NÉT "VĂN" KHUÊ VĂN CÁC

Theo Kinh dịch, những con số lẻ (1,3,5,7,9) thuộc về dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở và phát triển. Khuê Văn Các có 8 mái là bát quái, có thêm một nóc ở trên là 9. Số 9 là cửu trù, số cực dương. “Khuê Văn” theo cách lý giải truyền thống về thiên thể thì Khuê là tên một ngôi sao trong chòm 28 sao sắp xếp giống hình chữ Văn (của chữ Hán). Trong sách Hiếu kinh có ghi: “Khuê chủ văn chương”- tức Khuê tượng trưng cho Văn Chương. Về sau người ta còn coi “Khuê” là người đứng đầu của quan văn.


_____________________________________________




Nét "văn" Khuê Văn Các


 

Phạm Duy Trưởng

Khuê Văn Các là công trình kiến trúc nằm trong tổng thể khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ở phía Nam thành Thăng Long. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám, mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi không gian được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học.

Kiến trúc quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: Phạm Duy Trưởng)

Khuê Văn Các là cổng thứ ba của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho xây dựng vào năm 1805. Khuê Văn Các được ví như một viên ngọc trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và gần đây đã được chọn làm biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Ban đầu Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho xây dựng Khuê Văn Các hoàn toàn bằng gỗ, quy cách thanh thoát, rộng, đẹp, xứng đáng là một nét điểm tô của cố đô Thăng Long nghìn năm văn hiến. Công trình được làm xong tháng 7 năm Gia Long thứ 4 (8-1805). Đến khoảng niên hiệu Minh Mệnh, Tổng đốc Đặng Văn Hòa nhận thấy cột gỗ dễ bị mối mọt đã cho thay như hiện nay. Phần mái của Khuê Văn Các cũng được ông cho lợp lại bằng ngói ống. Khuê Văn Các là một lầu vuông 8 mái, mỗi bề có chiều dài là 6,8m, kiểu dáng kiến trúc khá độc đáo, dựng trên 4 trụ gạch. Khuê Văn Các (gác Khuê Văn) được làm bằng gỗ 2 tầng, mái lợp ngói ống, trang trí 4 góc bằng các biểu tượng với chất liệu là đất nung. Sàn gỗ có chừa một lối để bắc thang lên gác. Bốn cạnh có diềm gỗ chạm trổ tinh vi, xung quanh là lan can con tiện. Bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ tròn, xung quanh có những thanh gỗ con tiện tỏa ra tượng trưng cho các tia sáng của sao Khuê. Trên gác treo biển sơn son thiếp vàng đề ba chữ “Khuê Văn Các”. Mỗi mặt tường gỗ phía trong Khuê Văn Các đều chạm một đôi câu đối chữ Hán, thiếp vàng như sau:
1-Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển/Bích thủy xuân thâm đạo mạch trường.
2-Hy triều phấn sức long văn trị / Kiệt các trên tàng tập đại quan.
3-Thành lâm Bắc đẩu hồi nguyên khí / Nguyệt tế thu đàm chiếu cổ tâm.
4-Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ / Văn hiến thiên thu lễ nghĩa bang.
Tạm dịch nghĩa như sau:
1-Sao Khuê trời sáng văn minh rộng / Sông Bích xuân sâu mạch đạo dài.
2-Triều ta tô điểm nhiều văn trị / Gác đẹp văn hay đón khách xem.
3-Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt / Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa.
4-Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến / Phủ đồ thư một mối thánh hiền.




Khuê văn các - Thiên quang tỉnh,
nơi giao hoà của đất, trời (Ảnh: Phạm Duy Trưởng)
Về ý nghĩa các phần kiến trúc và tên đặt của Khuê Văn Các có thể hiểu như sau: Theo Kinh dịch, những con số lẻ (1,3,5,7,9) thuộc về dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở và phát triển. Khuê Văn Các có 8 mái là bát quái, có thêm một nóc ở trên là 9. Số 9 là cửu trù, số cực dương. “Khuê Văn” theo cách lý giải truyền thống về thiên thể thì Khuê là tên một ngôi sao trong chòm 28 sao sắp xếp giống hình chữ Văn (của chữ Hán). Trong sách Hiếu kinh có ghi: “Khuê chủ văn chương”- tức Khuê tượng trưng cho Văn Chương. Về sau người ta còn coi “Khuê” là người đứng đầu của quan văn. Khuê Văn Các cùng với hai cửa phụ là Bí Văn và Súc Văn ở bức tường tiếp giáp với khu vực giếng Thiên Quang và bia Tiến sĩ. Bí Văn, với ý nói văn chương trau chuốt sáng sủa, có sức truyền cảm thuyết phục lòng người. Súc Văn, với ý nói văn chương hàm súc phong phú, có khả năng nuôi dưỡng vẻ đẹp của tâm hồn. Những kiến trúc này xinh xắn, giản dị, tao nhã, cùng với những cây cổ thụ in bóng xuống giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh, còn được gọi là Văn Trì) cũng tạo nên bức tranh đầy ý nghĩa. Thiên quang là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng là có ý rằng con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ để soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Người xưa có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này.
PDT

Author: Phạm Duy Trưởng