PHẢN BIỆN SÁCH “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” CHỦ ĐỀ 5: CHUYỆN GIA ĐÌNH NGÔ NHẬT KHÁNH – CÓ PHẢI LÀ “BẺ NGUỒN” HAY “VẶN NGUỒN” THEO CÁCH NÓI CỦA WIKIPEDIA?

Người quan tâm tới chủ đề lịch sử Việt Nam thế kỷ 10 có thể nhận ra ngay, đây là chủ đề có nhiều ý kiến nhất trong khoảng 20 năm qua, là “tâm điểm” tranh luận vì sự sai khác và có “nhiều biến số” theo cách nói của toán học, nhiều lời giải nhất của giai đoạn lịch sử này. Nói rộng ra, “chuyện cung đình nhà Đinh” có nhiều biện giải nhất, trong đó, cãi lõi chính là chuyện gia đình Ngô Nhật Khánh.
Bản đồ thời kì loạn 12 sứ quân
KỲ 1. NGÔI VỊ BÀ MẸ NGÔ NHẬT KHÁNH

Trước hết, cần điểm xem quan điểm của tác giả về chuyện này như thế nào:

- Mẹ Ngô Nhật Khánh là hoàng hậu nhà Ngô, vợ Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn
- Ngô Nhật Khánh là con Ngô Xương Văn, là người kế vị hợp pháp của nhà Ngô
- 2 giả thuyết về bà mẹ Ngô Nhật Khánh:
+ Theo giả thuyết của nhóm Đinh Công Vỹ và Tạ Chí Đại Trường, mẹ Ngô Nhật Khánh chính là Dương hậu mẹ Đinh Toàn, tức là hoàng hậu 3 triều Ngô-Đinh-Tiền Lê
+ Theo giả thuyết mà tác giả nghiêng về nhiều hơn (nhưng không bác bỏ giả thuyết trên), mẹ Ngô Nhật Khánh là hoàng hậu 2 triều Ngô – Đinh

1. CÓ PHẢI LÀ “VẶN NGUỒN” NHƯ CÁCH NÓI CỦA WIKIPEDIA?

Trang 136, tác giả viết: [Đại Việt sử ký] “Toàn thư ghi Ngô Nhật Khánh là con trai của Hoàng hậu… Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, … lấy bà Hoàng hậu”

Theo cách viết này của tác giả, Đại Việt sử ký toàn thư xác nhận bà mẹ Ngô Nhật Khánh là Hoàng hậu và tác giả suy đoán mà hoàng hậu của Ngô Xương Văn.

Rà soát lại, nhà Ngô có 3 vua chính thức là Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn. Dường như tác giả loại trừ khả năng bà mẹ Khánh không phải là vợ Ngô Quyền (đúng, chắc chắn không thể rồi) và không phải là vợ Ngô Xương Ngập mà bà là vợ Ngô Xương Văn.

Với ghi chép như trên, tác giả cho người đọc hiểu rằng: trước khi lấy Đinh Bộ Lĩnh, mẹ Ngô Nhật Khánh đã có ngôi vị hoàng hậu, vì Đại Việt sử ký toàn thư xác nhận như vậy.

Nhưng xem kỷ nhà Ngô và kỷ nhà Đinh trong Đại Việt sử ký toàn thư, chưa từng thấy chỗ nào nói mẹ Khánh là hoàng hậu trước khi lấy Đinh Tiên Hoàng, chỉ thấy ghi “[Đinh] Tiên Hoàng … LẤY MẸ KHÁNH LÀM HOÀNG HẬU”.

Mẹ Ngô Nhật Khánh chính là nhân vật thứ hai sau “thái sư Hồng Hiến” được “tương lai hóa” ngôi vị mà tôi từng nêu ở cuối bài trước. Có 2 điểm đáng lưu ý rằng:

a. Cũng Đại Việt sử ký toàn thư, khi nói sự kiện Lê Hoàn lập mẹ Đinh Toàn làm hoàng hậu có nói rõ ràng trong năm biên niên 982: “Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu”. Vậy tại sao khi Đinh Tiên Hoàng lập mẹ Khánh làm hoàng hậu, sách này không ghi là: “Lập hoàng hậu nhà Ngô là [Mỗ] thị làm hoàng hậu”??

b. Tác giả Trần Trọng Dương khi dẫn nguồn tài liệu từ các sách sử cũ, trong đó có Đại Việt sử ký toàn thư, thường dẫn rõ bản in năm bao nhiêu, trang mấy. Nhưng với thông tin này, không thấy tác giả dẫn ra chỗ nào trong Toàn thư nói “Khánh là con của Hoàng hậu” và Tiên Hoàng “lấy bà Hoàng hậu” cả.

Ngôi hoàng hậu của mẹ Khánh là chỉ khi lấy Đinh Tiên Hoàng mới có, còn trước đó thì không. Cũng như Hồng Hiến chỉ đến thời Tiền Lê mới là Thái sư, còn thời Đinh thì không. Dẫn nguồn Đại Việt sử ký toàn thư nhưng trong Toàn thư thực ra không xác nhân thông tin này.

Những ai làm việc trên Wikipedia có thể xem cách làm việc này là “vặn nguồn” hay “bẻ nguồn” hoặc “mạo nguồn” – đưa ra thông tin mà sách nguồn không có.

Ngay cả trong trường hợp, tác giả có phát hiện các dịch giả Toàn thư có nhầm lẫn, thì đây là phát hiện lớn và là vấn đề không nhỏ; tác giả đáng lý phải dành hẳn một mục để dẫn nguyên văn chữ Hán và biện giải về cách dịch trước đây là đúng hay sai, như đã làm rất kỹ với vấn đề về vị trí đất Đường Lâm ở những bài đầu sách. Nhưng chúng ta không thấy trong sách có phản bác gì về cách dịch Toàn thư của các dịch giả đối với nội dung này, nên có thể coi như không có chuyện các bản in Toàn thư đã phát hành bị dịch giả dịch nhầm.

2. PHẢN BIỆN BỔ ĐỀ 1 CỦA TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG

Trong toán học, để giải một bài toán, đôi khi người ta phải làm động tác “phụ” là chứng minh một “bổ đề” để vận dụng nó làm “cầu” giải bài toán đang đối mặt. Vì vấn đề chính là chuyện gia đình Ngô Nhật Khánh khá dài dòng và có nhiều người liên quan, trong quá trình “giải mã” tác giả đã dựa vào vài “bổ đề” là giả thuyết từ một số tác giả đi trước là Tạ Chí Đại Trường và nhóm Đinh Công Vỹ, nên trong phần đầu, tôi chỉ tập trung phản biện “gỡ bỏ” từng bổ đề đã được dùng làm cơ sở cho quan điểm mà tác giả đã nêu.

Trang 269, tác giả dẫn việc thời loạn 12 sứ quân, ngoài Đinh Bộ Lĩnh xưng Vạn Thắng Vương, chỉ có Ngô Nhật Khánh cũng từng xưng An vương. Tác giả cho rằng chỉ khi có thân phận là con Nam Tấn vương (Văn), Khánh mới dám xưng vương. Từ đó tác giả suy ra mẹ của Khánh chính là hoàng hậu của Ngô Xương Văn.

Để củng cố quan điểm, trang 270, tác giả dẫn thêm ý kiến của Tạ Chí Đại Trường (trang 153, sách “Những bài dã sử Việt”) cho rằng vì việc Khánh xưng An vương “khiến ta nghĩ Khánh cũng cháu của bà” (Dương hậu vợ Ngô Quyền), tức Khánh là con của Ngô Xương Văn mà người ghi chép phải giấu giếm để hạ vị thế của Khánh.

Luận điểm này không vững. Xin dẫn ngay trường hợp Đinh Bộ Lĩnh chẳng phải dòng dõi vua chúa gì, cũng xưng [Vạn Thắng] vương. Việc xưng vương là do ai đủ “tự tin” vào thực lực của mình thì sẽ xưng, không phải riêng lý do “thân thế”.

Thứ hai, xin dẫn lại sử liệu từng nêu trong bài trước về trường hợp sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp: theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm biên niên 966, ông này mở rộng lãnh địa ra châu Vũ Ninh và tự xưng là Vũ Ninh Vương. Nguyễn Thủ Tiệp cũng không phải họ Ngô nhưng cũng xưng vương vì khuếch trương thế lực. Bảng thông tin các sứ quân trong sách, tác giả cũng bỏ sót danh hiệu xưng vương của sứ quân này.

Thứ ba, Ngô Nhật Khánh còn có một danh xưng nữa là Ngô Lãm công. Căn cứ vào sử liệu, rất khó xác định được giữa An vương và Lãm công, danh hiệu nào xưng sau trước danh hiệu nào xưng sau. Theo tác giả thì Khánh xưng Lãm công trước, xưng An vương sau. Nhưng vẫn có thể có điều ngược lại xảy ra: Trước thấy Nam Tấn vương mới mất, muốn xưng An Vương tranh lấy quyền kế vị, nhưng sau thấy mình nhỏ yếu, ít người ủng hộ, e ngại đổi xưng làm Lãm công thì sao?

Một điểm nữa cần lưu ý, trong cùng cuốn sách được tác giả trích dẫn, Tạ Chí Đại Trường có đưa ra những suy đoán và thông tin sai lầm. Ngay trang trước trang được Trần Trọng Dương trích dẫn trong sách “Những bài dã sử Việt”, trang 152 Tạ Chí Đại Trường cho rằng Dương hoàng hậu vợ Ngô Quyền là mẹ của cả 4 người: Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn, Ngô Nam Hưng và Ngô Càn Hưng. Đi sâu vào gia đình Ngô Quyền là chủ đề của một bài khác nhưng tựu chung suy diễn này là không hợp lý, không có cơ sở mà ngay tác giả Trần Trọng Dương cũng không đồng tình. Hay trang 149 sách đó, Tạ Chí Đại Trường lại cho rằng Nguyễn Bặc từng là một cựu sứ quân?!

Dựa vào loại sách mà tác giả họ Tạ, xin lỗi, cứ “chém phần phật” lẫn lộn lung tung (như nói chuyện ngoài lề hội trường và thiếu tính hàn lâm, nghiêm ngắn) như vậy làm CƠ SỞ ĐỂ SUY DIỄN TIẾP cho luận điểm của mình, e rằng không ổn. “Mổ xẻ” những gì Tạ Chí Đại Trường viết chỉ riêng ở cuốn sách trên (còn nhiều điều khác nữa không thể dùng cho việc nghiên cứu) không phải là chủ đề bài viết này.

Những vấn đề kế tiếp của chủ đề 5 và “bổ đề” có liên quan đã nêu đầu bài vẫn đang được để lại, xin nói ở bài tiếp theo.
Phạm Trung Đà