PHẢN BIỆN SÁCH “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” CHỦ ĐỀ 7: XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM KẾT THÚC NGÀN NĂM BẮC THUỘC – MỘT BÀI VIẾT ĐƯỢC BIÊN TẬP KIỂU WIKIPEDIA?

Trong cuốn sách này, đây chính là chủ đề đầu tiên mà tác giả đề cập. Tôi đã định không viết phản biện, nhưng cuối cùng thấy nên viết. Là bài viết mở đầu cả tập sách, nhưng phong cách biên soạn của tác giả khác hẳn với các bài viết, chủ đề sau.
.
Nhưng, chưa vội nói về nó như thế nào. Trước hết, hãy xem “Lời tựa” mà Nguyễn Duy Chính đã viết cho cuốn sách này.

1. Về lời tựa của Nguyễn Duy Chính – không “ăn ý” với tác giả?

Trang 13, Nguyễn Duy Chính viết về “Mốc thời kỳ tự chủ” trong cuốn sách.

Tại đây, Nguyễn Duy Chính tóm tắt nội dung sách cho rằng: “các sử gia Việt Nam hầu hết vẫn chấp nhận chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền là khởi đầu thời kỳ tự chủ, lấy năm 939 là ranh giới giữa Bắc thuộc và Độc lập… Riêng tác giả Việt Nam thế kỷ 10 – Những mảnh vỡ lịch sử không đồng ý với quan điểm đó mà cho rằng cần phải trở về trước nữa 34 năm (năm 905)…”

Trước hết, cần thấy rằng tác giả lời tựa và tác giả sách đã đưa ra 2 khái niệm khác nhau. Tác giả sách Trần Trọng Dương gọi đây là “Thời điểm kết thúc nghìn năm Bắc thuộc”, trong khi Nguyễn Duy Chính lại nói về “Mốc thời kỳ tự chủ”.

“Tự chủ” là khái niệm được dùng để nói về thời kỳ trước trận Bạch Đằng 938, thời kỳ các “Tiết độ sứ” người Việt thay nhau cầm quyền, trên danh nghĩa còn lệ thuộc phương Bắc nhưng kỳ thực đã tự quản lẫn nhau, thiết lập chính quyền không còn nhiều ràng buộc với các triều đại phong kiến phương Bắc.

“Kết thúc Bắc thuộc” là khái niệm nói về việc chấm dứt sự đô hộ của phong kiến phương Bắc của người Việt.

Theo cách diễn đạt khái niệm của Nguyễn Duy Chính thì “mốc thời tự chủ” hẳn là năm 905 rồi, vì đó là khi thời Tự chủ của họ Khúc bắt đầu, không cần bàn cãi. Nhưng, đã có một “đường chuyền hơi thiếu ăn ý” với tác giả Trần Trọng Dương khi nói về “thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc”.

Hãy xem, có đúng là tác giả Trần Trọng Dương đã cho mốc thời điểm này về trước 34 năm tính từ năm 938 hay không?

2. Một “phong cách wikipedia” đáng kinh ngạc

Từ trang 28 đến trang 33 rồi trang 35, tác giả dẫn lại 3 mốc thời gian “chấm dứt Bắc thuộc” của các sử gia: Năm 938 (Ngô Quyền thắng Nam Hán), 931 (Dương Đình Nghệ thắng Nam Hán) và 905 (Khúc Thừa Dụ dựng nền tự chủ).

Khi trình bày những mốc thời gian và các quan điểm của các sử gia theo đuổi các quan điểm này, tác giả đã lần lượt dẫn ý kiến của Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phan Bội Châu, Trần Trọng Kim, Phan Huy Lê, Nguyễn Diên Niên, Trần Quốc Vượng, Lê Thành Khôi, Nguyễn Phương, Hà Văn Tấn, Trương Hữu Quýnh, Polyakov…

Nhưng, khác hẳn với những bài (chương) về các chủ đề sau trong cuốn sách, rất ngạc nhiên là tác giả chỉ dẫn (khá chi tiết) về các quan điểm trên, tuyệt nhiên không nêu ý kiến cá nhân, nhận định đúng hay sai lầm, hạn chế của các ý kiến này. Đây là phong cách đặc trưng của người làm wikipedia: Chỉ dẫn chứ không bình.

Thế nhưng, cuốn sách mà tác giả soạn không phải là wikipedia mà là sách nghiên cứu, đó không phải là môi trường “chỉ dẫn không bình”.

Ngay cả trong phần tiểu kết của chương (bài) tại trang 50, tác giả cũng đưa ra hơn 10 dòng với quan điểm không rõ ràng:

Tại phần kết này, tác giả một lần nữa dẫn lại ý kiến của Polyakov, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê. Trong đó, ý kiến của Polyakov và Hà Văn Tấn nói về “áp lực quân sự của người bản địa”, còn ý kiến của Phan Huy Lê nói khái quát về toàn bộ thế kỷ 10 – thế kỷ bản lề có sự thành lập và củng cố chính quyền độc lập từ nền móng ban đầu của chính quyền họ Khúc, họ Dương, vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê.

Xem ý kiến của GS Phan Huy Lê, tưởng như cách nhìn khái quát về cả 1 thời kỳ, quá trình từ họ Khúc đến Lê là “chung kết”, tức là phải tính từ họ Khúc đã mở đầu cho cả quá trình giành lại độc lập thoát đô họ phương Bắc. Nhưng đọc ở dưới lại không phải vậy.

Đến đoạn cuối cùng, tác giả lại nhấn mạnh về chiến thắng giặc ngoại xâm – bạo lực quân sự, tức là nhấn vai trò của Dương Đình Nghệ (mốc 931) và Ngô Quyền (mốc 938). Song, tác giả cũng không khẳng định đó là ý kiến của mình, mà vẫn dẫn dè dặt: “Phần lớn sử gia Việt Nam từ thế kỷ 15 đến nay ấn định năm 938 như là dấu chấm hết cho giai đoạn Bắc thuộc. Tiêu chí chiến thắng bằng bạo lực quân sự DƯỜNG NHƯ là công cụ thường hằng CỦA CÁC SỬ GIA nhằm phục vụ cho cho bối cảnh chính trị của Việt Nam”.

Với đoạn cuối này, thì đã thấy rõ nó rất khác với Lời Tựa của Nguyễn Duy Chính. Tác giả viết theo “phong cách wikipedia”, dẫn ý kiến của giới sử học chứ không nêu ý kiến của mình, nhưng đã nói lời cuối là “năm 938”, không phải là “kéo lùi 34 năm, về năm 905” như Nguyễn Duy Chính đã ghi.

3. Ai đã sai? Lỗi tại ai?

Nếu cứ chỉ viết theo phong cách wikipedia, dẫn mà không bình, thì tác giả sẽ không sai, vì tác giả có phán quyết rõ ràng là mình ngả theo ý kiến của ai đâu.

Vậy là tác giả lời tựa Nguyễn Duy Chính lại “vặn nguồn” ý kiến của tác giả sách Trần Trọng Dương? Tôi không định “phán quyết” việc này.

Nhưng trước hết phải nhìn nhận là, với cách viết “nửa đông nửa tây”, quan điểm không rõ ràng như tác giả sách, thì người đọc khó nhận ra quan điểm thật sự của tác giả là thế nào. Khi tác giả đứng “nửa phải nửa trái” thì tác giả Tựa ghi “trái” đúng mà ghi “Phải” cũng không sai.

Riêng có một điểm, tôi không đồng tình với tác giả sách về cách lý giải chọn năm 938 – gắn với bạo lực quân sự. Xin dẫn lại ý kiến này: “Tiêu chí chiến thắng bằng bạo lực quân sự DƯỜNG NHƯ là công cụ thường hằng của các sử gia nhằm PHỤC VỤ CHO BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ của Việt Nam”.

Điểm lại những gì tác giả đã dẫn (chỉ nêu ra mà không diễn giải rõ, kiểu “ngầm”):

- (thuận =>) Ngô Sĩ Liên chọn năm 938 của Ngô Quyền làm mốc (dường như Ngô Sĩ Liên ảnh hưởng của thắng lợi khởi nghĩa Lam Sơn nên chọn Ngô Quyền – vua quân sự - làm mốc)

- (thuận =>) Vũ Quỳnh chọn Đinh Tiên Hoàng vì thời đó (1511) là thời bình, thiết lập thể chế Nho giáo, đã độc lập gần 100 năm.

- (nghịch =>) Nhưng, cũng theo tác giả dẫn, khi Ngô Thì Sĩ và Nguyễn Diên Niên cũng chọn một mốc sự kiện quân sự khác của Dương Đình Nghệ năm 931 khi 2 người trong thời bình, thì sao?

- (nghịch =>) Hoặc, cùng sống thời hiện đại, nhưng trong khi như Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn nghiêng về năm 905 (tr 35, 37) thì Phan Huy Lê nghiêng về năm 938 (tr 32) thì sao?

Như bài viết phản biện về “Hình tượng Đinh Tiên Hoàng” tháng trước, tôi xin tái khẳng định việc các sử gia chọn thời điểm năm nào (905, 931 hay 938) đơn thuần là nghiên cứu thuần túy, không vì “phục vụ bối cảnh chính trị”.

Nếu không có mấy câu cuối cùng thì đọc hết cả chương đầu của sách mà người đọc tưởng như chưa đọc vậy.
Phạm Trung Đà