PHẢN BIỆN SÁCH “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” CHỦ ĐỀ 2: HÌNH TƯỢNG ĐINH TIÊN HOÀNG

Bài viết của Phạm Trung Đà
Tượng đài Đinh Tiên Hoàng tại phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Nguồn: Zing
Hơn 40 trang sách của bài viết “Đinh Tiên Hoàng – Biểu tượng đa năng” gây cho người đọc một cảm giác hơi khác lạ. Khác lạ ở chỗ, nằm trong một cuốn sách tập trung các bài viết nhằm góp phẩn “giải mã” các sự kiện lịch sử đang là ẩn số, trong khi phần lớn các chủ đề khác được tác giả nêu rõ quan điểm thì bài viết này dường như thể hiện sự dè dặt hơn của tác giả.

Tác giả dẫn ra một quá trình nhận thức và thái độ đối với Đinh Tiên Hoàng trong suốt quá trình lịch sử, từ thời đại của ông tới tận thời hiện đại, kèm theo những lý giải cho sự thay đổi chút ít (nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên tính chất) về hình tượng ông trong chính quyền cũng như nhân dân. Theo tác giả, hình tượng Đinh Tiên Hoàng ngay từ đầu đã được chính ông “chỉnh lý” cho đẹp và được các đời sau (đến tận thời hiện đại) nối nhau tô vẽ hình tượng đẹp đó, vì hệ tư tưởng Nho giáo, và vì những hoàn cảnh, mục đích chính trị.

Xin lỗi, nhưng tôi có cảm giác khi đọc bài (chương) này, là tác giả dường như “hờn dỗi” với mọi người (cả xưa lẫn nay) khi có nhận thức như vậy về Đinh Tiên Hoàng, rằng dường như Tiên Hoàng không đáng được tô vẽ tới như vậy. Tác giả đã dùng một số từ ngữ có vẻ “không khách khí” với hoàng đế nhà Đinh, như chi tiết xưng vương được mô tả là “sự cài cắm … rất tinh tế” (tr 236), “khái niệm mới được cấy ghép” … (tr 246) Tác giả cho rằng, hình ảnh của ông ngay từ đầu đã được “chỉnh”, và “tươi” mãi đến bây giờ; theo câu kết bài của tác giả, ông “đã trở thành một biểu tượng đa năng với các hàm nghĩa đa chiều kích, sẽ tiếp tục lấp lánh trong tâm khảm của nhiều thế hệ nữa” (tr 258).

1. NGUYÊN NHÂN VÌ SAO?

Lật lại từ đầu tới cuối chương, có thể thấy hình ảnh Đinh Tiên Hoàng dưới ngòi bút tác giả, đã có những “hành động khuất lấp” (tr 256). Dẫn chứng không có gì mới, xoay quanh các sử liệu cổ Trung Quốc như đã đề cập trong nội dung về “loạn 12 sứ quân” (tóm lược nội dung chính: “Ngô Xương Văn chết, tham mưu [của ông] là Ngô Xử Bình cùng thứ sử Phong châu Kiều Tri Hựu, thứ sử Vũ Ninh Dương Huy và nha tướng Đỗ Cảnh Thạc cùng nhau tranh lập. Giao Chỉ đại loạn. Thứ sử Hoan châu là Đinh Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đánh bại được đám Xử Bình, làm chủ Giao châu, được suy tôn làm chủ”).

Theo tác giả:

a. Chính Đinh Bộ Lĩnh là người đầu tiên cát cứ chống lại nhà Hậu Ngô

b. Những người thất bại dưới tay ông bị mô tả là người có tội làm loạn, gây khổ cho nhân dân (tr 256)

c. Đinh Bộ Lĩnh nổi lên dẹp loạn, thống nhất đất nước và được các sử gia Nho giáo nhiều đời nối nhau ca ngợi là biểu tượng chính thống. Ông được sử gia các đời xây dựng thành biểu tượng “hoàng đế dẹp loạn” có tính hữu dụng như tiền lệ để các triều đình phong kiến sau này chống lại các lực lượng phản kháng (tr 232). Vì hoàn cảnh của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước nên sách “Lịch sử Việt Nam” 1971 đã cấy ghép thêm các khái niệm mới về “thống nhất quốc gia”, “tinh thần dân tộc” đối với hình tượng Đinh Bộ Lĩnh (tr 246)

d. Ngòi bút của sử gia Trung Quốc (sử liệu xưa nhất để lại) bị lệch lạc do nghe theo lời tâu của Đinh Liễn lúc đi sứ nhà Tống

2. “NHẬN THỨC VỀ ĐINH TIÊN HOÀNG” CỦA SỐ ĐÔNG XƯA NAY LÀ ĐÚNG HAY SAI?

Xin khẳng định là không sai. Hãy nhìn lại những vấn đề và sự kiện có liên quan:

a. Trang 220, tác giả cho rằng Đinh Bộ Lĩnh là người đầu tiên nổi lên chống lại Hậu Ngô vương. Không hoàn toàn đúng. Ngay trước khi phục ngôi, Ngô Xương Văn vốn được cử đi cùng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc để dẹp lực lượng chống đối ở thôn Đường, Nguyễn (nhiều bộ sử Việt Nam đã chép việc này). Xương Văn và các tướng quay về đảo chính Dương Tam Kha, tức là “quân phản” thôn Đường, Nguyễn chưa bị dẹp. Và cuối thời Ngô Xương Văn vẫn phải lo đi dẹp lực lượng này. Như thế có thể nói ngay Đinh Bộ Lĩnh không phải là lực lượng đầu tiên chống Hậu Ngô Vương, mà trước ông đã có thôn Đường, Nguyễn.

Bỏ qua độ “chính xác ngặt nghèo” về câu chữ, có thể thấy rằng Đinh Bộ Lĩnh trong số những lực lượng đầu tiên nổi lên chống Hậu Ngô Vương. Nhưng có phải ông đã “kích hoạt” sự cát cứ của các sứ quân không? Không.

b. Theo nhận định của tác giả, sự kiện cái chết của Ngô Xương Văn và việc tiếm quyền của Ngô Xử Bình mới là nguyên nhân gây ra tình trạng cát cứ rộng rãi trong nước. Chỉnh lý mệnh đề này theo cách giải mã cụm sử liệu Trung Quốc (như đã trình bày trong bài về loạn 12 sứ quân), thì cần gọi rộng hơn là “sự kiện biến loạn Cổ Loa” (4 tướng Ngô, Kiều, Dương, Đỗ tranh quyền), khiến tình trạng như các sách sử Việt Nam ghi “trong nước vô chủ”, là nguyên nhân gây ra hành động cát cứ của các thủ lĩnh địa phương.

Như vậy, ý kiến của tác giả ở trang 256: “Những người thất bại dưới tay ông bị mô tả là người có tội làm loạn, gây khổ cho nhân dân” thì “những người thất bại” kia có bị oan không?

Tôi cho rằng họ không bị oan. Hãy trả lời mấy câu hỏi ngược lại:

b1. Ai khiến kinh đô Cổ Loa biến loạn, nước vô chủ và các thủ lĩnh sinh ra tư tưởng “hùng cứ” lo tự giữ đất? Là 4 người Ngô, Kiều, Dương, Đỗ. Không phải Đinh Bộ Lĩnh.

b2. Những thành phần còn lại của nhà Ngô có đủ sức lấy lại quốc thống không? Không. Nhật Khánh và Xương Xí không làm được gì. 500 con em tông thất nhà Ngô thì chạy về Đỗ Động Giang

b3. Tình trạng này cứ kéo dài có tốt cho đất nước và nhân dân không? Chia cắt như thế chắc chắn là không. Chiến sự dù không xảy ra nhiều giữa các sứ quân đi nữa, thì dân sống trong những “lãnh địa” phục vụ cho nhu cầu cát cứ chắc chắn không bằng sống trong một chính thể thống nhất. Còn chưa nói tới nguy cơ bị “Bắc xâm” nếu tình hình chia cắt này kéo dài hơn nữa.

Vậy là rõ. Những người gây ra chia cắt không bị oan và rõ ràng, đất nước cần một người đứng ra thống nhất.

c. Đinh Bộ Lĩnh nổi lên dẹp loạn, thống nhất đất nước và được các sử gia Nho giáo nhiều đời nối nhau ca ngợi là biểu tượng chính thống.

Tất nhiên, người chiến thắng được viết sử. Ông xuất thân từ đâu không còn quá quan trọng nữa; miễn là ông không dựa vào ngoại bang như Kiều Công Tiễn mà ông dựa vào thực lực của chính mình, thì ông được thừa nhận. Không thể đòi hỏi ông ở tư thế “trên trời rơi xuống” – nói đẹp là “giáng trần” – hoặc “dưới đất chui lên” mà ông phải xuất hiện đâu đó từ mặt đất, trong lãnh thổ Giao châu/Tĩnh Hải quân đương thời. Rất nhiều vị vua xuất thân nghèo hèn hay phận bầy tôi, nổi lên trong đám quần hùng giành thiên hạ, có chiến thắng sau cùng, đều được sử sách ghi nhận và Đinh Tiên Hoàng không phải là ngoại lệ.

Các vị vua có công thống nhất quốc gia của Trung Quốc như Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang, Lý Thế Dân… cũng đều được ca ngợi, đơn giản vì công lao của họ và ý nghĩa việc làm họ mang lại (thống nhất quốc gia) là có ích cho toàn dân. Việc tác giả xem biểu tượng thống nhất đất nước mà Đinh Bộ Lĩnh được ca ngợi là “có tính hữu dụng như tiền lệ để các triều đình phong kiến sau này chống lại các lực lượng phản kháng” (tr 232) dường như đã đi quá xa và không phải là tác dụng chính của “xây dựng biểu tượng thống nhất” Đinh Bộ Lĩnh. Sự răn đe các lực lượng phản kháng thường được các triều đình phong kiến dùng là hình phạt và bêu gương trong sách vở đối với các lực lượng này thì đúng hơn.

Ông là một sứ quân cát cứ đương thời – không sao cả. Tác giả cho rằng các sử gia xưa từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên lẫn Ngô Thì Sĩ chỉ nhớ việc ông đã dẹp loạn mà quên việc ông cát cứ chống Ngô trước cả khi xảy ra hiện tượng cát cứ tràn lan. Thực ra, các sử gia này không giấu, vẫn biên chép sự kiện Đinh Bộ Lĩnh chống 2 vua Ngô năm 951, nhưng trong con mắt của 3 sử gia Việt Nam này, họ vẫn thừa nhận Đinh Bộ Lĩnh là chính thống, vì công lao thống nhất, dựng nghiệp đế chính thống cho nước Việt của ông.

Khi nhà Ngô bất lực trong việc tìm lại quốc thống và thống nhất quốc gia, những sứ quân khác bất lực trong việc thay thế vai trò nhà Ngô, thì Đinh Bộ Lĩnh nổi lên làm điều ấy, sẽ xứng đáng được ca ngợi.

“Tôi tài, tôi có quyền”. “Tôi thắng, tôi có quyền”. Đinh Bộ Lĩnh đã thể hiện tài năng cả quân sự lẫn chính trị. Những người tranh chấp cùng thời không thể ghen tỵ với ông. Chiến tranh thống nhất mà ông thực hiện không chỉ đưa nước về một mối, đưa dân thoát khỏi tình trạng sống trong chia cắt, mà còn cứu nước trước nguy cơ bị Bắc xâm nếu cứ chia mảnh quá lâu, vì chia mảnh chắc chắn là yếu và sẽ không chống nổi một đạo quân Nam Hán chứ chưa nói tới Triệu Tống. Vì công lao thống nhất, ông được lòng dân là tất nhiên. “Lòng dân hướng về” như các bộ sử Trung Hoa chép, dù có ít nhiều tiếp nhận thông tin qua lời Đinh Liễn tâu đi nữa, thì cũng là sự thật và Đinh Liễn không dựng khống ra điều này.

Không thể đòi hỏi ông làm một hình mẫu như Chu Công thứ hai: dẹp các sứ quân xong rồi… trao lại ngôi báu cho một người nhà Ngô, như Khánh hay Xí! Hãy xem Lê Lợi khi đánh quân Minh xong cũng vậy, không ai đòi hỏi ông phải “thờ” Trần Cảo suốt đời, kể cả vua nhà Minh; Lê Lợi và Đinh Bộ Lĩnh “lĩnh thưởng” là xứng đáng. Dù có khác nhau về “công đánh ngoại xâm” và “công trừ nội loạn” thì họ sẽ đều được nhìn nhận công lao như nhau, được suy tôn như nhau trong mắt mọi người.

Đinh Bộ Lĩnh có tài và có công lớn. Ca ngợi ông là đúng. Cho nên không chỉ thời phong kiến người ta ca ngợi ông. Thời nào và hoàn cảnh lịch sử nào, việc ca ngợi ông đều chính đáng và có thể được xem là khách quan vô tư, không phải vì hoàn cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam (1971) mà hình tượng “thống nhất quốc gia”, “tinh thần dân tộc” mới được cấy ghép thêm đối với vua Đinh (tr 246). Ta thấy rằng, ngay trong các bộ sử cũ, việc ca tụng danh hiệu hoàng đế, nối lại quốc thống,… của Đinh Tiên Hoàng cũng đã phản ánh “tinh thần dân tộc” rồi. Các sử gia muốn đưa thông điệp: tự hào người Việt ta thống nhất hùng cường, nước Nam ta cũng đã có hoàng đế như phương Bắc; có chăng là cách diễn đạt về câu chữ thời phong kiến và thời hiện đại khác nhau, không phải là “sự cấy ghép” những gì mới mẻ sang thế kỷ 20 mới có như tác giả nêu.

d. Có phải những lời tâu báo của Đinh Liễn ảnh hưởng hoàn toàn tới sử sách Trung Quốc từ thời Tống sang thời Nguyên không?

Không hẳn. Sử phương Bắc chỉ “điểm danh” 4 người “làm loạn” là Ngô Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Dương Huy và Đỗ Cảnh Thạc. Con số và tên tuổi 12 sứ quân chính là do cổ sử Việt Nam ghi chép.

Tôi xem các sách sử thực lục đời sau của Trung Quốc, thấy các vua “thiên triều” không chỉ nghe tâu báo của sứ giả các nước, mà còn thông qua các quan lại ở vùng biên tâu báo về tình hình lân bang. Chắc chắn họ tiếp nhận thông tin qua nhiều “kênh”, bao gồm cả “nguồn thứ cấp” chứ không thể phụ thuộc vào một thông tin từ “nguồn sơ cấp”, chính người đại diện đi sứ nói tốt cho chủ mình. Dù rằng, khi sự kiện “dẹp loạn” của họ Đinh diễn ra, nhà Tống chưa với tay đến vùng biên với “Giao Chỉ” đi nữa, thì chắc chắn họ cũng có kiểm chứng qua người cũ của Nam Hán mà họ chinh phục sau đó ít lâu.

Vì thế, không thể nói tất cả các sử gia Trung Hoa thời Tống tới thời Nguyên (và sau đó nữa) đều bị Đinh Liễn “dắt mũi”.
PTĐ