THỬ TÌM HIỂU ĐỊA DANH BINH HIỆP

Bài viết của Phạm Thị Thoa
Chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội
“Binh Hiệp” là một địa danh cổ đã được sử sách ghi chép lại:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép: “Giáp Tuất, năm thứ tư (Tống Gia Định năm thứ 7), xuân, chính nguyệt, Trần Tự Khánh quân chí Triều Đông, thỉnh quân môn tạ tội, phục thỉnh nghênh xa giá. Đế dũ nghi chi, nãi dữ thái hậu cập ngự nữ như Lạng Châu Trĩ Sơn. Tự khánh văn thừa dư bá thiên, ngự nữ vi Thái hậu sở khổ, phục phát binh thỉnh nghênh như sơ. Đế vị chi tín, phục dữ Thái hậu cập ngự nữ như Binh Hiệp huyện(2).
Dịch nghĩa: “Giáp Tuất năm thứ tư (1214) (Tống Gia Định năm thứ 7), mùa xuân, tháng giêng, Trần Tự Khánh mang quân đến bến Triều Đông, thân đến quân môn tạ tội, lại xin đón xa giá. Vua lại càng ngờ, bèn cùng Thái hậu và ngự nữ chạy sang Trĩ Sơn ở Lạng Châu. Tự Khánh nghe tin xa giá xiêu dạt, mà ngự nữ thì lâu nay bị Thái Hậu làm khổ, lại đem quân đến xin đón xa giá như trước. Vua cũng chưa tin, lại cùng với Thái hậu và ngự nữ chạy sang huyện Binh Hiệp”.
Cũng sự kiện lịch sử trên, huyện Binh Hiệp còn được ghi trong các sách: Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB)(3) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM)(4).Sách KĐVSTGCM do Sử quán triều Nguyễn biên soạn. Các soạn giả đã tham khảo nhiều sách, bổ sung chỗ thiếu, đính chính chỗ sai, nhưng khi gặp địa danh này cũng chỉ chua: “Binh Hiệp huyện thất tường” (huyện Binh Hiệp chưa rõ ở đâu).
Các dịch giả đời sau cũng chú: “Huyện Binh Hợp chưa rõ ở chỗ nào”(5).Bản dịch ĐVSKTT chú: “Huyện Binh Hợp có lẽ là huyện Phượng Sơn chép lộn thành”(6).Qua các tư liệu trên, chúng ta thấy huyện Binh Hiệp có từ thời Lý trở về trước và địa danh này đã được thay đổi muộn nhất cũng vào trước năm 1856, tức là trước khi biên soạn KĐVSTGCM (1856-1884).Vậy qua một thời gian dài biến thiên của lịch sử, địa danh này được thay đổi thế nào và nay ở đâu, đó là vấn đề mà bài viết này sẽ đi sâu giải quyết.

Để xác định địa danh cổ, chúng tôi theo hướng tìm hiểu tư liệu được ghi chép bằng chữ Hán, chữ Nôm hiện còn lưu giữ ở các địa phương. Theo hướng này, vừa qua, chúng tôi phát hiện được một tấm bia có khắc địa danh Binh Hiệp. Bia dựng tại chùa Miếu, thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội. Bia hai mặt, khổ 76x130cm, với khoảng 1200 chữ Hán khắc chân phương. Trán bia chạm hai con rồng chầu vào khung hình chữ nhật. Trong khung khắc năm dòng chữ tiêu đề bia, viết theo cột dọc, mỗi dòng hai chữ, được phiên âm: “Đại Việt quốc Binh Hiệp hương Thiệu Long tự bi” (Văn bia chùa Thiệu Long, hương Binh Hiệp, nước Đại Việt), diềm được trang trí hình hoa sen.Về nội dung: toàn bộ bài văn bia được viết theo thể biền ngẫu, đối câu đối ý.
Bia ghi việc ông Tiết cấp nhập nội thái tử Đỗ Năng Tế lập nhiều công, được Kiến quốc đại vương giao trông coi hương Binh Hiệp làm ấp thang mộc. Đỗ Năng Tế đã cùng vợ là Đặng Ngũ Nương bỏ tiền của tìm đất dựng chùa Thiệu Long. Chùa được dựng xong ngày mồng 8 tháng 3 năm Kiến Trung thứ nhất (1225). Bia không đề ngày tháng năm dựng, nhưng qua hình thức và nội dung, cũng có thể đoán định được niên đại của nó. Về hình thức hai con rồng được chạm khắc trên bia mang hình dáng con rồng thời Trần. Mặt khác, ngay trên tiêu đề bia cũng cho ta thấy “Đại Việt” là quốc hiệu của nước ta thời Lý, Trần, Lê. Nhưng bia không thể dựng thời Lý vì qua nội dung, chúng ta thấy chùa Thiệu Long được dựng xong ngày mồng 8 tháng 3 năm Kiến Trung thứ 1 (1225). Vậy bia chỉ có thể được dựng sớm nhất cũng vào năm đó.Xét về đơn vị hành chính, từ cuối thời Trần đến thời thuộc Minh, nước ta đã chia thành lộ, trấn. Lộ hay trấn thống hạt phủ, phủ thống hạt châu hay huyện, huyện thống hạt tổng, tổng thống hạt xã. Đến thời Lê chia nước thành các đạo, dưới mỗi đạo có lộ, trấn, phủ, châu, huyện, tổng, xã. Từ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) về sau chia nước thành tỉnh, tỉnh thống hạt huyện, huyện thống hạt tổng, tổng thống hạt xã, xã thống hạt thôn, hương (làng), xóm, trại, vạn v.v… không còn đơn vị hành chính hương như thời Lý, Trần nữa. Ở thời Lý, Trần hương là đơn vị hành chính ngang với huyện, như hương Long Đàm thời Trần là huyện Thanh Trì, hương Thanh Oai, là huyện Thanh Oai, hương Cổ Lỗi là huyện Siêu Loại, hương Bàng Hà là huyện Bàng Hà v.v…
Vậy bia chỉ có thể dựng vào thời Trần.Các cứ liệu trên cho ta thấy huyện Binh Hiệp thời Lý phải chăng cũng chính là hương Binh Hiệp thời Trần. Nếu đúng như vậy thì cho đến nay địa danh này còn gồm những vùng đất nào? Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã tìm đọc bia, chuông, thần phả, ngọc phả của xã Tam Hiệp, nơi dựng tấm bia có địa danh Binh Hiệp và những vùng phụ cận thì thấy:
1, Bia Tân tạo Kim Hoa tự bi dựng ngày mồng 1 tháng 3 năm Diên Thành thứ 2 (1579) có ghi tên các địa danh Thuấn Nhuế, Khánh Hiệp tổng Thương Hiệp, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai.
2, Bia Tân tạo từ miếu bi dựng ngày mồng 10 tháng 7 năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680) có ghi tên các địa danh Giáp Văn, phường Lữ Tân, xã Thượng Hiệp, tổng Thượng Hiệp, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Đoài.
3, Bia Tân tạo Kim Hoa tự bi dựng ngày 27 tháng 1 năm Chính Hòa 13 (1692) có ghi phường Lữ Tân, tổng Thượng Hiệp, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai.
4, Bia Hậu thần bi ký dựng năm Cảnh Hưng 29 (1768) có ghi các địa danh Giáp Do, thôn Thượng, xã Thượng Hiệp, tổng Thượng Hiệp, huyện Đan Phượng.
5, Chuông chùa Tổng Kim Hoa tự chung đúc năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1798) có ghi địa danh tổng Thượng Hiệp, huyện Đan Phượng.
6, Bia Nhất thôn ký kỵ dựng ngày 20 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) có ghi địa danh thôn Mỹ Giang, xã Khánh Hiệp, tổng Thượng Hiệp, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai v.v…
Những địa danh được khắc trên bia, chuông chúng ta thấy đều là tên thôn, xã của hai tổng Thượng Hiệp và Hạ Hiệp ở thời Lê. Hai tổng này còn tồn tại mãi đến thời Nguyễn sau này và cho đến nay những xóm thôn vẫn còn mang tên đất cổ đó.
Như trên chúng tôi đã trình bày, từ cuối thời Trần về sau không còn đơn vị hành chính hương nữa. Vậy giả thiết đến thời điểm này hương Binh Hiệp đã bị giải thể, vùng đất đó được chia làm hai tổng Thượng Hiệp và Hạ Hiệp, thì hai tổng này ở thời thuộc Minh thuộc châu Từ Liêm, thời Lê, thuộc huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây. Đến năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) đổi thuộc về huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai(7). Nếu giả thiết trên là đúng thì huyện Binh Hiệp thời Lý hay hương Binh Hiệp thời Trần đến nay là vùng đất có các xã: Tam Hiệp, Tam Thuấn, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, thuộc huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội.
Chú thích:
Chữ 合 có hai âm Hiệp và Hợp.
Xem ĐVSKTT, quyển 4, tờ 28, ký hiệu Thư viện Hán Nôm A.3/2.
Xem ĐVSKTB quyển 3 tờ 41a ký hiệu Thư viện Hán Nôm A.2/1-7.
Xem KĐVSTGCM chính biên, quyển V, tờ 36, ký hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm VHv.2632.
Xem KĐVSTGCM, bản dịch Nxb. Văn Sử Địa, H. 1972, tr.383.
Xem ĐVSKTT, Nxb. KHXH, H. 1972, tr.352.
Xem Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Sơn Tây, Nhà xuất bản Nha văn hóa, năm 1966, tr.17./.