VỀ NHỮNG BÀI THƠ HÁN NÔM TỰ DỊCH CỦA NGUYỄN KHUYẾN

Bài viết của Tảo Trang
Nguyễn Khuyến
1. Mối liên hệ mật thiết giữa hai thứ tiếng Việt, Hán và những bài thơ Hán Nôm tự dịch của Nguyễn Khuyến
Trong lịch sử văn học các nước, có thể nói ít thấy trường hợp xen kẽ, ảnh hưởng qua lại một cách mật thiết như giữa chữ Hán và chữ Nôm tại nước ta trước thế kỷ XX. Trong một khoảng thời gian khá dài, chữ Hán đã là thứ văn tự chính thức của các triều đình phong kiến Việt Nam, được dùng rộng rãi trong các văn kiện chính trị cũng như trong đời sống văn hóa xã hội. Nhưng ngay trong lúc đó, tiếng Việt vẫn phát triển mạnh mẽ và có một sức sống dồi dào, bản thân nó từng tác động ngược lại, khiến chữ Hán có những biến chuyển nhất định trong cách phát âm, và cả trong lối viết cũng như trong cách hành văn.
Tại Châu Á có ba nước đã diễn ra sự giao lưu mật thiết với nền văn hóa Trung Hoa, là Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Giữa những nước này, chữ Hán có thể coi như chuyển ngữ, và những nhà trí thức của bốn nước trên từng dùng "bút đàm" để trao đổi với nhau về mọi vấn đề. Nhưng xét về âm thanh - tức cách đọc chữ Hán, đã có một sự khác biệt lớn, không những giữa ba nước ngoài Trung Quốc, mà ngay trong nội địa Trung Quốc, giữa tỉnh này với tỉnh khác khiến không có khả năng hiểu lẫn nhau bằng tiếng nói. Ở Việt Nam, chữ Hán được đọc theo âm "Hán Việt", gần âm chữ Hán thế kỷ X. Do đó đối với người Việt, sự phân biệt âm thanh nặng nhẹ, thanh bằng, thanh trắc, sự ghép vần, được coi như chuyện rất thường, chỉ để ý học tập chút ít là nắm được. Còn đối với người Trung Quốc hiện đại, thường phải dùng những cuốn tự điển hay "thi vận" mới biết rõ chữ này thuộc vần gì và thanh nào.
Sự gần gũi về mặt âm thanh giữa tiếng Hán và tiếng Việt đã là tiền đề cho một mảng văn học khá độc đáo ở nước ta. Bên cạnh những bài thơ tiếng Việt làm theo niêm luật thơ Hán, có những bài thơ Hán làm theo thể thơ Việt thuần túy như lục bát...; những thể thơ kết hợp thể thơ thuần Việt với thể thuần Hán như thể ca trù, những câu đối toàn chữ Hán nhưng đọc lên lại có thêm nghĩa tiếng Việt, như câu đối đầu xuân mà nhiều người biết:
Tứ thời bát tiết canh chung thủy,
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.

Câu đối xuân rất đẹp, trong đó lại có thêm ý "bát tiết canh đôi bồ dục" là quà biếu để xin câu đối. Hoặc là cả những bài thơ đọc xuôi là chữ Hán, đọc ngược là Nôm, xuôi hay ngược đều có đủ ý tứ, hình ảnh và vần điệu, xứng đáng là những bài thơ tuy chưa được là tuyệt tác, nhưng không phải không có giá trị cả về mặt nội dung và hình thức, mặc dù dĩ nhiên không tránh khỏi có đôi chỗ gò bó.
Trong lịch sử văn học nước ta, có nhiều nhà thơ lớn từng để lại sự nghiệp sáng tác văn học Nôm và Hán phong phú ngang nhau. Về mặt này, có thể kể tới ba bậc thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến. Nguyễn Trãi, đỉnh cao văn học thế kỷ XV với áng "thiên cổ hùng văn" Bình Ngô đại cáo, những văn kiện đối đáp với bọn tướng lĩnh nhà Minh, tập thơ Ức Trai chữ Hán, nhưng cạnh đó là Quốc âm thi tập, viên ngọc sáng ngời ngay từ thời kỳ xa xưa. Nguyễn Du, ngoài tác phẩm bất hủ Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh, còn để lại những tập thơ chữ Hán nổi tiếng: Thanh Hiên, Nam Trung và Bắc Hành. Nguyễn Khuyến có Quế Sơn thi tập gồm khoảng trên 200 bài chữ Hán và gần 100 bài chữ Nôm. Riêng về khía cạnh kết hợp giữa 2 thể Hán và Nôm, Nguyễn Khuyến đã tạo cho mình một nét đặc sắc mà hai nhà thơ Ức Trai và Tiên Điền không có. Câu đối "Tứ thời bát tiết canh chung thủy" dẫn ở trên tương truyền là của ông. Và nhất là ông đã sáng tác cả một mảng thơ tiêu biểu cho sự liên kết mật thiết giữa hai loại tiếng Hán và Việt, đó là những bài thơ chúng tôi tạm gọi là "thơ liên kết Việt Hán", đi từng cặp một, cùng một nội dung nhưng làm thành 2 thể thơ Nôm và Hán, bài này như dịch bài kia. Tìm hiểu mảng thơ này đem lại nhiều điều lý thú: cho thấy tài bậc thầy của nhà thơ làm chủ ngữ ngôn thi ca ở cả hai khối Hán và Việt, đồng thời làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh về tâm hồn cao đẹp của nhà thơ Quế Sơn.
Hiện nay theo tài liệu, thư tịch Hán và Việt có thể thống kê được 20 bài, tạm gọi là 20 bài "thơ liên kết" hoặc "thơ kép", tức một bài thành hai, một chữ Hán, một chữ Nôm và chung một nội dung. Phân loại theo đề tài, ta thấy như sau:
1/ Tả cảnh có 7 bài: 1, Trở về vườn cũ, tr.81/ Bùi viên điền trạch,tr.225(1); 2, Uống rượu vườn Bùi, tr.82/ Bùi viên độc ẩm, tr.236; 3,Vịnh mùa hè, tr.105/ Hạ nhật ngẫu hứng, tr.327; 4, Đến chơi nhà bác Đặng, tr.125/ Hạ nhật phỏng biểu huynh, tr.327; 5, Cáo quan về nhà,tr.148/ Mạn hứng, tr.304; 6, Chơi núi Long Đội, tr.101/ Úc Long Đội sơn (bài 1); 7, Nhớ cảnh chùa Đọi, tr.102/ Úc Long Đội sơn (bài 2), tr.385. Trong 7 bài thơ trên 5 bài đầu nói về nhà cũ và quê hương tác giả, 2 bài sau nói về núi và chùa Long Đội, một thắng cảnh ở huyện Duy Tiên, sát cạnh huyện Bình Lục, quê tác giả.
2/ Thù tặng có 8 bài: 1, Núi Lão huyện ta, tr.100/ Ngô huyện Lão Sơn,tr.379 (đầu đề tưởng như của thơ tả cảnh, nhưng lời dẫn ở bài thơ chữ Hán cho biết bài thơ được làm để tạ mối thịnh tình của bạn thân tặng áo để đi chơi núi. Tuy nhiên, trừ câu cuối, còn cả bài thơ là tả cảnh); 2,Thầy đồ ve gái, tr.109/ Thiền sư, tr.364 (châm biếm nhẹ nhàng, tương truyền được gửi tới một thầy đồ trẻ); 3, Tiễn người quen, tr.142/ Dữ bản huyện doãn Nguyễn, nguyên doãn Trần đồng ẩm, tr.211 (lời dẫn bài chữ Hán cho biết bài được làm ngay trên tiệc rượu: tình lưu luyến thêm nỗi niềm cảm khái đối với thời cục); 4, Tặng người làng ra làm quan, tr.128/ Tặng đồng hương Lê tú tài..., tr.326 (đầu đề bài tiếng Việt không hợp, bài chữ Hán có lời dẫn cho biết Lê tú tài đương làm trợ tá phủ Nho Quan, chuyển về làm tùy phái - một viên quan giúp việc ở tỉnh đường, ông muốn xin thôi, nhà thơ khuyên nên tiếp tục làm việc. Tưởng nên sửa đầu đề "Tặng người làng, khuyên tiếp tục ra làm quan". Lời thơ có giọng hơi đùa cợt, nhưng thông cảm với hoàn cảnh sinh sống của nhân vật; 5, Nói chuyện với bạn, tr.126/ Thoại cựu,tr.369 (trao đổi tâm tình với bạn học cũ, cùng nhớ lại thầy dạy, thương cảm về tuổi già và thời cục không vừa ý mình); 6, Tặng lại người cho hoa trà, tr.137/ Sơn trà, tr.408 (giọng đả kích kín đáo nhưng thấm thía); 7, Cảm hứng, tr.147/ Ký hữu, tr.248 (gửi cho bạn trước cùng làm quan ở trong triều, biểu lộ niềm cảm khái đối với thời cục. Đầu đề bài tiếng Việt "Cảm hứng" e không thật sát, câu 1-2 là lời thơ gửi bạn); 8,Khóc Dương Khuê, tr.129/ Vãn đồng niên Tiến sĩ Dương Thượng thư... tr.404 (Tình bạn bè thắm thiết).
3/ Tâm sự, mối cảm hoài đối với thời thế có 5 bài:
1, Lời gái góa, tr.91/ Ly phụ hành, tr.335 (tỏ tấm lòng kiên định không chịu hợp tác với bọn bán nước và cướp nước); 2, Lời vợ anh phường chèo, tr.98/ Ưu phụ từ, tr.336 (đả kích bọn "vua chèo quan chèo" không nhận thấy rõ thực chất thân phận mình); 3, Kẻ trộm mất trộm,tr.108/ Đạo thất đạo, tr.363 (phê phán gián tiếp bọn quan lại sách nhiễu dân, lại bị bọn khác sách nhiễu lại); 4, Ngày xuân dạy các con trai, tr. 87/ Xuân nhật thị chư nhi, tr.245 (khuyên dạy các con, đồng thời tỏ tâm sự cảm khái đối với thời vận); 5, Di chúc, tr.150/ Di chúc, tr.418 (lời trăn trối, niềm tâm sự trước khi mất). Đáng tiếc rằng bản tiếng Việt có nhiều chỗ ngờ không phải là của chính nhà thơ (Xin xem phần sau).
Ngoài 20 bài trên, tập TVNK, tr.172, có chép bài thơ Nôm lục bát "Mừng cụ Đặng Tự Ý 70 tuổi", kèm ghi chú: "đây là bài dịch bức trướng do chính Nguyễn Khuyến viết, có thể là bút tích duy nhất của tác giả còn giữ được". Sách ghi bức trướng viết năm 1885. Tiếc rằng sách không chép nguyên văn, nên không thể nói sâu hơn về bài thơ này.
Về thể loại, có 18 bài thơ chữ Hán (14 bài Đường luật 8 câu 7 chữ, 2 bài thể ngũ ngôn Khóc Dương Khuê  Di chúc, 2 bài thể Cổ thi Ly phụ hành và Ưu phụ từ. Có 2 bài thuộc thể "ca trù" là thể thơ đặc biệt Việt Nam Bùi viên cựu trạch ca và Bùi viên đối ẩm trích cú ca. Đối với thơ Nôm thì 18 bài thơ Hán thể Đường luật đều kèm theo 17 bài thơ Nôm cũng thể Đường luật, trừ một bài chữ Hán Dữ bản huyện Nguyễn nguyên doãn Trần đồng ẩm tức tịch thư tiễn được dịch theo thể song thất lục bát, là thể thơ đặc biệt Việt Nam. Thể song thất lục bát này cũng được dùng để dịch 2 bài cổ thi Ly phụ hành và Ưu phụ từvà 2 bài ngũ ngôn Vãn đồng niên Vân Đình Tiến sĩ Dương thượng thư và Di chúc. Như vậy về mặt thể thơ, ta thấy ở ngay thơ Hán cũng có 2 bài dùng lối thơ đặc biệt Việt Nam là thể ca trù, còn thơ Nôm thì ngoài 2 bài ca trù tương ứng với 2 bài ca trù chữ Hán, ta có 5 bài thể song thất lục bát là thể thơ tiếng Việt thường dùng diễn tả những tình cảm sâu lắng của tâm hồn.
Về thời điểm xuất hiện 20 bài "thơ liên kết" Việt Hán nói trên, xét về nội dung, chúng ta thấy chúng đều được sáng tác sau khi Nguyễn Khuyến cáo quan về hưu ở quê nhà, như trường hợp đại bộ phận những bài thơ trong Quế Sơn thi tập. Có bài có thể xác định cả năm tháng. Như bài Viếng Dương Khuê vào năm 1902 (Dương Khuê sinh năm 1839 mất năm 1902), bài Di chúc vào năm 1898, nếu ta tin rằng câu "ngã niên trị bát bát" cho phép khẳng định tác giả lúc này 64 tuổi, theo lối tính tuổi cổ truyền. Những bài khác khó xác định thời điểm cụ thể về năm tháng, nhưng đều có những từ "thời loạn", "tuần dương cửu", "ngày loạn", "thương hải tang điền"... cho thấy chúng được làm sau khi nhà thơ đã về hưu, tức sau năm 1884, trong lúc cục diện đất nước đang có những biến chuyển lớn: triều đình Huế ngày càng hèn nhát bất lực trước sự lấn át của thực dân Pháp. Thời kỳ này, ngoài 2 năm bị vời ra dạy học ở nhà Hoàng Cao Khải (1891-1893), nhà thơ đã sống 13 năm trong cảnh nghỉ hưu ở quê nhà, vừa dạy học, vừa sống hòa với thôn xóm họ mạc, khiến tri thức sách vở uyên bác của ông được bổ sung bằng kho tàng hiểu biết phong phú nhiều mặt của quần chúng, làm nảy sinh những sáng tác có nhiều vẻ đẹp mới.
20 bài thơ, thành 40 bài, tức 20 cặp, mỗi cặp gồm một bài Hán, 1 bài Việt. Có phải tác giả đã làm bài chữ Hán trước rồi dịch ra tiếng Việt sau? Đầu tiên, người ta dễ nghĩ như vậy. Một nhà nho, từ nhỏ từng theo học chữ Hán, từng đi thi nhiều khoa bị hỏng, nhưng đến năm 31 tuổi đã đỗ giải nguyên, đứng đầu khoa thi Hương, kỳ thi Hội lại hỏng 2 khoa, đến khoa thứ 3, năm 1871, tuổi 36, mới lại đỗ đầu hai kỳ thi Hội thi Đình, giành được học vị cao quí Nhị giáp Tiến sĩ Tam nguyên lừng lẫy một thời. Một người như vậy nhất định phải sở trường thơ chữ Hán, còn thơ Nôm thì chỉ là thứ vui tiêu khiển khi nhàn rỗi. Cũng vì thế mà trong sách TVNK, mặc dầu ở phần tiểu sử, khi nói về "hiện tượng" có một số bài "vừa bằng chữ Hán, lại bằng chữ Nôm", từng nhận định "những bài Hán và Nôm này khớp với nhau một cách tài tình đến nỗi có trường hợp khó mà nhận ra được bài thơ nào đã làm ra trước bài nào", nhưng ở trong phần thơ văn, gặp trường hợp bài thơ trong mảng 20 bài thơ Hán - Việt, nếu là thơ Nôm thì ghi chú ở cuối "tác giả tự dịch bài..." (ghi đầu đề bài chữ Hán), nếu là thơ Hán thì ghi chú "có bài dịch thơ của tác giả ở phần thơ Nôm", tức là coi những bài thơ Hán đều là nguyên tác, còn những bài thơ Nôm chỉ là bản dịch. Nói chung điều này là đúng. Và ở nhiều trường hợp chắc chắn như vậy. Như bài Bùi viên đối ẩm, (Sđd, tr.226) do những câu thơ cổ chữ Hán ghép lại, nhất định phải lấy chữ Hán làm sơ tác, bài Nôm chỉ là dịch theo. Hoặc bài Viếng Dương Khuê (tr.404) với quan niệm các nhà nho xưa coi chữ Hán có tính cách trân trọng hơn tiếng "nôm na mách qué", bài viếng chính thức chắc chắn phải là bài chữ Hán, có thể được đọc trước bàn thờ người đã khuất. Nhưng đối với nhiều bài khác, có lẽ không nên quan niệm cứng nhắc rằng bài Nôm chỉ là bản dịch bài chữ Hán, ở ngay những bài chữ Hán có lời dẫn về trường hợp sáng tác (thí dụ bài Ngô huyện Lão sơn, tr.379). Vì nhà thơ hoàn toàn tự chủ, có thể viết bài Hán trước bài Nôm, hay ngược lại. Nhà thơ không bị gò bó vì "nguyên tác" hay "dịch bản" cả hai đều do tay mình, có thể bài đầu đã hình thành, khi chuyển sang dạng chữ khác, lại thấy thêm ý mới, khiến sửa lại bản tiếng trước cho hợp với bản tiếng sau. Quá trình này có thể lặp lại nhiều lần đối với mỗi bài thơ kép ở hai dạng Nôm và Hán. Với cách làm như vậy, khó mà nói rằng bài nọ dịch từ bài kia, có thể coi cả hai bài được sáng tác song hành dưới hai dạng chữ, được xếp cho ăn khớp với nhau, cả về nội dung lẫn hình thức, nhằm thể hiện đạt mức trung thành cao nhất tâm trạng của nhà thơ qua hai ngôn ngữ khác biệt.
2. Một số nhận xét sơ bộ qua việc đối chiếu hai bản Hán và Nôm trong những bài "thơ liên kết" Việt Hán của Nguyễn Khuyến
A- Nhận xét đầu tiên và trội hơn cả, đối với những người từng làm quen với thứ văn chương cả Việt lẫn Hán, là việc đọc những bài thơ liên kết của Nguyễn Khuyến, qua hai dạng Hán và Nôm, đều đem lại những hứng thú ngang nhau. Qua hai bản, người đọc không hề cảm thấy có sự nhàm chán mặc dầu có sự lặp lại cả tình lẫn cảnh.
Có thể lấy một ví dụ: bài Trở về vườn cũ (tr.81) đi đôi với bài chữ HánBùi viên cựu trạch (tr.225). Cả hai bài Nôm và Hán đều là theo thể ca trù, ở cả hai, giọng thơ khoáng đạt, có niềm vui được về chốn vườn cũ ở quê hương, tuy vẫn phảng phất tự buồn nản đối với thời cục.
Bản chữ Hán mở đầu bằng câu:
Bùi viên ngõ cựu trạch,
Tứ thập niên, kim nhật phú qui lai.
Tùng tùng, cúc cúc, mai mai,
Phiêu nhiên hữu khâu hác lâm tuyền chi lạc thú.
 
(Vườn Bùi nơi nhà cũ của ta,
Bốn mươi năm, nay mới ngâm ngợi bài thơ "quay về".
Đây tùng, đây cúc, đây mai,
Phơi phới thú ẩn dật nơi núi khe rừng suối).
Sách TVNK ghi chú (tr.81): "Xứ vườn Bùi tức là cả thôn Vi + Hạ". Nhưng theo trí nhớ tôi, năm 1947 trong kháng chiến chống Pháp, khi về thăm Vi + Hạ, thì được cho biết: "Vườn Bùi" chính là nơi dựng nhà thờ, và là nơi nhà thơ sống trước khi mất, đất này vốn của tiên tổ, khi Nguyễn Khuyến 9, 10 tuổi do hoàn cảnh gia đình, đất vườn đã chuyển sang người khác, sau mới thu hồi lại, và khi ông về hưu mới quay lại chốn này. Câu 2 của bài chữ Hán "Phú qui lai" nhắc tích Đào Tiềm làm bài "Qui khứ lai từ" khi từ quan về. Câu sau nói tới những cây tùng, cúc và mai là những cây hình dáng, hương sắc thanh cao, bầu bạn với những cao sĩ ẩn dật. Không hẳn vườn Bùi lúc này có những cây trên, nhưng chúng vẫn có mặt trong thơ với tính cách tượng trưng, gợi ý. Người quen sống trong không khí văn thơ chũ Hán, với chữ dùng phần lớn là "ước lệ", "biểu tượng", không hề thấy chối, cũng như khi đọc các cụ vịnh "tuyết" tuy đang ở xứ nóng, hoặc ví người đẹp như "mẫu đơn, hải đường" mà chẳng cần biết rõ những hoa đó hình dáng màu sắc thế nào. Có thể mới chuyển sang câu sau: "Phiếu nhiên hữu khâu hác lâm tuyền chi lạc thú" (Phơi phới thú ẩn dật nơi núi khe rừng suối). Trang trọng, uẩn súc, gợi cảm bằng cách nhắc nhở những hình tượng văn chương cũ đã làm ngây ngất tâm hồn qua nhiều thế hệ, đó là thú cám dỗ của thơ Hán.
Sang bản tiếng Việt, cũng từng nẩy ý, và cũng theo điệu ca trù, nhưng giọng văn có khác:
Vườn Bùi chốn cũ,
Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây.
Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây.
Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế.

Ở câu 2, từ lấp láy "lụ khụ" gợi hình tượng già nua, chậm chạp. Một bản khác chép "lẩn thẩn" cũng gợi ý già lão, nhưng nhấn mạnh về tinh thần, tính dớ dẩn thiếu sáng suốt. Sáng tiếng Việt, không cần dùng điển tích, không cần nhắc đến bài "Qui khứ lai từ", không cần những hình tượng ước lệ "tùng, cúc, mai", nhưng lại có nhiều thú vị khác. Đây là văn tả thực. "Mấy chồi cây" đúng với cảnh trước mắt. Vườn Bùi sau 40 năm mới thấy nhà thơ trở về, không thể có tùng, cúc, mai là những loại cây đòi hỏi sự chăm sóc của con người.
Giá trị bản chữ Hán hay có giọng chải chuốt, hàm súc, gợi nhiều hình ảnh đẹp của những áng thơ văn cổ. Bản tiếng Việt với từ ghép gợi cảm, phác thực và sinh động, tả tuổi già mệt mỏi, buồn nản nay vui được về chốn cũ của gia đình, cây cối xanh tươi tạo thành một cảnh yên tĩnh ẩn dật lý tưởng.
Giữa 2 bản, bản nào đã được làm trước? Có nhiều khả năng là bản Nôm, vì đều theo thể hát nói là một thể loại đặc biệt Việt Nam (tuy rằng thể loại này cũng không phải thuần túy của tiếng Việt mà là kết hợp giữa thể loại thuần Việt và thể loại chữ Hán). Dù sao cũng không thể khẳng định rằng bản Việt dịch từ bản Hán. Nếu không phải là ngược lại, chính bản Hán là dịch từ bản Nôm, thì chí ít cũng phải nói cả hai bản đều xuất phát từ một nguồn cảm nghĩ, và có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Và tác giả đã thành công ở cả hai bản, gây được hứng thú sâu đậm ngang nhau cho những người muốn thưởng thức văn Việt hay văn Hán.
Nhiều thí dụ khác có thể tìm thấy ở những bài thơ tả cảnh. Nguyễn Khuyến vẫn nổi tiếng là nhà thơ đã ghi lại được nhiều cảnh đẹp của quê hương, của làng mạc Việt Nam nói chung.
Trong bài thơ liên kết Đến chơi nhà bác Đặng/ Hạ nhật, phỏng biểu huynh Đặng Thai, qui tác (tr.327), có câu:
Ngọa thụ bì ngưu khư thử khí,
Cách trì tiểu khuyển phệ nhân thanh.
 
(Nằm gốc cây, trâu mỏi thở hơi nắng nóng,
Cách ao, chó nhỏ sủa theo tiếng người).
Bản Nôm (tr.125)
Trâu già gốc bụi phì hơi nắng
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.

Đúng là cảnh thực. Bức tranh qua 2 bản, nếu vẽ ra, chỉ là một chi tiết vụn vặt có đôi chút khác: trâu mệt mỏi (bì ngưu) và trâu già; nằm gốc cây (ngọa thụ) và gốc bụi; cách ao (cách trì) và bên ao, nhưng xét kỹ những chỗ khác biệt không đáng kể, có thể coi như không có. Ở cả hai bản, cảnh vật đều rất sinh động, và rất quen thân ở nông thôn.
Những câu tả cảnh trong thơ liên kết Việt Hán của Nguyễn Khuyến khá nhiều, nhưng không phải lúc nào 2 bản cũng thật ăn khớp nhau như trường hợp vừa trình bày. Trong bài thơ liên kết Vịnh mùa hè/ Hạ nhật ngẫu hứng, ở 2 câu 5 và 6:
Bản Nôm:
Cá vượt khóm rau lên mặt nước,
Bướm len lá trúc lượn rèm thưa
 (tr.105)
Bản Hán:
Phu chiểu lục tần khiêu nhất lý,
Đương môn thuý trúc vũ song hồ.
 
(Một cá chép nhảy vượt đám rau tần biếc phủ trên ao,
Đôi bướm múa trong khóm tre xanh trước cửa).
Cảnh thôn dã thân quen. Ở câu thơ Việt, tả cá dưới ao nhảy vọt, vượt khóm rau phủ mặt nước; bướm bay qua lá trúc lượn quanh rèm. Câu Hán cũng có cả cá có bướm có rau có trúc nhưng thêm ý một chép vàđôi bướm (bướm lượn có đôi nhất định phải đẹp), và thêm màu: rau tần biếc, bụi tre xanh.
Hai dạng câu, mỗi dạng đẹp một vẻ.
Câu thơ Hán dành chữ đầu tả cảnh tĩnh: rau tần biếc phủ trên ao, lá trúc xanh trước cửa. Cảnh tĩnh và có màu sắc để làm nổi cảnh động:một chép nhẩy và đôi bướm múa lượn. Cảnh thật đẹp và hữu tình. Bản tiếng Việt cũng có những cảnh đó, nhưng lược bỏ "lục tần" và "thúy trúc". Tự điển giảng "rau tần" là một loại bèo lớn, nhưng có ai biết rõ đó là thứ rau gì tiếng Việt, còn "thúy trúc" là chữ liền, dùng đã xói mòn trong văn cổ (thanh tùng thúy trúc, thúy trúc hoàng hoa), bản Nôm đã gạt bỏ những thứ rườm rà đó để làm nổi bật cái "động" ở nơi cá và bướm:
Cá vượt khóm rau lên mặt nước,
Bướm len lá trúc lượn rèm thưa.

Với 4 động từ: vượt và lên, len và lượn, với 3 thanh "nhập" ở câu trên: vượt, mặt, nước (đặt sát nhau, tả động tác nhảy vọt bất thần của cá), với 2 âm thanh êm nhẹ ở câu dưới (3 âm "lờ": len, lá, lượn, tả động tác lẹ làng nhịp nhàng của bướm), hình ảnh và nhạc điệu quyện hòa, cảnh thật đẹp và nên thơ.
Nếu phải chọn và xếp hạng, dĩ nhiên bây giờ chúng ta có khuynh hướng xếp ưu tiên câu tiếng Việt, nhưng đối với các bậc đàn anh sành chữ Hán, thì rất có thể thái độ lại khác.
Về tả cảnh, không thể không kể đến 2 bài thơ nổi tiếng: Về núi và chùa Long Đội. Chơi núi Long Đội/ Ức Long Đội sơn và Nhớ cảnh chùa Đọi/ Ức Long Đội sơn II.
Bài thứ nhất nói về cảnh chùa và núi Long Đội. Chùa trên núi cao, có bia cổ từ bao thế kỷ trước (bia thời Lý). Chùa bên cạnh sông, ba mặt là làng mạc. Chùa là một danh lam nên có nhiều tượng, chùa ở trên cao và cách biệt nên cảnh thanh vắng, chỉ có một vị sư trụ trì. Mọi chi tiết trên được tả ở 2 dạng Hán và Việt trong bài thơ liên kết:
Bản Hán:
Bình không tĩnh phạn dao tinh nhật,
Lịch đại tàn bi chứng hải tang.
Bình dã thiên thôn tam diện hợp,
Không sơn vạn Phật nhất tăng tàng.
 
(tr.384)
(Chùa yên tĩnh, cao ngất lưng trời, làm rung động tinh tú.
Bia tàn bao triều đại chứng tỏ bể dâu.
Nghìn thôn xóm chốn đồng bằng ba mặt hội họp,
Muôn vị Phật trên núi vắng, ẩn náu một nhà sư).
Bản Việt:
Chiếc bóng lưng trời am các quạnh,
Mảnh bia thuở trước bể dâu đầy
Le te nghìn xóm quanh ba mặt,
Lố nhố muôn ông lẫn một thầy.
 
(tr.101)
Cùng một cảnh, cách nhìn ở mỗi bài "không thật giống nhau. Bản Hán nhấn mạnh tầm cao của chùa, làm rung động cả mặt trời và các vì sao. Bản Việt nhấn mạnh mặt vắng lặng, chùa cao in bóng lưng trời càng làm tăng thêm vẻ hiu quạnh đó.
Trong bốn câu trên, ở 2 dạng Hán và Việt, 2 câu trước tả cảnh chùa theo chiều cao của trời và chiều sâu của quá khứ, càng làm tăng vẻ u tịch của chùa, 2 câu sau tả cảnh chùa theo chiều rộng, chung quanh ba mặt là làng xóm, giữa là chùa với rất nhiều tượng Phật, càng làm tăng vẻ cô đơn của nhà sư. Cùng một cảnh, nhưng giọng văn giữa 2 dạng có khác. Bản Hán vẫn trang nghiêm hơn, bản Việt giọng hơi bông đùa, có lẽ biểu hiện thái độ thường thấy của nhiều nhà nho đối với đạo Phật, kế tục khuynh hướng bài Phật có tự Trương Hán Siêu, Lê Quát đời Trần:
Le te hàng xóm quanh ba mặt
Lố nhố muôn ông lẫn một thầy.

Ở bài 2
Nhớ cảnh chùa Đội/ Ức Long đội sơn II M ta đọc 4 câu giữa:
Bản Hán:
Cổ tự tứ lân duy mộc thạch,
Hàn tăng nhất tháp cộng vân yên.
Kỷ tằng trúc ảnh nghi vô lộ,
Hữu khách tang gian lập đãi thuyền.
 
(tr.385)
(Chùa cổ bốn bên chỉ cây và đá,
Sự nghèo một giường giữa khói và mây.
Bóng trúc dày mấy tầng, ngờ không lối vào.
Bãi dâu có khách đang đứng đợi thuyền).
Bản Việt:
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá,
Sư cụ nằm chung với khói mây
Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ấy,
Thuyền ai khách đợi bến đâu đây
 
(tr.102)
Cả hai dạng đều diễn đạt cảnh và ý như nhau, lời văn trang nghiêm và gợi cảm ngang nhau. Riêng ở bài tiếng Việt câu "Dặm thế ngõ đâu tầng trúc ấy" ý không được rõ bằng câu tương ứng ở bài chữ Hán, nhưng ở câu sau "Thuyền ai khách đợi bến đâu đây?", dùng từ phiếm chỉ "thuyền ai" và đưa lên đầu câu, cho thấy rõ vẻ nóng ruột mong chờ của khách, hơn là trong câu chữ Hán.
Cảnh tuy chỉ nhớ lại trong tâm trí nhưng hiện ra trước mắt thật sinh động. Nó còn bao trùm cả không gian rộng lớn lên đến trời cao, cả thời gian xa xưa chồng chất dâu bể và niềm cô quạnh của đời sống và tâm hồn qua hoàn cảnh của nhà sư già, của khách lỡ bước đợi thuyền bên sông. Trong văn học, ít có bài thơ gợi cảm sâu sắc đến như vậy, và cả dưới hai dạng Hán và Việt đều gây niềm hào hứng ngang nhau.
Bên cạnh những bài thơ tả cảnh, những bài tả tình trong mảng thơ liên kết Việt Hán dồi dào hơn, và cũng biểu lộ ở nhà thơ một kỹ thuật vững chắc, khiến cả hai bài thường có giá trị ngang nhau, mỗi bên một vẻ, mười bên vẹn mười.
Có thể lấy ví dụ ở bài Ngày xuân dạy các con/ Xuân nhật thị chư nhi.Bài chữ Hán viết ở câu giữa:
Đương thế thi thư hà sở dụng,
Lão lai quan đới thượng đa tàm
Loạn ly xuân sắc chân vô lại,
Cửu khổ nhân tình cửu bất kham.
 
(tr.245-246)
(Đời nay, văn chương còn dùng làm gì,
Tuổi già mũ đai càng đáng thẹn.
Trong cảnh loạn, sắc xuân thật trơ trẽn,
Lòng người đau khổ đã lâu không chịu được)
Bản Nôm lặp lại đầy đủ mọi ý của bản chữ Hán, giọng tha thiết và đau xót, với những từ lấp láy có một sức gợi cảm mạnh mẽ:
Sách vở ích gì cho buổi ấy,
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
Xuân về ngày loạn càng lơ láo,
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ.
 
(tr.87)
Sách TVNK (tr.244-246) chép hai bài Xuân nhật thị chư nhi. Bài 1 đại ý nhân tiết xuân nói các con rõ nếp nhà thanh bần, hiếu học, cảnh nhà vui trong ẩn dật, và kết thúc bằng câu khuyên:
Nhi tào hoặc khả thừa ngô chí,
Bút nghiễn vô hoang, đạo thúc sơ.
 
(Các con nối chí cha, cần nhớ,
Chăm bút nghiên, thêm lúa đậu rau).
Bài 1 này không có bản Nôm. Bài 2 có bản Nôm là một bài giọng bi tráng hơn, nói về thời thế và cách ứng xử, có 4 câu trích dẫn ở trên. Riêng câu kết là một lời nhắc nhở tha thiết và cũng lên án nghiêm khắc:
Đối thử quang âm hà dĩ úy ?
Chư nhi do tự tửu ca hàm.
 
(Đối với bóng quang âm ấy, làm thế nào để đền đáp?
Thế mà các con vẫn say mê chén rượu lời ca).
Bản chữ Nôm:
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng,
Sao con đàn hát vẫn say sưa.

Dùng từ láy "lẩn thẩn" (đây có nghĩa: lần lữa, thiếu suy nghĩ) và dùng dạng câu hỏi, một lời chất vấn nghiêm nghị. Giọng thơ mạnh hơn bài chữ Hán. Hai bài thơ chữ Hán chung một đầu đề nhưng chỉ có một bài có bản chữ Nôm. Rất có thể hai bài chữ Hán được làm ở hai thời điểm khác nhau. So sánh nội dung hai bài này, có thể nêu ra một ức đoán: tác giả đã viết những bài thơ liên kết Việt Hán ở những trường hợp có những xúc cảm sâu sắc, mà muốn có thêm một sức tác động đối với người đọc bằng cách dùng cả 2 dạng văn tự để diễn đạt một nội dung.
Nói tới thơ tình cảm của Nguyễn Khuyến, không thể không nhắc tới bài thơ Khóc Dương Khuê. Thơ Hán làm theo thể cổ phong ngũ ngôn, dịch sang tiếng Việt theo thể song thất lục bát. Có nhiều khả năng bài chữ Hán được viết trước, coi như bài văn đọc trong lễ tang, và có tính cách trang trọng, sau mới được chuyển sang tiếng Việt.
Đầu đề đầy đủ bài chữ Hán: Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư (Viếng bạn cùng đỗ Tiến sĩ người Vân Đình, Thượng thư họ Dương). Dương Khuê kém Nguyễn Khuyến 4 tuổi, hai người cùng đỗ cử nhân năm 1864 tại trường thi Hà Nội, nhưng Dương Khuê ngay khoa thi Hội sau đó là năm 1868 đã đỗ Tiến sĩ. Hai người chơi với nhau rất thân, tuy rằng cuối đời, mỗi người đã đi con đường khác. Trong khi Nguyễn Khuyến quyết tâm cáo từ về hưu, thì Dương Khuê ra làm tham tá hàm Thượng thư ở nha Kinh lược, một tổ chức do thực dân Pháp nặn ra để thâu tóm nốt những quyền hành nhỏ nhoi còn để lại cho Nam triều đối với Bắc kỳ.
Bản tiếng Việt đầu đề giản dị: "Khóc Dương Khuê". Việc dịch thật là sát, nhưng cũng như nhiều bài khác, bản Hán nặng về điển tích, bản Nôm thanh thoát, và giọng thương cảm hơn.
Ngay 2 câu đầu, bản Hán viết:
Dĩ Hĩ Dương đại niên,
Vân thụ tâm huyền huyền.
 
(tr.404)
(Thôi thế là xong, Bác Dương,
Nhìn trời mây cây cối, lòng những bùi ngùi).
"Đại niên" (bậc tuổi cao) là lời tôn xưng, vì Dương Khuê còn kém tuổi Nguyễn Khuyến. "Vân thụ" (trời mây cây cối), lấy điển "Xuân thiên thụ, nhật mộ vân" (cây ngày xuân, mây chiều tối) trong bài thơ Đỗ Phủ nhớ Lý Bạch, vẫn thường dùng để tả nỗi nhớ mong giữa bạn thân. Chuyển sang tiếng Việt:
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
 
(tr.129)
rõ ràng có sức truyền cảm mạnh mẽ, hai chữ "thôi" nhắc đi nhắc lại, những từ lấp láy "man mác", "ngậm ngùi" đầy gợi cảm, nhất là vứt bỏ điển cũ, "vân thụ" chuyển thành "nước mây man mác", tả cảnh "sông dài trời rộng" hay "trời cao biển rộng", hình tượng nỗi đau buồn vô cùng khi vĩnh biệt bạn thân.
Nhiều đoạn khác cũng tương tự:
Hữu thời đối quân ẩm,
Đại bạch phù bát diên.
 
(Có lúc cùng nhau uống rượu,
Chén rượu lớn tràn đầy tám phương)
Bản Nôm:
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

Câu tiếng Việt hay hơn. "Rượu ngon cùng nhắp", "nhắp", hình tượng và trang nhã hơn "ẩm" chỉ là "uống". Thêm: rượu phải là rượu ngon, rượu quỳnh tương, và "bầu xuân" "ăm ắp" uống rượu và uống cả hơi mạnh của trời xuân, trong đó có tình bạn thắm thiết.
Ở cuối bài, tả nỗi tiếc thương khi vĩnh biệt bạn, giữa 2 bản có chỗ khác nhau đôi chút. Bản chữ Hán: "Công ký khí dư khứ, Dư diệc bất công liên; Lão nhân khốc vô lệ, Hà tất cưỡng nhi liên" (Bác đã bỏ tôi đi, tôi cũng không thương Bác, Tuổi già khóc không có nước mắt, Can chi gượng cho giọt lệ tràn trề).
Sang tiếng Việt, ta thấy:
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương.
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan

Dĩ nhiên, khó nói bản nào hay hơn bản nào. Bản chữ Hán súc tích, lời ít ý nhiều, cuối bài quá đau xót nên tưởng như biến thành tàn nhẫn: "Bác đã bỏ tôi đi, tôi cũng không thương Bác". Bản tiếng Việt, nỗi thương cảm tưởng nhẹ nhàng hơn nhưng càng thấm thía, sâu lắng hơn. Trong văn học chữ Hán, không hiếm những bài văn thơ khóc bạn với giọng đau thương xé lòng, còn để âm vang qua nhiều đời sau. Nhưng về thơ Nôm, phải kể bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến là bài tiêu biểu bậc nhất. Chúng ta sung sướng nhận thấy với sáng kiến làm lối thơ "liên kết Việt Hán", Nguyễn Khuyến đã để lại một áng văn chương khóc bạn sẽ mãi mãi ghi lại mối tình bằng hữu tương kính tương thân đáng quí thời xưa.
B- Giá trị nghệ thuật, giá trị truyền cảm ngang nhau, và ở mặt nào đó bổ sung lẫn cho nhau giữa bản Nôm và bản Hán trong những bài thơ liên kết, đặc điểm vừa trình bày ở trên liên can chủ yếu đến tình cảm người đọc. Bên cạnh cái đó, còn có một khía cạnh khác, có tính cách lý trí hơn, khô khan hơn, nhưng không kém phần quan trọng vì đi vào ý nghĩa câu thơ, đó là sự hỗ trợ giữa hai bản để hiểu ý thơ thêm sâu sắc và đầy đủ. Chúng ta đều biết thơ cổ thường lời lẽ cô đọng, hoặc dùng lối văn ngắn gọn, súc tích, nói ít để hiểu nhiều, hoặc mượn điển tích trong sách vở cũ hay ngay cả trong kho tàng văn học truyền miệng của quần chúng. Do đó, văn cổ thường đi đôi với chú giải, và khoa "huấn hỗ" chuyên giải thích văn cổ đã ra đời, với những qui tắc khá chặt chẽ của nó. Thơ Nguyễn Khuyến nói chung dù Hán hay Nôm không thuộc loại quá nhiều điển tích, nhưng cũng không tránh khỏi những chỗ đòi hỏi sự suy nghĩ và vốn hiểu biết tối thiểu để nắm được ý nghĩa đầy đủ và trong trường hợp này, việc tồn tại song song hai bản Hán và Nôm để thể hiện chung một nội dung, rõ ràng là một điều may mắn hiếm có để giải quyết những chỗ khó hiểu trong thơ. Thí dụ để minh họa điều này khá nhiều:
Bài Vịnh mùa hè? (TVNK, tr.105) có câu:
Thơ Đào cửa miệng đưa câu rượu,
Xóm Liễu quanh khe chịu tiếng khờ.

Bản chữ Hán "Hạ nhật ngẫu hứng":
Uyên Minh ngâm hứng đa qui tửu,
Tử Hậu hoàn khê tẫn vị ngu
 
(tr.293)
(Hứng thơ của Uyên Minh - tức Đào Tiềm - phần lớn do rượu mà có;
Khe suối quanh nhà Tử Hậu - tức Liễu Tông Nguyên - cũng mang tiếng ngu).
Câu thơ nhắc tới Đào Tiềm có bài văn nổi tiếng "Ngũ liễu tiên sinh truyện” là một thiên tự truyện tuy nói về một nhân vật nhàn tĩnh ít nói, không ưa danh lợi, tính thích uống rượu, gặp bạn uống thật say mới thôi, mà thường làm văn thơ để vui với chí hướng của mình. Câu sau nói về Liễu Tông Nguyên, tên chữ là Tử Hậu, có bài Ngu khê thi tự kể việc sau khi không được lòng bọn quan trên, bị giáng chức, đầy tới tỉnh Hồ Nam, ông đã chọn chỗ ở bên một dòng suối, đặt tên là "khe Ngu độn" (Ngu khê), tự coi mình là khờ dại, vì đã có những hành vi được coi như trái ngược với đời. Dựa trên bản chữ Hán, câu thơ Nôm:
Thơ Đào cửa miệng đưa câu rượu,
Xóm Liễu quanh khe chịu tiếng khờ.

Ý nghĩa sáng rõ thêm: tác giả tự ví mình như Đào Tiềm, câu thơ ngâm ra miệng đều do rượu mà có (hoặc đượm mùi rượu) và như Liễu Tử Hậu, ngòi khe vòng quanh chỗ ở là "suối dại khờ". Hiểu như trên theo ý điển tích cũng được, nhưng nếu gạt bỏ điển cũ, câu thơ vẫn có ý nghĩa của nó. Thơ vịnh hoa Đào hào hứng ngâm lên, được câu nào hay là do được làm khi uống rượu; khe suối vòng quanh xóm nơi ở có trồng cây liễu, cũng (cùng với chủ nhân) mang tiếng khờ dại với đời.
Như vậy có thể nói hai dạng chữ của bài thơ liên kết Việt Hán có tác dụng giúp ích cho việc hiểu thêm nghĩa của nhau, nhưng không nhất thiết phải câu nệ, và có thể hiểu rộng ra một cách độc lập, tách rời điển tích thường thấy ở bản chữ Hán.
Có thể đưa ra một thí dụ khác ở bài thơ liên kết Cáo quan về nhà/ Mạn hứng (TVNK, tr.83 và 304). Bản chữ Hán Mạn hứng có 2 câu 5 và 6:
Bố ương nô lão tri hòa cước,
Định cốc nhân hồi dẫn đẩu niên.
 
(Người đi cấy biết thành thạo chân lúa(2)
Kẻ bán thóc về, luận bàn tuổi đẩu)
Đây là trường hợp nếu không có bản Nôm thì khó mà hiểu nổi. "Hòa cước" (chân lúa), "đấu niên" (tuổi đẩu), không thể tìm thấy nghĩa trong các từ điển Trung Quốc. Bản Nôm mách chúng ta:
Thửa ruộng rạch ròi chân xấu tốt,
Đấu lương đo đến tuổi non già.

Như vậy "hòa cước" - chân lúa - có nghĩa "chân ruộng lúa", chỉ độ phì nhiêu và năng suất của đất; "đẩu niên" - tuổi đấu - tức dung lược tính bằng bát, mỗi bát là một tuổi.
Bằng phương thức thể thơ liên kết Việt - Hán, nhà thơ đã có dịp sáng tạo nhiều từ mới trong thơ Hán. Thí dụ, ngoài hai từ "hòa cước" "đấu niên", ở mấy bài thơ liên kết khác còn có từ "thiền sư" - "thiền" có nghĩa "con ve sầu" để gọi thầy đồ ve gái, hoặc từ "xuyên điệp" danh từ "xỏ lá" có nghĩa "xỏ xiên, chửi xấu nết" trong tiếng Việt.
C- Ở một số trường hợp đặc biệt, việc so sánh 2 bản Hán và Nôm trong bài thơ liên kết có tác dụng giúp cho việc phiên âm chữ Nôm được chính xác hơn. Đây chủ yếu là vấn đề thuộc văn bản học. Chúng ta tiếc chưa có điều kiện làm công tác văn bản thật chu đáo, nhưng xin cứ mạnh dạn nêu ra để trưng cầu ý kiến, và mong sẽ có dịp đi sâu hơn.
Trong bài Trở về vườn cũ, TVNK, tr.82, chép:
Bành Trạch cầm xoang ngâm trước ghế,
Ôn công rượu nhạt chuốc chiều xuân.

Hai cây này tương ứng với 2 câu trong Bùi viên cựu trạch ca (tr.225):
Bành Trạch tố cầm ngâm cựu cú,
Ôn công tôn tửu lạc dư xuân.

Dịch: Bành Trạch - tức Đào Tiềm - gẩy "tố cầm", ngâm câu thơ cũ; Ôn công - tức Tư Mã Quang - nhấp chén rượu vui thú xuân thừa. "Tố cầm" có nghĩa "đàn không dây" hoặc "đàn mộc mạc, không trang sức". Như vậy "cầm xoang" nên phiên âm là "cầm suông", dịch chữ "tố cầm" và đối với "rượu nhạt" ở câu sau:
Một trường hợp khác: bài Tiễn người quen (TVNK, tr.142) chép:
Bến Tầm Dương đọc câu giang thượng,
Thơ Kiến Nam còn thoảng làm chi?

Hai câu này tương ứng với hai câu trong bài Dữ bản huyện doãn Nguyễn, nguyên doãn Trần đồng ẩm, tức tịch thư tiễn (Sđd, tr.211)
Tống khách trùng ngâm giang thượng cú
Ưu thời nan bổ Kiến Nam thiên
 
(Đưa khách lại một lần ngâm câu giang thượng,
Lo đời khó nối tiếp tập thơ Kiến Nam).
Câu trên nhắc tới bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, mở đầu bằng câu "Tiêu tương giang đầu dạ tống khách". Câu sau nhắc tới tập thơ Kiến Nam của Lục Du, có nhiều bài cảm khác đối với thời vận suy bại đương thời của nhà Tống. Dựa trên bản chữ Hán, chữ "thoảng" có lẽ phiên âm sai. Đúng ra phải đọc: "Thơ Kiến Nam còn thống làm chi? "Thống" có nghĩa "câu thơ cuối bài hát", câu thơ nối tiếp bài thơ trước, đây chỉ việc làm thơ nối tiếp theo sau.
Trên đây là 2 trường hợp đặt nghi vấn về cách phiên âm chữ Nôm dựa trên sự so sánh 2 dạng Nôm và Hán trong thơ liên kết Việt-Hán của Nguyễn Khuyến. Như trên đã nói, đây là vấn đề văn bản, cần đi sâu xem xét cách viết trong các văn bản cũ để quyết định. Vấn đề văn bản cũng được đặt ra đối với một bài thơ liên kết Việt-Hán nổi tiếng của Nguyễn Khuyến: bài Tạ lại người cho hoa trà / Sơn trà (TVNK, tr.137, tr.408). Trường hợp làm thơ mọi người đều biết: nhà thơ tạ lại người tặng vào dịp Tết chậu hoa trà, loại hoa có sắc không hương. Việc tặng coi như có ác ý, hoặc vì biết nhà thơ hỏng mắt, hoặc muốn thử xem nhà thơ có thực lòa không, hay đó chỉ là một cớ từ chối không chịu ra làm quan, cộng tác với Pháp.
Ở cả hai dạng Nôm và Hán, lời thơ đều rất thanh thoát, khó quyết đoán bản nào dịch tự bản nào. Người tặng hoa trà tương truyền là Chu Mạnh Trinh nổi tiếng giỏi cả Nôm lẫn Hán, nên làm liên kết cả hai dạng thơ là rất thích đáng. Bản Nôm ghi 2 câu 6-6:
Mưa bụi những kinh phường xỏ lá,
Gió to luống sợ lúc rơi già
 
(tr.138)
Hai câu tương ứng ở bản chữ Hán:
Tầm thường tế vũ kinh xuyên điệp,
Tiêu sắt thần phong cán lạc đà
 
(tr.408)
(Mưa nhỏ tầm thường kính xuyên tầng lá
Gió sớm hiu hắt oán làm rụng đài hoa).
Bài này, trong tập Tam nguyên Yên Đổ thi ca, bản in Liễu Văn Đường, Khải Định thứ 10 (1925), ghi Bài thơ đưa cho quan án sát Chu Mạnh Trinh, chép 2 câu Hán và Nôm hơi khác:
Hán:
Triệu phong chỉ khủng xuyên kiều diệp,
Mộ vũ thiên nghi lạc lục dà.
 
(Gió sớm chỉ sợ xuyên qua lá mởn,
Mưa chiều riêng hãi làm rụng đài xanh).
Nôm:
Giớ sớm chỉn e phường xỏ lá,
Mưa chiều luống sợ lũ dơi già

Chữ Nôm "dơi" (viết bộ "trùng" bên chữ "giai" là "đều"), chỉ con dơi. Tôi được nghe một cụ giải thích "xỏ lá" và "rơi già" coi như đều có hai nghĩa "xuyên diệp" là xỏ lá (cả nghĩa đen là xuyên qua lá và nghĩa bóng là đốn mạt) và thêm nghĩa đầu sỏ bọn lèo lá, xu nịnh người trên, bức hiếp người dưới): còn "rơi già" có nghĩa "rụng đài, rụng cuống" và cũng là "dơi già" lấy ý dơi là loài vật "phi cầm phi thú" nhận là thú là chim đều được, lại chỉ xuất hiện về đêm, nên tượng trưng bọn hiểm độc, ăn ở hai lòng. Câu thơ lấy cả hai nghĩa, ngờ Chu Mạnh Trinh làm việc với tên Việt gian Lê Hoan, có ý đồ thử xem Nguyễn Khuyến có thật lòa không hay là lấy cớ đó để từ chối không chịu ra làm quan. Thoại trên có thật đúng với sự thực lịch sử hay không, vấn đề cần đi sâu thêm mới quyết đoán được. Trên đây chỉ là một gợi ý để thấy tầm quan trọng của công tác văn bản trong việc nghiên cứu thơ văn Nguyễn Khuyến (Sách TVNK không nói tới cuốnTam nguyên Yên Đổ thi ca, bản in gỗ của Liễu Văn Đường. Sách "Giai thoại về Nguyễn Khuyến của Bùi Văn Cường (Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh xuất bản năm 1979) chép bài thơ Nôm ở tr.87 ghi "gió to, luống sợ lúc dơi già" (dơi là con dơi) và ghi chú cuối trang Văn đàn bảo giám ghi câu 6: Gió to luống sợ lũ dơi già).
D- Một điểm cuối cùng: việc bước đầu đi sâu đối chiếu hai dạng Hán và Nôm trong mấy bài thơ liên kết Việt- Hán của Nguyễn Khuyến đã dẫn tới sự nghi ngờ có phải cả hai bài là cùng một tác giả hay không.
Trường hợp thứ nhất: Bài Chơi núi Long Đội/ Úc Long Đội sơn(TVNK, tr.101, 184). Rõ ràng là hai bài dịch lẫn nhau, trừ câu đầu, hay đúng hơn, một chữ của câu đầu. Bản chữ Hán: "Nhị thập niên tiền phỏng thượng phương. Thử thời cảnh sắc vị tương vương" (Hai mươi năm trước lên thăm cảnh Phật, Cảnh sắc lúc đó nay vẫn chửa quên). Bản Nôm: "Hai mươi năm cũ lại lên đây, Phong cảnh nhà thiền vẫn chửa khuây". Bản sau ý khác hẳn bản trước: không phải nhớ lại chuyến đi thăm chùa 20 năm trước, mà là việc lại lên đây". Có phải vì thế mà bản Nôm không ghi "nhớ cảnh chùa Đọi" như bản chữ Hán mà đã đổi là Chơi núi Long Đội. Đọc bài thơ Nôm thấy việc tả cuộc đi chơi núi Long Đội không có điều gì bất hợp lý, vì mọi câu khác trong cả hai bài có thể hiểu là tả việc đi chơi năm trước qua trí nhớ hay là tả cuộc đi chơi hiện tại đều thích hợp. Tuy nhiên, rõ ràng bài Nôm và bàiÚc Long Đội sơn I chỉ là một, và nếu Nguyễn Khuyến từng đến chơi lại núi một lần nữa thì không khi nào lại dịch bài chữ Hán Nhớ núi Long Đội để làm bài thơ tả cảnh đi chơi hiện tại. Cần đi sâu vào văn bản để giải quyết chỗ bất hợp lý này.
Trường hợp thứ hai: Bài Di chúc mà nhiều sách đều chép bản dịch Nôm là của Nguyễn Khuyến. Riêng TVNK, tr.150, đặt nghi vấn: theo ý kiến một số cụ già ở địa phương thì bản dịch là của Trần Tán Bình là môn sinh, dịch trong buổi lễ đưa ma thầy dạy học.
So sánh hai bản Nôm và Hán, chúng tôi nghĩ chắc chắn bản dịch Nôm không thể là của nhà thơ. Ngay câu đầu tiên:
Kém hai tuổi xuân đầy chín chục,
đã cho phép khẳng định rằng không phải của tác giả bài chữ Hán, vì ông sinh năm 1835, mất năm 1909, thọ 75 tuổi, nếu tính tuổi theo lối cổ truyền. Câu chữ Hán là "ngã niên trị bát bát" phải hiểu là "tám lần tám" tức 64 tuổi, và di chúc được làm vào năm 1898, như thường được tính, cộng thêm tuổi mụ. Nếu là tác giả tự dịch, thì không khi nào có sự nhầm lẫn thô bạo đến như thế. Và nếu là của Trần Tán Bình đã dịch trong trường hợp ghi trong sách TVNK thì cũng đáng ngờ, vì là môn sinh và dịch ngay trong tang lễ, không thể nào lại không biết rõ tuổi thầy để đến nỗi dịch tuổi chênh lệch quá lớn như vậy. Một cách hiểu khác câu "ngã niên trị bát bát": "bát bát" có nghĩa là tuổi già (Từ nguyên và Trung văn đại từ điển). Rất có thể tác giả định nói tuổi già, nhưng dùng từ "bát bát", để tương ứng với từ "cửu cửu" ở câu sau, đều là những con số. Dù hiểu cách nào thì dịch câu trên là "Kém hai tuổi xuân đầy chín chục" cũng không sát.
Phần khác giọng thơ nhiều chỗ thiếu trang trọng. Tác giả gọi con là "mày"
Ấy thuở trước ông mày chẳng đỗ,
Hóa bây giờ cho bố làm nên.

Nguyên văn "Khởi phi tiên khảo danh, bất tố dĩ lưu hậu" (há chẳng phải danh cho ta, không làm để lưu về sau), ý kín đáo, lời thanh hơn nhiều. Câu chữ Hán:
Ta tai ngô học thiển, Khôi nhiên chiếm long thủ (Than ôi, ta học nông cạn, thế mà nghiễm nhiên chiếm đầu rồng). Chuyển thành tiếng Việt:
Học hành cũng chẳng hay chi cả,
Cưỡi đầu người kể đã ba phen.

"Chiếm long thủ" (chiếm đầu rồng chuyển thành "cưỡi đầu người”). Dịch dễ hiểu, không dùng điển, nhưng giọng kệch cỡm, thiếu đức tính khiêm nhường của những nhà nho quen sống trong khuôn phép như Nguyễn Khuyến. Hai câu: "Vu công bát cửu nhân, suy tống liệt tả hữu" (thợ kèn tám chín người, thổi đưa hai hàng bên trái bên phải), dịch:
Lại thuê một lũ phường kèn,
Vừa đi vừa thổi mỗi bên dăm thằng.

"Một lũ", "dăm thằng", giọng văn thật khinh miệt. Dĩ nhiên cũng có thể có sự gò ép trong việc ghép vần thơ. Dù sao ta vẫn thấy xa lạ đối với tác giả những câu thơ rất trung hậu đối với mọi người như:
Chú Đáo bên làng lên với tớ,
Ông từ xóm chợ lại cùng ta.
 
(bài Lên lão, TVNK, tr.87-88)
Bên cạnh những câu giọng văn ngạo mạn, còn có đoạn thể văn quá dễ dãi, như:
Cỗ đừng to lắm, con ơi, 
Hễ ai chạy tới, con thời mời ăn.
Tế đừng có viết văn mà đọc,
Trướng đừng dùng gấm vóc mà chi. 
Minh tinh con cũng bỏ đi,
Mời quan đề chủ, con thì không nên.
Những chữ đệm "thôi", "mà, thì" có giọng vần vè hơn là giọng thơ, không xứng với tài thơ Nôm kiệt xuất của nhà thơ Yên Đổ.
Xét cho thật công bằng thì 2 câu kết dịch thực đáng giá. Nguyên văn:Viên đề mộ thạch bi: Hoàng Nguyễn cố hưu tẩu (Rồi đề bia đá ở mộ "ông già về hưu xưa thuộc triều vua Nguyễn") Dịch:
Đề vào mấy chữ trong bia,
Rằng: "Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu". "Tẩu" là "ông già", dịch là "quan" chưa thật hay, vì có thể trái với ý muốn của tác giả, không muốn nêu chức tước mình. "Quan chẳng quan thì dân", như ông từng viết trong câu đối "thủ quê". Nhưng "cố hưu" dịch thành "cáo về đã lâu" lại rất đắt, tỏ rõ thái độ phản kháng của Nguyễn Khuyến đã cáo về hưu ngay từ năm 1884 sau khi Tự Đức mất, triều đình Huế ngày càng có thái độ đầu hàng thực dân Pháp.
3. Mấy dòng kết luận.
Điểm qua 20 bài "thơ kép" Nôm - Hán của Nguyễn Khuyến, trừ bài Di chúc còn phải tranh luận không chắc do chính tác giả tự dịch, còn thì bài nào cả Nôm lẫn Hán đều thanh thoát, tuy đôi lúc cũng thấy sự ngượng nghịu gò bó khó tránh ở những bài thơ dịch. Bản Nôm và bản Hán cùng một nội dung và trình tự diễn đạt, nhưng vẫn có những khía cạnh khác nhau, và hiệu lực truyền cảm ngang nhau. Nói chung, bản chữ Hán trang trọng hơn, bản Nôm thường giàu hình tượng và gợi cảm nên có sức truyền đạt sâu sắc hơn.
Dùng cách sáng tác song hành Nôm/Hán, nhà thơ đã tự cho mình một phương tiện đầy hiệu lực để biểu hiện ý nghĩ tâm tình qua hai thứ tiếng, đảm bảo kết quả dễ được hoàn chỉnh. Cách làm này cũng có thêm nhiều hiệu lực vì diện người đọc được mở rộng, thỏa mãn cùng một lúc nhiều đối tượng những người biết hay không biết chữ Hán, những người biết chữ Hán nhưng coi thường Nôm, những người thích cả Nôm lẫn Hán.
Bên cạnh những bài thơ đầy tình cảm nồng hậu, tính nhân đạo sâu sắc (như các bài Khóc Dương Khuê, Tặng người quen), bên cạnh những bài ca ngợi cảnh đẹp đất nước, nhất là cảnh nông thôn êm đềm, đậm đà màu sắc thân quen của miền châu thổ sông Hồng, còn có nhiều bài thơ có tính cách thời sự, tả nỗi đau buồn vì thời cục hỗn loạn, đồng thời thể hiện một thái độ tích cực hơn nhằm tác động đến nền phong hóa đương thời, như biểu dương cái hay (thái độ kiên định của người đàn bà góa, lời khảng khái của người vợ phường chèo chê trách chồng), đồng thời đả kích cái dở (mụ tá ơm làm mối, anh phường chèo hợm hĩnh, kẻ trộm lấy cắp lẫn nhau sau khi đánh cắp của thiên hạ).
Những bài trên có một nội dung tư tưởng yêu nước sâu sắc, được thể hiện bằng một nghệ thuật bậc thầy cả về hai mặt Hán và Nôm, thêm vào đó là uy tín của tác giả, một vị đại khoa tam nguyên, một nhà chí sĩ kiên nghị, đầy khí tiết. Chúng đã được truyền tụng rộng rãi, có một công chúng đông đảo, do đó đã có một sức thuyết phục sâu sắc, một ảnh hưởng không nhỏ đối với mọi tầng lớp đương thời. Như vậy, làm thơ kết hợp Nôm-Hán là một sáng kiến của nhà thơ Tam nguyên Yên Đổ, nhằm thỏa mãn một đòi hỏi sáng tạo của nghệ thuật, đồng thời cũng đáp ứng một yêu cầu của thời cục, biểu hiện ý chí son sắt bảo vệ khí tiết của kẻ sĩ ứng phó với vận nước trước mắt.
Có khi nói toàn bộ những bài thơ liên kết Nôm - Hán đều được làm sau khi tác giả về hưu, sống hòa mình vào cuộc sống nơi quê hương, một làng ở vùng đồng bằng sông Hồng, đã tự tạo được một nền văn hóa dân gian hết sức phong phú, mà tiêu biểu là thôn Liễu Đôi, cũng nằm trung khu vực này, và được giới dân tộc học nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây.
Chính do sự tiếp xúc hàng ngày với quần chúng nơi thôn dã, sự đồng cảm với những lo âu về đời sống của đại chúng cũng như những day dứt về thời vận của đất nước, mà nhà thơ Nguyễn Khuyến trong sáng tác đã đạt tới sự hài hòa giữa văn chương bác học mà ông tiếp nhận qua sách vở và văn học dân gian đậm màu sắc dân tộc, chỉ tìm thấy trong sự hoà bình vào cuộc sống của quần chúng lao động. Ở ông, vì đã thấy "sách vở ích gì cho buổi ấy", nên ông đã hòa mình vào những người "thửa mạ rạch ròi chân xấu tốt", và qua những cảm nghĩ, cách nhìn nhận, cách ăn nói của đại chúng ở nông thôn, ông đã kết hợp tài tình vốn tri thức tinh hoa của văn chương bác học chữ Hán với kho tàng phong phú của tâm hồn dân Việt, cả về nội dung và hình thức biểu hiện giàu đẹp của nó, để có được những bài thơ liên kết Hán-Nôm, một mảng đặc thù và cũng rất đặc sắc trong nền văn học Việt Nam.

Chú thích:
(1) Đầu đề và số trang, ghi theo sách Thơ văn Nguyễn Khuyến(TVNK), Nxb. Văn học, H. 1971. Đầu đề nào quá dài, trong bài này được ghi ngắn lại.
(2) TVNK dịch "Người làm ruộng già gieo mạ hiểu biết chân lúa xấu tốt". Nhưng "bố ương" - người cấy mạ, "lão tri" đi với "hồi dẫn", nên có nghĩa: "biết thành thạo"./.
(Theo Tạp chí Hán Nôm 2/1990)