Phủ chúa Trịnh

Phủ chúa Trịnh
Đi trên đường Quang Trung (Hà Nội) bây giờ, mấy ai biết được rằng hơn 200 năm trước nơi đây từng có một công trình kiến trúc đồ sộ, đẹp vào bậc nhất kinh thành Thăng Long. Đó là Phủ chúa Trịnh.

Phủ chúa Trịnh
 

Phạm Duy Trưởng
 

Đi trên đường Quang Trung (Hà Nội) bây giờ, mấy ai biết được rằng hơn 200 năm trước nơi đây từng có một công trình kiến trúc đồ sộ, đẹp vào bậc nhất kinh thành Thăng Long. Đó là Phủ chúa Trịnh.
 

 
Phủ chúa Trịnh (Vương phủ) được xây dựng từ năm 1592 đến năm 1749. Phủ hình vuông, nằm ở phía nam hồ Tả Vọng, có ba cửa: Chính môn ở phía Nam, Tuyên vũ môn ở phía Đông, Diệu công môn ở phía Tây. Xung quanh phủ có tường thành xây bằng gạch bao bọc. Bên trong có nhiều cung điện, lầu gác lộng lẫy, xa hoa. Khu vực nội phủ rộng lớn, ứng với các khu vực ngày nay bao gồm: Khu bệnh viện Việt Đức, qua phố Tràng Thi, Thư viện quốc gia, Tòa án nhân dân tối cao, phố Hỏa Lò tới giáp phố Thợ Nhuộm. Phía trên có hồ Tả Vọng (Hồ Gươm), phía dưới là hồ Hữu Vọng (quãng phố Lò Đúc và Hàng Chuối bây giờ) với ngụ ý hai hồ hướng về phủ chúa. Từ năm 1718, Trịnh Cương lại đặt thêm lục phủ (tương đương với lục bộ) là: Bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công bên phủ chúa, để rút hết quyền hành của lục bộ bên triều đình.
Xung quanh phủ và ven các hồ lân cận, nhà chúa cho xây dựng khá nhiều nguyệt đài, thủy tạ, như dựng Tả Vọng đình trên Gò Rùa (nền Tháp Rùa ngày nay); dựng cung Khánh Thụy; đắp núi Ngọc Bội để tôn vinh võ công ở bờ phía Tây hồ. Nhà chúa cũng thường cho lập các trại thủy binh trên hồ. Ở cửa ô Tây Long (Bảo tàng Lịch sử ngày nay), vào thế kỷ thứ XVII, chúa cho xây lầu Ngũ Long mang hình 5 con rồng, được dát bằng mảnh sứ và có đá cẩm thạch quấn quanh...
Cấu trúc nội phủ đúng là một cõi tráng lệ chẳng kém gì cung vua: Để bước vào phủ, trước tiên phải đến Chính môn. Gần Chính môn có chùa Chân Tiên để thờ Tống Thiên Thần Vương, người giúp Trịnh Liễu đặt quý địa (về sau chùa được di chuyển đến phố Bà Triệu bây giờ). Qua Chính môn, vào cửa thứ hai là Cáp môn, có xá nhân canh giữ. Tiếp đến là phủ Tiết chế, khu quân lính. Từ Cáp môn có Tiền mã quân túc trực tới đại điện. Sân điện rộng lớn nằm ở chính giữa. Thềm gác 2 tầng bày nghi trượng, vũ khí, chiêng trống, nghi vệ. Phía sau là tòa Trung Đường, Nghị sự đường, Hậu đường, Tĩnh đường.
Nội cung có lầu Ngũ Phượng, nơi tuyên phi ngự và có các hoa viên. Đường nối qua các cung là hành lang có điểm hậu mã quân túc trực, bao lơn lượn vòng kiểu cách tuyệt đẹp. Sau nội cung có Thái Miếu.
Những dinh thự dành cho người nhà chúa được xây 2 tầng có nhiều cửa mở thoáng đãng. Các cửa đồ sộ, chạm trổ công phu và tất thảy đều làm từ gỗ lim. Các tư thất và cung dành cho phụ nữ đều lộng lẫy, xa hoa, có chạm trổ, sơn son thiếp vàng. Sân trước khu dinh thự có chuồng voi lớn và ngựa tốt, trong sân có nhiều vườn cảnh, khóm cây; lối đi có những chòi tháp nhỏ, ao cá và tất cả những gì chúa giải trí, vui chơi, mặc dù họa hoằn chúa mới đến đây thưởng lãm.
Vườn Ngự uyển ở sau cùng của Vương phủ có nhiều hồ lớn, quanh bờ trồng nhiều cây cảnh kỳ lạ được thu thập từ muôn phương. Đường uốn lượn quanh co, giữa đất bằng có núi non ghép cảnh; lâu đài bên hồ có thạch kiều, liễu rủ; trong vườn có nhiều chim thú lạ.Phủ chúa Trịnh quả đúng là cõi tiên nơi trần tục, khiến Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác miêu tả đầy thán phục trong “Thượng kinh ký sự”: “Đi tới cổng phủ, quan truyền mệnh dẫn qua hai lần cửa nữa rồi rẽ về phía trái. Tôi ngẩng đầu nhìn, thấy bốn bề tám phía chỗ nào cũng có cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua nở, gió thoảng hương trời. Hành lang, lan can quanh co, tiếp nối song song. Người giữ cửa truyền báo lệnh công đi lại tíu tít như mắc cửi. Vệ sĩ canh gác cửa cung, ra vào phải có phù hiệu. Vòng quanh ước chừng một dặm, nơi nào cũng lầu đài, đình, gác, rèm châu cửa ngọc, ánh nước mây lồng, suốt lối toàn hoa cỏ kỳ lạ, gió thoảng hương trời, thú đẹp chim quý, nhảy nhót bay hót, giữa đất bằng nhô lên ngọn núi cao, cây to bóng mát, nhịp cầu sơn vẽ bắc ngang lạch nước quanh co, lại có lan can toàn bằng đá màu. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác gì cõi tiên vậy”.
Phủ chúa Trịnh ngày thường đã là bậc kỳ quan kiến trúc nhưng đến ngày lễ hội thì vẻ đẹp xa hoa của nơi đây mới thực sự bộc lộ hết. Nguyễn Án viết trong cuốn “Tang thương ngẫu lục”: “Mỗi năm đến tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm, hàng nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày chúa ngự ra chơi Bắc cung, cung có cái ao gọi là Long Trì rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất trồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng rập rờn, trông xa tựa hàng vạn ngôi sao sáng”...
Thật tiếc vì phủ Chúa không tồn tại đến bây giờ do khi triều quyền nhà Trịnh thất thế, Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành, Lê Chiêu Thống ngầm cho người đốt đi! Đám cháy lan khắp hai phần ba kinh thành, trong mười ngày liền. Về việc này và việc Lê Chiêu Thống nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh cho vét hết chuông đồng, tượng đồng ở các chùa, đền trong nước đem đúc tiền dùng vào việc quân, sách “Lê Quý kỷ sự chép”: “Người đương thời có câu mỉa mai: Thiên hạ thất tự chung, chung thất, nhi đỉnh an tại! Hoàng thượng phần vương phủ, phủ phần, tức điện diệc không!” Nghĩa là: Thiên hạ mất chuông chùa, chuông đã mất, vạc dựa vào đâu! Hoàng thượng thiêu phủ Chúa, phủ bị thiêu, điện trơ ra đó!
Dấu xưa đâu còn, người nay chỉ biết tưởng vọng phủ chúa Trịnh qua sử sách mà thôi!
 
PDT
 
 

Author: Phạm Duy Trưởng