NẾU THEO BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ VŨ BÌNH LỤC THÌ TRẬN BẠCH ĐẰNG NĂM 938 CHỈ LÀ MỘT TRẬN "NỘI CHIẾN"

Nhà văn Vũ Bình Lục có bài "AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ TRIỆU VŨ ĐẾ, NÊN THỜ AI?". Chúng tôi có một số ý kiến sau.

Tượng Triệu Đà tại huyện Chính Định, địa cấp thị Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc; ảnh: Wikipedia

Bài tác giả Vũ Bình Lục viết phần tường thuật lại khá dài và mất nhiều công viết xoay quanh vấn đề thờ cúng Triệu Đà.
Nhưng mấu chốt là thế giới quan nhìn nhận của nhà sử học: 
- Những người đề cao thuyết Thiên mệnh của Nho giáo (cho rằng ngôi vị là do "Trời định", ai xưng đế ở vùng đất nào thì nghiễm nhiên được coi là vua, nắm giữ "Thiên Mệnh" của vùng đất đó, bất kể xuất thân thuộc dân tộc nào) h
 sẽ nhìn nhận Triệu Đà là vua Việt Nam, đây là cách nhìn của nhiều sử gia Việt Nam thời phong kiến. 
- Ngược lại, những nhà sử học có tư duy biện chứng về quốc gia - dân tộc, coi trọng nguồn gốc xuất thân, tính dân tộc của người cầm đầu chính quyền, bản chất của bộ máy quan lại nước Nam Việt (hầu hết quan lại Nam Việt là người Trung Hoa, còn người Việt là dân bị trị) và không công nhận thuyết "Thiên Mệnh" thì sẽ coi Triệu Đà là triều đại xâm chiếm của phương Bắc, đây là cách nhìn của các sử gia thời hiện đại.
Các tài liệu lịch sử của nhà Triệu cho thấy đến cuối đời, Triệu Đà đã quyết định bỏ việc xưng Đế, quy phục nhà Hán. Triệu Đà viết thư nhờ Lục Giả gửi cho vua Hán, trong thư Triệu Đà đã công nhận rằng mình là người Trung Hoa và nhà Triệu chỉ là chư hầu phục vụ cho nhà Hán, thay mặt vua Hán để cai trị phía Nam, bản thân ông ta cũng chỉ coi những thần dân người Việt là đám "Man Di" mà thôi chứ không coi họ ngang hàng với dân Trung Hoa.

1-Ca ngợi Triệu Đà là họ đã hiểu lầm ý nghĩa tên nước "Nam Việt" mà Triệu Đà đặt, họ cho rằng Triệu Đà đặt tên nước như vậy chứng tỏ ông ta đã tự coi mình là người Việt và muốn đưa dân tộc Việt ngang hàng với dân tộc Hán. Thực ra thì không phải như vậy: các triều đại tại Trung Quốc thường lấy quốc hiệu theo nơi phát tích ban đầu của vua khai quốc (ví dụ: Nhà Tần có tổ tiên là Phi Tử được phong cho ấp Tần, Nhà Hán khởi đầu với Lưu Bang vốn được phong làm vương ở đất Hán Trung, Nhà Đường khởi đầu với Lý Uyên vốn được phong làm quốc công ở đất Đường...). Vào thời kỳ Triệu Đà, các vùng đất ở phía Nam sông Trường Giang đều được người Trung Hoa gọi là "đất Việt" (Việt ở đây là "vượt quá", chỉ miền đất mà văn hóa Trung Hoa chưa vươn tới). Do Triệu Đà khởi binh cát cứ ở đó nên ông ta cứ theo truyền thống của Trung Hoa mà đặt tên nước là "Nam Việt" mà thôi, chứ hoàn toàn không phải vì quan tâm đến các bộ tộc người Việt mà ông ta cai trị.

2-Trong lịch sử Trung Quốc không thiếu những giai đoạn hỗn loạn, khi triều đình trung ương suy yếu thì các tướng lĩnh đua nhau tách ra cát cứ, lập nước riêng để tranh giành địa vị bá chủ. Nếu chỉ vì lý do "xưng Đế ở phương Nam" mà công nhận Triệu Đà thì Việt Nam sẽ còn phải công nhận rất nhiều vua cát cứ Trung Hoa khác. Có thể dẫn ra 2 nước cát cứ có nguồn gốc, lãnh thổ giống hệt như nhà Triệu:
Nước Đông Ngô của Tôn Quyền (thời Tam Quốc): Nước này có hoàn cảnh rất giống nước Nam Việt của Triệu Đà, quân chủ khai quốc đều từng là quan lại của triều đình Trung Quốc, khi triều đình trung ương sụp đổ thì mới tách ra cát cứ, chống đối lại triều đình mới ở phương Bắc. Lãnh thổ của Đông Ngô cũng khá giống nước Nam Việt, đều thu về góc phía Nam và bao gồm cả miền Bắc Việt Nam hiện nay. Do vậy, nếu công nhận Triệu Đà là vua của Việt Nam thì cũng phải công nhận Tôn Quyền là vua chính thống của Việt Nam, đồng thời khởi nghĩa của Bà Triệu (năm 248) cũng sẽ không còn là "kháng chiến chống giặc phương Bắc" nữa mà sẽ là một cuộc "nổi loạn chống lại vua chính thống của nước Việt".
Ngoài ra, nước Nam Hán của Lưu Nghiễm (thời Ngũ đại thập quốc): Nước này cũng có xuất thân giống Triệu Đà. Lưu Nghiễm là quan của nhà Đường, sau khi nhà Đường diệt vong thì tách ra cát cứ vào năm 917). Lãnh thổ Nam Hán có 1 giai đoạn (930-931) cũng giống hệt nước Nam Việt của Triệu Đà: gồm 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay, kinh đô cũng đóng ở Phiên Ngung. Thậm chí khi mới lập quốc, Lưu Nghiễm còn đặt tên nước là Đại Việt (大越), về sau mới đổi lại thành Nam Hán. Như vậy, nước Nam Hán có nguồn gốc, lãnh thổ hoàn toàn giống như Triệu Đà khi trước (đến năm 931 thì Nam Hán mới bị mất kiểm soát miền bắc Việt Nam và bị Ngô Quyền đánh bại trong trận Bạch Đằng (938)). Vì lẽ đó, nếu công nhận Triệu Đà là vua Việt Nam thì sử sách Việt Nam cũng phải công nhận nước Nam Hán là triều đại của Việt Nam, Lưu Nghiễm là vua chính thống của Việt Nam, Ngô Quyền sẽ chẳng phải là "vị tướng có công chống giặc phương Bắc" mà sẽ phải coi ông là một "viên tướng khởi binh chống lại triều đình", đồng thời trận Bạch Đằng (938) sẽ chỉ được coi là 1 cuộc "nội chiến" mà thôi.
Đặt giả định nếu nhà Tần không mất thì Triệu Đà sẽ không tách ra cát cứ, và cũng sẽ chẳng có nước Nam Việt mà đó chỉ là một quận của Trung Hoa mà thôi. Vai trò của Triệu Đà khi ấy sẽ chẳng khác gì những viên quan Thái thú triều đình phía Bắc khác đã cai trị Việt Nam suốt thời Bắc thuộc.
3-Những nhà sử học có tư duy biện chứng về quốc gia - dân tộc, bản chất của bộ máy quan lại nước Nam Việt (hầu hết quan lại Nam Việt là người Trung Hoa, còn người Việt là dân bị trị) và không công nhận thuyết "Thiên Mệnh" thì sẽ coi Triệu Đà là triều đại xâm chiếm của phương Bắc, đây là cách nhìn của các sử gia thời hiện đại. Theo khảo sát dân số thì cuối thời Nam Việt, cả nước ta có 1,3 triệu dân, trong đó có khoảng 100 ngàn người Hoa di cư từ phía Bắc. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng người Trung Hoa nắm giữ hầu hết chức vụ chủ chốt trong triều đình Nam Việt. Về sau triều đình có tuyển thêm người bản xứ, nhưng con số này vẫn rất ít, và cũng chỉ tuyển những người tinh thông chữ Hoa, biết nói tiếng Hoa (tức là đã "Hán hóa") mà thôi. Như vậy cho thấy nhà Triệu vẫn coi mình là triều đại của người Trung Hoa, không coi người Việt có tư cách ngang hàng với người Trung Hoa.
4-Lời bình của Ngô Thì Sĩ về Triệu Đà:
"Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Lưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy...
Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả thôi. Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng."
Giáo sư sử học Phan Huy Lê, trong lời giới thiệu cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư xuất bản năm 2000 cho rằng. Việc Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên coi nhà Triệu là một vương triều chính thống của Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng. Ông khẳng định Nam Việt là một nước cát cứ của một tập đoàn phong kiến, không phải là nước của người Việt Nam. Nhưng nhiều sử gia phong kiến đã không nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược của nhà Triệu và ngộ nhận coi nhà Triệu là một triều đại của Việt Nam.
Thực ra vấn đề này không mới. Các nhà sử học đã tranh cãi nhau về chủ đề này và đã có kết luận rõ ràng.
Từ khi giành lại quyền tự chủ, nhiều triều đại Việt đề cao vai trò lịch sử của Triệu Đà. Các bộ quốc sử Việt Nam soạn từ nhà Trần cho đến nhà Nguyễn đều chép nhà Triệu là một triều đại chính thống. Nhà Trần phong ông là Khai thiên Thế đạo Thánh vũ Thần triết Hoàng đế. Lỗi này ban đầu là nhà sử học Lê Văn Hưu rồi Ngô Sĩ Liên đưa Triệu Đà vào chính thống như một Quốc triều, so sánh Vũ Đế với các bậc vua hiền thời cổ như Thuấn, Văn Vương làm các thế hệ sau cứ thế theo quan điểm đó.
Quyển thơ sử với đầu đề "Lịch sử nước ta" do Hồ Chí Minh viết tay (Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản năm 1942) cũng đã có đoạn viết:
Triệu Đà là vị hiền quân
Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời.

Điều này cho thấy quan điểm chính thống phổ biến lâu đời.
Mãi đến năm 1679 khi soạn "Lam Sơn Thực Lục" Hồ Sĩ Dương mới viết : "Vũ đế nhà Triệu cùng vua Hán đều tự làm vua nước mình, gồm có đất ở ngoài Ngũ Lĩnh, đóng đô ở Phiên Ngung, thật là vua anh hùng. Thế nhưng chẳng qua cũng là một người Tàu sang cai trị nước ta, chưa được chính thống..." Rồi sau đó đến Ngô Thì Sĩ ...
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945. Đến năm 1960 các nhà sử học tổ chức hội thảo (chúng ta không lạ vì đây là những nhà sử học theo tư duy biện chứng) đều nhất trí coi Triệu Đà là kẻ thù xâm lược.
Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, tập I: Văn học dân gian (1961, PGS. Đỗ Bình Trị):
Thất bại của An Dương Vương do không đề phòng kẻ địch – thậm chí còn tin vào kẻ địch nham hiểm – là mặt thứ hai của bài học giữ nước.
Hiện nay tất cả các nhà nghiên cứu lịch sử chuyên sâu đều cho Triệu Đà là giặc. Vì thế các sách chính thống của nước ta hiện nay đều theo quan điểm này.

Xin nhắc lại câu nói của Giáo sư sử học Đào Duy Anh:
"Nhà Triệu không phải là quốc triều, Triệu Đà chỉ là một tên giặc cướp nước, quan niệm của Lê Văn Hưu là quan niệm lịch sử phản dân tộc!"
Phạm Duy Trưởng
---
Sau đây là bài của nhà văn Vũ Bình Lục:

AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ TRIỆU VŨ ĐẾ, 
NÊN THỜ AI ?

Chúng ta thường nói: Nước ta có lịch sử lâu dài, hơn bốn ngàn năm. Nói thế là đúng, nếu như cộng các đời vua Hùng hơn 2000 năm với các triều đại tiếp theo đến ngày nay, hơn 2000 năm nữa, mặc dù dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, nghĩa là phụ thuộc người phương Bắc, bị Bắc triều đô hộ. Phần đông dân ta chỉ là nghe nói thế thôi, nên nhiều người còn nửa tin nửa ngờ, đơn giản vì lịch sử nước ta hồi ấy có thấy chính sử ghi chép kỹ càng gì lắm đâu? Khoảng hơn hai ngàn năm qua các đời vua Hùng, nếu “chia chác” chi ly ra thì phải là nhiều hơn 18 đời như ngày nay ta vẫn nói thế. Gạt bỏ những lớp vỏ huyền tích rêu phong mờ ảo xa xưa, nếu tính từ vua Hùng thứ nhất là con trai của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, cháu nội Kinh Dương Vương, thì các đời vua Hùng quả thật có hơn hai ngàn năm lịch sử. Đọc bài Đại Việt thông giám tổng luận của quan Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu tri Kinh diên sự là Đôn thư bá Lê Tung (Tên thật là Dương Bang Bản, quê Hà Nam) viết, thì các đời vua Hùng được ghi như sau:
“Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ, để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến, con cháu nối dòng đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, năm trải hơn 2000 năm; buộc nút dây mà làm chính trị, dân không thói gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy. Đến vua sau (tức vua cuối cùng) đức kém, lười chính sự, bỏ việc vũ bị không sửa, ham mê tửu sắc làm vui, binh nước Thục vừa đến thì quốc thống mất”.
Thế là Thục Phán, hậu duệ của nước Thục (ở khoảng Tứ Xuyên Trung Quốc bây giờ) đã đem quân xâm chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương, rồi hợp nhất bộ tộc Tây Âu của ông ta với tộc Lạc Việt của Hùng Vương, thành bộ tộc Âu Lạc, rồi lên làm vua, xưng là An Dương Vương, chuyển đô từ Bạch Hạc xuống Phong Khê, xây thành ốc Cổ Loa, nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Cũng cần nói thêm rằng: Tổ tiên của Thục Phán, tức nước Thục đã bị nhà Tần diệt từ năm 316 tr.cn. Con cháu nhà Thục sống sót chạy xuống phương Nam, nương náu ở vùng núi Cao Bằng, một phần xuống đến tỉnh Yên Bái của nước ta bây giờ. Thục Phán là người nước Thục, chiếm nước của vua Hùng, làm vua được 50 năm, sau bị Triệu Đà diệt. Về nhân vật Thục Phán (An Dương Vương), bài Tổng luận của sử thần Lê Tung (Dương Bang Bản) viết:
“An Dương Vương, phía Tây thì dời sang Ba Thục, phía Nam thì diệt vua Hùng Vương, đóng đô ở Loa Thành, giữ nước Âu Lạc, nhờ được nỏ móng rùa, đánh lui quân nhà Tần, quen mui đánh được, yên vui sinh kiêu, quân Triệu (Đà) đến đánh mà cõi bờ không thể giữ”. 
Tóm tắt thế thôi, chứ thực ra thì An Dương Vương Thục Phán cuối đời bê tha hưởng lạc, lại thêm kiêu căng hồ đồ. Ông ấy đã nghe lời dèm pha của bọn gian thần, giết các Lạc Hầu Lạc Tướng trung thành như Nồi Hầu, Đinh Toán…Ngay cả bậc lão trượng, đệ nhất công thần giúp An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa, chế Nỏ Thần, là tướng quân Cao Lỗ (quê xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh bây giờ) cũng bị nghi oan mà phải chết, đời sau tôn làm Cao Lỗ Vương. An Dương Vương mới chính là kẻ làm mất nước vậy ! Sử nước ta không có lời nào khen ngợi ông vua người nước Thục này.
Về nhà Triệu, cũng bài Đại Việt thông giám tổng luận của Lê Tung nói trên ghi:
“Triệu Vũ Đế nhân loạn nhà Tần, chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, đóng đô ở Phiên Ngung (thuộc tỉnh Quảng Đông bây giờ-VBL), cùng với Hán Cao Tổ (Lưu Bang-VBL) đều làm đế một phương, có lòng nhân thương dân, có mưu trí giữ nước, vũ công khiến Tàm Tùng (tên vua nước Thục ngày xưa, sau xưng là Thục Vương, dạy dân trồng dâu nuôi tằm) phải kinh sợ, văn giáo khiến Tượng Quận được chấn hưng; lấy thi thư mà biến đổi tục nước, lấy nhân nghĩa mà cố kết lòng người; dạy dân cày trồng, nước giàu binh mạnh. Đến như các việc sai sứ (sang nhà Hán-VBL) thì lời rất khiêm tốn, Nam Bắc giao hoan, thiên hạ vô sự, hưởng nước hơn trăm năm, đáng là bậc vua anh hùng tài lược. Văn Vương (con Trọng Thuỷ-VBL) là đích tôn của Vũ Đế nối giữ nghiệp cũ, phàm các chế độ điển chương, hết thảy đều tuân theo phép cũ của vua trước, lấy nghĩa mà cảm nước láng giềng, đánh lui quân địch, giữ yên biên cương, cũng là bậc vua nối nghiệp giữ nền vậy!”…
Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế, tổ tiên là người Chân Định, Trung Quốc. Ông ấy nhân loạn nhà Tần mà chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, tức bao gồm phần đất đai của người Bách Việt (hàng trăm tộc Việt), thuộc phía nam núi Ngũ Lĩnh, xưa gọi là đất Lĩnh Ngoại (ngoài Ngũ Lĩnh), tức các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, đến bán đảo Hải Nam của Trung Quốc bây giờ. Hàng trăm tộc Việt (Bách Việt), mà Triệu Vũ Đế cai quản, trong đó có người Việt của nước ta bây giờ, gọi chung là nước Nam Việt. Triệu Đà lãnh đạo dân Bách Việt, chống nhau với nhà Hán, giữ vững nền độc lập, các cụ ta xưa tôn vinh Triệu Vũ Đế là người dựng nước độc lập đầu tiên là có lý do lịch sử của nó. 
Triệu Đà tuy gốc ở Chân Định, nhưng cả đời ông ấy sống với người Việt, lấy vợ Việt, con cháu nối tiếp nhau là sự hoà hợp của hai dòng máu. Làm Hoàng đế một phương, chắc Triệu Vũ Đế không chỉ có một bà vợ. Nhưng Triệu Đà có một bà vợ họ Trình, lập làm hoàng hậu, quê huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bây giờ. Đền thờ Triệu Vũ Đế ở Kiến Xương vẫn còn đó. Hằng năm, vào ngày 1.4 (Âm lịch), dân địa phương vẫn tổ chức lễ hội để tuởng nhớ công lao của Triệu Vũ Đế. Nước Đại Việt ta sau này, hồi ấy chỉ là một quận (Giao Chỉ) của nước Nam Việt mà thôi. Triệu Vũ Đế làm vua 71 năm, hưởng thọ 121 tuổi. 
Nhà Triệu bị nhà Hán thôn tính, nước Nam Việt trở thành đất đai của nhà Hán. Năm 40 sau công nguyên, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị khỏi nghĩa giành độc lập. Về sự kiện này, bài Tổng luận của Lê Tung chép:
“Kịp đến Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng dũng lược, căm giận về chính lệnh hà ngược của Tô Định (Thái thú quận Giao Chỉ-VBL), hăng hái đem người các bộ, nổi quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng, cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại (tức đất đai Nam Việt cũ thời nhà Triệu-VBL), thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu. Song vì trời không giúp họ Lạc, nên quân nhà Hán sang lấn, nếu bấy giờ có vua anh hùng tài lược, thì nhà Hán đâu dám nhòm ngó đến đèo Mai Lĩnh”.
Bàn về sự thất bại của Hai Bà Trưng, các sử gia ngày trước bình luận ở hai điểm chủ yếu. Thứ nhất là đèo Mai Lĩnh trước đó đã bị nhà Hán chiếm mất. Đây chính là con đèo rất hiểm trở, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, là cửa ngõ mà nhà Hán có thể nhòm ngó xuống nước Nam Việt của ta. Mất đèo Mai Lĩnh thì Hai Bà Trưng khó có thể giữ được thành quả chiến đấu của mình. Thứ hai là vua đàn bà, không thực sự có tài thao lược lớn, nên mới mau chóng bị thua. Nguyễn Trãi có hơn ba năm phiêu dạt bên Tàu, chưa rõ vì lý do gì, nhưng ông cũng đã từng qua con đèo Mai Lĩnh, còn có tên khác là đèo Đại Dũ này. Ông viết: “Đi hết Mai quan mà không thấy cây mai nào cả”… Đèo này, Tể tướng nhà Đường là Trương Cửu Linh, đồng thời là một nhà thơ lớn, cho mở mang rộng rãi, rồi trồng rất nhiều cây mai, nên mới có tên là đèo Mai Lĩnh, cũng là biên giới giữa nhà Hán và Nam Việt của ta trước đó. Trong 65 thành mà hai Bà Trưng chiếm lại, chủ yếu nằm trên đất Luỡng Quảng của Trung Quốc ngày nay. Hiện đền thờ Hai Bà Trưng rải rác khắp mọi nơi bên đất Lưỡng Quảng, biểu thị niềm tôn kính của nhân dân Bách Việt đối với sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng. Ngay như ở thời Quang Trung Hoàng đế nước Đại Việt thế kỷ 18, cũng đã có chủ trương đòi lại Lưỡng Quảng bằng ngoại giao và thậm chí, bằng cả võ lực nếu cần thiết, bởi đất ấy là đất đai của người Nam Việt xưa kia. Chỉ tiếc rằng Nguyễn Huệ chẳng may mất sớm, sự nghiệp to lớn của ông còn dở dang. Thêm nữa, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế (1802). Vài năm sau (1804), Nguyễn Ánh cử sứ đoàn sang nhà Thanh, trong đó có việc đề nghị nhà Thanh cho đặt tên nước ta là nước Nam Việt. Có lẽ vì việc này liên quan đến tên nước thời Triệu Vũ Đế, nên nhà Thanh không chấp nhận, cho đổi thành Việt Nam như ngày nay. 
Vậy, xem xét công nghiệp của hai ông Thục Phán An Dương Vương và Triệu Vũ Đế, ai hơn? Chẳng cần phải bàn luận chi nhiều, cũng đã thấy rõ. Chúng tôi nêu thêm một số căn cứ để minh hoạ thêm về sự nghiệp dựng nước của Triệu Vũ Đế để bạn đọc cùng tham khảo.
1.Về sự thật được ghi trong chính sử nước ta.
- Thục An Dương Vương thuộc dòng dõi nước Thục bên Tàu. Ông ta cũng là một tay dũng lược, làm thủ lĩnh bộ tộc Tây Âu, nhiều năm đánh nhau với vua Hùng. Con rể vua Hùng là Nguyễn Tuấn (tức Tản Viên) đánh nhau với Thục Phán nhiều trận. Vua Hùng suy yếu rồi mất nước. Thục Phán cai trị nước Văn Lang 50 năm. Sử ta không thấy câu nào khen ngợi công nghiệp của An Dương Vương cả.
- Triệu Vũ Đế, tổ tiên cũng là người Hán, nhưng ông ấy đã sống với người Việt, đã thành người Việt (Việt hoá), lấy vợ Việt, thụ hưởng văn hoá thuần phác của các tộc Việt ở phương Nam, lập ra nước Nam Việt, lãnh đạo người Bách Việt chống nhau với nhà Hán, khôn khéo lấy sách lược “Nội cương ngoại nhu”, bảo vệ được đất nước, tồn tại mạnh mẽ tới hơn trăm năm. Đến đời chắt của Triệu Đà (Ai Vương) thì suy yếu, lại thêm Hoàng hậu họ Cù là người Hán mưu toan dâng nước Nam Việt cho nhà Hán, nên Tể tướng Lữ Gia dù cố gắng mấy cũng không bảo toàn được Nam Việt. Công lao dựng nước của Triệu Vũ Đế được chính sử nước ta hết lời ca ngợi, xem ông là vị vua dựng nước đầu tiên (theo chính sử).
2. Nước Nam Việt trong văn chương:
Chỉ nêu vài ví dụ: Diễn ca của các cụ ta xưa về cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng có câu: “Đô thành đóng cõi Mê Linh / Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”... Ghi việc Hai Bà Trưng đã giải phóng toàn bộ đất đai của người Bách Việt, gồm Quảng Đông, Quảng Tây đến bán đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày nay, chứ không phải chỉ có đất đai của nước Đại Việt sau này (Đời Hậu Lý – 1009-1226- mới có quốc hiệu Đại Việt). Phần lớn đền thờ Hai Bà Trưng là ở Lưỡng Quảng của Trung Quốc bây giờ.
Đời Trần (1226-1400), Trương Thiếu Bảo (Trương Hán Siêu) có bài BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ nổi tiếng, đoạn mở đầu, Trương Hán Siêu viết rằng ông đã học theo Tử Trường (Tư Mã Thiên) cái thú thích tiêu dao, rằng ông cũng đã từng đi chơi khắp đó đây, “Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt / Nơi có người đi đâu mà chẳng biết”, rồi ông lại “Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều / Đến sông Bạch Đằng thuyền bơi một chèo / Bát ngát sóng kình muôn dặm / Thướt tha đuôi trĩ một màu / Nước trời một sắc / Phong cảnh ba thu”... Đó không chỉ là một cuộc du chơi trong văn chương có tính ước lệ, mà còn dựa trên những cơ sở hiện thực lịch sử, rằng đó là vùng đất, là quê hương muôn đời của người Bách Việt. Khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi rằng nếu chẳng may ngài mất đi, giặc phương Bắc lại sang lấn cướp thì kế sách giữ nước như thế nào. Hưng Đạo Vương nói rằng: “Ngày xưa, Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh thì nhân dân làm kế thanh dã (Kế “vườn không nhà trống”) rồi đem đại quân từ Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường sa, dùng đoản binh úp đằng sau, đó là một thời”!...
Ở đời Hậu Trần, ông Nguyễn Mộng Trang làm chức Nội mật viện sứ đời Trần Giản Định, có bài thơ ĐỀ TÂY ĐÔ THÀNH, trong đó có câu “Chỉ vì nhà Nhuận Hồ bỏ bê đức chính / Đừng nói rằng nước Nam Việt thiếu khí anh linh” (Chỉ thị Nhuận Hồ hoang đức chính / Hưu ngôn Nam Việt phạp anh linh). Nước Nam Việt mà Nguyễn Mộng Trang nói đây, chính là nước Nam Việt của ta thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) đấy !
Thế kỷ 15, Nguyễn Trãi viết trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO như thế này: “Như nước đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc Nam cũng khác (Bắc: chỉ Trung Quốc; Nam, chỉ phương Nam, tức Nam Việt xưa). Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương / Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau / Song hào kiệt đời nào cũng có!” (Duy ngã Đại Việt chi quốc / Thực vi văn hiến chi bang / Sơn xuyên chi phong vực ký thù / Nam Bắc chi phong tục diệc dị / Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc / Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương / Tuy cường nhược thời hữu bất đồng / Nhi hào kiệt thế vị thường phạp). Thế nghĩa là Nguyễn Trãi vẫn tôn trọng lịch sử, nói đúng sự thật lịch sử. Sách giáo khoa của ta khoảng vài chục năm trước vẫn in đầy đủ bản Đại cáo bình Ngô có chữ TRIỆU, đối với chữ HÁN ở câu sau, nhưng Giáo sư Bùi Văn Nguyên lại chú thích: “Có lẽ Nguyễn Trãi nhầm”. Thật là lửng lơ quá. Nguyễn Trãi quyết không nhầm. Chỉ có con cháu đời sau là nhầm lẫn mà thôi ! Sách giáo khoa Trung học phổ thông khoảng mấy năm trước, vẫn in đầy đủ theo nguyên tác, nghĩa là có chữ “Triệu”, nhưng lờ đi không chú thích gì nữa. Chúng tôi hiểu sự bế tắc này có căn nguyên ở đâu, nên phần nào thông cảm với các nhà làm sách giáo khoa. Tuy nhiên, lịch sử thì không thể có sự “thông cảm” được. Sinh thời, nhà văn Ngô Tất Tố cũng đã viết: “Nước Nam ta làm gì có An Dương Vương?” ! Thủ đô Hà Nội của chúng ta, trước năm 1954, còn có tên đường mang tên Triệu Vũ Đế và Tể tướng Lữ Gia của nhà Triệu đấy !

2.Trong đời sống tâm linh của nhân dân ta:
- Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì hầu hết các bi ký, ngọc phả, thần phả ở các đền miếu hai bên bờ sông Đà, đều thờ các vị tướng của vua Hùng chống giặc Thục (Phán).
- Tài liệu khảo sát mới công bố gần đây của tác giả Phạm Quý Mùi trên tạp chí Xưa&Nay, số 426, tháng 4-2014 cho hay: Trong tổng số 15 ngôi đình đền được khảo sát ở tỉnh Hải Dương, cụ thể như sau: Có 1 đền thờ vua Hùng Duệ Vương ở Cẩm Giàng. 1 đền thờ cũng ở Cẩm Giàng thờ tướng giúp vua Hùng đánh Triệu Đà (Tôi nghĩ là tướng của Thục An Dương Vương thì đúng hơn. Làm gì còn tướng của vua Hùng khi Thục Phán đã diệt vua Hùng từ mấy chục năm trước?). Hai ngôi đền ở huyện Chí Linh thờ Cao Lỗ Vương, người chỉ đạo xây Loa Thành và chế máy bắn tên hàng loạt, mỗi lần bắn ra diệt hàng trăm địch, truyền thuyết cho đó là Nỏ Thần). Riêng bia đình thôn Lễ Quán (Nay thuộc thành phố Hải Dương) thì thờ An Dương Vương, vì đây là địa phương mà An Dương Vương khi bị Triệu Đà truy đuổi chạy qua đây, có để lại 200 lạng bạc và dặn dân làm đền thờ sau khi ông ta bỏ nước chạy ra biển tự tử. Số còn lại gồm 10 ngồi đình đền ở các huyện Gia Lộc, Chí Linh, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang…đều thờ các tướng của vua Hùng đánh nhau với giặc Thục (Thục Phán). Chỉ cần nhìn vào con số thống kê trên đây ở tỉnh Hải Dương thôi, chúng ta đã thấy rõ lòng dân đối với An Dương Vương như thế nào. Trong đời sống tâm linh, An Dương Vương đối với nhân dân nước ta chưa có gì đáng kể, lý do là vì ông ta cướp nước Văn Lang của vua Hùng. Năm mươi năm cai trị của An Dương, chưa nói lên được điều gì lớn đối với dân ta, ngoài công lao chế tác vũ khí và xây thành ốc của tướng quân Cao Lỗ, còn lại, chỉ là những kỷ niệm đau buồn. Trên khắp nước Đại Việt ta, theo chỗ chúng tôi được biết, không ở đâu có lễ hội tưởng nhớ An Dương Vương cả. 
Nhưng đến khi Triệu Vũ Đế thôn tính được An Dương Vương, thì dân ta lại được hưởng thái bình thịnh trị hàng trăm năm, đặc biệt là không bị Hán hoá, không bị Trung Quốc đồng hoá, cho dù ta chỉ là một phần của cộng đồng các dân tộc Bách Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, tức nước Nam Việt mà thôi. Ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hàng năm vẫn có lễ hội tưởng nhớ công lao của Triệu Vũ Đế. 
Sử ta từ khi được chép vào sách vở, đều xem Triệu Vũ Đế là vị vua dựng nước đầu tiên. Các đời vua Hùng Vương lập nước, tồn tại khoảng hơn 2000 năm, sau bị Thục Phán đánh bại, chính sử không thấy chép kỹ càng, Đại Việt sử ký toàn thư chép ở phần “ngoại kỷ”, tức là theo truyền thuyết mà chép đại khái thế thôi. Trong khi đó, nhà Triệu được chép trang trọng vào phần “bản kỷ”, được thừa nhận là triều đại dựng nước đầu tiên. Thời các vua Hùng Vương, nước ta có chữ viết hay chưa? Có thể tin là đã có chữ viết, ví như “hoả tự” (chữ hình ngọn lửa) ngày nay đang được nghiên cứu. cho rằng đó là chữ viết của người Việt cổ. Sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, chữ viết của người Việt cổ dần bị bọn xâm lược Bắc triều tiêu huỷ, đến nỗi mất cả tăm tích, thay thế bằng chữ Hán từ thời Sĩ Nhiếp (Sĩ Vương) đô hộ. Tuy nhiên, những chứng tích vật thể còn tồn tại đến bây giờ, ví như trống đồng Đông Sơn chẳng hạn, đã cho thấy trình độ văn minh của người Việt đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ như thế nào. Một dân tộc đã làm ra trống đồng tinh vi như thế, lại hàm ẩn trong các họa tiết hoa văn chạm khắc đến mức tuyệt vời bề sâu văn hoá và tâm hồn của một dân tộc, không thể nói là không có hoặc chưa có chữ viết! Chữ Hán được sử dụng làm văn tự chính thống ở nước ta, đến khi có chữ Quốc ngữ ra đời…Nhà Minh đánh bại nhà Hồ (1407), Minh Thành Tổ ra lệnh cho các tướng nhà Minh phải triệt để tiêu hủy nền văn hóa của nước ta. Sau đó, hắn còn chỉ thị (bí mật) cho viên tướng kế nhiệm Trương Phụ tiếp tục tiêu hủy đến cùng văn hóa nước ta, từ sách vở đến bia ký. Những tác phẩm văn hóa nghệ thuật quan trọng do cha ông ta sáng tạo, chúng cướp đoạt đem về Trung Quốc. Tội ác của chúng trời không dung đất không tha, quỷ thần đều căm giận. 
3. Vậy sai lầm bắt đầu từ đâu?
Đây là lời của quan Tham tụng Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ thiếu bảo, Yên quận công Phạm Công Trứ viết trong bài (tựa) cuốn ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN, năm Ất Tỵ 1665: “...Hãy thử xét xem. Ngày xưa Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu là Lê Văn Hưu vâng mệnh Trần Thái Tông chép bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ bắt đầu từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng và sử quan Phan Phu Tiên vâng mệnh Nhân Tông của bản triều (tức triều Hậu Lê) chép nối bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ từ Trần Thái Tông đến khi người Minh trở về nước, nghĩa lớn khen chê đã rành rành ở lời công luận của bút chép sử. ...Vào khoảng năm Hồng Đức thứ 10 (1479) sai Lễ bộ tả thị lang kiêm Quốc tử giám tư nghiệp Ngô Sĩ Liên biên soạn bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ . Tiếp đến Tương Dực Đế năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) sai Binh bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám tư nghiệp kiêm sử quan đô tổng tài là Vũ Quỳnh biên soạn bộ ĐẠI VIỆT SỬ THÔNG GIÁM, chép từ Hồng Bàng Thị đến 12 sứ quân, tách làm “ngoại kỷ”, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm đầu Thái Tổ cao hoàng đế bản triều mới lại định thiên hạ làm “bản kỷ”...Đến năm Hồng Thuận thứ 6 (1514) lại sai Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám Tế tửu tri Kinh diên sự là Đôn thư bá Lê Tung soạn bài ĐẠI VIỆT THÔNG GIÁM TỔNG LUẬN...”. Trong bài PHÀM LỆ VỀ VIỆC BIÊN SOẠN SÁCH “ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ”, tác giả viết : “Sách này làm ra, gốc ở hai bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, tham khảo với Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại, rồi khảo đính biên chép mà thành. Chép bắt đầu từ Ngô Vương, vì Vương là người nước Việt đương lúc Nam Bắc phân tranh đã dẹp loạn dựng nước để nối đại thống với Hùng Vương và Triệu Vũ Đế. (Nay theo BẢN KỶ TOÀN THƯ của Vũ Quỳnh, bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng, là để nêu rõ mối đại thống nhất).
Xem thế đủ biết các cụ ta xưa không hề sai lầm. Các cụ vẫn xem Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) là sự tiếp nối của vua Hùng, chứ không hề nói đến ngài Thục Phán An Dương Vương ! Việc chia ra từng phân khúc, khi xếp vào “ngoại kỷ” hoặc “bản kỷ”, chỉ là để “nêu rõ mối đại thống nhất”, theo thiên kiến của tác giả các bộ sách sử mà thôi. Tuyệt nhiên không có việc phủ định quá khứ oai hùng của Triệu Vũ Đế, như một niềm tự hào vốn đã có từ bao đời, trong lịch sử, trong văn chương, trong đời sống tâm linh của người Bách Việt, kế đó là của người Đại Việt ta!
Chúng ta đã có một thời giáo dục sai lịch sử, chỉ dựa vào một cái truyền thuyết về AN DƯƠNG VƯƠNG, khi cho rằng Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) là giặc, lại còn xem An Dương Vương là ông vua tốt của nước ta, đúc tượng đồng thờ ông ấy ở Cổ Loa, đặt tên đường tên phố ở khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc. Con cháu đời sau cứ thế mà nối tiếp cái sự nhầm lẫn đến tệ hại này. Rồi không biết sẽ còn sai lầm đến đâu nữa. Tôi cho rằng đã đến lúc thẳng thắn nhìn lại lịch sử, viết cho đúng lịch sử, đừng nên làm nó méo mó đi, bởi như thế là bất nhẫn với tiền nhân, có tội với tiền nhân và con cháu chúng ta. Rất mong được các nhà làm sử, dạy sử, các nhà quản lý văn hóa và các cơ quan chức năng kịp thời quan tâm chỉnh sửa sai lầm rất đáng tiếc này.

Hà Nội mùa thu năm 2015
Nhà văn Vũ Bình Lục