sư Nguyễn Đình Chú trong bài “Nữ sĩ Ngân Giang giữa nền thơ  Đường luật Việt Nam thế kỷ XX” cho rằng “thơ hay trước hết phải chân thật. Theo quy luật tự nhiên trong cuộc sống con người, buồn bao giờ cũng thật hơn vui”. Ông kể lại lời Viên Mai ở Trung Hoa xưa: “Khi trong lòng có điều uất phả  ra thành lời ấy là văn chương”, hay lời Etgapo (Mỹ): “giọng điệu buồn là giọng điệu thích hợp với thơ”. Đã một thời ng ười ta bắt văn thơ cứ phải lạc quan, nên thơ văn buồn là bị quy chụp. Nhưng phần lớn những áng thơ buồn xưa nay sức sống mạnh hơn.Thơ Ngân Giang rơi vào trường hợp này. Trong thơ bà có nhiều lá rơi, như thận phận rơi rụng của người phụ nữ sắc tài bạc mệnh. Mà thật ra không thế, nếu cuộc đời chiều chuộng liệu có một nữ sĩ bất tử như bà hay không?
          Năm 1944, tập thơ “Tiếng vọng sông Ngân” ra đời. Với “Tiếng vọng sông Ngân” và bút danh Ngân Giang xuất hiện mới thực sự có việc đưa  nữ sĩ lên vị trí những người được yêu thích nhất trên thi đàn Việt Nam bây giờ. Ngân Giang được mọi người thừa nhận: “Sắc tài dậy khắp giang sơn một thì”.
          Sau năm 1945 và thời đầu chống Pháp, Ngân Giang hoạt động trong Hội phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu, làm ở phòng khách sảnh trung ương. Bà đã cứu nhạc sĩ Đỗ Nhuận khỏi cái chết trong tay bọn tướng Tầu Lư Hán và chuyển 30 tấn gạo từ Bắc Giang về Hà Nội để tiếp cho bộ đội chống Pháp. Đó là giai đoạn rất đắc ý của đời bà:
          “Tướng phủ thơ từng treo giải nhất
          Non hồng sáng mãi một dòng Ngân”
          Ngân Giang càng nổi tiếng với bài thơ thêu trên tấm vóc đại hồng dâng lên Hồ Chủ tịch. Bà thành người phụ nữ đầu tiên được cụ Hồ đề thơ khen ngợi:
          “Mấy lời cảm tạ Ngân Giang
          Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”
          Cũng vào buổi thịnh mãn ấy, bài “Xuân chiến đia” của bà ra đời năm 1946, ý kiến nhiều người cho rằng đó là một trong những bài thơ hay nhất của nền thơ ca cách mạng thời kháng Pháp. Nó động viên không ít thanh niên trong những ngày dầu tiên Nam bộ kháng chiến chống Pháp và chuẩn bị toàn quốc kháng chiến. Có chuyện một bà gặp lại Ngân Giang cám ơn vì nhờ bài thơ đó mà bà yên tâm để chồng vào đoàn quân Nam tiến. Đúng là “Câu thơ đã chuyển cả sơn hà” nói như Ngân Giang.
          Ý kiến nhiều người khen nhưng chưa hết những ý kiến khác: Như ở bài “Bên đỉnh trầm phiếm đàm với Ngân Giang nữ sĩ” nhà văn Hoàng Quốc Hải có thuật lại việc nhà thơ Vũ Hoàng Chương dặn dò cân nhắc. Anh nói rất nhỏ: “Có phải Ngân Giang viết bài Xuân chiến địa không?”, tôi gật và anh chỉ nói thêm một câu rất ngắn. Rồi anh xin tôi đừng giận… Bà Ngân Giang kể: Điều anh nhận xét về Xuân chiến địa thì phải đến non nửa thế kỷ sau tôi mới thấy anh có lý. Và sau đó bà kể thêm số phận bi hài của bài thơ. Có người như nhà thơ Đặng Hiển trong bài “Tâm trạng cá thể trong thơ Đường luật Ngân Giang” cho rằng: “Bài Xuân chiến địa thắm tình nhưng lãng mạn quá, thơ mộng quá như phủ một màn trướng văn hóa tráng sĩ xưa lên cuộc chiến và người chiến sĩ”.
          Thơ nổi tiếng càng nhiều ý kiến, có “tương phản: mới dẫn đến tương thành. Nhiều cái khác nhau mới nổi bật, mới thật là sự sống sinh động của một nữ hoàng Đường thi “không thể phủ nhận.
          “Ôi một đời thơ xót Luật Đường” qua 100 năm càng thể hiện Ngân Giang là người đã kế thừa một cách tài hoa dòng thơ cổ điển cuộn chẩy từ Sở từ, Đường thi, Tống từ, Phú… Trung hoa đến nền văn học bác học và dân gian Việt Nam. Có như thế, bà mới có những tác phẩm có sức rung chuyển, có vị trí như trên. Cùng với Đường thi là chủ yếu, bà còn là cây bút đầy tài hoa về thơ lục bát, thơ tự do và làm phú rất tài tình. Bà là một trong 5 nhà thơ nữ nổi tiếng nhất trước Cách mạng tháng 8 (Ngân Giang, Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ,  Mộng Tuyết), vẫn tiếp tục sáng tác gần hết hay xuyên suốt thế kỷ XX sang thế kỷ XXI. Riêng Ngân Giang có số lượng thơ đồ sộ nhất (4000 bài) mà trong đó đã công bố 9 tập, có nhiều bài được ca ngợi nhất. Bản thân bà có nhiều chuyện hấp dẫn giới văn nghệ nhất. Cho nên, Ngân Giang xứng được nằm trong “Tự điển” của Viện Văn học… bà đáng được giới văn thơ trong và ngoài nước ngưỡng vọng. Thường có thư tín trong nước cũng như thế giới vượt đại dương đến với nữ sĩ ở bãi Nghĩa Dũng. Bãi này và quê cha đất mẹ Hướng Dương, Tử Dương cũng vì Ngân Giang mà bất tử, trở nên hình ảnh hấp dẫn trong thơ văn.
          Đáng chú ý là: Ngân Giang không những là nữ h oàng Đường thi đã viết những vần thơ đẹp. Bà còn là người: “Tóc buông suôi, má hoa đào” sắc đẹp lẫy lừng. Trong “Chuyện về nữ sĩ Ngân Giang”, Nguyễn Văn Huy ca ngợi bà là người đẹp như Vương Chiêu Quân, có “đôi mắt sáng tựa sao khuê”. Lê Đoàn nguyên là thủy thủ cũng say đắm “Đôi mắt mênh mang tình biển cả” ấy. Sắc đẹp, thơ hay, có công như thế, lại đàn giỏi, thêu thùa khéo. Gia chánh đảm đang, từng đấu cờ tướng được với Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tuân… ở thế kỷ này kiếm người như thế quả là hiếm, làm sao ngày ấy lại cứ “mưa vùi gió dập một đời hoa” chưa được tôn vinh xứng đáng? Phải chăng bà vẫn cứ phải “Tài mệnh tương đố” đến tận hôm nay như Nguyễn Du từng bàn ?
          Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ngân Giang, chúng ta càng thấy rõ: Sông Ngân không thể để lạnh đôi bờ mãi. Trước mặt chúng ta vẫn là cả một dải sông trời lấp lánh, dải sông  vắt giữa 2 thế kỷ và hẳn rằng còn dài ra mãi, sáng ra mãi  qua thử thách, sàng lọc của thời gian?
 
`
Tiến Sĩ  Đinh Công Vỹ