ĐỒI E1 QUA KÝ ỨC CỦA NGƯỜI LÍNH GIÀ

Anh hùng Phùng Văn Khầu

Anh hùng Phùng Văn Khầu

Người anh hùng Phùng Văn Khầu tên tuổi lừng lẫy gắn liền với nhiều chiến công, đã có rất nhiều bài báo viết về ông. Nhưng thật tiếc là có rất nhiều chi tiết viết về ông chưa đúng. Ngay cả đến VOV ở địa chỉ này cũng còn nói ông là dân tộc Mường: http://vovtv.vov.vn/doi-song-xa-hoi/dai-ta-anh-hung-llvtnd-phung-van-khau-noi-chuyen-voi-the-he-tre-ve-chien-thang-c7-7961.aspx












ĐỒI E1 QUA KÝ ỨC CỦA NGƯỜI LÍNH GIÀ

 
  Phạm Duy Trưởng
 
Trong những ngày này, không khí hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã sống lại qua rất nhiều câu chuyện của các cựu chiến binh năm xưa. Thật may mắn khi tôi đã từng là hàng xóm của người anh hùng lừng danh Phùng Văn Khầu, đã từng công tác với cả 4 người con của ông. Với gia đình ông, tôi là người thân thiết. Thế nhưng tôi chưa một lần được nghe ông kể, chỉ biết về những chiến công của ông qua sách báo. Nên tôi quyết định đến thăm ông để được trực tiếp nghe ông kể lại  những ký ức hào hùng của một thời khói lửa năm xưa.
Người anh hùng dân tộc Nùng, tên tuổi lừng lẫy gắn liền với nhiều chiến công năm nào nay đã ở tuổi 85. Tuổi cao, nhưng ông hoạt bát, minh mẫn.  Mái tóc bạc phơ, vẫn bằng nụ cười hiền hiền đôn hậu, ông niềm nở mời tôi vào nhà. Là người thân thiết trong gia đình ông, nên câu chuyện giữa chúng tôi luôn cởi mở. Khi biết tôi muốn nghe ông kể về những chiến công năm xưa, người lính già nói: “Báo chí họ viết về tôi nhiều, nhưng còn có những chi tiết chưa đúng như:Ngắm bắn qua nòng là một phương pháp bắn của pháo binh, không phải là sáng kiến của tôi.  Đại đội 755 lên chiếm lĩnh đồi E1, không phải để phòng ngự, mà là để dễ dàng tiêu diệt pháo địch và chi viện cho bộ binh ta. Không phải chỉ một mình tôi tiêu diệt cả 4 khẩu pháo 105 của địch... ” Thế rồi ông đã cho tôi được trở về những ngày tháng cách đây 60 năm về trước.

 Vẫn bằng nụ cười hiền hiền đôn hậu, ông, bà niềm nở mời tôi vào nhà

Phùng Văn Khầu sinh năm 1930, dân tộc Nùng, quê ở xã Đức Hùng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Bố mẹ anh chết sớm. Năm lên 8 tuổi anh đã phải đi ở để kiếm ăn. Cách mạng tháng Tám thành công, cuộc đời đi ở của anh được giải phóng. Năm 1946 (16 tuổi), Phùng Văn Khẩu tham gia hoạt động ở địa phương, khi làm chiến sĩ liên lạc, khi làm chiến sĩ công an, nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc. Tháng 12 năm 1949, anh xung phong vào bộ đội. Từ đó đến năm 1954, anh đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, đánh hàng chục trận. Chiến dịch nào, trận đánh nào anh cũng tỏ ra dũng cảm, mưu trí, khênh pháo vận động giỏi, chuyển đạn, thao tác pháo nhanh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh là Khẩu đội trưởng, thuộc đại đội 755, trung đoàn 675. Khi chiến dịch mở màn đại đội 755 của anh làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương đóng ở Đồn Phàng (Phú Thọ). Hết đợt một chiến dịch, khi ta đã tiêu diệt được Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, trên nhận định địch không có khả năng đánh ra hậu phương ta nữa. Ngày 18 tháng 3 đại đội 755 được lệnh lên Điện Biên Phủ tham gia chiến đấu. Đại đội biên chế 280 người, nhưng chỉ có 7 ô tô, nên khi hành quân chỉ lấy 42 người. Ngày 24 đến đồi Him Lam. Từ đây, để mang vác pháo qua 2,5km giao thông hào mà các đồng đội đã đào từ trước, 42 chiến sĩ phải làm công việc của 280 người để đưa pháo vào trận địa.
Chiều 30-3-1954, khẩu đội của anh được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch, chi viện cho bộ binh mở cửa vào đánh chiếm đồi E1. Cấp trên cho phép bắn 30 viên, nếu còn thừa đạn thì sẽ khen thưởng, bắn quá phải chịu kỷ luật. “Nhận lệnh xong, tôi lo lắm! Ngắm bắn quả đầu tiên vào lỗ châu mai của lô cốt địch bị trượt, đạn rơi cách khoảng 10m. Tôi nhìn lại qua nòng pháo, đề nghị tăng thước tầm và thay đổi điểm ngắm. Phát bắn thứ 2, đạn chui thẳng vào lỗ châu mai. Rút kinh nghiệm phát bắn đó, tôi và khẩu đội đã bắn liền 20 phát trúng mục tiêu bằng phương pháp ngắm bắn qua nòng pháo, đánh sập cả 4 lô cốt, giúp bộ binh tràn lên chiếm gọn đồi E1 ngay trong ngày 30 tháng 3. Trận đó, chúng tôi tiết kiệm được 8 viên đạn. Sau trận đánh, khẩu đội được biểu dương. Anh em ai cũng phấn chấn, 2 ngày sau, tôi được Bác Hồi gửi tặng huy hiệu của Bác. Mừng lắm, tôi đeo ngay lên ngực và đeo chiếc huy hiệu đó suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Ngày 31 tháng 8 năm 1955 đoàn anh hùng Pháo binh (từ trái qua phải: Anh hùng Bùi Đình Cư; Thiếu tướng Lê Thiết Hùng; Anh hùng Phùng Văn Khầu)
 
Ngày hôm sau 31-3-1954, địch phản công hòng chiếm lại đồi E1 nhưng chúng đã thất bại. Lợi dụng trời tối, đêm mồng 1 và đêm mồng 2-4-1954, đại đội 755 đã đưa 3 khẩu pháo lên đồi E1, chiếm giữ điểm cao để yểm trợ các mũi tấn công của bộ binh. Sau khi xây dựng công sự, hầm pháo, 2 khẩu đội kia được lệnh ngụy trang kỹ, không lộ diện, khẩu đội của anh Phùng Văn Khầu hàng ngày bắn thăm dò xuống khu vực trung tâm của địch để tìm xem hỏa điểm địch bố trí ở chỗ nào. Quân địch phản pháo lên, nên từ ngày mồng 5 đến ngày 17-4-1954, khẩu đội của anh đã bị thương 5 người, chỉ còn 4 pháo thủ.

Tạm biệt vợ và hai con gái vào Nam chiến đấu (1965)

Ngày 23-4-1954, bộ binh ta đã cắt đứt sân bay mường thanh, địch phản công hòng chiếm lại, lúc này ta đã phát hiện 4 khẩu pháo 105 của địch ở điểm 507, cách đồi E1 chỉ có 250m. Nhiệm vụ của 3 khẩu sơn pháo 75 trên đồi E1 là tiêu diệt 4 khẩu pháo 105 của địch bố chí ở điểm 507 đang bắn vào bộ binh ta ở sân bay Mường Thanh. Khi ta khai hỏa, thì địch dùng pháo trên xe tăng ở khu trung tâm và pháo 105 bắn vào trận địa sơn pháo 75 của ta. Sau khoảng hơn 10 phút, 2 khẩu pháo dự phòng của ta bị đánh sập, 18 đồng chí hy sinh và bị thương. Cả đại đội, còn mỗi khẩu đội của anh Phùng Văn Khầu là chiến đấu được. Bằng phương pháp ngắm bắn trực tiếp qua nòng, các anh đã tiêu diệt được 2 khẩu pháo của địch. Lúc này địch bắn lên rất mạnh, làm một đồng chí hy sinh và một bị thương. Đồng chí Lý Văn Pao đưa đồng đội bị thương về tuyến sau. Một mình với khẩu pháo, xót thương đồng đội anh đã khóc. Thế nhưng, đang khóc tự nhiên nhìn xuống ngực đeo huy hiệu của Bác Hồ. Nhớ lời kêu gọi của Bác "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm", nghĩ trong tay có khẩu sơn pháo, tại sao không làm được. Vậy là một mình anh  ngắm bắn và đã tiêu diệt khẩu pháo 105 thứ 3 của địch, nhưng anh cũng bị sức ép của pháo địch và ngất đi. Khi đồng đội Lý Văn Pao trở lại anh và Pao đã diệt được khẩu pháo 105 thứ tư, nhưng rồi anh Pao cũng bị thương vào chân không chiến đấu được.
Sau ngày hôm đó, gọi là cả Đại đội pháo 755 chiếm giữ đồi E1, nhưng thực ra chỉ còn 1 khẩu pháo và 4 người là: Đại đội trưởng, Chính trị viên, liên lạc và Khẩu đội trưởng Phùng Văn Khầu. Nhưng với quyết tâm và lòng dũng cảm, các anh đã chiến đấu chi viện cho bộ binh ta đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 7-5-1954. Tính tổng cộng trong thời gian chiếm lĩnh đồi E1, với khẩu sơn pháo 75, Phùng Văn Khầu và đồng đội đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi.

Bảo vệ quê hương Cao Bằng năm 1979

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc. Tháng 5 năm 1955, ông được Quân đội cử đi dự Liên hoan Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 5 tại Vacsava (thủ đô Ba Lan). Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Phùng Văn Khầu được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những năm tiếp theo, ông được đi học văn hoá rồi trở thành sĩ quan quân đội, tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt chống Mỹ cứu nước tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tà Cơn, Đường 9 nam Lào, Mậu Thân 68, biên giới phía bắc 1979.


Anh hùng Phùng Văn Khầu cùng vợ ông, bà Hà Thị Cay bên khẩu Sơn pháo 75 

Cuộc chiến xưa đã lùi vào dĩ vãng. Khẩu pháo của đơn vị ông năm xưa trút lửa đạn xuống đầu thù giờ đây đang nằm ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Khẩu pháo như một minh chứng nhắc nhở con cháu hôm nay và thế hệ mai sau giữ vững và phát huy truyền thống của những người đi trước. 60 năm trôi qua, khi đất nước đã hòa bình, ký ức ấy lại là bài học sống động, có ý nghĩa sâu sắc để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay./.

PDT