NHỮNG ĐIỀU CẦN HIỂU LẠI VỀ THÀNH SƠN TÂY

Cái tên “Điện Kính Thiên” là tên chỉ có duy nhất ở thành Hà Nội, cái tên này còn có cả một chiều dài lịch sử gắn liền với Hoàng Thành Thăng Long cổ kính, gắn liền với lịch sử Việt Nam. Lấy tên Điện Kính Thiên gọi thay cho hành cung thành Sơn Tây là rất không hợp! Gây ra ấn tượng xấu cho khách mỗi khi đến tham quan Thành Sơn Tây.
 

Những điều cần hiểu lại về thành Sơn Tây


 
Phạm Duy Trưởng

Gọi là Thành Cổ Sơn Tây, nhưng chỉ mới kiến tạo gần 200 năm, thành Sơn Tây là tòa thành trẻ nhất so với các tòa thành khác ở nước ta. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3  nhà Nguyễn (1822). Năm 1994 thành Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Kiến trúc Quốc gia. Năm 2009, UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định cải tạo, chỉnh trang và phục dựng lại một số di tích. Hiện nay, thành Sơn Tây là địa điểm độc đáo thu hút khách tham quan  và được xem như là biểu tượng của thị xã. Nghĩ đến Sơn Tây người ta thường nghĩ ngay đến Thành Cổ Sơn Tây.



Thế nhưng hiện nay một số điều về tòa thành này lại chưa được hiểu đúng. Một số điều hiểu chưa đúng đã được tác giả Đỗ Tiến Bảng viết trong bài “Một vài ý kiến về cuốn SƠN TÂY –THÀNH PHỐ XỨ ĐOÀI” (đăng trên tập san Văn nghệ Xứ Đoài, số 3-2012, trang 84-85). Ở đây tôi xin đề cập thêm ba vấn đề: 1- “Điện Kính Thiên” hay Hành cung - thành Sơn Tây; 2- Bức ảnh ( chụp năm 1884) cổng phía Tây hay là cổng phía Bắc của thành Sơn Tây; 3- Giải thích tên gọi các cổng thành.
Tháng 05 năm 2013, đoàn các bậc cao niên, thuộc trường Sư Phạm Bưởi (đã nghỉ hưu) lên du lịch Sơn Tây. Khi vào tham quan thành Sơn Tây (hôm đó tôi có mặt trong đoàn vì muốn chụp mấy kiểu ảnh lưu niệm). Lúc đến tòa nhà được ghi là “Điện Kính Thiên”, nhiều người trong đoàn thắc mắc: Lạ nhỉ? Ở thành Sơn Tây cũng có Điện Kính Thiên. Khi  vào bên trong tòa nhà, tôi đọc thuyết minh một số bức ảnh của Charles Edouard Hocquard (một bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp). Tôi thấy bức ảnh cổng phía Bắc thành lại được ghi là cổng phía Tây. Khi đoàn ra tham quan cổng phía Nam, người thuyết minh nói cổng này sở dĩ được gọi là Cửa Tiền vì tòa thành này xây dựng vào thời nhà Nguyễn, mà Nhà Vua thì lại ở Huế (phía Nam) nên phải quay mặt chầu về Nhà Vua, vì vậy cổng phía Nam cũng là Cửa Tiền. Khi đó có người trong đoàn hỏi: “ Những công trình kiến trúc cổ như: Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, được xây dựng trước thời nhà Nguyễn, cửa tiền cũng ở phía Nam thì được giải thích thế nào?” Cô thuyết minh lễ phép thưa: “Ở đó thì cháu không biết ạ”!

 
1. Điện Kính Thiên hay là Hành cung - thành Sơn Tây?

Chúng ta ngược dòng lịch sử theo các thư tịch cổ. Lý Thái Tổ dời kinh đô đến Đại La đổi gọi là Thăng Long. Năm Canh Tuất (1010) tháng 7 nhà vua cho dựng điện Càn Nguyên trên núi Nùng cũng gọi là núi Long Đỗ, làm nơi coi chầu. Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí”, “Địa chí Thăng Long”, “Hồn sử Việt” thì truyền thuyết kể rằng: Cao Biền đắp La thành, thấy một người trong đám mây ngũ sắc có ý muốn trấn áp. Đêm nằm mơ thấy người ấy xưng là thần Long Đỗ. Cao Biền đem búa đồng chôn để yểm, đêm sau mưa gió, sáng dậy thấy búa đồng bị đánh tan thành cát bụi. Biền sợ, lập đền thờ thần Long Đỗ. Vậy lấy Càn Nguyên đặt tên cho điện coi chầu, Lý Thái Tổ đã chọn đúng trung tâm của trời đất đặt ngai vàng để trị nước. Đến đời nhà Trần, trong 30 năm kháng chiến chống quân Nguyên, cung điện bị tàn phá, sau chiến thắng xây dựng lại nên đổi điện Càn Nguyên thành điện Thiên An.
Đến nhà Hậu Lê, sau khi đánh tan quân Minh dành lại được độc lập, cung điện lại cũng bị tàn phá, nên khi xây dựng lại Lê Lợi cho đổi thành điện Kính Thiên. Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên - Thiên An thời Lý, Trần
Đến thời Lê Trung Hưng thế kỷ 18, Lê Qúy Đôn viết trong Kiến Văn Tiểu Lục: " Điện Kính Thiên trước làm nơi vua thị triều. Từ đời Trung Hưng trở đi ở đây đặt bài vị thờ Trời Đất nên thị triều ở cửa điện Kính Thiên…”
Theo “Đại Nam Thực Lục” (quyển III, tờ 91)  Năm Nhâm Tuất (1802), “Gia Long ra Thăng Long, ngự điện Kính Thiên do nhà Lê dựng, bầy tôi chầu mừng”. Nhà Nguyễn dùng điện Kính Thiên làm Hành cung, vẫn gọi theo tên cũ. Theo “Đại Nam Thực Lục” (quyển XXIII, tờ 412) Thiệu Trị đổi tên điện Kinh Thiên gọi là Hành cung Long Thiên.
Ngay từ năm 1802, khi vua Gia Long lên ngôi. Điện Kính Thiên đã phải đổi thành Hành cung Kính Thiên, và sau đó đến đời Thiệu Trị lại đổi thành Hành cung Long Thiên. Còn ở Kinh đô Huế, cung điện được coi là trung tâm của đất nước, lại có cái tên khác, Điện Thái Hòa. Thành Sơn Tây được kiến tạo vào năm 1822 (Minh Mạng thứ 3 triều Nguyễn), không lẽ nào nhà Nguyễn lại cho đặt hành cung của một chấn là Điện Kính Thiên? Theo quy định ghi trong “Đại Nam hội điển sự lệ” Trong thành Sơn Tây còn có hành cung để vua ở trong những dịp về thám sát vùng này. Chính bia “Sơn Tây hành cung trùng tu” lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu 15562, cũng đã nói rõ vấn đề này.
Đến đây chúng ta khẳng định cái tên “Điện Kính Thiên” là tên chỉ có duy nhất ở thành Hà Nội, cái tên này còn có cả một  chiều dài lịch sử gắn liền với Hoàng Thành Thăng Long cổ kính, gắn liền với lịch sử Việt Nam. Lấy tên Điện Kính Thiên gọi thay cho hành cung thành Sơn Tây là rất không hợp! Gây ra ấn tượng xấu cho khách mỗi khi đến tham quan Thành Cổ Sơn Tây.

2. Bức ảnh (chụp năm 1884) cổng phía Tây hay là cổng phía Bắc của thành Sơn Tây?
 
 
Cửa Hậu thành Sơn Tây được nhà nhiếp ảnh Vũ Đình Tuệ chụp trước khi bị phá
 
Bức ảnh đang trưng bày bên trong tòa nhà Hành cung thành Sơn Tây, và được chú là: Cổng phía Tây (cửa Hữu) của thành Sơn Tây, chụp năm 1884. Đây là bức ảnh do Charles-Edouard Hocquard (1853-1911), bác sĩ quân y đồng thời là một nhà nhiếp ảnh tham gia chiến dịch ở Bắc và Trung kỳ của quân Viễn chinh Pháp chụp, và có lẽ bức ảnh được lấy từ địa chỉ này: http://hinhxua.free.fr/autrefois/docteur-hocquard/page1/photo_docteur_hocquard_1_vn.htm.  Ở đó người ghi chú không phải là Charles-Edouard Hocquard, có lẽ sau này mới biên tập lại nên có nhiều tấm ảnh ghi chưa đúng hoặc ghi nước đôi. Dưới bức ảnh này người ta chú là: Cửa Ðông (hoặc Tây!) mà quân Pháp tràn vào thành. Cũng ở đó lại có một bức ảnh khác được chú: Cửa Ðông của thành Sơn-Tây. Do vậy tôi ngờ rằng bức ảnh đang trưng bày bên trong tòa nhà Hành cung thành Sơn Tây, và được chú là: Cổng phía Tây (cửa Hữu) của thành Sơn Tây, chụp năm 1884, là do người ghi chú thích này đã không có những thông tin khác nên làm phương pháp loại trừ.
Bác sĩ Charles-Edouard Hocquard không chỉ là nhà nhiếp ảnh, ông còn là một nhà văn. Trong Chiến dịch Bắc kỳ có đoạn ông miêu tả cảnh quan khu vực Sơn Tây và thành cổ Sơn Tây khá tỉ mỉ, chi tiết, với lối văn tả thực sắc sảo khiến người đọc có một sức hấp dẫn như chính mình đang được tham quan quang cảnh các đường phố, chiến luỹ Phù Sa, thành Sơn Tây và được tận mắt xem những con voi to khoẻ của Tổng đốc Sơn Tây… ở thời điểm sau khi thành Sơn Tây mới bị thất thủ ba tháng. Cổng phía tây của thành Sơn Tây được ông viết: … anh bạn muốn đưa chúng tôi đi xem cửa Tây của Sơn Tây, đội quân Lê-dương đã qua cửa này trước tiên để vào thành phố. Cửa này gần như bị phá hủy hoàn toàn, nó đã được thay thế bằng một hình khối đồ sộ do công binh vội vã xây dựng sau khi đánh chiếm được thành phố để ngăn cản không cho người Trung Quốc (quân Cờ Đen)  tấn công trở lại.
 

 
Cửa Bắc thành Sơn Tây do Charles-Edouard Hocquard
chụp vào 6h30 sáng ngày mồng 8 tháng 4 năm 1884

 
Còn cổng phía bắc được bác sĩ Charles-Edouard Hocquard viết:   Chúng tôi rời khỏi Sơn Tây ngày tám tháng tư, vào lúc 6 giờ rưỡi sáng qua cửa Bắc, chính cửa này đã bị những chiến sĩ thủy quân lục chiến (quân viễn chinh Pháp) dũng cảm  tấn công, dưới sự chỉ huy của trung tá De Maussion. Với bức trán tường có những vành bằng tre, những phiến đá đen rêu phủ bị những mảnh pháo và những viên đạn rạch nát, cái cửa này có dáng oai nghiêm và dễ sợ của một người lính gác già bị tùng xẻo đến chết ở đây. Đọc đoạn văn trên của ông, rồi nhìn vào bức ảnh này, người ta biết ngay đây là cổng phía bắc. Hơn thế nữa ông còn cho chúng ta biết bức ảnh này được ông chụp vào 6h30 sáng ngày mồng 8 tháng 4 năm 1884 khi ông rời khỏi Sơn Tây.
3- Giải thích tên gọi các cổng thành.
Các công trình kiến trúc trong nước xưa đều làm theo nguyên lý Kinh Dịch. Công trình kiến trúc mang tính cai trị, giáo dục thường theo quan niệm “Thánh nhân nam diện nhi trị” (Thánh nhân hướng về phía Nam để cai trị). Do đó cổng phía Nam bao giờ cũng là Cửa Tiền, vì vậy Cửa Hậu là cổng phía Bắc, tương ứng cổng phía Đông là Cửa Tả, phía Tây là Cửa Hữu.

Voi của Tổng đốc Sơn Tây tháng 4 năm 1884 (ảnh: Charles-Edouard Hocquard)

Tiện đây cần nói thêm một điều rất lý thú. Có một bức ảnh mà ở địa chỉ dẫn phía trên, người ta chú  Voi của Tổng Ðốc Bắc-Ninh. Nhưng theo chính tác giả của bức ảnh này, đây lại là voi của Tổng đốc Sơn Tây (xem hình dưới. Voi của Tổng đốc Sơn Tây in trên: Une campagne au Tonkin, D.Hocquard). Xin trích ra đây đoạn văn của Charles-Edouard Hocquard:

 
Khi trở lại gần bến tàu, chúng tôi gặp hai con voi riêng của Tổng đốc Sơn Tây vừa mới được người quản tượng đưa xuống tắm dưới sông lên. Tôi chưa bao giờ trông thấy những con vật đẹp đến như vậy: một con có vòng vai rộng hơn hai mét rưỡi và có đôi ngà tuyệt đẹp! Chúng đã bị bắt trong vùng rừng Bắc kỳ giáp biên giới với Lào. Viên quan Tổng đốc này thường đi bằng voi cùng với đoàn tùy tùng khi ông ta đến dự những buổi lễ long trọng. Những lúc đó chúng được phủ gấm, vóc vàng son trên mình. Hôm nay, trên chúng chỉ vẻn vẹn bộ yên cương với một đoạn xích dài quấn vòng qua thân phía sau của hai chân trước, giữ trên lưng chúng số thức ăn dự trữ mà chúng đi kiếm sau mỗi ngày. Người quản tượng cưỡi trên cổ con voi, hai chân đặt sang hai bên vào khoảng giữa tai và vai của con vật, tay cầm một cái móc nhọn có cán rất ngắn. Giữa trán con voi có một vết thương nhỏ, bằng cỡ đồng một phơ-răng (franc), người ta đã cố ý gây nên vết thương này và giữ không để nó liền vết, người quản tượng điều khiển con vật bằng cách lấy cái móc nhọn chạm vào vết thương đó. Những con voi này rất dễ sai khiến. Để làm vui lòng chúng tôi, và cũng thầm mong được một món tiền thưởng hậu hĩ, những người quản tượng bắt chúng khuỵu gối trước mặt chúng tôi. Chúng tôi vứt những đồng tiền xuống đất, ngay lập tức những con vật ngoạm lấy bằng cách lấy vòi hít hít. Sau đó chúng ngoái lại đưa những đồng tiền qua vai cho chủ của nó, và vẫy vẫy tai tỏ vẻ hài lòng…
 

 
Phạm Duy Trưởng


 

Author: Phạm Duy Trưởng