VỀ VĂN BẢN BỘ SÁCH ĐỈNH KHIẾT ĐẠI VIỆT LỊCH TRIỀU ĐĂNG KHOA LỤC

Bài viết của Nguyễn Hữu Mùi



1

TB

VỀ VĂN BẢN BỘ SÁCH ĐỈNH KHIẾT ĐẠI VIỆT LỊCH TRIỀU ĐĂNG KHOA LỤC
<p class="MsoNormal" align="right" '="" style="text-align: right;">NGUYỄN HỮU MÙIĐỉnh khiết Đại Việt lịch triểu đăng khoa lục (ĐKĐVLTĐKL) là bộ sách gồm 4 quyển ghi lại các khoa thi Hội và danh sách những người đỗ đạt trong các khoa thi đó, bắt đầu từ khoa Ất Mão (1075) đến khoa Kỷ Hợi (1779). Đây là bộ sách in mộc bản hoàn thành vào năm Cảnh Hưng 40 (1779), do Nguyễn Hoản(1) hiệu chính, Vũ Miên(2), Phan Trọng Phiên(3) và Uông Sĩ Lãng(4) biên tập, cùng 5 người trông coi khắc in. Sách trở thành công cụ quan trọng để tra cứu các vị đỗ đại khoa cùng quê quán và khoa thi của họ đồng thời góp thêm tư liệu nghiên cứu về khoa cử ở nước ta. Những năm 1962 và 1968, bộ sách này đã được trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục (Sài Gòn cũ) dịch và công bố(5). Dịch giả do chưa khảo sát kỹ các nguồn tư liệu hiện có, nên đã làm hạn chế rất lớn đến chất lượng bản dịch. Chúng tôi thấy cần thiết trình bày ở đây về văn bản bộ sách, qua đó chọn ra một bản tốt nhất để tiện sử dụng.
Trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tất cả 8 bản ĐKĐVLTĐKL còn lưu giữ được. Bản 1 ký hiệu VHv.2140 (được đóng thành 3 tập); bản 2: VHv.650; bản 3: VHv.651; bản 4: A.2752 (ba bộ sách này, mỗi bộ đóng thành 2 tập); bản 5: A.1387; bản 6: VHv.2874; bản 7: VHv.1651 và bản 8: VHv.293 (bốn bộ này, mỗi bộ đóng thành 1 tập).
Qua so sánh đối chiếu từng tờ của 8 bản với nhau, chúng tôi thấy cả 8 bản phần lớn đều in ra từ một mộc bản (ván khắc). Do được in ra từ một mộc bản nên về nguyên tắc tờ của quyển này cũng đồng nhất với tờ của quyển kia và ngược lại. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có sự khác nhau nhất định. Có thể phân ra làm hai loại văn bản..
Loại văn bản thứ nhất là bản mang ký hiệu VHv.2140/1-3. Tập 1 của bản này gồm quyển thủ và quyển 1. Quyển thủ chỉ còn lại 3 tờ, gồm phần BIỆT LỤC và BỔ DI của các triều từ Lý, Trần đến đầu Lê Sơ (trong đó quyển thủ của VHv.650, VHv.651, A.2752, A.1387 là 14 tờ. Ba tờ dành cho bài tựa, 8 tờ dành cho các khoa thi đời Lý và Trần). Quyển 1 có 54 tờ, từ khoa Bính Ngọ đời Lê Thái Tổ đến khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502), gồm 23 khoa thi. Tập 2 gồm quyển 2 có 63 tờ (tờ 13 được thay bằng một bản viết tay), từ khoa Ất Sửu nieê hiệu Đoan Khánh 1 (1505), đến khoa Nhâm Thìn niên hiệu Quang Hưng 15 (1592), gồm 36 khoa thi xen kẽ giưa Lê và Mạc. Tập 3 gồm quyển 3, có 66 tờ, từ khoa Ất Mùi niên hiệu Quang Hưng 18 (1595), đến khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779), gồm 63 khoa thi. Cả 3 tập là 183 tờ.
Về hình thức văn bản thì Bộ VHv.2140 có những nét đáng chú ý: ván khắc không hề bị đục nên bản in còn nguyên vẹn. Khuôn in thống nhất 21x13cm. Chữ sắc nét và đều đặn. Giấy đã ố vàng và cổ nhất trong 8 bản hiện có. Ở mỗi tờ đều có dấu khuyên, dấu chấm câu bằng son và bằng mực Tàu. Toàn bộ 183 tờ đã được tu bổ bằng cách lồng vào giữa mỗi tờ là một tờ giấy bản, ép cứng. Riêng một số tờ cuối quyển 3, vì giấy đã mủn nát ở mép tờ, nên phần chữ mất được thay thế bằng chữ chép tay. Bìa cũ không còn, hiện tại sách được đóng bằng bìa học sinh.
Nếu kiêng húy là một tiêu chí quan trọng vạch ra sự khác nhau giữa các văn bản cổ thì ở sách này có các chữ húy đời Lê Trung hưng. Đó là chữ Trừ 1 , xuất hiện 3 lần ở các tờ 25a, 37a và 55b của quyển 3. Chữ Đề @, trong “Đề hình” (tên một chức quan) xuất hiện 6 lần ở các tờ 18b, 20a của quyển 1; 28a, 41a, 44a, 51a của quyển 3. Những chữ thuộc diện cần kiêng húy đời Nguyễn không thấy có trong toàn bộ 183 tờ của bộ sách này.
Qua đây chúng ta khẳng định rằng bộ sách mang ký hiệu VHv.2140/1-3 là bộ sách được in ra từ đời Lê Cảnh Hưng 40 (1779) mà Phan Huy Chú có nói đến trong mục Truyện ký của Lịch triều hiến chương loại chí(6). Đây là bản in sơm nhất trong mảng sách “Đăng khoa lục” hiện còn ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm mà lâu nay chúng ta chưa có dịp biết đến để khai thác.
Loại văn bản thứ hai gồm 7 bản còn lại. Chúng tôi chỉ xét đến 4 bản là VHv.650, VHv.651, A.2752 và A.1387 vì đây là những bản hiện còn trọn bộ (ba bản còn lại là VHv.2874, VHv.293, VHv.1651 đều không trọn bộ).
Trong 4 bản này, hai bản VHv.650, VHv.651 ghi thêm 4 khoa thi cuối cùng của triều Lê còn lại, sau khoa Kỷ Hợi Cảnh Hưng 40 (1779). Hai bản A.2752 (bản này thiếu tờ 53 và đóng nhầm vị trí của 2 tờ 25 và 35 của quyển 1) và A.1387 còn đóng thêm 18 khoa thi triều Nguyễn, từ khoa Nhâm Tý niên hiệu Minh Mệnh 3 (1822) đến khoa Nhâm Tuất niên hiệu Tự Đức 15 (1862).
Về hình thức văn bản, nếu bản VHv.2140 giấy đã ố vàng và cổ nhất thì 4 bản sau ngược lại, giấy còn tốt, không có dấu khuyên, dấu chấm câu lưu lại trên văn bản. Bìa hiện tại đóng bằng bìa vàng. Bản A.2752 và A.1387 còn được gắn sơn ta vào gáy sách. Điều dễ nhận thấy là chúng được in ra từ một bộ ván in đã mờ mòn nhiều. Các khung viền của nhiều tờ có khổ không thống nhất, như các tờ 27, 43, 51 của quyển 3. Ván khắc nhiều chỗ bị đục bỏ ở phần tên người, tên địa phương như các tờ 27, 28 quyển 1; tờ 11, 12, 22 quyển 3. Khi đối chiếu tỉ mỉ từng tờ của 4 bản này với bản VHv.2140, chúng tôi thấy có những chỗ khác nhau. Dưới đây là một số các ví dụ:
- Bản VHv.2140 quyển 1, tờ 28a, Nguyễn Đổ, người xã Cựu Quán, 4 bản sau in là Đường Quán.
- Bản VHv.2140, quyển 1, tờ 39a, Bùi Phỉ, người xã Yên Lão, 4 bản sau in là Yên Đảo.
- Bản VHv.2140, quyển 1, tờ 44a, Nguyễn Nghiễm người huyện Thanh Lâm, 4 bản sau in là Thanh Oai.
- Bản VHv.2140, quyển 1, ở khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502, khắc thiếu tên 1 người, 4 bản sau in bổ sung là Nguyễn Trọng Hưng vào tờ 53b.
- Bản VHv.2140, quyển 2, tờ 5a, Hứa Tam Tinh, người xã Vọng Nguyệt, 4 bản sau in là Như Nguyệt.
- Bản VHv.2140, quyển 2, tờ 7b, Nguyễn Bá Thuyên, người xã Vũ La, huyện Thanh Lâm, 4 bản sau in là xã Vũ La, huyện Thanh Oai.
- Bản VHv.2140, quyển 2, tờ 21a, Khổng Tư Trực, người xã Đoan Bái, 4 bản sau in là xã Đoạn Niên.
- Bản VHv.2140, quyển 2, tờ 25a, ghi Phạm Khắc Hựu, 4 bản sau in là Nguyễn Khắc Hựu.
- Bản VHv.2140, quyển 3, tờ 43a, tên người là Tần Lê Thoan, 4 bản sau in là Tần Lê Đưa. Khắc nhầm chữ Thoan, 4 bản sau in là Tần Lê Đưa. Khắc nhầm chữ Thoan thành chữ Đưa (tên Nôm). Tra bia Tiến sĩ Văn Miếu, thác bản số 1317, thấy ghi là Tần Lê Thoan.
- Bản VHv.2140, quyển 3, tờ 37b, Nguyễn Đình Ức, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa), 4 bản sau in là Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (Bảng nhãn). Khắc thiếu nét. Tra bia Tiến sĩ Văn Miếu, thác bản số 1320, thấy ghi ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám hoa).
Xét vào văn bản, thấy xuất hiện, một chữ húy thời Nguyễn, ở tờ 63b quyển 2. Đó là chữ Nhậm, chữ húy của Nguyễn Dực Tông (Tự Đức), được khắc thiếu nét “sổ”(7). Những chữ thuộc diện kiêng húy của triều Nguyễn được thể hiện bằng cách đục bỏ hoàn toàn hoặc đục bớt nét đi như chữ TÔNG(8) bị đục bỏ hoàn toàn, chữ TUYỀN(9) đục bỏ bộ “bạch”, chữ HOA(10), chữ DUNG(11), bị đục bớt nét, chữ THỰC(12) bỏ đi “dằng đầu”. Trong khi đó, chữ Trừ, chữ Đề và thêm chữ Bang ở bài tựa quyển thủ là 3 chữ húy thời Lê Trung hưng vẫn được bảo lưu đầy đủ ở cả 4 bản.
Với những kết quả phân tích trên đây, chúng ta thấy các văn bản VHv.650, VHv.651, A.2752 và A.1387 được in ra vào thời Nguyễn, cụ thể là vào năm 1843 đời Thiệu Trị(13), trên cơ sở của bộ ván cũ thời Lê đã in ra bản VHv.2140. Việc in lại này được tiến hành bằng cách thay những ván cũ thời Lê đã hư hỏng bằng các ván khắc mới, có bổ sung sửa chữa thêm vào. Với các tên húy thời Nguyễn vốn có trong ván cũ thời Lê, người khắc đã đục bỏ hoặc đục bớt nét đi. Đó là cách làm thường thấy ở thợ khắc chữ, vừa đỡ tốn kém, vừa đảm bảo yêu cầu kiêng húy.
Cách làm bản mộc như vậy dễ gây nhầm lẫn về mặt văn bản. Kết quả là bản dịch của Trung tâm học liệu Bộ giáo dục (Sài gòn cũ) như đã nói ở trên, do không khảo cứu văn bản mà chỉ dựa duy nhất vào A.2752, nên đã có những sơ suất đáng tiếc. Chẳng hạn Nguyễn Thực dịch ra là Nguyễn Quán(14), Nguyễn Tông Lỗi dịch ra Nguyễn Lỗi(15), Lê Quang Hoa dịch ra Lê Quang(16), Trịnh Tuyền dịch ra Trịnh Thủy(17). Còn tên huyện Kỳ Hoa, Kim Hoa, tên xã Hoa Lâm, Hoa Cầu,… dịch giả thường để trống. Do bản A.2752 đóng lộn tờ 35 vào vị trí tờ 25 của quyển 1 nên vô tình đã “đẩy” 16 vị tiến sĩ vốn đỗ khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9 (1478) xuống vị trí của 14 Tiến sĩ đỗ khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) và ngược lại. Đó là chưa kể vì thiếu tờ 53 quyển 1 nên cũng thiếu luôn 17 vị đỗ khoa Nhâm Tuất, Cảnh Thống 5 (1502) trong bản dịch(18).
Như vậy, từ sự trình bày trên đây về 2 loại văn bản, chúng tôi thấy mỗi loại đều có ưu khuyết điểm của nó: loại văn bản thứ nhất, tuy được in ra vào thời Lê, không hề bị đục hoặc cạy bớt nét, nghĩa là nó còn giữ nguyên được bộ mặt thật ban đầu của nó, nhưng thiếu nhiều tờ. Loại văn bản thứ hai, tuy đủ số tờ, đủ số khoa thi, nghĩa là đủ tên các vị từ Tiến sĩ trở lên, từ triều Lý đến khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779), nhưng lại có nhiều sai lệch, biến dạng về tên người, tên địa phương.
Theo chúng tôi, bản VHv.2140/1-3 hiện tại là bản tốt nhất. Ở bản này, tuy thiếu 11 tờ quyển thủ, nhưng hoàn toàn có thể bổ sung cho nó nhờ các bản khác, như bản VHv.650 chẳng hạn.
Các sách in thời Lê hiện còn lại rất ít. Bản VHv.2140/1-3 do vậy không chỉ là nguồn tư liệu quý về khoa cử, mà còn là nguồn tư liệu để chúng ta hiểu thêm về vấn đề in ấn mộc bản thời Lê.
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Hoản (1713 - 1791): Người xã Lan Khê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 4 (1743).
(2) Vũ Miên (1714 - 1782): Người xã Xuân Lan, huyện Lương Tài, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748).
(3) Phan Trọng Phiên (1734 - 1809): Còn có tên là Phan Lê Phiên, người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 18 (1757).
(4) Uông Sĩ Lãng (1735 - 1802): Nguyên tên Uông Sĩ Điển, đổi thành Uông Sĩ Lãng. Mo xã Vũ Nghị, huyện Thanh Lan, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng 27 (1766).
(5) Tập I dịch năm 1962, từ đầu đến khoa Mậu Thìn, niên hiệu Chính Hòa 9 (1688). Tập II dịch năm 1968, từ khoa Bính Tuất, niên hiệu Chính Hòa 15 (1694), đến khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Tự Đức 15 (1862).
(6) Ký hiệu A.1551, quyển 7, tờ 24b.
(7) Xem Phạm Tùng Mệnh, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Mạc Hồng Ninh 2 (1592).
(8) Là những chữ húy được ban hành vào năm Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) (ĐNTL, Chính biên, Đệ tam kỷ, Q.1. Tập XXIII. Nxb. KHXH, 1970, tr.117 - 119).
(9) Là những chữ húy được ban hành vào năm Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) (ĐNTL, Chính biên, Đệ tam kỷ, Q.1. Tập XXIII. Nxb. KHXH, 1970, tr.117 - 119).
(10) Là những chữ húy được ban hành vào năm Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) (ĐNTL, Chính biên, Đệ tam kỷ, Q.1. Tập XXIII. Nxb. KHXH, 1970, tr.117 - 119).
(11) Là những chữ húy được ban hành vào năm Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) (ĐNTL, Chính biên, Đệ tam kỷ, Q.1. Tập XXIII. Nxb. KHXH, 1970, tr.117 - 119).
(12) Chữ Thực là một trong 8 chữ húy ban hành vào năm Canh Thìn niên hiệu Minh Mệnh 1 (1820) (ĐNTL, Chính biên, Đệ nhị kỷ, Q.IV, Nxb. KHXH, 1970, tr.122 - 123).
(13) Theo Đăng khoa lục hợp biên dẫn thì năm 1843, nhà Nguyễn mới tiến hành khắc in các khoa thi tiến sĩ bản triều. Bấy giờ ván khắc “Đăng khoa lục” chứa chất trong Văn Miếu Hà Thành. Lê Nguyên Trung còn cho biết ông có sưu tập các bản Đăng khoa lục cũ ở các nhà tư nhân, sửa chữa thêm vào rồi đưa khắc in.
(14) Tập 1, tr.228.
(15) Tập 1, tr.38.
(16) Tập 1, tr.277.
(17) Tập 1, tr.212.
(18) Tập 1, tr.111.