KHÓA CHẶT SÂN BAY BIÊN HÒA VÀ SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

Pháo binh Việt Nam trong Đại thắng mùa Xuân 1975 thể hiện rõ nét qua từng chiến dịch, trận đánh cụ thể. Chiến dịch trước tạo điều kiện cho chiến dịch sau, chiến dịch sau phát huy thắng lợi của chiến dịch trước.
Pháo binh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Đòn điểm trúng huyệt ở Buôn Ma Thuột và giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên làm cho địch hoang mang cao độ; buộc địch phải rút chạy khỏi Quảng Trị để tập trung quân cố thủ phòng tuyến Huế-Đà Nẵng. Thế và thời cơ đã đến, ta quyết định mở chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng. Đến ngày 25/3/1975, ta làm chủ Huế và Đà Nẵng sau đó giải phóng hoàn toàn miền Trung Trung Bộ, phá vỡ âm mưu co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho đòn chiến lược cuối cùng.
Giờ đây, Biên Hòa là vị trí chiến lược số 1 của địch. Biên Hòa còn là nơi đặt bản doanh Bộ tư lệnh Quân đoàn III và Vùng III Chiến Thuật, đầu não của bộ máy quân sự miền Đông ngụy. Biên Hòa là cửa ngõ quan trọng bậc nhất ở phía Bắc Sài Gòn. Đế quốc Mỹ đã xây dựng sân bay Biên Hòa là căn cứ không quân lớn chỉ sau sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngay khi quân ta mở cuộc tiến công vào thị xã Xuân Lộc, Bộ chỉ huy Miền đã chỉ thị cho đoàn 75 đưa pháo 130 vào Hiếu Liêm để bắn phá sân bay Biên Hòa, không cho địch huy động máy bay hỗ trợ hỏa lực cho mặt trận Xuân Lộc. Pháo M-46 130 mm là loại pháo hạng nặng có tầm bắn 27,5km, đây là pháo bắn xa nhất của quân đội ta lúc bấy giờ. Đại đội 26 pháo 130mm, một đơn vị đã từng trụ bám dài ngày ở Vĩnh Linh những năm 1967-1968, ở Cánh Đồng Chum 1971 và tháng 1-1975 đã tham gia tiến công giải phóng thị xã Phước Long, nay nhận nhiệm vụ đánh phá sân bay Biên Hòa.
Đúng 19 giờ ngày 9-4-1975, đại đội được lệnh hành quân trong 3 đêm trên con đường quân sự làm gấp dài 130km. 17 giờ ngày 14-4-1975, đại đội bắn loạt đạn đầu tiên vào các mục tiêu ở sân bay. Bị pháo 130 xuất hiện bất ngờ, bọn địch bàng hoàng sửng sốt. Thế rồi cả Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vốn đã mất tinh thần lại càng sa sút hơn khi mà sáng ngày 15 tháng 4 năm1975, đài phát thanh BBC loan tin: “Chiều 14 tháng 4 phi trường Biên Hòa bị pháo kích. Một kho đạn nổ tung. Ở trung tâm Sài Gòn cách Biên Hòa trên 20km vẫn nghe rõ tiếng đạn nổ...”. Sau đó chúng phải cho di tản 58 máy bay đi các nơi. Máy bay A37 về sân bay Cần Thơ, máy bay F5E về sân bay Tân Sơn Nhất.
Địch dùng các trận địa pháo ở Đại An, Tân Uyên, Dốc Ông Hoàng bắn trả vào trận địa pháo ta. Để giữ bí mật trận địa, lúc đầu ta chỉ bắn ban đêm nên chúng vẫn tiếp tục dựa vào đường băng bay đi đánh phá đội hình chiến đấu của bộ đội ta. Mặc cho máy bay địch ném bom và pháo binh địch phản pháo, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 26 đã kiên cường bám trụ và nghiên cứu cách đánh liên tục cả ngày lẫn đêm với phương pháp bắn giám thị và sử dụng linh hoạt từ đơn pháo đến trung đội và đại đội. Từ ngày 17-4-1975, đại đội chỉ bắn khi quan sát thấy máy bay địch chuẩn bị xuất kích. Thấy sân bay Biên Hòa liên tục bị đánh phá, bọn ngụy đã huy động đủ các loại máy bay, ném đủ các loại bom và tập trung nhiều trận địa pháo ở xung quanh đánh trả với cường độ ngày càng tăng. Quân đội Sài Gòn đã không tiếc bom tiếc đạn song không sao xóa nổi Đại đội 26 kiên cường.
Những ngày trụ bám ở rừng Hiếu Liêm, Đại đội 26 không chỉ chống chọi với bom đạn địch mà còn phải chịu đựng nhiều gian nan, thiếu thốn. Quanh khu vực trận địa chỉ có một vũng nước nhỏ, đêm đêm anh em phải thay nhau thức, gạn từng xô nước mang về cho anh nuôi đun nấu. Ngày qua ngày cả đơn vị đều “tắm khan”. Các pháo thủ tóc cháy xém đỏ quạnh, mặt mũi đen sạm, trừ đôi mắt vẫn sáng rực.
Liên tục 12 ngày đêm, từ 14 đến 26-4-1975, Đại đội 26 đã phá hủy và làm hỏng nhiều máy bay. Đặc biệt, lúc 15 giờ 30 phút, ngày 22-4-1975, Đại đội 26 đã bắn trúng kho bom, gây nổ cháy kéo dài đến sáng hôm sau. Đêm 25-4-1975, Sân bay Biên Hòa bị tê liệt do đạn pháo của đại đội bắn hỏng hoàn toàn đường băng. Địch phải di dời số máy bay còn lại về Sân bay Tân Sơn Nhất.
Lần đầu tiên chỉ với một đại đội pháo 130 bắn phá vào sân bay. Đại đội 26, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khóa chặt sân bay chiến lược Biên Hòa. Ngày 26-4-1975, ngày sân bay Biên Hòa của địch không thể hoạt động, đó cũng là ngày chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định,  chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu cũng bắt đầu mở màn.

Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. ảnh: Tư liệu
Sân bay Tân Sơn Nhất là chiếc cầu nối duy nhất với bên ngoài bằng đường không của Mỹ - ngụy. Bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất không những làm giảm bớt khả năng chiến đấu của không quân địch, chống phá kế hoạch di tản bằng đường không của chúng mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị và tinh thần đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước. Để đảm bảo yếu tố bất ngờ, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đưa pháo 130 vào Nhơn Trạch để bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tiểu đoàn 3 lữ đoàn 164 pháo binh Quân đoàn 2 là đơn vị đặc trách bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời các đại đội pháo phản lực ĐKB của đoàn đặc công 115, 117 cũng được giao nhiệm vụ phóng đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Đúng 3 giờ sáng ngày 28 tháng 4 năm 1975, những con “rồng lửa” vun vút bay vào sân bay Tân Sơn Nhất. Phrăng Xnét nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ đã viết lại nỗi khiếp sợ của Mỹ ngụy: “Tiếng nổ đầu tiên làm tôi giật mình nhảy ra khỏi giường. Tiếng nổ thứ hai như phá vỡ không gian, luc đó tôi đã bò trên sàn nhà mò mẫm trong bóng tối, sau đó mới nhắc điện thoại gọi cho sứ quán. Sĩ quan trực ban ở đầu giây đằng kia nói: Rất nhiều tên lửa bắn vào Tân Sơn Nhất, vào Sài Gòn. Tên lửa đã rơi vào sân của cơ quan DAO. Hai hạ sĩ Mắc-ma-hôm và Giớt trúng đạn ở trạm gác, chết tại chỗ... Tiếng nổ râm ran như muốn lật nhào căn phòng tôi đang ở. Tôi vọt ra ngoài phòng. Ra đến cửa tất cả một khoảng trời phía Tân Sơn Nhất ửng đỏ lên, chẳng khác một cơn giông lửa gặp gió và cứ năm giây đồng hồ lại có một tia chớp lóe, tiếp theo là một tiếng nổ rung cả mặt đất. Bất chợt có người nào đó dùng máy thu thanh FM bắt được tần số riêng của đai sứ quán. Qua máy chúng tôi nghe được giọng xúc động của người đó từ văn phòng tùy viên quốc phòng (DAO) ở ngoài Tân Sơn Nhất: “Đạn nổ khắp xung quanh. Ở đây mọi cái đều bốc lửa cả. Trên dưới 30 trái rốc két đã rơi xuống đường băng sân bay và các kho đạn dược...”.
Vì bộ binh ta đánh chưa dứt điểm và vì vào Nhơn Trạch phải qua phà, nên Tiểu đoàn 3 pháo 130 quyết định đặt trận địa giữa hai ấp Long Tân và Phú Thạnh. Đúng 4 giờ 30 sáng ngày 29 tháng 4 pháo 130 của ta bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 cùng với các đơn vị pháo Đ.74, 155, 105 của Quân đoàn 3. Các trận địa pháo của Trung đoàn 675, Trung đoàn 40 di chuyển lên thị trấn Hóc Môn cùng bắn. Các mục tiêu tiến công lúc này không chỉ là  đường băng, khu vực đậu máy bay mà còn là những hang ổ của bọn chỉ huy quân ngụy ở Tân Sơn Nhất như Bộ tư lệnh không quân, Bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân...
  Đây là trân đầu tiên và cũng là trận duy nhất căn cứ không quân số 1 của Mỹ-ngụy bị đánh phá mạnh mẽ, dồn dập. Từ sáng ngày 28 đến trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 pháo ta đã bắn tới 1224 viên đạn các loại vào chiếc cầu nối duy nhất với bên ngoài bằng đường không của chế độ Sài Gòn, khiến nó hoàn toàn bị tê lệt.
Tiếng pháo nổ ở sân bay Tân Sơn Nhất đã làm rung chuyển cả đường phố Sài Gòn và gây rối loạn ở Bộ Tổng tham mưu ngụy, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh, xe tăng ta thừa thắng xung phong đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu. 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ bách chiến, bách thắng của Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của quân và dân ta.

Phạm Duy Trưởng

-----------------------------------


8 giờ sáng 30 tháng 4 - 1975 . Tổng thống Dương Văn Minh và Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa hạ lệnh đơn phương ngừng chiến sẵn sàng đón quân đối phương vào Sài Gòn để bàn giao chính quyền.Theo phía Việt Nam dân chủ cộng hòa, lệnh này không còn tác dụng do phần lớn quân lực Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã tan rã, phần nhiều ra hàng hoặc vứt bỏ vũ khí về với gia đình. Do đó khi Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn hầu hết chỉ gặp những ổ kháng cự nhỏ lẻ, thiếu tổ chức
9 giờ sáng cùng ngày, đúng 1 tiếng đồng hồ sau khi chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời nóc tòa Đại Sứ quán, tướng Trần Văn Trà lệnh cho quân Giải Phóng tiến vào Sài Gòn từ năm hướng. Họ đã tiến nhanh mà không gặp kháng cự có tổ chức.
10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập và bị kẹt tại đó. Bùi Quang Thận - Đại đội trưởng, chỉ huy xe 843 - nhảy xuống xe, cầm cờ chạy bộ vào. Xe tăng 390 dưới quyền chỉ huy của Vũ Đăng Toàn húc tung cánh cửa chính của dinh.
11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên.
Cùng lúc này, đại úy trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 và biệt động thành Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập bắt Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa là ông Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính quyền Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với quân đội cách mạng (tức quân Giải phóng miền Nam Việt Nam).
Khoảng 12 giờ trưa, đại úy Phạm Xuân Thệ đưa tổng thống Dương Văn Minh, thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên xe Jeep để đến đài phát thanh. Chiếc xe thứ hai chở trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng cùng hai nhà báo Borries Gallasch (người Đức, báo Der Spiegel) và Hà Huy Đỉnh. Tại đài phát thanh, tổng thống Dương Văn Minh đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thay mặt các đơn vị Quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận đầu hàng. Chiến tranh kết thúc.
Theo Jean Louis Margolin, tác giả này xác nhận là không có giết chóc trong ngày quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn 
một số quan chức Việt Nam Cộng hòa đã cộng tác với chính phủ Cách mạng lâm thời và được giữ chức vụ trong chính phủ mới như Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh... Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, nhiều cựu binh sĩ VNCH đã được QĐNDVN gọi tái ngũ để giúp vận hành các loại vũ khí thu được của Mỹ.
• Sau ngày 30/4/1975 lãnh thổ Việt Nam đã được thống nhất . Thực hiện quyết định của Hội nghị Hiệp thương chính trị của đại biểu Miền Bắc và Miền Nam họp ở Sài Gòn tháng 11 năm 1975, ngày 25 tháng 4 năm 1976 toàn quốc tiến hành tổng tuyển cử bầu quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội thống nhất họp tại Hà Nội từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976 đã quyết định tên nước là: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đã bầu các thành viên của cơ quan chính quyền nhà nước. Việt Nam đã bước ra khỏi chiến tranh và thực sự trở thành một quốc gia thống nhất.
-----------------------------------
Video: Ngày 30 tháng 4 năm 1975:

 


Video xe tăng 843 và 390 tiến vào dinh Độc Lập: