NHỮNG SAI SÓT TRONG SÁCH GIÁO KHOA “LỊCH SỬ LỚP 6”

Bài viết của Phạm Trung Đà

Sách Lịch sử lớp 6

Mở cuốn sách giáo khoa “lịch sử lớp 6” của nhà xuất bản Giáo dục (tác giả gồm: 1. Tổng chủ biên: Phan Ngọc Liên, 2. chủ biên: Trương Hữu Quýnh, 3. Đinh Ngọc Bảo và 4. Nguyễn Sĩ Quế), cuốn sách đang được dùng để giảng dạy lịch sử cho học sinh lớp 6, tôi thấy có những điều không ổn.
Xin nói trước luôn rằng, đây là phiên bản xuất bản quý 1 năm 2014. Để chắc chắn, tôi đã ra nhà sách Bộ Giáo dục kiểm tra lại bản mới nộp lưu chiểu quý 3 năm 2017 (tức là bản mới nhất) thì thấy lần tái bản này không có sửa đổi gì, tức là các lỗi “nguyễn y vân”.
Các lỗi trong sách hiện ra theo chiều hướng nặng dần:
1. Về Triệu Đà
Trang 45 lịch sử lớp 6 viết: “Triệu Đà là tướng nhà Tần, được giao cai quản các quận phía bắc Âu Lạc (tương ứng Quảng Đông, Quảng Tây thuộc Trung Quốc ngày nay). Năm 207 TCN, nhân lúc nhà Tần suy yếu, Triệu Đà cắt 3 quận, lập thành nước Nam Việt…”.
Đoạn trên có mấy cái sai:
a. Triệu Đà vốn không được nhà Tần giao quản lý cả mấy quận (mỗi quận của Trung Quốc khi đó là đơn vị hành chính cao nhất, tương đương cấp tỉnh hiện nay). Ông ta vốn chỉ được phong là Huyện lệnh huyện Long Xuyên – một huyện thuộc quận Nam Hải (đơn vị hành chính cấp 2).
b. Triệu Đà “cắt đất 3 quận”. Vì ban đầu không có quyền hành trùm cả 3 quận, Triệu Đà không thể tự mình “cắt 3 quận” để cát cứ. Sự thực là từ chỗ đang là 1 anh quan huyện, nghe theo kế của Nhâm Ngao dặn trước khi mất, Triệu Đà dùng hình pháp giết các trưởng lại do nhà Tần đặt ra, dùng những người đồng đảng để thay thế, rồi chiếm lĩnh cả 3 quận (3 tỉnh) và lập ra nước Nam Việt. 
(nguồn dẫn từ Sử ký Tư Mã Thiên – thiên: Nam Việt úy Đà liệt truyện)
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ta biết thêm rằng trước đó Triệu Đà và Nhâm Ngao được giao cho 50 vạn tội đồ ở phương bắc xuống phía Nam để đóng đồn (chiếm đất mới). Vậy là một viên tướng đang cầm quyền lớn với nhân lực đông đảo, khi xong việc lại bị Tần Thủy Hoàng “ấn” xuống chỉ cho làm quan 1 huyện (chứ không phải 1 quận – tức tỉnh) đã kích động sự bất mãn của Triệu Đà. Thứ nữa, ta thấy rằng ở đây đã xảy ra đổ máu ngay trong quá trình ly khai thành lập nước Nam Việt (không phải cứ thích “cắt quận lập nước” là cắt được), càng rõ về một người không thiếu hùng tâm và dã tâm từ trước khi xâm lược Âu Lạc.
2. Không kể chuyện Trọng Thủy – Mỵ Châu:
Cũng trang 45, sau đoạn: “Triệu Đà… biết không thể đánh bại được quân ta, bèn dùng kế xin hòa và dùng mưu kế chia rẽ nội bộ nước ta”, thì bên dưới là câu hỏi: 
“Theo em, truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy nói lên điều gì?”
Người đọc không hiểu được, cuốn sách không kể chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy nhưng lại đặt câu hỏi cho người học về vấn đề này. Phải chăng các nhà soạn sách cho rằng: ai cũng từng nghe chuyện đó? Bên sách Văn học của các em chăng?
Không thể làm như vậy. Dù trong sách văn học lớp 6 có chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy đi nữa, cần phân biệt rõ chất “Sử” và chất “Văn”. Vai trò nói chuyện lịch sử, trong sách sử không thể bỏ qua không kể, bắt người học phải “đương nhiên biết” (đã ấn tượng học sinh ít và ngại học sử, làm sao đòi hỏi “đương nhiên biết”!). Một khi không muốn dài dòng (xin nói thêm là cuốn sử này quá quá quá sơ lược), thì thà bỏ qua luôn cụm từ Mỵ Châu – Trọng Thủy không nhắc đến.
3. Chức vị của Khúc Thừa Dụ và Độc Cô Tổn:
Khúc Thừa Dụ là người mở đầu cho nền tự chủ của người Việt sau nghìn năm Bắc thuộc (Hà Nội còn nợ ông cái tên phố), Độc Cô Tổn là quan đô hộ cuối cùng của phương Bắc thời đó. Cả hai người đều có chức vụ là Tiết độ sứ.
Trang 71 lịch sử lớp 6 ghi: chức vụ của cả 2 người là “Tiết độ sứ An Nam”!
Xin thưa rằng: tên gọi An Nam, vốn đầy đủ là “An Nam đô hộ phủ” (có từ năm 679), đã chấm dứt từ năm 866. Do đó không có ai mang chức vụ “Tiết độ sứ An Nam” cả. Năm 866 vua Đường đã đổi tên An Nam thành Tĩnh Hải quân.
“Quân” là đơn vị hành chính đương thời của Trung Quốc (tương đương “tỉnh”). Tên gọi Việt Nam từ lúc đó là Tĩnh Hải quân (kéo dài tới năm 968 khi Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt). Chức vụ của viên quan đô hộ Việt Nam lúc đó, đọc theo kiểu Hán là “Tĩnh Hải quân tiết độ sứ”/“Tĩnh Hải tiết độ sứ”, hoặc theo kiểu Việt hóa là Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân”, chứ không phải là “Tiết độ sứ An Nam” như sách giáo khoa đã chép!
Có thể thấy dẫn chứng từ các bộ sử cổ về việc thay đổi tên này: Đại Việt sử lược, quyển 1 và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tiền biên quyển 5, biên niên năm 866) (Đại Việt sử lược được các dịch giả chuyển hẳn sang cách gọi Việt hóa, gọi là “quân Tĩnh Hải”, như “quận Ba Đình”, còn gọi “Tĩnh Hải quân” kiểu Hán cũng như “Ba Đình quận” hiện nay):
4. Khúc Thừa Mỹ được cha cử sang Nam Hán làm gì?
Trang 72 sách lịch sử lớp 6 ghi điều này: “Nhận thấy Nam Hán có ý định xâm lược nước ta, Khúc Hạo gửi con trai mình là Khúc Thừa Mỹ sang làm con tin”
Lỗi này khó chấp nhận nhất. Sự thực là Khúc Hạo cử Khúc Thừa Mỹ đi sứ sang giao hảo với Nam Hán để dò tình hình, chứ không phải làm con tin. Đại Việt sử ký toàn thư, ngoại kỷ quyển 5 và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tiền biên quyển 5 xác nhận điều này.
Đó là sách sử cổ Việt Nam. Sách sử hiện đại của Việt Nam cũng không nói khác, đều xác nhận Khúc Thừa Mỹ đi sứ. Còn sách của phía Trung Quốc là An Nam chí lược, do một người Việt phản quốc là Lê Tắc bỏ nhà Trần chạy theo quân xâm lược Nguyên (Mông), làm quan cho phương Bắc soạn ra, cũng ghi Khúc Thừa Mỹ làm “khuyến hảo sứ” dò xét hư thực (An Nam chí lược, quyển 11)
Vậy là sách bên ta và Tàu đều không nói khác nhau (những trận đánh Tàu thua, sử phương Bắc thường chép khác xa sử ta cho đỡ ngượng, nhưng trường hợp này thì các tài liệu không hề mâu thuẫn rồi). Không rõ các nhà soạn sách giáo khoa nghĩ gì mà bảo Khúc Hạo sợ Nam Hán tới mức phải cho con sang đó làm con tin? Thông tin này phải nói là “bậy bạ”.
Thậm chí, các nhà soạn sách còn “nhấn mạnh” ý này bằng cách đặt câu hỏi (bên dưới) cho học sinh (cũng trang 72 sách lịch sử lớp 6) như thế này:
“Khúc Hạo gửi con trai mình sang nhà Nam Hán làm con tin nhằm mục đích gì?”
Bắt học sinh phải tư duy để trả lời, rõ ràng là muốn học sinh phải nhớ thông tin bậy bạ này, chứ không phải coi là thông tin thoảng qua. Như vậy đây không phải là một sự nhầm lẫn do không được rà soát kỹ, mà có vẻ như một dấu ấn của các soạn giả, là “điểm mới của phiên bản sách giáo khoa lịch sử này”, vì nó được nhắc tới 2 lần!
Các nhà soạn sách đã căn cứ vào đâu?? Không thể hiểu được. Đã phải đưa con tin thì “vị thế” của người cha (Khúc Hạo) bị hạ thấp. Các nhà soạn sách có hiểu điều này không hay là hiểu mà vẫn làm?
Nên nhớ rằng Khúc Hạo là người con kế vị Khúc Thừa Dụ, được đời sau truy tôn là Khúc Trung chủ (như một vị vua chúa), được coi là nhà cải cách đầu tiên ở Việt Nam và đã được đặt tên phố ở trung tâm Hà Nội từ rất lâu. Không thể tự dưng dựng chuyện không hề có căn cứ để hạ thấp ông được.
Cảm giác của tôi là kinh ngạc và thất vọng, nhất là với lỗi thứ tư. Xin các phụ huynh có con học lớp 6 hãy cẩn trọng với cuốn sách giáo khoa này.
Thêm một lần nữa, xin nhấn mạnh rằng: đến sách giáo khoa còn cứ sai như vậy, thì đừng trách học sinh học dốt sử. Phương pháp dạy mới ở đâu chưa rõ, nhưng các em có học dốt sử thì đó không phải lỗi của các em, mà lỗi từ các thày soạn sách và những người chịu trách nhiệm xuất bản ra những cuốn sách giáo khoa lịch sử nhiều lỗi như cuốn “lịch sử lớp 6” này!
PTĐ