TƯ LIỆU VỀ NINH TỐN

TƯ LIỆU VỀ NINH TỐN
Ninh Tốn xuất thân trong một gia đình khoa bảng, ông nội và cha đều thi đỗ Hương cống và từng làm quan trong Viện hàn lâm dưới triều Lê Trịnh. Đặc biệt, người bác ruột là Ninh Địch thì đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Đông Các Đại học sĩ. Bản thân Ninh Tốn cũng thi đỗ Hội Nguyên Tiến sĩ, và làm quan trong triều. Có thể nói rằng dòng họ Ninh ở Côi Trì này đã chịu ân dày của triều đình phong kiến Lê Trịnh. Thế nhưng cũng giống như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, Võ Huy Tấn và những trí thức tiến bộ khác, Ninh Tốn đã vượt ra cái khuôn khổ "ngu trung" để đứng hẳn về hàng ngũ của phong trào Tây Sơn và đóng góp một phần sức lực xứng đáng vào công cuộc dựng nước và giữ nước do người "anh hùng áo vải" Quang Trung lãnh đạo. Vừa qua, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội mới cho ra mắt tập Thơ văn Ninh Tốn, tuyển chọn và giới thiệu 108 bài thơ văn tiêu biểu của Ninh Tốn. Tập sách này cũng giới thiệu khá đầy đủ về thân thế và sự nghiệp của nhà thơ. Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu tìm hiểu và đánh giá đúng về tác phẩm và con người Ninh Tốn, chúng tôi xin giới thiệu thêm một số tư liệu có liên quan đến ông mà trong cuốn Thơ văn Ninh Tốn chưa có dịp đề cập đến.
1) Quê tổ của họ Ninh:
Sách Thơ văn Ninh Tốn dẫn theo Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hồ cho rằng quê tổ của Ninh Tốn ở làng Ninh Xá, huyện Chí Linh. Chí Linh quả thật có làng Ninh Xá, đây là vùng quê nổi tiếng văn vật, nhiều người đỗ đạt, ví dụ như Nguyễn Mại đỗ Hoàng Giáp đời Lê Hy Tông... Thế nhưng làng Ninh Xá ở huyện Chí Linh này có đúng là quê tổ của họ Ninh không? Sách Ninh tướng công hành trạng(1) và Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện(2) đều chép ông tổ họ Ninh quê ở làng Ninh Xá huyện Vọng Doanh, đầu đời Hồng Đức đến khai khẩn đất hoang ở huyện Yên Mô, rồi lập ra làng Côi Đàm(3). Sách Các trấn tổng xã danh bị lãm(4) , cho biết làng Ninh Xá huyện Vọng Doanh thuộc vào phủ Nghĩa Hưng trấn Sơn Nam (nay là xã Cát Đằng, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định).
Đất Ninh Xá này nằm ở huyện đồng bằng, chỉ cách huyện Yên Mô một dòng sông Đáy. Do vậy họ Ninh có thể từ vùng đồng bằng đấp hẹp người đông, sang khai khẩn đất đai ở huyện miền núi gần đó, theo đúng phép chiếm xạ(5) do triều đình phong kiến lúc bấy giờ ban hành. Còn Chí Linh cũng là một huyện miền núi, đất đai hẳn không thiếu gì, chẳng cần phải đi khai khẩn nơi khác, hơn nữa Chí Linh và Yên Mô lại cách nhau rất xa, nên việc họ Ninh từ Ninh Xá Chí Linh đến Yên Mô là khó có thể xảy ra. Phạm Đình Hổ là người vùng Hải Dương rất quen thuộc dải đất Chí Linh, có lẽ ông đã lầm Ninh Xá của huyện Vọng Doanh với Ninh Xá của huyện Chí Linh chăng?
2) Thế phả họ Ninh:
Sách Hành trạng cho chúng ta biết thêm một số tài liệu về dòng họ Ninh ở Côi Trì: Ông nội Ninh Tốn (Hành trạng do Ninh Ngạn soạn, nên không chép tên, mà gọi là Gia nghiêm) sinh năm 1665, đỗ Hương cống năm 1705, làm Tri huyện Quảng Bình năm 1725, làm Đông Các đại học sĩ năm 1732, mất năm nào không rõ.
Bác ruột Ninh Tốn là Ninh Địch, sinh năm 1687, năm 1705 đỗ Hương cống cùng khoa với cha, năm 1718 đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Đông Các Đại học sĩ, mất năm 1734. Ninh Địch trước tác rất nhiều, còn để lại Thuỷ trình quốc ngữ ca miêu tả phong cảnh từ Nhị Hà đến Cầu Dinh.
Bố Ninh Tốn là Ninh Ngạn(6), tự là Dã Hiên. Ngoài tác phẩm Vũ Vu thiển thuyết và Phong Vịnh tập như sách Thơ văn Ninh Tốn đã giới thiệu, Ninh Ngạn còn biên soạn tập Ninh tướng công hành trạng như đã giới thiệu ở trên. Đây là tập sách quý cho biết nhiều tư liệu về họ Ninh ở Côi Trì. Hiện ở thư viện Viện Hán Nôm còn giữ được một bản chép tay, khổ 18 x 28, 34 trang, ký hiệu A. 1267. Chính Ninh Ngạn có viết một bài Tiểu tự, nói rõ quá trình biên soạn sách này. Bài Tiểu tựviết năm 1764, lúc đó tác giả vừa đúng 50 tuổi (Dư kim niên tri mệnh hĩ), do vậy có thể đoán biết Ninh Ngạn sinh năm 1715, kém Ninh Địch 28 tuổi. Hành trạng cho biết thêm Ninh Ngạn đỗ Hương cống năm 1750, từng làm Hiến phó sứ. Ninh Ngạn được ấm phong làm Thị độc trong Viện Hàn Lâm, ông nổi tiếng hay chữ, hào hoa phong nhã. SáchTỉnh chí xếp ông vào một trong bảy người anh hào đất Trường An (Kinh đô) lúc bấy giờ (Trường An thất hào), ông được gọi là "Côi Trì thị độc Ninh Ngạn".
3) Thơ Nôm Ninh Tốn.
Ninh Tốn có sáng tác thơ Nôm không? Các sưu tập văn thơ của họ Ninh do con cháu trong họ biên tập như Thơ văn Ninh Tốn giới thiệu, đều không thấy có thơ Nôm. Sách Sài sơn thắng tích tạp ký(7) do nhà sư Tuệ Giác ở chùa Phạt Tích Sài Sơn - biên soạn năm Gia Long 6 (1807), có chép một bài thơ Nôm Đề Am Hiển Thuỵ và ghi rõ tác giả là Côi Trì Tiến sĩ Ninh Tốn. Bài thơ như sau:
Trên đỉnh non Sài một động xa,
Đồ bày để đợi kẻ đầu đà.
Mưa trời ngọc tưới lan đầy cửa, 
Đất bụt xuân vầy nức những hoa.
Hương cúng triện dâng như thuỵ khí,
Kinh xem đàn điểm giục hằng nga.
Đá phàm đã hoá nên tiên động,
Thế giới đông nên hợp một nhà.

Bài thơ này được chép y nguyên trong tập Thiên nam hình thắng minh lương di mặc lục(8) nhưng ở phần lời dẫn lại ghi "Đời Lê Vĩnh Thịnh có hai vị Tiến sĩ lên núi dạo chơi, đề thơ ở vách am Hiển Thuỵ, một bài chữ, một bài Quốc âm. Sau khi chép xong hai bài thơ, một Hán, một Nôm, sách lại ghi thêm: "Lạc khoản ở dưới cho biết, cuối mùa xuân năm Canh Tý đời Lê Vĩnh Thịnh, kẻ hậu học ở Côi Trì, Yên Mô là Ninh Đạt và cháu gọi bằng bác là Ninh Tốn cùng bái đề".
Để xác định xem bài thơ Nôm này có phải của Ninh Tốn không, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm xem Ninh Đạt là ai, quan hệ như thế nào với Ninh Tốn. Sách Hành trạng không chép Ninh Tốn có người bác nào là Ninh Đạt cả, mà người bác đỗ Tiến sĩ đời Vĩnh Thịnh thì chỉ có một mình Ninh Địch như đã giới thiệu ở trên. Còn Ninh Đạt, lại là người đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659) năm Vĩnh Thọ 2 đời Lê Thần Tông. TheoVũ Trung tuỳ bút, thì Ninh Đạt vào hạng ông tổ năm đời của Ninh Tốn. Như vậy là Thiên nam hình thắng minh lương di mặc lục đã nhầm lẫn giữa Ninh Đạt và Ninh Địch. Thế nhưng, cho dù là nhầm Ninh Đạt với Ninh Địch, vẫn không thể có sự việc Ninh Địch và Ninh Tốn cùng đi chơi chùa Thày để mà "đồng bái đề" được, bởi vì Ninh Địch chết năm 1734, mà Ninh Tốn mãi đến năm 1744 mới sinh(9). Do đó có thể tạm kết luận rằng, những ghi chép trong Thiên nam hình thắng minh lương di mặc lục là không có căn cứ, mà điều ghi nhận của nhà sư Tuệ Giác trong Sài Sơn thắng tích tạp ký là có thể tin cậy được. Nhà sư Tuệ Giác trụ trì ngay ở chùa Phật Tích, và thời gian biên soạn sách của ông cũng rất gần với thời Ninh Tốn, nên những điều ông ghi chép được có nhiều khả năng đúng với sự thực hơn.
Nguyễn Đăng


CHÚ THÍCH
(1) Ninh tướng công hành trạng, Ninh Ngạn biên saọn năm Cảnh Hưng Giáp Thân (1764), sách của Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu A. 1267, gọi tắt là Hành trạng.
(2) Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện, Nguyễn Văn Mẫn biên soạn năm Tự Đức 15 (1862). Sách của Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu A. 922, gọi tắt là Tỉnh chí.
(3) Côi Đàm: tên cũ của làng Côi Trì, do kiêng húy tên vua Duy Đàm, đã đổi ra tên này.
(4) Các trấn tổng xã danh bị lãm, Sách của Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu A. 570.
(5) Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ giải thích về phép “Chiếm xạ” như sau: “Thời Hồng Đức, sau cơn binh loạn, ruộng đất bỏ hoang nhiều, triều đình bàn thi hành phép Chiếm xạ, sai các thế gia hào hữu tùy sức khai khẩn đất hoang. Sau khi thành ruộng đất, cho ghi vào sổ của bộ Hộ, mãi mãi giữ làm của riêng, đó là phép Chiếm xạ”.
(6) Chữ Hán ghi tên Ninh Ngạn là 1 , Sách Thơ văn Ninh Tốn tự điển Văn học (Nxb KHXH, 1984) đều đọc là “sản”. Tra cứu các tự thư chúng tôi thấy phải đọc là “nghiễn” hoặc “ngạn” mới đúng (“Ngư khiển thiết”, hoặc “ngữ ngạn thiết”). Xem Khang Hy tự điển Đồng văn thư cục nguyên bản, tr. 1189.
(7) Sài Sơn thắng tích tạp ký, Sách của Thư viện Viện Hán Nôm, bản chép tay, ký hiệu A. 923.
(8) Thiên Nam hình thắng minh lương di mặc lục, Sách của Thư viện Viện Hán Nôm, bản chép tay, ký hiệu A. 952.
(9) Các sách Thơ văn Ninh Tốn và Từ điển văn học đều ghi Ninh Tốn sinh năm 1743, là chưa đúng. Trong bài Chuyết sơn thi tự mà Thơ văn Ninh Tốn có tuyển chọn, nói rõ Ninh Tốn đỗ Hương cống năm Nhâm Ngọ (1762), lúc ấy ông 19 tuổi. Theo cách tính tuổi của người xưa thì ông phải sing năm 1744 mới đúng.